Tụ Máu Não Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và điều Trị - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Tụ máu não, hay tụ máu nội sọ là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng hoặc để lại nhiều ảnh hưởng xấu đối với khả năng nhận thức hoặc vận động, cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng thường được gọi là tụ máu bầm ở đầu này để biết cách điều trị và phòng ngừa nhé!
Tìm hiểu chung
Tụ máu não là gì?
Tụ máu não (máu tụ trong não hay máu tụ nội sọ) là một tập hợp máu đông hình thành bên trong hộp sọ sau một chấn thương hoặc vỡ mạch máu não. Máu đông có thể hình thành trong mô não hoặc giữa các lớp màng bao bọc bên ngoài não.
Tụ máu não có nguy hiểm không? Câu trả lời là có, nếu tụ máu náu không điều trị kịp thời có thể gây áp lực lên mô não, dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí là tử vong. Ngoài việc ngăn ngừa hiện tượng này thì phát hiện sớm tụ máu máu cũng rất quan trọng để có cách xử trí tối ưu hơn, giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm.Phân loại
Bác sĩ thường phân loại máu tụ trong não dựa theo mức độ khởi phát và thể tích chảy máu nội sọ. Chúng thường bao gồm:
- Tụ máu não cấp tính: Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng và do đó cần được điều trị khẩn cấp.
- Tụ máu não mãn tính: Mặc dù ít nguy hiểm hơn cấp tính, nhưng tụ máu não mãn tính cũng cần được điều trị càng sớm càng tốt để giảm thiểu tác động đến nhận thức hoặc khả năng vận động. Điều trị tụ máu mãn tính có thể giúp khôi phục một phần chức năng hoặc ngăn chặn tình trạng xấu đi thêm.
Ngoài ra, máu tụ trong não còn được phân loại theo vị trí. Gồm 3 loại là:
1. Tụ máu dưới màng cứng
Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu (thường là tĩnh mạch) nằm giữa não và màng cứng (lớp màng ngoài cùng bao bọc não) bị vỡ ra. Máu rò rỉ và đông lại thành khối. Khối máu tụ lớn dần có thể gây mất ý thức dần dần và thậm chí dẫn đến tử vong.
Có 3 loại tụ máu não dưới màng cứng là:
- Cấp tính. Đây là loại nguy hiểm nhất. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện ngay lập tức.
- Bán cấp tính. Các dấu hiệu và triệu chứng cần thời gian để phát triển, đôi khi vài ngày hoặc vài tuần sau chấn thương.
- Mãn tính. Loại tụ máu này thường nhẹ và gây chảy máu chậm, và các triệu chứng có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng mới xuất hiện.
Cả 3 loại tụ máu dưới màng cứng này đều cần được chăm sóc y tế ngay khi các dấu hiệu và triệu chứng máu bầm trong não xuất hiện để có thể ngăn ngừa tổn thương não vĩnh viễn.
2. Tụ máu ngoài màng cứng
Tụ máu ngoài màng cứng xảy ra khi một mạch máu (thường là động mạch) nằm giữa bề mặt ngoài của màng cứng và hộp sọ bị vỡ. Hầu hết người bệnh sẽ khởi phát triệu chứng ngay sau khi bị chấn thương, chỉ một số ít vẫn còn tỉnh táo.
Nếu không được điều trị kịp thời, tụ máu ngoài màng cứng ảnh hưởng đến động mạch trong não có thể dẫn đến tử vong.
3. Tụ máu trong nhu mô (tụ máu bên trong não)
Đây là tình trạng máu đọng lại trong các mô của não.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng tụ máu não
Các dấu hiệu máu bầm trong não có thể xuất hiện ngay sau khi bị chấn thương ở đầu. Tuy nhiên, bạn có thể vẫn tỉnh táo sau một chấn thương đầu và các triệu chứng tụ máu có thể mất vài giờ, vài tuần hoặc lâu hơn sau đó để khởi phát. Triệu chứng tụ máu dưới màng cứng ở người lớn tuổi có xu hướng khởi phát muộn hơn những loại khác.
