Tứ Trọng ân - Phật Giáo Hòa Hảo

TỨ TRỌNG ÂN

  Chúng ta đang sống trong nhịp sống mới của thời đại thông tin và bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, mỗi cá thể chúng ta không chỉ là thành viên trong gia đình và quốc gia, mà mỗi chúng ta là một thành viên trong cộng đồng quốc tế.

Vì vậy để trở nên con người tốt, một người công dân đạo đức hôm nay thì yếu tố rèn luyện tâm linh trong mỗi cá thể để tạo nên tình đoàn kết, mối quan hệ giữa người và người với nhau trong từng tập thể nhỏ cho đến nhân loại đại đồng là điều vô cùng quan trọng để góp phần thúc đẩy sự phát triển cho mỗi quốc gia trên thế giới này. Sự rèn luyện tâm linh có nhiều cách, trong đó Tứ Trọng Ân có thể được xem là con đường rèn luyện tâm linh đáp ứng tốt nhu cầu trên.

 Trong Tăng chi bộ kinh tập 1, Đức Phật đã nói: “Dveme bhikkhave puggalā dullabhā lokasmiṃ? Katama dve? yo ca pubbakārī, yo ca kataññū katavedī. Ime kho bhikkhave dve puggalā dullabhā lokasminti”[1] nghĩa là “này các tỳ kheo, có hai hạng người khó tìm trên thế gian này. Thế nào là hai? Đó là hạng người thi ân và hạng người báo ân. Đây là hai hạng người khó tìm trên thế gian này”.

 Ở đây, Phật giáo Hòa Hảo chủ trương con đường Tứ Trọng Ân nhằm hướng đến đào tạo ra hai hạng người khó tìm trên thế gian này mà Đức Phật Gotama đã tuyên bố.

 Pháp tri ân đầu tiên là Cha Mẹ và Tổ Tiên: Đây là mối quan hệ đầu tiên của một mỗi người. Ai cũng nhờ từ tinh cha và huyết mẹ để tạo nên hình hài và giới thiệu ta vào đời, từ trong bụng mẹ đến những ngày tháng trong nôi, rồi tới từng bước tập tễnh học ăn, học nói, học chữ nghĩa... bao tình thương và sự hỗ trợ cần thiết để một đứa bé chào đời trở con người có giá trị trong cuộc đời này. Và không chỉ cha mẹ của chúng ta mà còn có ông bà tổ tiên, những thế hệ tiền nhân đi trước tạo ra cha mẹ. Bởi không ai từ dưới đất ngoi lên hay từ trên trời rơi xuống, mà tất cả sự hiện hữu của chúng ta là sự kế thừa của nhiều thế hệ trước đó. Tổ tiên tạo ra ông bà, ông bà tạo ra cha mẹ, cha mẹ tạo ra mình. Trong cơ thể mỗi chúng ta luôn có sự liên hệ mật thiết từ tổ tiên song phương nội ngoại. Điều này được Đức Thế Tôn đã nhiều lần nêu cao ân đức cha mẹ mà phận làm con cần có pháp tri ân đối với đấng sinh thành:

 “bahukārā bhikkhave mātāpitaro puttānạṃ āpādakā posakā, imassa lokassa dassetāro[1]nghĩa: này các tỳ kheo! Cha mẹ đã làm nhiều điều cho con cái, cha mẹ đã chăm sóc, đã nuôi dưỡng con cái khôn lớn, cha mẹ là ngườithầy giới thiệu con cái vào đời này”.

Ngài còn ví hình ảnh cha mẹ như vị trời phạm thiên, như vị chư thiên ban đầu, như vị thầy đầu tiên và cha mẹ luôn xứng đáng nhận sự cúng dường từ con cái: Cũng vậy, trong Hạnh Phúc Kinh Đức Phật cũng nói: phụng dưỡng mẹ và cha là điều hạnh phúc tối thượng. Trong pháp cú kinh cũng thế, Ngài tán dương hạnh làm con đối với cha mẹ: Vui thay hiếu kính mẹ , Vui thay hiếu kính cha” . Chính những ân đức cao dầy mà cha mẹ đã dành cho con cái như thế, nếu người con nào xúc phạm đến mạng sống của cha mẹ thì rớt vào vô gián nghiệp,

Chính vì thế, lòng tri ân cha mẹ tổ tiên được xem là hạnh đức đầu tiên của con người.

