Từ Tứ Diệu Đế đến Bát Chánh Đạo - Cdha-NQK

 TỪ “TỨ DIỆU ĐẾ” ĐẾN “BÁT CHÁNH ĐẠO”

 BS NGUYỂN QUÝ KHOÁNG

(VN,ngày 26/01/2013, phỏng theo bài giảng của Đại Đức Narada trong quyển “Đức Phật và Phật pháp” do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch).

I-ĐẠI CƯƠNG Chân lý có nghĩa là một sự kiện hiển nhiên, không còn tranh luận.Theo Phật Giáo, có bốn chân lý như thế, đó là Tứ Diệu Đế.

Bài kinh quan trọng đầu tiên được Đức Phật Thích Ca giảng tại vườn Lộc Uyển cho bốn anh em ông Kiều Trần Như. Bài giảng này đề cập đến bốn chân lý Thâm Diệu (Tứ Diệu Đế) mà chính Đức Phật đã khám phá ra do chính tri kiến trực giác của Ngài. Dầu chư Phật có xuất hiện hay không, các chân lý ấy vẫn tồn tại, và một vị Phật chỉ là nhân vật đã trực nhận và truyền dạy lại cho thế gian còn đang bị màn vô minh che lấp. Những chân lý ấy tuyệt đối, vĩnh cửu, bất di bất dịch, không thể biến đổi. Đức Phật đã tự mình chứng ngộ chớ không nhờ sự hỗ trợ của ai khác.

II- TỨ DIỆU ĐẾ

 A-KHỔ ĐẾ:

 Chân lý đầu tiên đề cập đến Dukkha, có nghĩa là đau khổ hay phiền não. Đứng về phương diện cảm giác, Dukkha là cái gì làm cho ta khó chịu đựng ("du" là khó, "kha" là chịu đựng) hoặc là bất như ý.

Hạng người thường chỉ thấy lớp ngoài, nhưng bậc thánh nhân thấy được thực tướng của sự vật. Đối với các Ngài, tất cả mọi kiếp sinh tồn đều dẩy đầy đau khổ và các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững, trong một thế giới huyền ảo, tạm bợ và vô thường. Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Hạnh phúc vật chất chỉ là thỏa mãn một vài ước vọng. Như "khi ta vừa đạt đến thì nó vội lìa bỏ ta". Dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn. Không bao giờ ta cho là đủ.

Mọi người đều phải trải qua giai đoạn sanh, và do nơi sự sanh, có già , bệnh, và cuối cùng là chết. Không ai tránh khỏi bốn nguyên nhân ấy của sự đau khổ.

  • Một ước vọng không được toại nguyện làm cho ta đau khổ.
  • Chúng ta không muốn sống chung với người không ưa thích mà cũng không muốn xa lìa người thân yêu.
  • Những điều thiết tha mong mỏi không phải lúc nào cũng được thành tựu.
  • Trái lại, những hoàn cảnh nghịch lòng lắm lúc xảy đến một cách đột ngột, làm cho ta vô cùng khốn khổ. Đôi khi một vài trường hợp khó khăn trở thành không thể chịu đựng nổi và đau khổ đến mức độ có người suy nhược và kém hiểu biết phải nghĩ đến việc quyên sinh tánh mạng, tưởng chừng như cái chết sẽ giải quyết mọi vấn đề.

Đối với người thường, thọ hưởng dục lạc là hạnh phúc tốt đẹp duy nhất. Chắc chắn rằng có hạnh phúc nhất thời trong khi mơ ước, lúc thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại những khoái lạc vật chất tương tợ, nhưng hạnh phúc ấy quả thật là huyền ảo và tạm bợ. Theo Đức Phật, không luyến ái tức là vượt lên trên mọi dục lạc, là hạnh phúc cao thượng hơn.

Tóm tắt, chính cơ thể vật chất nầy là cội nguồn của đau khổ.

 B-TẬP ĐẾ

Nguồn cội của sự đau khổ nầy là ái dục (tanha), lòng khát khao thèm muốn, hay luyến ái, bám níu, là Chân lý thâm diệu thứ nhì.

Kinh Pháp Cú ghi nhận:

"Do ái dục phát sanh sầu muộn, Do ái dục phát sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn thoát khỏi ái dục không còn sầu muộn, càng ít lo sợ." (câu 216).

