Tự Giác Nhận Khuyết điểm Là để Hoàn Thiện Bản Thân Và Tiến Bộ
Có thể bạn quan tâm
QPTĐ-Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”; “Có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Tuy nhiên, chỉ vì “căn bệnh thành tích” nên vẫn còn một số tổ chức Đảng, đảng viên đã không tự giác chỉ ra khuyết điểm để có các biện pháp khắc phục, mà còn biến những khuyết điểm lớn thành khuyết điểm nhỏ, với kiểu như “rút kinh nghiệm”. Đây chính là biểu hiện mới của căn bệnh hình thức cần phải loại bỏ.
Cán bộ, đảng viên phải tự giác nhận khuyết điểm để tiến bộ.
“Ngụy biện” bằng rút kinh nghiệm
Hẳn chúng ta đã quá quen, trong các hội nghị tổng kết, sơ kết hay các buổi sinh hoạt Đảng, chính quyền, khi được tập thể chỉ ra những tồn tại, hạn chế khuyết điểm, thì đại diện chủ thể ngoài việc trình bày, giải thích ra, bao giờ cũng có câu cám ơn và xin nghiêm túc “rút kinh nghiệm”. Trong từ điển Tiếng Việt giải thích, kinh nghiệm chính là tri thức, là sự am hiểu của mỗi con người về một vấn đề mà họ đã trải qua, được kết hợp giữ lý thuyết và áp dụng vào thực tiễn. Từ đó rút ra được bài học thất bại hoặc thành công, để có thể tránh sai lầm cũ và biết được hướng đi tốt hơn. Vì vậy, nếu “rút kinh nghiệm” để biết sai mà sửa thì rất tốt, nhưng lợi dụng vào đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) chưa làm tròn bổn phận, chức trách nhiệm vụ được giao, thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đã coi “rút kinh nghiệm” như tấm bình phong cho mình né tránh trách nhiệm. “Rút kinh nghiệm” được bộ phận CB, ĐV này sử dụng khá phổ biến, nó phổ biến đến mức biến những sai phạm nghiêm trọng trở nên ít nghiêm trọng, thậm chí chỉ như một khuyết điểm rất nhỏ mà không ai có thể tránh khỏi trong quá trình làm việc, để rồi khuyết điểm chồng lên khuyết điểm mà không được sửa chữa khắc phục, sợi dây “rút kinh nghiệm” cứ dài ra rút mãi không hết, dẫn đến “lộng quyền”, vi phạm pháp luật. Cụ thể thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với tập thể Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh (nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025) cùng 3 cán bộ lãnh đạo chủ chốt và 2 cán bộ thuộc quyền của Tòa án Nhân dân tỉnh này, do tự ý giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện. Liên quan vụ việc trên có 9 tập thể và 29 cá nhân bị xác định sai phạm, tiêu cực đến mức phải xử lý. Hay việc bao che hành vi vi phạm pháp luật hình sự ngay giữa Thủ đô tưởng như bị “hóa bùn” cách đây 6 năm, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tháng 9-2021, ông Phùng Anh Lê, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội, cùng 3 cán bộ khác thuộc Công an quận Tây Hồ đã bị khởi tố về tội “tha trái pháp luật người bị bắt”.
Nguyên nhân trên bắt nguồn từ chất lượng sinh hoạt của tổ chức Đảng thực hiện chưa nghiêm, làm chiếu lệ những nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt cơ bản của Đảng như nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách còn mang tính hình thức. Dẫn tới che giấu khuyết điểm, xuề xòa cả nể trong đấu tranh phê bình, không thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên do mình quản lý nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nên không chủ động phát hiện được các vụ việc tiêu cực, bê bối, nhất là tham nhũng liên quan trực tiếp tới CB, ĐV để ngăn chặn, chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời, mà lại do quần chúng tố giác phát hiện. Điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của Đảng đối với nhân dân.
Quyết tâm sửa chữa mới vững mạnh tiến bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên là có sai lầm”, nên trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hàng ngày, Đảng ta cũng như CB, ĐV của Đảng không tránh khỏi mắc khuyết điểm, sai lầm; điều quan trọng là thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và quyết tâm sửa chữa, để Đảng ta, cán bộ ta tiến bộ mãi. Bác cho rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Vì vậy, để làm tròn chức trách, nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân, tổ chức Đảng ngoài thường xuyên thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, thì cần phải tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nội dung, chủ đề sinh hoạt phải cụ thể rõ ràng. Phải xác định rõ, sinh hoạt Đảng chính là sinh hoạt tư tưởng, là nơi để cấp uỷ nắm bắt và hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, chứ không được tuỳ tiện tranh thủ sinh hoạt cùng với nhiệm vụ chuyên môn, hay sinh hoạt chính quyền. Nếu lồng ghép như thế, nội dung sẽ bị “loãng”, chủ đề bị dàn trải lan man, thiếu điểm nhấn trọng tâm khiến cho đảng viên nhàm chán, không mặn mà với sinh hoạt Đảng. Chính từ sự thờ ơ đó dẫn đến đảng viên không thẳng thắn, tự che dấu khuyết điểm, tinh thần chiến đấu không cao, không phát huy được trí tuệ tập thể, vai trò lãnh đạo hạt nhân chính trị ở cơ quan, đơn vị giảm sút. Do đó, trong sinh hoạt Đảng phải đề cao dân chủ, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, tích cực trao đổi, xóa bỏ tính tự ái cá nhân, chỉ rõ cho đảng viên hiểu được đúng sai, ưu điểm, khuyết điểm của bản thân để có biện pháp khắc phục sửa chữa. Đồng thời, giáo dục cho đảng viên thấy được sửa khuyết điểm có khi rất khó khăn, là một cuộc đấu tranh với chính mình. Nhưng nếu tự ái che dấu khuyết điểm, thì chẳng khác nào có bệnh mà giấu bệnh nặng, mọi việc đều hỏng, sẽ vi phạm pháp luật.
Cho nên, để vững mạnh tiến bộ, mỗi CB, ĐV phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho hoàn cảnh, đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
NGUYỄN VĂN TUÂN
Từ khóa » Khắc Phục Hạn Chế Thiếu Sót Của Bản Thân
-
Hạn Chế Khuyết điểm Của Cá Nhân? Hướng Khắc Phục Như Thế Nào?
-
Kế Hoạch Khắc Phục Hạn Chế Khuyết điểm Năm 2022 (5 Mẫu)
-
4. Kế Hoạch Cá Nhân Khắc Phục Hạn Chế, Khuyết điểm Sau Kiểm ...
-
Hạn Chế Khuyết điểm Cá Nhân Là Gì, Nguyên Nhân Và Hướng Khắc Phục
-
Kế Hoạch Cá Nhân Khắc Phục Hạn Chế, Khuyết điểm Sau Kiểm điểm ...
-
Sai Sót Trong Công Việc: Sửa Chữa Thế Nào Để Được Đánh Giá ...
-
Khắc Phục Ngay Những Hạn Chế, Thiếu Sót - Báo Tuổi Trẻ
-
Kế Hoạch Cá Nhân Khắc Phục Hạn Chế Khuyết điểm Và Bản Kiểm điểm
-
Khắc Phục Hạn Chế, Thiếu Sót, Củng Cố Niềm Tin Của Nhân Dân
-
Chi Bộ Trường Tiểu Học Ngọc Thụy Sinh Hoạt Chủ đề “ Xây Dựng Kế ...
-
Vài Suy Nghĩ Sau Kiểm điểm Cuối Năm…