Tự Giảm đau Khớp, đau Cơ, Nên Chườm Nóng Hay Lạnh? - VnExpress

Theo ThS.BS Trần Anh Vũ (Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), chườm nóng và chườm lạnh được xem là giải pháp phản ứng nhanh, dễ dàng áp dụng tại nhà để xoa dịu cảm giác đau nhức do thoái hóa khớp, viêm khớp, gout hoặc chấn thương gây ra. Tuy nhiên, để phát huy tối đa công dụng giảm đau, đồng thời phòng tránh nguy cơ tổn thương da, mô, dây thần kinh quanh khớp, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc "vàng" khi áp dụng nhiệt nóng hoặc lạnh lên cơ thể.

Có thể áp dụng chườm nóng, chườm lạnh để giảm đau nhức, viêm sưng. Ảnh: Shutterstock

Có thể áp dụng chườm nóng, chườm lạnh để giảm đau nhức, viêm sưng. Ảnh: Shutterstock

Các trường hợp cần chườm nóng

Liệu pháp chườm nóng là việc sử dụng hơi nóng để làm giãn mạch máu, từ đó tăng cường lưu lượng máu đến khu vực bị đau nhức, căng cứng, mang lại cảm giác thư giãn cho khớp. Ngoài ra, hơi nóng còn hỗ trợ điều hòa thần kinh cảm giác, giúp con người cảm nhận cơn đau một cách nhẹ nhàng hơn.

Chườm nóng phù hợp với những trường hợp đau do bệnh lý mạn tính bao gồm: viêm khớp, thoái hóa khớp, gout hoặc đau nhức sau 48 giờ gặp chấn thương.

Ngược lại, không nên chườm nóng nếu khu vực đau bị bầm tím, sưng tấy, mất cảm giác, có vết thương hở hoặc người đau khớp có bệnh nền như: bệnh tiểu đường, viêm da, bệnh về mạch máu, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), đa xơ cứng (MS)... Riêng người mắc bệnh tim, tăng huyết áp hay đang mang thai có thể dùng chườm nóng giảm đau nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.

Trong chườm nóng, bạn có thể sử dụng hai loại nhiệt khác nhau để trị liệu là nhiệt khô và nhiệt ẩm. Nguồn nhiệt khô đến từ túi chườm nóng y tế, miếng đệm sưởi, sáp parafin, phòng xông hơi khô... Nguồn nhiệt ẩm đến từ khăn tắm hấp, bồn tắm nước nóng, chậu nước nóng, suối nước nóng... Dưới đây là ba cách chườm nóng được áp dụng phổ biến hiện nay.

Cách 1: Dùng các sản phẩm tích nhiệt như tấm đệm sưởi, túi chườm nóng y tế, đai quấn nóng... tác động nhiệt lên vùng bị đau nhức.

Cách 2: Đun chảy sáp parafin rồi để nguội khoảng 43 độ C và đắp lên vị trí khớp bị đau hoặc nhúng nhanh bàn chân, ngón chân, bàn tay, ngón tay trực tiếp vào trong sáp parafin.

Cách 3: Ngâm mình trong bồn tắm, chậu nước nóng từ 33 - 37,7 độ C, suối nước khoáng nóng hoặc tắm bùn.

Ở văn phòng hoặc công sở, bạn có thể dùng miếng giữ nhiệt để ứng phó với cơn đau khớp bất ngờ bùng phát. Nếu mắc các bệnh khớp mạn tính như thoái hóa khớp, gout... bạn nên mang theo những miếng giữ nhiệt nhỏ gọn bên mình, phòng khi cần đến.

Dùng khăn tắm hấp nóng để chườm là cách giảm đau được nhiều người áp dụng. Ảnh: Shutterstock

Dùng khăn tắm hấp nóng để chườm là cách giảm đau được nhiều người áp dụng. Ảnh: Shutterstock

Lưu ý khi chườm nóng

Khi chườm nóng, bạn chỉ được sử dụng nhiệt độ "ấm" thay vì nhiệt độ "nóng" vì nhiệt quá nóng có thể làm bỏng da. Đối với chườm nóng cục bộ (tức tác động lên một vị trí khớp cụ thể), bạn không nên dùng quá 20 phút mỗi lần. Đối với chườm nóng toàn thân, điển hình là tắm nước ấm hay xông hơi, bạn có thể kéo dài thời gian trị liệu lên 30 phút, thậm chí hai giờ. Sau khoảng một tuần chườm nóng, nếu cảm giác đau không giảm bớt hoặc có dấu hiệu tăng nặng hơn, bạn nên dừng lại và đến gặp bác sĩ.

