Tục Ngữ Về "Tấn Tần" - Ca Dao Mẹ

Những bài ca dao - tục ngữ về "Tấn Tần":
  • Xa xôi xích lại cho gần

    Xa xôi xích lại cho gần Làm chi kẻ Tấn người Tần phôi pha

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • xa cách
      • Tấn Tần
      • điển tích
    • Người đăng: Nguiễn Sơn
    • 26 May,2014
  • Tần còn mong Tấn nhiều bề

    Tần còn mong Tấn nhiều bề, Lan còn nhớ huệ, lời thề chưa quên Bao giờ cho sách hợp đèn Thì Tần với Tấn vẹn tuyền mai xưa

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • Tấn Tần
    • Người đăng: Phan An
    • 10 November,2013
  • Ông Trời phân rẽ bất nhân

    Ông Trời phân rẽ bất nhân Không cho bên Tấn bên Tần gặp nhau

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • Tấn Tần
    • Người đăng: Phan An
    • 10 November,2013
  • Tình cờ chẳng hẹn mà nên

    Tình cờ chẳng hẹn mà nên Gặp nàng anh muốn kết duyên Châu Trần Nên chăng Tấn hỏi thực Tần Kẻ lòng nghi thị trăm phần chưa xong Đôi ta tạc lấy chữ đồng Ngày nào Ô Thước bắt xong nhịp cầu Để mà kết nghĩa Trần Châu Để mà ăn ở bền lâu một nhà

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • Châu Trần
      • Tấn Tần
      • chữ đồng
      • điển tích
      • Ngưu Lang Chức Nữ
    • Người đăng: Phan An
    • 9 November,2013
  • Cậu lính là cậu lính ơi

    Cậu lính là cậu lính ơi Tôi thương cậu lắm, nắng nôi thương hàn Lính này có vua, có quan Nào ai cắt lính cho chàng phải đi Trời ơi sinh giặc mà chi Nay trẩy kim thì, mai trẩy kim ngân Lấy nhau chửa được ái ân Chưa được kim chỉ, Tấn Tần như xưa Trầu lộc em phong lá dừa Chàng trẩy mười bốn, em đưa hôm rằm Rủ nhau ra chợ Quỳnh Lâm Vai đỗ gánh xuống, hỏi thăm tin chồng Xót xa như muối bóp lòng Nửa muốn theo chồng, nửa bận con thơ

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình cảm gia đình, bạn bè
      • Đấu tranh, phản kháng
    • Thẻ:
      • thương hàn
      • vợ chồng
      • lính
      • Tấn Tần
    • Người đăng: Phan An
    • 5 October,2013
  • Đứa nào được Tấn quên Tần

    Đứa nào được Tấn quên Tần Xuống sông cọp ních, lên rừng sấu tha

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Trào phúng, phê phán đả kích
    • Thẻ:
      • con hổ
      • Tấn Tần
      • cá sấu
      • phụ bạc
    • Người đăng: Nguiễn Sơn
    • 27 August,2013
  • Tháng một là tiết mưa xuân

    Tháng một là tiết mưa xuân Tháng hai mưa bụi dần dần mưa ra Đàn bà như hạt mưa sa Mưa đâu mát đấy biết là đâu hơn Tháng năm tháng sáu trong trận mưa cơn Bước sang tháng bảy rợp rờn mưa ngâu Thương thay cho vợ chồng Ngâu Cả năm chỉ mới gặp nhau một lần Nữa là ta ở dưới trần Cũng mong kết nghĩa Tấn Tần cùng nhau Nữa là mưa nắng dãi dầu Cũng mong cho vợ chồng Ngâu hợp hòa Gặp nhau từ ngày mồng ba Đến ngày mồng bảy là ra bơ phờ Đã đành kết tóc xe tơ Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời Mưa thì em đã họa rồi Nắng đâu anh họa một bài cùng nghe

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
      • Quan hệ thiên nhiên
    • Thẻ:
      • Tấn Tần
      • Ngưu Lang Chức Nữ
      • mưa
      • thời tiết
      • mưa Ngâu
      • Chức Nữ
    • Người đăng: Phan An
    • 13 July,2013
  • Trời xanh nước biếc một màu

    Trời xanh nước biếc một màu Em cười là khóc, em sầu là tươi Nỗi lòng cực lắm anh ơi! Dâu con ăn ở đôi nơi song toàn Ai ngờ chỉ thắm dây oan Ai ngờ Tần Tấn mà nên Việt Hồ Một thân năm liệu bảy lo Chiều chồng, đôi họ, mẹ cha cũng chiều.