Tuy nhiên, theo thời gian, áp lực lên não của bạn tăng lên và có thể gây ra các dấu hiệu tụ máu não sau đây:
- Đau đầu dữ dội
- Nôn mửa
- Buồn ngủ
- Chóng mặt, lú lẫn
- Mất ý thức tăng dần
- Kích thước đồng tử hai bên mắt không bằng nhau
- Nói lắp
- Liệt ở một bên hoặc một vùng của cơ thể
- Mất trí nhớ ngắn hạn, chẳng hạn như khó nhớ các sự kiện dẫn đến và trong khi chấn thương
- Đi lại khó khăn
- Thay đổi hành vi, bao gồm cáu kỉnh, khó chịu
- Máu hoặc chất lỏng trong suốt chảy ra từ tai hoặc mũi
Khi lượng máu tụ nội sọ nhiều hơn hoặc không gian giữa não và hộp sọ trở nên hẹp, các triệu chứng tụ máu não có thể trở nên rõ ràng hơn, chẳng hạn như:
- Hôn mê
- Co giật
- Vô thức
Bất kỳ ai có một hoặc những triệu chứng vừa được liệt kê ở trên sau khi bị chấn thương đầu nên được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Tụ máu não có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức nếu có dấu hiệu:
- Mất tỉnh táo
- Đau đầu dai dẳng
- Bị nôn mửa, suy nhược, mờ mắt, đi đứng không vững
Nếu không có các triệu chứng rõ ràng ngay lập tức sau một chấn thương đầu nặng, hãy để ý những thay đổi về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Dù bạn vẫn tỉnh táo sau một cú đánh vào đầu và có thể nói chuyện nhưng sau đó bất tỉnh, mất trí nhớ thì hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bởi có thể bạn bị chấn thương đầu kín và tụ máu bầm ở đầu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tụ máu trong não là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây máu bầm ở đầu là do vỡ mạch máu trong não hoặc do chấn thương đầu.
Máu tụ nội sọ có thể xảy ra với các chấn thương vừa và nặng ở đầu, chẳng hạn như các chấn thương đầu xảy ra do tai nạn xe, té ngã, bị hành hung, chấn thương trong khi chơi thể thao. Một số chấn thương ở đầu có thể nhẹ và chỉ gây mất ý thức trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bạn có thể bị tụ máu não nghiêm trọng ngay cả khi không có vết thương hở, vết bầm tím hoặc tổn thương rõ ràng khác.
Yếu tố nguy cơ
Một số người dễ bị tụ máu não, đặc biệt là tụ máu dưới màng cứng ngay cả khi chỉ bị thương nhẹ ở đầu. Các nhóm người này cụ thể bao gồm:
- Người lớn tuổi, trên 60 tuổi
- Người lạm dụng rượu
- Người đang dùng thuốc làm loãng máu như aspirin hoặc warfarin
- Người bị chấn thương đầu nhiều lần.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tụ máu não?
Việc chẩn đoán tụ máu ở đầu được thực hiện dựa trên cơ sở khám sức khỏe và các xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh, các thuốc đang dùng và nguyên nhân dẫn đến chấn thương đầu.
Bên cạnh đó, xét nghiệm bằng hình ảnh là cách tốt nhất để giúp chẩn đoán chính xác vị trí và kích thước của khối máu tụ. Chúng có thể bao gồm:
- Chụp CT: Phương pháp này sử dụng một máy X-quang được liên kết với máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về não. CT là phương pháp chụp cắt lớp được sử dụng phổ biến nhất trong chẩn đoán máu tụ nội sọ.
- Chụp MRI: Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể.
- Động mạch đồ: Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc phải chứng phình động mạch trong não hoặc các vấn đề về mạch máu khác, họ có yêu cầu bạn chụp động mạch đồ để cung cấp thêm thông tin cho việc chẩn đoán. Trong xét nghiệm, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc cản quang và tia X để ghi lại hình ảnh về các mạch máu trong não.
Những phương pháp điều trị tụ máu não
Lựa chọn phương pháp điều trị máu tụ trong não sẽ tùy thuộc theo mức độ nghiêm trọng của chấn thương, mức độ tụ máu và sự hiện diện của các chấn thương khác.
Các khối máu tụ nhỏ và không có dấu hiệu gì thì không cần phải loại bỏ. Tuy nhiên, có khi phải vài ngày hoặc vài tuần sau chấn thương, triệu chứng mới xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng. Do đó, bạn cần được theo dõi những thay đổi về thần kinh, theo dõi áp lực nội sọ và chụp CT đầu nhiều lần.
Trường hợp khối máu tụ trong sọ lớn và có khả năng nguy hiểm đến tính mạng thì việc điều trị sẽ bao gồm:
- Thuốc chống loãng máu: Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, bạn có thể cần một loại thuốc nhằm làm giảm nguy cơ chảy máu thêm, bao gồm: sử dụng vitamin K và huyết tương tươi đông lạnh.
