Tư Duy Mới Của Đảng Về Kinh Tế Tư Nhân
Có thể bạn quan tâm
Trong chiến tranh, chế độ kế hoạch hóa tập trung bao cấp, tập trung phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là cần thiết nhưng trong thời bình, việc không thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, không thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng nền kinh tế khép kín... lại là những sai lầm lớn dẫn đến khủng hoảng kinh tế từ cuối những năm 1970 của thế kỷ trước.
Trước những khó khăn đó, Đảng ta đã luôn tìm tòi, khám phá những chính sách kinh tế phù hợp để thoát khỏi sự khủng hoảng, không chỉ về kinh tế. Hội nghị Bộ Chính trị khoá V tháng 8/1986 được coi là bước đột phá thứ ba trước đổi mới: Xác định rõ cơ cấu kinh tế nhiều thành phần gồm “kinh tế quốc doanh”; “kinh tế tập thể”; kinh tế gia đình”; “tư bản tư doanh”; công tư hợp danh”; “tiểu sản xuất hàng hoá”; “tư bản tư nhân”;“kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc”(1).
Đại hội VI của Đảng năm 1986 với đường lối đổi mới toàn diện đất nước đã đáp yêu cầu bức thiết của yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội để đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội, xác định nhiệm vụ đổi mới và là vấn đề có ý nghĩa sống còn của cách mạng. Đảng thẳng thắn thừa nhận “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện... đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan” (2). Theo đó, trong đường lối kinh tế, Đảng đã đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, “coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ” (3).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991) là bước phát triển đặc biệt quan trọng đường lối đổi mới, đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định “Phát triển một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” (4). Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 2 (khóa VII), kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển, trong đó nhấn mạnh: “Bổ sung, sửa đổi thể chế nhằm bảo đảm cho kinh tế tư nhân được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định”(5).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, 6/1996 là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu những tiến bộ vượt bậc trong đường lối đổi mới của Đảng: đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đến 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Đại hội đã có chủ trương “tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài” với điểm nhấn là: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng, lâu dài” (6).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ. “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (7).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006) tiếp tục khẳng định “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” (8). “Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (9).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh” (10).
Vị thế của KTTN không chỉ được khẳng định trong các văn bản của Đảng mà còn được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp năm 2013:
“1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” (11).
Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) một lần nữa khẳng định vai trò của KTTN: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” (12).
Với chủ trương đúng đắn của Đảng, KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII tiếp tục đánh giá lại những ưu, khuyết điểm, phân tích sâu sắc nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân của những khuyết điểm và tiếp tục hoàn thiện quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển KTTN.
Như vậy, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tư duy mới của Đảng về KTTN là sự thừa nhận vị thế của KTTN ngày càng rõ hơn, chính xác hơn, xứng tầm hơn. Từ việc khẳng định nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ (Đại hội VI) song vẫn nhấn mạnh Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo (Đại hội VII) cho đến việc “cho phép” kinh tế tư nhân được phát huy không hạn chế (Nghị quyết Trung ương 2 khóa VII). Và, trước những đóng góp xứng đáng của KTTN, vị thế KTTN được khẳng định dứt khoát là quan trọng, lâu dài (Đại hội VIII). Từ chỗ coi kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân (Đại hội X) đến việc xác định KTTN đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế (Đại hội XI) rồi nay đã “sánh” với các thành phần kinh tế khác: KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế (Đại hội XII). Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 (khóa XII) còn tiếp tục khẳng định: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế.
Nét mới trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” còn được thể hiện trên một số nội dung sau:
Thứ nhất, về quan điểm chỉ đạo
- Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
- KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
- Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của KTTN, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
- KTTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
- Khuyến khích KTTN tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa KTTN với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp. Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân.
Thứ hai, về mục tiêu
Mục tiêu tổng quát là phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Mục tiêu cụ thể là chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực KTTN. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%; bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN 4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thứ ba, về giải pháp cụ thể:
1- Thống nhất nhận thức về phát triển KTTN, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển KTTN, phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của KTTN, đi đôi với khắc phục có hiệu quả những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển KTTN.
2- Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của KTTN theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực;
3- Hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động
4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho KTTN phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
5- Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.
Với những thành tựu trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn phát triển các thành phần kinh tế, trong đó xác định rõ vai trò của KTTN đang là nhân tố mới thúc đẩy các doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước tích cực đầu tư tiền của, công sức, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn và ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
---
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 231-235.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 360.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 360.
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 137.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 75.
(6). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 677-678.
(7). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 86.
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 77.
(9). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần II, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 354.
(10). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 73.
(11). Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chương III, Điều 51.
(12). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 107-108
Từ khóa » Hội Nghị Bộ Chính Trị Khóa V 8 1986
-
Báo Cáo Chính Trị Của Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Khóa VII Tại ...
-
Kết Luận Của Bộ Chính Trị Ngày 27/8/1987 Về Cuộc Thảo Luận Dự Thảo ...
-
TÀI LIỆU THAM KHẢO LỊCH Sử ĐẢNG Kết LUẬN Của Bộ CHÍNH TRỊ ...
-
Văn Kiện Quốc Hội Toàn Tập Tập Vi(quyển 2) 1984 - 1987
-
Phần 6-Thời Kỳ Tiến Hành Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa Trên Cả Nước ...
-
Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Khóa V
-
Hội Nghị Bộ Chính Trị Khóa V 8 1986 - Blog Của Thư
-
Viết Lại Báo Cáo Chính Trị - Tuổi Trẻ Online
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Lãnh đạo Công Cuộc đổi Mới Kinh Tế đất ...
-
Đại Hội Đảng Bộ Tỉnh Hải Dương Lần Thứ V
-
Đổi Mới Tư Duy Chính Trị - Màn Dạo đầu Cho đổi Mới Kinh Tế ở Nước Ta
-
Nội Dung Chính Sách Thành Tựu
-
Chương III: Tạp Chí Cộng Sản Từ 1977 đến 1986