Các trường hợp cần chườm lạnh

Chườm lạnh (hay liệu pháp áp lạnh) là việc sử dụng hơi lạnh để làm co mạch máu giúp giảm lưu lượng máu đến khu vực cần điều trị, từ đó giảm đáng kể tình trạng sưng đau và viêm khớp. Phương pháp chườm lạnh được ví như "thoa thuốc tê" nhờ tác dụng ngăn chặn tạm thời dẫn truyền đau lên não, giảm nhẹ mức độ đau nhức khớp, vùng xung quanh khớp.

Biện pháp chườm lạnh áp dụng tốt nhất trong khoảng 48 giờ từ khi cơn đau xuất hiện. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao đối với những trường hợp như: viêm khớp cấp tính, bệnh gout cấp tính, đau cổ, vai, gáy, lưng, đầu gối cấp tính và bong gân, trật khớp do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, vận động quá mức, làm việc sai tư thế...

Khi đau khớp kèm biểu hiện chuột rút, tê, mất cảm giác, có vết thương hở hoặc da bị phồng rộp, tuyệt đối không chườm lạnh. Bên cạnh đó, người mắc bệnh về mạch máu, tuần hoàn máu kém, rối loạn thần kinh giao cảm, bệnh tim cũng được khuyến cáo không nên dùng nhiệt lạnh.

Bạn có thể sử dụng những nguồn nhiệt lạnh khác nhau, chẳng hạn: túi đá, gói gel lạnh, túi chườm lạnh y tế, tắm nước đá, bình xịt hơi mát... để giải tỏa cảm giác đau ở khớp theo một số cách sau đây.

Cách 1: Dùng túi chườm lạnh y tế hoặc túi gel lạnh đặt lên vùng bị đau trong khoảng 15 - 20 phút và mỗi ngày làm như vậy khoảng 3 - 4 lần mỗi ngày.

Cách 2: Đắp một chiếc khăn mềm đã được làm lạnh lên vị trí khớp đang bị đau, giữ như vậy cho đến khi khăn hết lạnh.

Cách 3: Đặt một chiếc khăn mềm lên khu vực sưng đau, rồi dùng một viên đá lăn theo chuyển động tròn khoảng 5 phút, lặp lại 2 lần mỗi ngày.

Dùng gói gel lạnh đặt lên vị trí bị đau mang lại cảm giác dễ chịu tức thì. Ảnh: Shutterstock

Dùng gói gel lạnh đặt lên vị trí bị đau mang lại cảm giác dễ chịu tức thì. Ảnh: Shutterstock

Nếu các khớp nhỏ như khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp cổ chân bị đau nhức, bạn có thể trực tiếp ngâm vào chậu nước lạnh. Tùy vào mức độ đau, tình huống thực tế, bạn hãy lựa chọn cho mình cách thức chườm lạnh phù hợp.

Lưu ý khi chườm lạnh

Bạn không được áp dụng nhiệt lạnh quá lâu hoặc quá trực tiếp vì có thể dẫn đến tổn thương da, mô mềm quanh khớp hoặc dây thần kinh. Nếu dùng đá viên để chườm, luôn bọc đá trong khăn tắm hoặc túi vải rồi mới áp lên vùng cần giảm đau. Mỗi lần chườm chỉ nên thực hiện từ 15-20 phút. Trong vòng 48 giờ áp dụng chườm lạnh, nếu cảm giác đau ở khớp không thuyên giảm, hãy gọi cho bác sĩ để được hỗ trợ.

Ngoài ra, ThS.BS Trần Anh Vũ cũng lưu ý thêm, người bệnh cần xác định rõ là việc dùng nhiệt trong chườm nóng, chườm lạnh chỉ có thể giúp giảm nhẹ cảm giác đau nhức tạm thời, không thể giải quyết dứt điểm quá trình viêm - nguyên nhân gốc rễ của phần lớn cơn đau khớp. Chưa kể, nếu áp dụng đơn thuần phương pháp chườm lâu ngày mà không kết hợp các loại thuốc điều trị, sản phẩm giảm đau thì theo thời gian, tác dụng giảm đau tức thời sẽ bị suy giảm.

Do đó, bên cạnh chườm nóng, chườm lạnh, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám nếu cơn đau khớp, sưng viêm tăng nặng hoặc kéo dài. Đồng thời chú trọng xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường các dưỡng chất tốt cho xương khớp. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, khi xương khớp bị đau nhức, việc kết hợp bổ sung các tinh chất như Collagen Type 2, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... sẽ góp phần làm giảm viêm, giảm đau, thúc đẩy tái tạo sụn và xương dưới sụn hiệu quả. Nhờ đó, xương khớp được bảo vệ toàn diện từ trong ra ngoài, cử động linh hoạt, khỏe mạnh dài lâu.

Lê Nguyễn

Từ khóa » đau Mỏi Vai Gáy Chườm Nóng