Ái dục là một năng lực tinh thần hết sức hùng mạnh, luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người, mọi chúng sanh, là nguyên nhân của bao nhiêu điều bất hạnh trong đời. Chính ái dục thô tục hay vi tế làm cho ta đeo níu sự sống dưới mọi hình thức, do đó dẫn ta mãi mãi phiêu bạt trong vòng luân hồi.

 Chỉ từ bậc A La Hán trở lên mới dập tắt mọi hình thức vi tế của ái dục.

 C-DIỆT ĐẾ:

 Chân lý thâm diệu thứ ba là sự chấm dứt toàn vẹn mọi hình thức đau khổ, tức Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của người Phật tử. Mục tiêu nầy phải được thành tựu bằng cách tận diệt ái dục.

 D- ĐẠO ĐẾ:

 Chân lý nầy phải được chứng ngộ bằng cách tu tập theo Bát Chánh Đạo (con dường chân chánh chia làm tám chi). Đó là con dường duy nhất dẫn đến Niết Bàn. Con đường nầy tránh xa cực đoan ép xác khổ hạnh và cực đoan hưởng lạc.

III- BÁT CHÁNH ĐẠO

Bát Chánh Đạo gồm tám yếu tố hay tám chi, được kể ra như sau:

1.- Chánh kiến (Samma ditthi) 2.- Chánh Tư Duy (Samma Samkappa) 3.- Chánh Ngữ (Samma Vaca) 4.- Chánh Nghiệp (Samma Kammanta) 5.- Chánh Mạng (Samma Ajiva) 6.- Chánh Tinh Tấn (Samma Vayama) 7.- Chánh Niệm (Samma Sati) 8.- Chánh Định (Samma Samadhi)

 1/ CHÁNH KIẾN:

 Chánh kiến là sự hiểu biết đúng đắn tức am hiểu tận tường Tứ Diệu Đế. Nói một cách khác, Chánh Kiến là thấu triệt thực tướng của bản thân mình. Kinh Rohitassa Sutta dạy rằng tất cả chân lý trong vũ trụ đều nằm vỏn vẹn trong tấm thân một trượng nầy.

Chánh Kiến là yếu tố tất yếu trong Phật Giáo để thành tựu mục tiêu cứu cánh.

 2/ CHÁNH TƯ DUY:

 Do sự hiểu biết chân chánh, “có những tư tưởng đúng đắn”. Chánh Tư Duy là chi thứ nhì của Bát Chánh Đạo.

Tâm làm cho con người dơ bẩn hay trong sạch. Tâm xây đắp bản tánh và gầy dựng số mạng con người. Tư tưởng thấp hèn làm cho ta trở nên bần tiện. Trái lại, tư tưởng trong sạch nâng đỡ con người đến chỗ thanh cao siêu thoát. Lắm khi chỉ một tư tưởng sai lầm cũng đủ tiêu diệt hàng triệu người: Hitler, Pol- Pốt...

Chánh Tư Duy gồm ba phần:

a/ Xuất gia, là sự từ khước những dục vọng trần tục, hay lòng vị tha, nghịch nghĩa với tâm luyên ái, vị kỷ bám víu vào tiền bạc, của cải (đối với Tham).

b/ Tâm từ ái, thiện chí hay hảo tâm, nghịch nghĩa với thù hận, ác ý, ganh ghét (đối với Sân).

c/ Ôn hòa, hiền lương, bi mẫn, nghịch nghĩa với tính hung bạo, tàn ác (đối với sự ác độc).

Những đức tánh và những tật xấu kể trên luôn luôn ngủ ngầm bên trong mọi người. Ngày nào mà chúng ta còn là phàm nhân thì các đức tánh và tật xấu ấy cón có thể đột ngột bộc phát và biểu hiện ra ngoài với sức trỗi dậy khó lường trước được.

Đến khi tận diệt mọi ô nhiễm và đắc quả A La Hán rồi tâm mới hoàn toàn trong sạch.

Trong thế gian vô minh nầy, tham, sân, si là nguồn cội của tất cả tội lỗi. Kẻ thù độc hiểm nhất của nhân loại là lòng tham, tức sự luyến ái, bám víu vào cái được gọi là "Ta", hay "Của Ta". Tất cả mọi nghiệp dữ đều có thể xảy ra do lòng tham gây nên.

