Từ điển Tiếng Việt "nguồn Lợi Cá Biển Việt Nam" - Là Gì?

do các đặc điểm địa hình, khí hậu, hải lưu, khu hệ cá biển của Việt Nam khá đa dạng. Đã xác định được khoảng 1.700 loài cá (đã công bố 1.647 loài), thuộc trên 200 họ, trong đó có khoảng 100 loài cá kinh tế, 50 loài có giá trị kinh tế cao. Đa số các loài (68%) mang tính sinh thái của cá ven bờ, số còn lại (32%) mang tính sinh thái của cá đại dương. Trữ lượng ước tính khoảng 3 triệu tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn/năm. Tính hợp đàn của cá không cao (đàn nhỏ chiếm 84%, đàn vừa 15%, đàn lớn 0,7%, đàn rất lớn chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số đàn quan sát được), do vậy nguồn lợi cá mang tính phân tán, tản mạn. Chu kì sống của cá ở biển Việt Nam tương đối ngắn, thường chỉ 3 - 4 năm (cá kinh tế vùng gần bờ chủ yếu 1 - 2 tuổi, xa bờ 4 - 5 tuổi); ít loài tuổi thọ cao (cá hồng 8 năm, cá nục, cá mối 7 năm). Tốc độ sinh trưởng năm đầu khá cao (nhìn chung, cá đạt kích thước 100 - 200 mm trong năm đầu), giảm đi ở năm thứ hai và giảm rõ rệt ở các năm sau. Kích thước cá khai thác được thường nhỏ (đa số 100 - 200 mm), lớn nhất chỉ đạt trên dưới 780 mm. Đặc tính sinh sản thể hiện tính nhiệt đới điển hình, nhiều loài đẻ quanh năm. Mùa đẻ chính của đa số các loài tập trung tháng 4 - 6. Cá đẻ thành nhiều đợt. Các bãi đẻ phân bố ở vùng nước nông ven bờ và eo vịnh, chủ yếu ở ven biển Cát Bà, Nga Sơn, Hòn Mê, Bạch Long Vĩ, phía đông nam Côn Sơn và dọc bờ biển Phan Thiết đến Cà Mau. Một số loài cá nổi đại dương (vd. cá ngừ, cá chuồn, vv.) có vùng đẻ tập trung ở vịnh Bắc Bộ, phía nam đảo Hải Nam và ven biển Miền Trung. Phần lớn cá thành thục sinh dục ở 1 tuổi. Khả năng sinh sản mạnh, nguồn lợi được bổ sung nhanh. Hầu hết là loài ăn tạp, có phổ thức ăn rộng. Cá tầng trên và tầng đáy thường sống lẫn lộn, trong thành phần thức ăn thường thấy cả sinh vật đáy lẫn sinh vật nổi. Cường độ dinh dưỡng ít biến động trong năm, ăn mồi cả trong thời kì sinh sản.

Trên cơ sở đặc điểm địa hình, điều kiện vật lí hải dương và khu hệ sinh vật, có thể chia vùng biển Việt Nam thành 4 khu vực khai thác các biển chính: vịnh Bắc Bộ, biển Miền Trung, biển Miền Đông Nam Bộ và vịnh Thái Lan. Khu hệ cá chính của vịnh Bắc Bộ là các loài ven bờ, không di cư ra khỏi vịnh. Đoàn khảo sát Việt - Xô (1981 - 85) đã xác định được ở đây có 961 loài cá, trong đó có 60 loài cá kinh tế, thuộc 4 nhóm sinh thái chính: nhóm cá tầng trên (trích, lẹp, thu, khế, chim trắng, chim đen, vv.), nhóm cá đáy (cá đuối, bơn, bống biển, vv.) và nhóm cá san hô (cá bướm, mú, nóc, vv.).

Biển Miền Trung có thềm lục địa hẹp, đáy dốc, đường đẳng sâu 200 m nằm gần bờ. Đoàn khảo sát Việt - Xô đã đánh bắt được ở đây 177 loài cá, thuộc 81 họ, chủ yếu là cá nổi (cá ven bờ và cá đại dương) và cá tầng giữa; sản lượng cao có các loài cá mú, cá hố, cá thu hố, cá mối.

Biển Miền Đông Nam Bộ có thềm lục địa rộng, tiềm năng khai thác lớn, nhiều bãi cá chất lượng tốt, sản lượng cao. Đoàn khảo sát Việt - Xô đã bắt được ở đây 369 loài cá thuộc 105 họ, có sản lượng cao hơn cả là cá mối, cá nục, cá trác, cá khế, vv.

Vịnh Thái Lan có đáy nông, bằng phẳng. Đoàn khảo sát Việt - Xô đã đánh bắt được 271 loài cá, thuộc 71 họ, sản lượng cao hơn cả là cá liệt, cá khế. Ngoài ra, còn phát hiện được 4 bãi cá trên các gò nổi vùng biển sâu ngoài khơi Việt Nam với trữ lượng cá đáng kể. Nguồn lợi cá biển của các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng rất phong phú nhưng chưa được nghiên cứu kĩ. Biến động trong sự phân bố cá trong từng khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa đông bắc và tây nam. Ngoài ra, cá còn nhiều biến động theo quy luật ngày đêm: ban ngày, tập trung thành đàn nhiều hơn ban đêm, sản lượng khai thác ban ngày cao hơn ban đêm 18 - 28%. Phần lớn các loài cá kinh tế chính ở biển Việt Nam đều là cá định cư (địa phương), chúng di cư gần (từ bờ ra khơi và ngược lại) chỉ để kiếm mồi hoặc đi đẻ. Các loài cá mang tính đại dương (thu, ngừ, chuồn, vv.) di cư xa hơn, thường dọc bờ biển theo tuyến bắc nam, biến động theo mùa.

Từ khóa » Cá Biển ở Việt Nam