 Pháp tri ân thứ hai là Tổ Quốc: đây là mỗi quan hệ thứ hai của đời người, để chỉ nơi mình được sinh ra và lớn lên, cũng như quốc gia mình đang sinh sống. Bởi bất kì lúc nào cuộc sống của chúng ta cũng cần sự bảo vệ an ninh và mọi sự phát triển của nền kinh tế, giáo dục.., đều tùy thuộc vào sự an lành của quốc gia đó. Tri ân tổ quốc chính là tri ân những đấng tiền nhân lập nên quốc gia, tạo nên chủ quyển của một đất nước độc lập, đã bao lớp người hy sinh bảo vệ non sông để chúng ta được bình yên trong mỗi hơi thở, để được sống không khí hòa bình không phải lo toan mất mạng vì bơm lửa chiến tranh. Chúng ta đang được ngồi trong nhà mát học tập làm việc thì ngoài biên cương có bao chiến sĩ vẫn phải ngày đêm thay ca canh gác phòng ngừa nguy biến. Pháp tri ân thứ hai này để nhắc nhở mỗi người thấy được giá trị của sự bình yên. Bên cạnh đó, trong thời khói lửa chiến tranh thì pháp tri ân thứ hai này là một lời kêu gọi lòng yêu nước đứng lên chống giặc ngoại xâm để bảo vệ giang sơn.

 Hôm nay, chúng ta đang sống trong thời bình, thì nhiệm vụ công dân của mỗi người phải đóng thuế ruộng vườn đất đai hay trong kinh doanh mua bán.., đây cũng là cách thể hiện lòng tri ân tổ quốc.

 Phật giáo đã nhân loại hóa một nền giáo dục về đạo giải thoát và đạo sống làm người. Mỗi lời dạy của Đức Phật hướng đến sự rèn luyện đạo đức bản thân tùy theo từng cấp độ của chúng sanh. Hôm nay, chúng ta hiểu nhân quả, Pháp tri ân thứ ba là Tam Bảo: đây là mối quan hệ giữa con người và nền giáo dục đạo đức. tin lý nhân quả nghiệp báo; biết làm lành lánh dữ là cũng nhờ Phật giáo đã thấm vào trong nền giáo dục nhân loại, trong đó Việt Nam ta cũng được xếp vào quốc gia có nền giáo dục Phật Giáo lâu đời. Suốt chiều dài lịch sử, từ những năm đầu Công nguyên Phật giáo đã đến nước Việt, và bao thế hệ vua chúa Việt Nam mà đặc biệt nhất là thời Đinh, Lê, Lý, Trần, đã vận dụng Phật Giáo vào trong đời sống hoàng gia và trong dân chúng, góp phần giúp nước Việt phát triển cực thịnh trong một thời gian khá dài. Rồi đến khi vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành, vốn là vùng đất mới đối với người Việt, Đức Thầy Tây An đã khéo chọn đạo Phật để thiết lập nên nền giáo dục đạo đức cho người dân trong thời khai hoang lập ấp. Ngài đã dẫn dắt người dân vào lối sống Phật Giáo rất giản đơn, không cầu kì nghi thức. Mà về sau đã được khẳng định nên một đạo Phật canh tân đó là Phật giáo Hòa Hảo. Là Phật Giáo nhưng không thờ Phật tượng hay tranh ảnh Phật mà chỉ dùng tấm vải màu dà, là màu y chư tăng để biểu dương cho tinh thần hòa hợp và tượng trưng cho Tam Bảo. Đây quả là một triết lý sống tuyệt vời của nhà Phật: "Ai thấy pháp thì người đó thấy Như Lai”. Đây còn là bức thông điệp nhắn gửi con người nên hành pháp thì sẽ thấy Phật, Phật luôn trong tim mọi người.