 3/ CHÁNH NGỮ:

 Chánh Tư Duy dẫn đến Chánh Ngữ, “lời nói chân chánh,” chi thứ ba của Bát Chánh Đạo. Chánh Ngữ là:

- không nói dối,

- không nói thêu dệt đâm thọc

- không nói lời thô tục hay ác độc.

 Người đã tận diệt tham vọng tất nhiên không thể có lời nói giả dối, phỉ báng, thô bỉ vì một mục tiêu ích kỷ nào, mà luôn chân thành, trung tín, luôn tìm cái đẹp cái tốt nơi người khác hơn là lừa dối, vu oan sỉ nhục, chia rẽ những người bạn đồng cảnh ngộ với mình. Một nhân vật hòa nhã và đượm nhuần tâm Từ không thể có lời nói thô lổ cộc cằn để làm suy giảm giá trị mình và gây tổn hại đến người khác. Lới lẽ của người giàu lòng từ ái bi mẫn không những chân thật dịu dàng mà còn hữu ích và luôn đem lợi lộc lại cho kẻ khác.

 4/ CHÁNH NGHIỆP:

 Sau Chánh Ngữ là Chánh Nghiệp, “hành động chân chánh”, khả dĩ tạo thiện nghiệp. Hành động chân chánh là không sát sanh, không trộm cắp, và không tà dâm.

Nguyên nhân của tâm luyến ái, thù hận, và tánh hung bạo độc ác là tham, sân, si. Hành giả đã tẩy sạch tham sân si, và giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh thì những xu hướng xấu xa không khởi sanh lên được. Tâm thanh ý tịnh thì đời sống cũng được trong sạch. Người không tham, không sân, không si, ắt cũng không thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

 5/ CHÁNH MẠNG:

 Chi thứ năm của Bát Chánh Đạo là Chánh Mạng, hành nghề sinh sống chân chánh. Giữ thân, khẩu, ý trong sạch, hành giả cố gắng sống đời trong sạch, lánh xa năm nghề nuôi mạng khả dĩ tạo nghiệp xấu là buôn bán khí giới, buôn bán nô bộc, nuôi thú vật để bán cho người ta ăn thịt hoặc làm nghề đồ tể, bán vật thực có chất say, và buôn bán độc dược.

 6/ CHÁNH TINH TẤN:

 Chánh Tinh Tấn nghĩa là “cố gắng chân chánh” là chi thứ sáu của Bát Chánh Đạo được chia làm bốn:

a.- Cố gắng tiêu trừ các ác pháp phát sanh. b.- Cố gắng đè nén các ác pháp đang hoặc chưa phát sanh. c.- Cố gắng làm cho thiện pháp phát sanh. d.- Cố gắng trau giồi các thiện pháp đã phát sanh.

Chánh Tinh Tấn rất quan trọng. Theo Phật Giáo, chính sự cố gắng liên tục là yếu tố cần thiết để giải thoát chớ không phải nương nhờ hay van vái ai mà thực hiện được mục tiêu. Bên trong mỗi người đều có một kho tàng đức hạnh cao thượng và một hầm tật xấu đê hèn. Chánh Tinh Tấn là đè nén, tuyệt trừ tật xấu và cố gắng vun xới đắp bồi tánh tốt.

Tóm tắt, Chánh Tinh Tấn là cố gắng chú tâm kiểm soát thân, khẩu, ý.

 7/ CHÁNH NIỆM:

 Chánh Tinh Tấn liên quan mật thiết với Chánh Niệm, tức liên tục chú tâm quán tưởng đến thân, thọ, tâm, và pháp còn được gọi là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp.

Suy niệm chân chánh về bốn đề mục trên có khuynh hướng tận diệt bốn sai lầm rất phổ thông trong đời sống là:

-Ưa thích cái không được ưa thích. -Thấy đau khổ là hạnh phúc. -Xem cái vô thường là trường tồn bất biến. - Vô ngã lại cho là linh hồn trường cửu.

 8/ CHÁNH ĐỊNH:

 Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm dẫn đến Chánh Định, nhiếp tâm an trụ vào một điểm duy nhất. Chánh Định là yếu tố rất cần thiết giúp thấy rõ thực tướng của vạn pháp,trở về với Phật Tánh.

Trong tám yếu tố hay chi nầy:

-Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc về Trí tuệ . -Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng thuộc về Giới. -Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định thuộc về Định .

 Vậy làm sao chúng ta có thể trở về với Phật Tánh?

