Tư Duy độc Lập, Sáng Tạo Của Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn

(TUAG)- ​Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07/4/1907, tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Là người sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, đồng chí Lê Duẩn gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm của đồng chí gắn liền với quá trình cách mạng Việt Nam từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội.

TBT-Le-Duan-115.jpg

Một trong những đặc điểm nổi bật ở đồng chí Lê Duẩn là tư duy độc lập, sáng tạo, đặc biệt là trong những tình huống phức tạp, trước những bước ngoặt của lịch sử.

Năm 1939, khi được giao trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1939). Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: Từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và bất hợp pháp “bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc".

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trên cương vị Phó bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, đó là: Trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia ruộng đất cho nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh to lớn của Mặt trận thống nhất, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước, từ đây, quân và dân Nam Bộ đã anh dũng kháng chiến, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch đánh chiếm Nam Bộ, tách Nam Bộ khỏi Việt Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở vào thời điểm lịch sử đầy cam go và nặng nề, cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự với bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Đảng về phong trào cách mạng ở miền Nam. Đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã khởi thảo bản văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam”. Trong Đề cương, đồng chí Lê Duẩn phân tích chính xác âm mưu, thủ đoạn và khả năng của Mỹ - Ngụy; thái độ của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; phân tích tình hình chính trị, kinh tế, xã hội miền Nam... Trên cơ sở đó, đồng chí xác định đối tượng của cách mạng miền Nam là đế quốc và phong kiến, kẻ thù cụ thể và trước mắt của cách mạng miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược, địa chủ phong kiến, tư sản mại bản phản động, tay sai của đế quốc Mỹ. Lần đầu tiên, đồng chí gọi đúng bản chất của chính quyền Ngô Đình Diệm là “con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới”. Việc xác định đúng tính chất xã hội miền Nam, xác định đúng kẻ thù của cách mạng ở thời điểm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tư duy sắc sảo và nhãn quan chính trị sáng suốt của đồng chí Lê Duẩn. Từ bản đề cương này, hàng loạt phong trào đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam nổ ra, dọn đường cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công và giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại.

Đánh giá về cống hiến và tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Suốt hai mươi năm chống Mỹ, có thể nói, trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi của tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của anh Ba”.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng, đó là: Việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội; sự đảm bảo vững chắc về chính trị và an ninh quốc phòng; những thành tựu về văn hóa, đạo đức, cùng quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Sự sáng suốt của đồng chí nổi bật ở chỗ, trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp của cách mạng, đồng chí đã cũng Bộ Tham mưu của Đảng tìm câu trả lời và vạch hướng đi đúng, đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong bài thơ "Nhớ về anh", nhà thơ Tố Hữu khái quát hóa trong mấy câu rất cô đọng về tư duy độc lập, sáng tạo ở đồng chí Lê Duẩn:

“Vẫn là anh...

Chân tình, bình dị,

Vượt khuôn sáo ngôn từ,

Vắt óc trầm tư,

Xóa lối mòn, đào sâu chân lý”.

Cho đến cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn không ngừng tìm tòi con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam. Có thể có những vấn đề do yếu tố khách quan và do hạn chế bởi điều kiện lịch sử cụ thể mà đồng chí chưa có kết luận đầy đủ, thỏa đáng, nhưng cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo từ cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt tình và sôi nổi, một lòng một dạ trung thành với lý tưởng, trung thành với Đảng, với dân tộc của anh Ba - tên gọi thân thương mà đồng bào, đồng chí dành cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - là tấm gương quý báu để chúng ta noi theo.

HÒA BÌNH

Từ khóa » Tông Bi Thu Le Duan