 Đây là lí do vì sao phải tri ân Tam Bảo.

 Pháp tri ân thứ tư là Đồng Bào, Nhân Loại: Đây là mối quan hệ giữa con người và con người trong cùng quốc gia, cùng trái đất. Chúng ta được sanh ra là do mãnh lực nghiệp quá khứ (pubbe kata kamma vesena). Chúng ta đang cùng sống chung một quốc gia, cùng hưởng chung nền kinh tế, nền giáo dục và văn hóa, chính trị là do chúng ta đã từng cộng nghiệp để gặp nhau chung một đất nước. Bởi thế nên:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

 Vì vậy pháp tri ân đồng bào nhằm hướng đến giáo dục tình đoàn kết các dân tộc trong cùng một quốc gia. Đây là loại vũ khí tinh thần vô cùng cấp thiết trong thời chinh chiến, nó có mãnh lực nung nấu tình đoàn kết, đức tính hy sinh, vì chủ quyền cho toàn đồng bào trên tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, lòng tri ân còn hướng tâm xa hơn nữa là tri ân nhân loại. Vì sao? Vì tất cả chúng ta đang sống, đang thừa hưởng hai loại tài sản của nhân loại, đó là đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Chẳng hạn như với đa dạng chủng loại, mẫu mã máy tính bảng (Ipad), máy vi tính (Laptop, Computer), nhiều kiểu điện thoại tân thời, … là kết quả của biết bao nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, phát minh liên tục trong nhiều năm, ở nhiều quốc gia. Mỗi thời có thêm sáng kiến mới, phát minh mới để tu bổ vào mà ngày nay chúng ta đang hưởng được nền công nghệ truyền thông hiện đại. Cũng vậy, đối với đời sống tâm linh, mỗi con người chúng ta đều đã nhận nền giáo dục từ nhân loại qua nhiều thế hệ, điển hình như nền giáo dục Phật Giáo. Đây là kho báu, một gia sản mà chúng ta được kế thừa từ nhân loại. Bởi con đường Phật Giáo đã trải qua hơn 25 thế kỷ được chư tăng và bao thế hệ chúng sanh nhân loại từ nhiều nơi trên thế giới đã duy trì và gìn giữ Phật Giáo đến hôm nay. Vì thế mỗi con người chúng ta luôn cần nhau không chỉ riêng trong tổ quốc mình mà còn chung cho cả nhân loại. Chúng ta đang sống cùng trên một trái đất, cùng hưởng chung bầu khí quyển của trái đất, chúng ta cần bắt tay nhau đoàn kết lại để bảo vệ trái đất, bảo bệ môi trường sống của chúng ta. Điều này không còn là nhiệm vụ riêng cho quốc gia nào mà là nhiệm vụ chung của thế giới nhân loại đang có mặt trên trái đất này.

Hơn nữa, từ trong quá khứ, trong mỗi chúng ta cũng đã từng là quyến thuộc của nhau như Đức Phật đã khẳng định: "Na so bhikkhave, satto sulabharūpo yo na mātābhūtapubbo...pitābhūtapubbo...bhātābhūtapubbo...bhaginibhūtapubbo, puttabhūtapubbo, dhītābhūtapubbo... iminā dīghena addhunā nghĩa “Này các tỷ kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh nào chưa từng là mẹ ngươi... cha ngươi...anh ngươi... chị ngươi... con trai ngươi... con gái ngươi!"[1].