- Phẫu thuật dẫn lưu máu: Nếu máu đông khu trú và chuyển từ cục đông đặc sang dạng lỏng, bác sĩ có thể tạo một lỗ nhỏ trên hộp sọ và hút dẫn lưu chúng ra ngoài, giảm áp lực nội sọ.
- Phẫu thuật mở hộp sọ: Đối với các khối máu tụ lớn, bác sĩ phẫu thuật có thể phải mở một phần xương sọ để lấy máu ra.
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật điều trị tụ máu não thường là 1 tháng, nhưng cũng có thể mất 3 đến 6 tháng, thậm chí 2 năm. Một vài trường hợp không thể hồi phục được hoàn toàn sau khi chấn thương đầu dẫn đến tụ máu não. Nếu sau điều trị, bạn tiếp tục gặp các vấn đề về thần kinh thì có thể cần vật lý trị liệu.
Để hỗ trợ việc phục hồi sau điều trị tụ máu não được tốt nhất, bạn nên:
- Ngủ đủ giấc vào ban đêm và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi.
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động bình thường khi cảm thấy khỏe hơn.
- Không tham gia những môn thể thao tiếp xúc cho đến được bác sĩ đồng ý.
- Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn bắt đầu lái xe, chơi thể thao, đi xe đạp hoặc vận hành máy móc nặng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
- Không uống rượu cho đến khi bạn hồi phục hoàn toàn. Rượu có thể cản trở quá trình hồi phục và uống quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ chấn thương tái phát.
Tụ máu trong não sống được bao lâu?
Tình trạng máu tụ trong não rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng trong vòng 48 giờ nếu bệnh nặng và chảy máu nhiều. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục và sống khỏe mạnh về sau. Tỷ lệ tử vong của bệnh trong vòng 30 ngày điều trị là khoảng 50%. Trong đó có nhiều bệnh nhân tử vong trong 2 ngày đầu tiên và khoảng 25% có thể sống bình thường sau một năm kể từ khi bị tụ máu.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tụ máu não?
Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu chấn thương đầu dẫn đến máu tụ trong não bạn nên:
- Đội mũ bảo hiểm. Đội mũ bảo hiểm phù hợp và vừa vặn khi tham gia giao thông hay chơi các môn thể thao tiếp xúc như đi xe đạp, mô tô, trượt tuyết, cưỡi ngựa, trượt băng, trượt ván, hoặc bất kỳ hoạt động nào có thể dẫn đến chấn thương đầu.
- Hãy thắt dây an toàn. Hãy thắt dây an toàn mỗi khi bạn lái xe hoặc ngồi trên xe có động cơ.
- Phòng ngừa dấu hiệu tụ máu não ở trẻ em. Luôn sử dụng ghế ngồi ôtô được lắp vừa vặn cho trẻ, che chắn các mặt bàn và cạnh bàn, chặn cầu thang, cố định đồ đạc hoặc các thiết bị nặng nhằm tránh nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn cho trẻ nhỏ.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng tụ máu não, cũng như cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhé!
[embed-health-tool-bmi]
Từ khóa » Cục Máu Bầm Trong Não
-
Sự Hình Thành Cục Máu đông Trong Não: Nguyên Nhân Hàng đầu Gây ...
-
Điều Trị ở Bệnh Nhân Tụ Máu Não Do Chấn Thương Sọ Não | Vinmec
-
Thuốc Làm Tiêu Cục Máu đông Trong Nhồi Máu Não
-
Tụ Máu: Những điều Cần Biết - Tuổi Trẻ Online
-
Phẫu Thuật Mở Sọ Giải áp, Lấy Máu Tụ Trong điều Trị đột Quỵ Chảy Máu ...
-
Đi Tìm Lời Giải Cho Băn Khoăn Máu Bầm ở Mắt Có Nguy Hiểm Không
-
Chấn Thương Sọ Não (TBI) - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Bị Té, đụng đầu: Coi Chừng Tụ Máu Não - Bệnh Viện Nhân Dân 115
-
7 Triệu Chứng Chứng Tỏ Bạn đang Có Cục Máu đông Nguy Hiểm Trong ...
-
Tại Sao COVID-19 Có Thể Gây Ra Cục Máu đông
-
Cách Làm Tan Máu Bầm Do Chấn Thương | Bệnh Viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
-
7 Dấu Hiệu Cơ Thể Bạn đang Tồn Tại Những Cục Máu đông Nguy Hiểm
-
7 Dấu Hiệu Bạn Có Thể Có Cục Máu đông 'chết Người' - Báo Thanh Niên