Tự Uống Thuốc điều Hòa Kinh Nguyệt, Coi Chừng Rước Họa - Tiền Phong

Vì sao bị rối loạn kinh nguyệt?

Bình thường, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có kinh mỗi tháng một lần (chu kỳ từ 28 - 32 ngày), kéo dài từ ba-năm ngày, lượng kinh trong mỗi kỳ khoảng 80ml và không kèm đau bụng kinh. Tuy nhiên, có nhiều chị em hay bị rối loạn kinh nguyệt (RLKN) như: thiểu kinh (kinh ít), vô kinh, cường kinh (kinh nhiều), thống kinh (đau bụng kinh), kinh thưa (chu kỳ kinh kéo dài trên 45 ngày), kinh mau (vòng kinh ngắn dưới 25 ngày), rong kinh (kinh kéo dài trên bảy ngày)…

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Sản A, BV Từ Dũ, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng RLKN. Nguyên nhân toàn thân như: suy nhược cơ thể, béo phì, rối loạn nội tiết, bệnh lý mạn tính, căng thẳng quá mức… Có thể do nguyên nhân thực thể như bệnh lý ở tử cung (u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, polype lòng tử cung, ung thư nội mạc tử cung…), bệnh lý ở buồng trứng (u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng…), bệnh lý ở cổ tử cung, viêm nhiễm đường sinh dục hoặc bệnh lý từ trục hạ đồi - tuyến yên...

Tự bổ thuốc, dễ bổ... ngửa

Dù kinh ít, hay nhiều hoặc vô kinh đều có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tự điều trị RLKN bằng kinh nghiệm truyền miệng hoặc nghe chỉ dẫn trên mạng, quảng cáo… Thuốc điều hòa RLKN được nhiều người chuộng hiện nay là thuốc ngừa thai, nhất là thuốc Đông y - vì cho rằng không có hại.

Nhiều bà mẹ, khi thấy con gái tuổi mới lớn kinh nguyệt thất thường thì ngại không đưa con đi khám bệnh, mà tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc điều hòa kinh nguyệt (ĐHKN) cho con uống. Thực tế cho thấy, có không ít cô gái ở tuổi dậy thì, sau một thời gian được mẹ cho uống đủ loại thuốc vẫn không trị dứt RLKN thì mới đi khám và phát hiện nguyên nhân là bị u xơ tử cung dẫn đến RLKN.

Đáng tiếc hơn, như chị Phạm Ngọc L. 38 tuổi ở xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè mỗi đợt có kinh kéo dài 10 ngày, nửa tháng và thỉnh thoảng bị rong huyết nhưng chị vẫn không đi khám vì vừa bận việc, vừa chủ quan nghĩ RLKN là chuyện bình thường của phụ nữ, nên chị tự sắc thuốc bằng cây chó đẻ uống rồi chuyển sang uống thuốc ngừa thai và chuyển tiếp qua thuốc Đông y CIM, PHK suốt mấy tháng vẫn không hết. Đến lúc người mỏi mệt, ăn uống không ngon và sụt hơn 5kg, chị mới đến BV Từ Dũ khám thì phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 2B - đã di căn.

Không chỉ những cô gái mới lớn, mà cả các bà, các cô đến tuổi mãn kinh, bị tắt kinh cả năm cũng tìm đến thuốc ĐHKN với hy vọng người đỡ bốc hỏa, khó chịu và muốn “níu giữ thanh xuân”.

Chị Trần Bích N. - 50 tuổi, ở P.16, Q.8 bị tắt kinh cả năm, nghe nhiều người trên mạng chỉ uống thuốc CIM sẽ có kinh lại nên chị hăm hở uống ngay. Uống hết năm chai, chị có kinh trở lại và ăn ngon, ngủ ngon, da hồng hào và thanh xuân trở lại, chị nghĩ thuốc hiệu quả nên càng chăm chỉ uống hơn. Hậu quả, kinh không thấy, mà càng ngày, mặt chị càng bị phù và người tăng cân nhanh chóng vì thuốc làm giữ nước và ăn nhiều, ngủ nhiều, kèm theo chứng huyết áp cao và đường huyết cao.

Phòng ngừa và điều trị RLKN

Do có rất nhiều nguyên nhân gây nên RLKN, vì vậy khi có vấn đề về kinh nguyệt, các chị em không được tự ý dùng thuốc, kể cả Đông y, mà nên đến BS chuyên khoa để được khám, từ đó mới có hướng xử trí phù hợp.

Theo BS Lê Thị Thu Hà, việc tự ý dùng thuốc để điều trị là không nên: “Thuốc nào cũng có tác dụng mong muốn (điều trị) và tác dụng không mong muốn. Có những loại thuốc không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, chẳng hạn như đang bị viêm gan, bệnh tim mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch mà dùng thuốc tránh thai thì nguy cơ sẽ gia tăng. Hơn nữa, khi chưa xác định nguyên nhân gây RLKN mà tự ý điều trị, nếu chẳng may đó là những nguyên nhân thực thể, đặc biệt là bệnh ung thư thì sẽ bị bỏ qua và bệnh sẽ diễn tiến nặng nề hơn.

Những đối tượng không được dùng thuốc ĐHKN, nhất là thuốc tránh thai như: nghi ngờ có thai; trên 35 tuổi và có hút thuốc lá (trên 10 điếu/ngày); mắc bệnh tim mạch hay rối loạn đông máu dễ gây thuyên tắc mạch; nghi ngờ hoặc đã xác định bị ung thư vú; huyết áp cao trên 160/90mmHg; tiền sử bị vàng da, vàng mắt; đang cho con bú trong sáu tháng sau sinh; đang trong 21 ngày đầu sau sinh và bị mắc chứng đau nửa đầu.

Còn những trường hợp tiền mãn kinh, mãn kinh, BS Lê Thị Thu Hà lưu ý, do tình trạng giảm sút estrogen nên sức khỏe ở lứa tuổi này nói chung bị ảnh hưởng: thường xuyên bị cơn bừng bốc hỏa, mệt mỏi, cáu gắt, loãng xương, khô âm đạo, giao hợp đau, lão hóa da, dễ quên… Việc bổ sung estrogen là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là lứa tuổi dễ bị các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư vú… Vì vậy, các chị cần khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa để được tư vấn về việc dùng nội tiết thay thế.

Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng RLKN chị em cần xây dựng lối sống lành mạnh, giữ vệ sinh tốt, tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ tránh tăng cân quá mức cũng như tránh suy dinh dưỡng; không nên làm việc quá sức, tránh căng thẳng mệt mỏi. Ngoài ra, chị em đừng quên khám sức khỏe tổng quát và phụ khoa định kỳ nhằm tầm soát bệnh lý và được điều trị kịp thời.

Theo Theo Phunuonline

Từ khóa » điều Xuân Nguyệt Có Tốt Không