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
      • Tình cảm gia đình, bạn bè
    • Thẻ:
      • xa cách
      • Tấn Tần
      • buồn
      • làm dâu
      • Hồ Việt
      • vợ chồng
    • Người đăng: Quỳnh Mai
    • 12 July,2013
  • Một mừng Tần Tấn gặp nhau

    Một mừng Tần Tấn gặp nhau, Hai mừng ngỏ ý Trần Châu một nhà Ba mừng vui vẻ giao hòa Bốn mừng đây đó trước xa sau gần Năm mừng đi lại ân cần Sáu mừng không để đêm xuân mơ màng Bảy mừng nên đạo cương thường Tám mừng giải tỏ lời nguyền thề chung Chín mừng tiếp khách non bồng, Mười mừng kết nghĩa loan phòng từ đây

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Vũ trụ, con người và xã hội
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • Châu Trần
      • Tấn Tần
      • cưới hỏi
      • cương thường
    • Người đăng: Quỳnh Mai
    • 11 June,2013
  • Một đàn cò trắng bay qua

    Một đàn cò trắng bay qua Biết mặt mà chẳng biết nhà làm quen Nhà chàng được mấy anh em Cho tôi biết tuổi biết tên tôi chào Mẹ thầy là người làm sao Tôi trông thấy mặt tôi chào cho mau Miệng thời chào mẹ đi đâu Tay thời mở túi đưa trầu mẹ ăn Tôi ra Tấn mới gặp Tần Đôi ta hồ dễ mấy lần gặp nhau Đâu người đón trước ngăn sau Thì ta cũng nói với nhau một lời

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Vũ trụ, con người và xã hội
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • Tấn Tần
      • trầu cau
      • cha mẹ
      • con cò
    • Người đăng: Quỳnh Mai
    • 11 June,2013
  • Sách có chữ họa phước vô do

    Sách có chữ “Họa phước vô do” Ưng không nàng nói tôi lo cho rồi Công cha ngãi mẹ đền bồi Còn lo một nỗi đứng ngồi với em Trăng rằm rọi xuống bên rèm Tưởng trăng là bậu bên thềm thướt tha Cây oằn là bởi tại hoa Qua thương nhớ bậu chẳng qua vì tình Thương nhau thương dạng thương hình Thương lời ăn nói thương tình ngãi nhân Phải duyên Hồ Việt cũng gần Trái duyên Tần Tấn dẫu gần cũng xa

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • Tấn Tần
      • công cha
      • tình duyên
      • Hồ Việt
      • nghĩa mẹ
    • Người đăng: Lê Tư
    • 6 June,2013
  • Chàng trẩy đi, trễ đã mấy đông

    Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên Nữa mai bóng quế dãi thềm Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh Chân đi thất thểu lời anh dặn dò

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
      • Tình cảm gia đình, bạn bè
    • Thẻ:
      • vợ chồng
      • xa cách
      • lính
      • Tấn Tần
      • duyên
    • Người đăng: Quỳnh Mai
    • 4 June,2013
  • Nếu em còn ngại, qua thề lại cho em tường

    Nếu em còn ngại, qua thề lại cho em tường Đứa nào được Tấn quên Tần Xuống sông cọp bắt, lên rừng sấu tha!

