Tục Ngữ Về "sông Lô" - Ca Dao Mẹ

Những bài ca dao - tục ngữ về "sông Lô":
  • Sông Lô một dải trong ngần

    Sông Lô một dải trong ngần Thảnh thơi ta rũ bụi trần cũng nên

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
    • Thẻ:
      • tu hành
      • sông Lô
    • Người đăng: Nguiễn Sơn
    • 10 January,2016
  • Đu tiên mới dựng năm nay

    Đu tiên mới dựng năm nay Cô nào hay hát kỳ này hát lên Tháng ba nô nức hội đền Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay Dạo xem phong cảnh trời mây Lô, Ðà, Tam Ðảo cũng quay đầu về Khắp nơi con cháu ba kỳ Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài Sở cầu như ý ai ơi Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Quê hương đất nước
    • Thẻ:
      • đánh đu
      • giỗ Tổ
      • sông Lô
      • lễ hội
      • Tam Đảo
      • sông Đà
    • Người đăng: Phan An
    • 7 July,2013
  • Chồng người du kích sông Lô

    Chồng người du kích sông Lô Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần

    Dị bản
    • Chồng người áo gấm sông Lô Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Trào phúng, phê phán đả kích
    • Thẻ:
      • vợ chồng
      • sông Lô
    • Người đăng: Phan An
    • 23 January,2013
Chú thích
  1. Sông Lô Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  2. Đu tiên Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  3. Giỗ Tổ Hùng Vương Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  4. Sông Đà Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  5. Tam Đảo Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  6. Ba kỳ Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  7. Sở cầu như ý Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.

Từ khóa » Bài Thơ Về Sông Lô