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta rất nhiều cách thức (pháp môn) để tuỳ căn cơ của mỗi cá nhân mà ứng dụng. Người có căn cơ cao thì tu theo Đốn giáo còn người có căn cơ trung bình hoặc thấp thì tu theo Tiệm giáo.Vấn đề quan trọng trong Đạo Phật là phải thực hành chứ không phải chỉ lý thuyết suông vì chúng ta không thể dùng Trí phân biệt để “thấy”Tánh được mà phải “thấy-biết” bằng Trí Tuệ (còn gọi là Trí Bát Nhã). Cách thức căn bản trong Phật giáo nguyên thuỷ là dựa trên Giới,Định,Tuệ.

-Giữ giới là để không gây thêm nghiệp ác, để cho cuộc sống không bị xáo trộn, do đó ta sẽ yên ổn, dễ tu hành.

-Định là tâm không bị dính mắc bởi những cảnh bên ngoài và không bị vọng động bởi những tạp niệm bên trong. Muốn có chánh định phải có chánh niệm, mà muốn có chánh niệm thì phải thực hành Tứ niệm xứ.

-Tuệ là sự thấu suốt lẽ thật của mọi sự vật trong con người chúng ta cũng như trong vũ trụ, như tấm gương trong sáng phản ánh trung thực mọi sự “như nó là” (as it is) không thêm, không bớt. Vậy Tuệ là sự Tỉnh giác.

 Chúng ta có thể lấy ví dụ một ly chứa đầy nước đục lấy từ một ổ gà sau cơn mưa. Nếu để một mảnh giấy có ghi một dòng chữ ở một bên thành ly thì ta không thể nào thấy được gì xuyên qua nước đục từ thành ly đối diện. Chúng ta không nên lắc cái ly hoặc lấy que quậy trong ly, như vậy ví như “không giữ giới”; như thế chúng ta càng không thể thấy được gì xuyên qua nước đục ngầu.Trái lại, ta nên để ly nước ở yên một chỗ trong nhiều giờ thì đất cát sẽ lắng xuống đáy ly tượng trưng cho“Định”. Cuối cùng, khi nước trong ly đã trở nên trong suốt thì ta sẽ thấy dòng chữ rõ mồn một xuyên qua thành ly, điều này ví cho “Tuệ”. Đây chính là nguyên lý cơ bản của Thiền định và là cách thức đã giúp Đức Thích Ca giác ngộ dưới cây Bồ Đề, thấu rõ mọi lẽ huyền vi của Trời đất, giải thoát vĩnh viễn khỏi sinh tử-luân hồi. Phật khác chúng ta ở chỗ Ngài tỉnh 24/24 còn chúng ta là người đang còn mê ngủ, “mở mắt mà chiêm bao”.

IV- KẾT LUẬN

 BÁT CHÁNH ĐẠO thuộc về phần Đạo đế của bài chuyển pháp luân đầu tiên của Đức Phật gọi là TỨ DIỆU ĐẾ.

BÁT CHÁNH ĐẠO như toa thuốc của vị lương y để chữa bệnh khổ trên đời này. Đó là phương pháp tu tập để đạt Đạo quả giải thoát bằng các bước GIỚI-ĐỊNH-TUỆ.

Tu phước là không làm việc ác, thường làm việc thiện với mục đích hưởng được những quả báo nhân thiên. Có phước đức, hưởng được bao nhiêu quả tốt nhưng người đó vẫn còn trong vòng sinh tử luân hồi như học giả Nguyễn Duy Cần đã nói: “Dây xích dù bằng vàng cũng vẫn là xích để trói buộc con người tựa như lồng vàng cũng vẫn là ngục tù của chim.Vấn đề là phá bỏ dây xích hoặc lồng vàng để thoát khỏi ngục tù”.Chính vì thế mà Đức Phật khuyên chúng ta nên tu Huệ để thoát khỏi ngục tù “Tam giới”. Có như vậy, ta mới làm chủ được Tham, Sân, Si trong chính mình, làm chủ được Sinh Tử-Luân hồi và nếu ta có tái sinh thì đó là do nguyện chứ không phải do nghiệp.

Đức Phật có nói một câu bất hủ: “Thắng vạn quân thù ngoài sa trường không bằng thắng chính mình. Thắng được chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất”.

Download

Từ khóa » Tứ Diệu đế Bát Chánh đạo Là Gì