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Trào phúng, phê phán đả kích
    • Thẻ:
      • Tấn Tần
      • cá sấu
      • con cọp
      • thề thốt
    • Người đăng: Phan An
    • 15 May,2013
  • Gặp đây hỏi khách má đào

    Gặp đây hỏi khách má đào Còn không hay đã nơi nào xứng cân? Gặp đây hỏi khách Châu Trần Còn không hay đã Tấn Tần cùng ai? Gặp đây hỏi khách Chương Đài Còn không hay đã có ai vin cành? Gặp đây hỏi khách xuân xanh Có nên thì nói cho tình được hay

    Thông tin thêm
    • Chủ đề:
      • Tình yêu đôi lứa
    • Thẻ:
      • má đào
      • Châu Trần
      • Tấn Tần
      • Chương Đài
      • xuân xanh
    • Người đăng: Virus
    • 15 February,2013
Chú thích
  1. Tấn Tần Tên hai nước chư hầu thời Xuân Thu bên Trung Quốc. Cách nói "kẻ Tấn người Tần" chỉ sự xa xôi, cách trở.
  2. Tấn Tần Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi, Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa. (Truyện Hoa Tiên)

  3. Bất nhân Không có tính người, tàn ác (từ Hán Việt).
  4. Châu Trần Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân, Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn. (Truyện Kiều)

  5. Chữ đồng Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai (Truyện Kiều)

  6. Cầu Ô Thước Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  7. Thương hàn Bệnh cảm lạnh theo Đông y (lưu ý phân biệt với bệnh thương hàn của Tây y, một bệnh về đường tiêu hóa).
  8. Kim thì Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim thì, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  9. Kim ngân Vàng bạc (từ Hán Việt).
  10. Chửa Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  11. Quỳnh Lâm Địa danh nay là một xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
  12. Ních Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  13. Mưa ngâu Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  14. Ngưu Lang, Chức Nữ Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
  15. Kết tóc xe tơ Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  16. Song toàn Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  17. Hồ Việt "Hồ" chỉ các dân tộc sống về phía bắc, "Việt" chỉ các dân tộc sống về phía nam Trung Quốc ngày trước. Hồ Việt chỉ sự xa xôi cách trở.

    Chữ rằng: Hồ Việt nhứt gia Con đi tới đó trao qua thơ này (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  18. Cương thường Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  19. Phòng loan Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài (Truyện Kiều)

  20. Thầy Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  21. Trầu Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  22. Họa phúc vô do Họa phúc không có nguyên do, khi không mà đến (thành ngữ Hán Việt).
  23. Ngãi Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Bậu Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Qua Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  26. Trẩy Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  27. Loan Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung, Nào người tiếc lục tham hồng là ai (Truyện Kiều)

  28. Đồng tịch đồng sàng Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  29. Đồng sinh đồng tử Sống chết có nhau.
  30. Đồng lần Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
  31. Quân thân Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
  32. Tường Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  33. Má đào Má hồng, chỉ người phụ nữ đẹp.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào, Mắt xanh chẳng để ai vào có không? (Truyện Kiều)

  34. Còn không Còn chưa có ai.
  35. Chương Đài Tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc) thời Đường, nơi có nhiều lầu xanh. Nhà thơ Hàn Hoằng cưới một kĩ nữ họ Liễu làm vợ, nhà ở đường Chương Đài. Hàn Hoằng đi Thanh Châu nhậm chức, ba năm không về được, chỉ gửi cho vợ bài thơ: "Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều y cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ." (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh giờ ở đâu? Dẫu rằng cành dài rủ như xưa, cũng tay người khác vin bẻ rồi). Liễu thị cũng làm thơ đáp lại. Về sau, Liễu thị bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi bắt làm thiếp. Một tráng sĩ là Hứa Tuấn dùng bài thơ cũ của Hàn Hoằng làm tin, liên lạc với Liễu thị, rồi lập mưu cứu nàng đưa về sum họp với Hàn Hoằng.

    Cụm khách Chương Đài dùng để chỉ người yêu, và liễu Chương Đài chỉ sự xa cách của hai người đang yêu.

    Khi về hỏi liễu Chương Đài, Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay. (Truyện Kiều)

  36. Xuân xanh Tuổi trẻ.

    Phong lưu rất mực hồng quần, Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê. (Truyện Kiều)

  37. Nên Thành.

Từ khóa » Tơ Chỉ Xe Chung Tấn Với Tần