Từ Barrett Thực Quản Tới Ung Thư Thực Quản: Những điều Cần Biết

  • Đối tác Hot
  • RSS
  • Đăng ký
  • Đăng nhập
Bcare.vn
  • Bệnh viện
  • Phòng khám
  • Bác sĩ
  • Gói khám
  • Tin sức khoẻ
    • Thông Tin Sức Khỏe
    • Cẩm nang tiêm chủng
  • Tra cứu
    • Tra cứu bệnh
    • Tra cứu thuốc
    • Tra cứu từ điển y khoa
    • Tra cứu phẫu thuật
    • Tra cứu xét nghiệm y khoa
    • Tra cứu thảo dược
  • Đối tác Hot
  • RSS
Đăng nhập
  1. Trang chủ
  2. Thông Tin Sức Khỏe
  3. Từ Barrett thực quản tới ung thư thực quản: Những điều cần biết

Mục lục:

  • Nội dung chính
  • Bài viết liên quan
Từ Barrett thực quản tới ung thư thực quản: Những điều cần biết Barrett thực quản là một bệnh lý của hệ tiêu hóa xảy ra khi các tế bào ở lớp lót trong thực quản trở nên bất thường, nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản. Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Barrett thực quản là gì?

Khi mắc bệnh Barrett thực quản, các tế bào trong thực quản (ống nối từ miệng đến dạ dày) được thay thế bằng các tế bào tương tự như niêm mạc ruột.

Bệnh này thường được chẩn đoán ở những người liên tục mắc chứng trào ngược dạ dày - thực quản (GERD). Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ những bệnh nhân GERD sẽ mắc Barrett thực quản.

Barrett thực quản có liên quan đến việc tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư thực quản. Mặc dù rủi ro này là tương đối nhỏ, nhưng bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra thường xuyên sự xuất hiện của các tế bào tiền ung thư. Nếu các tế bào tiền ung thư được phát hiện sớm thì có thể được điều trị kịp thời để ngăn ngừa ung thư thực quản.

Từ Barrett thực quản tới ung thư thực quản: Những điều cần biết - ảnh 1Barrett thực quản làm gia tăng nguy cơ bị ung thư thực quản

2. Triệu chứng Barrett thực quản

Sự thay đổi của các tế bào trong lớp lót thực quản thường không gây ra triệu chứng. Thay vào đó, triệu chứng Barrett thực quản mà bệnh nhân gặp phải chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản, bao gồm:

  • Chứng ợ nóng thường xuyên;
  • Khó nuốt thức ăn;
  • Đau tức ngực (ít gặp).

Nhiều người bị Barrett thực quản không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

3. Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu bệnh nhân nhận thấy khó chịu với chứng ợ nóng và trào ngược axit dạ dày trong hơn 5 năm, hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản.Hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy triệu chứng:

  • Đau tức ngực, có thể là triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim;
  • Khó nuốt;
  • Nôn ra máu hoặc chất lỏng trông giống như bã cà phê;
  • Đi ngoài phân đen hoặc có lẫn máu.

4. Nguyên nhân gây ra Barrett thực quản

Nguyên nhân chính xác của Barrett thực quản chưa được biết đến. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, hầu hết những người mắc bệnh đều có triệu chứng trào ngược axit dạ dày mãn tính.

Axit trào từ dạ dày ngược vào thực quản, dẫn đến tổn thương mô thực quản. Khi thực quản cố gắng tự chữa lành vết thương, các tế bào tại lớp lót có thể đã thay đổi tính chất và cấu trúc của nó và gây ra triệu chứng Barrett thực quản.

Mặc dù vậy, một số bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng Barrett thực quản nhưng lại không bị ợ nóng hoặc trào ngược axit.

5. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản bao gồm:

  • Chứng ợ nóng mãn tính và trào ngược axit: Bệnh nhân GERD không thuyên giảm khi dùng thuốc hoặc phải dùng thuốc thường xuyên sẽ có nguy cơ cao mắc Barrett thực quản;
  • Tuổi cao: Barrett thực quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi;
  • Giới tính nam: Thống kê cho thấy nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh hơn so với nữ;
  • Là người da trắng: Những người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người thuộc chủng tộc khác;
  • Thừa cân: Mỡ thừa quanh bụng làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh;
  • Có thói quen hút thuốc lá.
Từ Barrett thực quản tới ung thư thực quản: Những điều cần biết - ảnh 2Thường xuyên ợ nóng và bị trào ngược axit dạ dày - thực quản có nguy cơ cao mắc Barret thực quản

6. Biến chứng của Barrett thực quản

Những bệnh nhân Barrett thực quản có nguy cơ mắc Ung thư thực quản cao hơn so với người thường. Tuy nhiên, nguy cơ nói chung vẫn là con số nhỏ, ngay cả ở những người đã phát hiện tế bào tiền ung thư trong thực quản của họ.

7. Chẩn đoán bệnh

7.1. Phương pháp chẩn đoán

Nội soi là phương pháp thường được sử dụng để xác định bệnh nhân có bị Barrett thực quản không.

Một ống nhỏ gắn với một camera chiếu sáng được đưa qua cổ họng của người bệnh để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng Barrett thực quản. Mô thực quản bình thường trông nhạt và bóng loáng. Trong khi đó, bệnh nhân bị Barrett thực quản thì phần mô tại cơ quan này có màu đỏ sẫm.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ lấy ra một phần mô (sinh thiết) để kiểm tra và xác định mức độ thay đổi.