Có nên chăng khi mỗi chúng ta đã từng là anh em một nhà mà cứ đấm đá nhau tranh giành quyền cai trị, chiếm hữu thuộc địa, vì quyền lực và lợi ích vật chất mà tàn sát nhau đẫm máu. Pháp tri ân nhân loại quả là lời giáo dục tình thương yêu, nuôi dưỡng hạnh từ bi không phân biệt màu da quốc tộc. Mặt khác, trong thế kỷ 19- 20 của chiến tranh tại Việt Nam thì đây còn là như bức thông điệp kêu gọi thế giới ngừng chiến tranh. Thay vì gây chiến tranh, mỗi quốc gia nên ngồi lại bên nhau để cùng đưa những giải pháp tốt nhất cho việc bảo vệ công dân và lãnh thổ, quốc gia mình mà không gây tổn hại đến quốc gia khác. Liên kết xây dựng nền kinh tế, giáo dục tương hỗ

lẫn nhau; cùng giúp nhau phát triển trên nhiều lĩnh vực để phát triển đời sống tâm linh và vật chất và cũng như bảo vệ trái đất thoát khỏi sự tàn phá của con người và thoát khỏi những loại vũ khí tối tân, bơm đạn tàn phá. Có làm được như thế thì thế giới mới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Có thể nói, pháp tri ân đồng bào nhân loại là phương pháp giáo dục con người tính đoàn kết (sāmaggi) và tạo nên hòa bình (santi) cho quốc gia và thế giới.

Giáo lý Tứ Trọng Ân đã cho ra quá trình giáo dục phát triển theo từng mối quan hệ của một đời người từ gần đến xa. Mối quan hệ đầu tiên: tri ân cha mẹ tổ tiên là sự liên giữa con cái đối với cha mẹ ông bà. Điều này giáo dục nên đứa con hiếu thảo, tạo nên môi quan hệ tốt trong gia đình. Mối quan hệ thứ hai: tri ân tổ quốc tức là giữa mình và tổ quốc mình được sinh ra hay quốc gia mình đang sống. Yếu tố này đào tạo nên một người công dân tốt cho quốc gia. Mối quan hệ thứ ba: tri ân Tam Bảo, điều này nhắc nhở con người rèn luyện đạo đức theo Phật giáo, sống biết tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, làm thiện, tránh ác. Chính yếu tố này làm chìa khóa phản tỉnh nội tâm khi quyết định vấn đề gì liên hệ tới người xung quanh. Cuối cùng là lòng tri ân đồng bào, nhân loại, đây là mối quan hệ giữa con người cùng chung một nước và không những thế mà còn nghĩ tới cùng chung nhân loại đang sống trên cùng một trái đất. Lời dạy thứ tư này nhằm nhắc nhở tính đoàn kết cùng nhau bảo vệ tổ quốc và cùng nhau bảo vệ trái đất và phát triển nền văn minh nhân loại. Đây là yếu tố bên trong tạo nên nguồn tâm linh lành mạnh để giáo dục nên con người quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay. Mỗi một con người là nhịp cầu tiếp nối cho bao mối quan hệ khác và mỗi mối dây liên hệ tốt hoặc xấu đều ảnh hưởng đến kết quả của quá trình phát minh, sáng tạo, lao động sản xuất tạo ra vật chất nuôi sống con người và cũng như đời sống tâm linh của nhân loại. Giáo lý Tứ Trọng Ân đã từng bước giáo dục con người trong từng giai đoạn, nó có công năng giúp con người luôn phản tỉnh lại bản thân để tạo nên mối quan hệ tốt giữa người và người trong cùng quốc gia và cùng trái đất, nhằm đào tạo ra hai hạng người khó tìm trên thế gian này, đó là hạng người thi ân (pubbakārī) và hạng người báu ân (kataññū katavedī). Và đây là cũng là con đường rèn luyện để trở thành người công dân đạo đức trong trong bối cảnh toàn cầu hóa./.

  --------------------------

Bài viết được tác giả tóm tắt từ nội dung bài tham luận báo cáo tại hội thảo của trường SIBA vào ngày 4/9/2014, Tích Lan.

Với đề tài: The Doctrine of the Great Four Gratitude of HoaHao Buddhism in the Mekong Delta: A Buddhist Way of Self-Reflection To Train A Moral Civil In The Global Context

 tutrongan 1

 tutrongan 2

Từ khóa » Tứ ân Trong Phật Giáo Hòa Hảo