7.2. Xác định mức độ thay đổi của mô

Một bác sĩ thực hiện kiểm tra mô trong phòng thí nghiệm (nghiên cứu bệnh học) xác định mức độ loạn sản trong mẫu tế bào thực quản của bệnh nhân. Việc chẩn đoán loạn sản ở thực quản thường gặp nhiều khó khăn, do đó tốt nhất nên có hai bác sĩ, trong đó ít nhất một người chuyên về bệnh lý tiêu hóa, đồng ý với kết luận chẩn đoán sau cùng. Theo đó, các kết luận có thể là:

  • Không có loạn sản: Nếu bệnh nhân bị Barrett thực quản nhưng phát hiện thấy dấu hiệu tiền ung thư;
  • Loạn sản cấp độ thấp: Nếu phát hiện một số tế bào có dấu hiệu tiền ung thư (mức độ nhẹ).
  • Loạn sản nghiêm trọng: Nếu các tế bào có dấu hiệu bất thường lớn liên quan đến ung thư thực quản. Hiện tượng loạn sản nghiêm trọng được cho là bước cuối cùng trước khi chuyển thành ung thư thực quản.

7.3. Sàng lọc Barrett thực quản

Sàng lọc nguy cơ mắc bệnh thường được khuyến nghị cho nam giới có triệu chứng GERD ít nhất mỗi tuần, không đáp ứng với điều trị bằng thuốc (nhóm ức chế bơm proton) và có ít nhất hai yếu tố nguy cơ khác, bao gồm:

  • Trên 50 tuổi;
  • Là người da trắng;
  • Có nhiều mỡ bụng;
  • Là người có thói quen hút thuốc;
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh Barrett thực quản hoặc ung thư thực quản.

Mặc dù phụ nữ là đối tượng ít có khả năng bị Barrett thực quản nhưng vẫn nên thực hiện kiểm tra nếu có triệu chứng trào ngược axit khó kiểm soát hoặc có các yếu tố nguy cơ khác đối với Barrett thực quản.

8. Điều trị Barrett thực quản

Điều trị cho bệnh nhân Barrett thực quản phụ thuộc vào mức độ bất thường của tế bào trong thực quản và tình hình sức khỏe tổng thể của người bệnh.

8.1. Trường hợp không loạn sản

Chỉ định điều trị có thể là:

  • Nội soi định kỳ để theo dõi và kiểm tra các tế bào trong thực quản. Nếu kết quả sinh thiết cho thấy không có loạn sản, bệnh nhân có thể sẽ được Nội soi theo dõi trong một năm sau đó và nếu không có thay đổi nào xảy ra thì thực hiện lại sau 3 năm;
  • Điều trị GERD: Sử dụng thuốc và thay đổi lối sống có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân. Phẫu thuật cũng có thể là một lựa chọn. Điều trị GERD không thể giải quyết bệnh Barrett thực quản tiềm ẩn và không làm giảm nguy cơ ung thư thực quản, nhưng giúp bác sĩ phát hiện chứng loạn sản dễ dàng hơn.

8.2. Loạn sản cấp thấp

Đối với chứng loạn sản cấp độ thấp, bác sĩ có thể đề nghị tái Nội soi trong vòng 6 tháng, kèm theo đó là theo dõi bổ sung sau mỗi 6 - 12 tháng.

Tuy nhiên, với bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư thực quản, các phương pháp điều trị ưu tiên bao gồm:

  • Mổ nội soi: Sử dụng thiết bị nội soi để loại bỏ các tế bào bất thường;
  • Đốt tế bào bất thường bằng sóng cao tần: Sử dụng nhiệt để loại bỏ mô thực quản bất thường. Phương pháp có thể được khuyến nghị sau khi thực hiện mổ nội soi.

8.3. Loạn sản nghiêm trọng

Chứng loạn sản nghiêm trọng được cho là tiền thân của ung thư thực quản. Vì lý do này, bác sĩ có thể đề nghị mổ nội soi hoặc đốt tế bào bằng sóng cao tần. Các lựa chọn điều trị khác bao gồm:

  • Liệu pháp lạnh: Sử dụng thiết bị nội soi để truyền chất lỏng hoặc luồng khí lạnh đến các tế bào bất thường trong thực quản. Các tế bào này có thể được để ấm trở lại và sau đó thực hiện đông lạnh một lần nữa. Chu kỳ đông lạnh và rã đông sẽ làm hỏng các tế bào bất thường;
  • Liệu pháp quang động: Làm phá hủy các tế bào bất thường bằng năng lượng ánh sáng;
  • Phẫu thuật thực quản: Loại bỏ phần thực quản tổn thương, phần còn lại được nối vào dạ dày của bệnh nhân.

Tái phát Barrett thực quản đôi khi xảy ra sau khi điều trị. Vì vậy, bác sĩ thường sẽ đề nghị bệnh nhân định kỳ kiểm tra theo dõi.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

  Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy Đã kiểm duyệt nội dung Chủ đề: Trào ngược dạ dày Ung Thư Thực Quản tiêu hóa thực quản barrett thực quản loạn sản Các bài viết liên quan
  • Sự khác nhau giữa trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản
  • Barrett thực quản: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Từ khóa » Giải Phẫu Barrett Thực Quản