Tục Ngữ Việt - GS Văn Hòe - Mỗi Ngày Một Chuyện

Sunday, June 17, 2012

Tục Ngữ Việt - GS Văn Hòe

Trang A
1. Ác Giả Ác Báo: Ác giả là người ác, việc ác. Ác báo là điều ác đền đáp lại. Ác giả ác báo nghĩa là người làm việc ác thì gặp điều ác báo lại, hoặc việc ác này sẽ bị việc ác khác báo lại. Câu này nêu cái ảnh hưởng qua lại của hành động, ngụ ý khuyên người ta chớ nên làm việc ác để tránh khỏi việc ác, nên ăn ở hiền lành để gặp việc lành. 2. (Ai chả muốn) phấn dồi mặt, ai (muốn phấn dồi gót chân): Phấn dồi mặt tức là phấn xoa mặt. Phấn dồi mặt thì mặt đẹp thêm ra. Phấn dồi gót chân tức là phấn xoa gót chân; phấn xoa gót chân thì vô ích, mặt mũi chẳng xinh đẹp thêm chút nào, nó đen xấu vẫn hoàn đen xấu. Đại ý câu này nghĩa là: ở đời ai chả muốn đẹp mặt, ai muốn xấu mặt bao giờ? Người ta thường dùng câu này để bào chữa cho sự bất đắc dĩ phải chịu xấu mặt với bà con bạn bè; hoàn cảnh không cho phép sử đẹp được, chứ bản thân người ta ai cũng muốn đẹp mặt cả. 3. Ai cười hở mười cái răng: Người có liêm sỉ và biết nghĩ thì bao giờ cũng sợ sự chê cười của thiên hạ, không dám làm những việc xấu xa bậy bạ trái với lề thói xã hội. Người vô liêm sỉ thì bất chấp dư luận thiên hạ, bất chấp lề luật xã hội, cứ làm theo ý muốn riêng mình, và lại nói như có ý thách thức thiên hạ: ai cười hở mười cái răng, chứ ta không e ngại chi hết. Câu này là lý luận của kẻ liều lĩnh cố cùng, tỏ vẻ không cần sự khen chê của người đời, để đánh lạc dư luận về những hành vi bậy bạ của hắn. 4. Ai đội mũ lệch xấu mặt người ấy: Mũ đây là thứ mũ cánh chuồn của các quan thời xưa. Thứ mũ ấy khi đội lên đầu phải đội ngay ngắn, nếu đội lệch thì xấu lắm, coi không được. Ai đội mũ lệch xấu mặt người ấy là ai đội mũ không ngay ngắn thì người ấy xấu. Nghĩa bóng, câu này nói: ai làm việc dở thì người ấy xấu mặt, người ngoài không ai việc gì, có ý nói xã hội không phải chịu trách nhiệm về những việc làm của cá nhân. Câu này nghịch nghĩa hẳn với câu: “Con sâu bỏ rầu nồi canh, một người làm đĩ xấu danh đàn bà.” 5. Ai giầu ba họ ai khó ba đời: Ba họ là họ bố, họ mẹ, và họ vợ. Ba đời là đời cha, đời con và đời cháu. Không ai giầu có cả ba họ và cũng không ai nghèo khó luôn ba đời, ý nói sự giầu nghèo không riêng gì một ai, có lúc đang giầu mà hóa nghèo, hoặc có lúc đang nghèo mà nhờ làm ăn tiết kiệm trở nên giầu có. Khuyên ai chớ thất vọng vì nghèo, chớ thị kỳ mình giầu mà khinh người nghèo. 6. Ai nói làm sao bào hao làm vậy: Bào hao là kêu gào. Thấy ai nói làm sao thì kêu gào ngay lên làm vậy. Câu này đại ý chê thói dễ tin người, không biết cân nhắc suy xét xem lời người ta nói có đúng hay không. 7. Anh em ai đầy nồi ấy: Đầy nồi là đầy nồi cơm, tức no đủ. Nấy là người ấy. Anh em ai đầy nồi ấy nghĩa là: Anh em thì anh em; song người nào no đủ người ấy; ý nói anh nào đầy nồi thì anh ấy no đủ, anh nào vơi nồi thì anh ấy chịu đói bụng. Anh em mỗi người một phận, ai có người ấy ăn; có của chưa dễ đã chia sẻ cho anh em nghèo. Câu này ngụ ý chê thói vị kỷ của con người, ngay đối với người thân yêu như anh em mà cũng vẫn không bỏ thói vị kỷ. 8. Anh em chém nhau bằng xống, không ai chém nhau bằng lưỡi: Xống đây là xống dao, tức là cái lưng con dao, phía đối chọi tức bụng dao tức lưỡi dao: cũng gọi là đọng dao. Lưỡi tức là lưỡi dao: cái phía sắc bén của con dao, dùng để chặt, cắt, chém các đồ vật. Thường khi bao giờ người ta cũng chém bằng lưỡi dao, không ai chém bằng xống dao, vì xống dao không sắc, chém không đứt được. Nhưng anh em lỡ giận dữ bất bình với nhau thì chém nhau bằng xống, chứ không chém nhau bằng lưỡi, là vì anh em chỉ chém dứ; chém dọa nhau, chứ không định bụng chém chết nhau, như đối với kẻ thù. Câu này đại ý khuyên anh em dù gặp lúc bất hòa với nhau, cũng không nên xử tệ với nhau quá, như đối với người dưng, vì anh em dù sao vẫn là anh em. 9. Anh em khinh trước, làng nước khinh sau: Anh em có khinh ghét nhau, nói xấu nhau trước thì sau người trong làng trong nước mới biết rằng anh em nhà ấy xấu, và mới khinh theo. Nếu anh em hòa thuận với nhau, bênh vực lẫn nhau, thì làng nước không bao giờ dám tỏ ý khinh, vì sợ anh em nhà ấy thế lực mạnh. Lấy việc anh em làm ví dụ, câu này đại ý khuyên người trong nước nên yêu mến nhau, nhường nhịn lẫn nhau, để người ngoài khỏi khinh bỉ. Mạnh tử nói: “Người trong nước khinh nhau trước rồi sau người ngoài nước mới khinh; người trong nước đánh nhau trước rồi sau người ngoài mới đánh.” Ý nghĩa cũng tương tự câu tục ngữ trên. 10. Anh em nắm nem: Câu này ý bỏ lửng ở đoạn giữa. Lẽ ra phải nói thế này mới đủ ý: anh em nắm nem ba đồng, muốn ăn thì trả sáu đồng mà ăn; nghĩa là nắm nem bán cho người ngoài có ba đồng, bán cho anh em thì bán những sáu đồng một nắm. Ý nói anh em đối đãi với nhau không có tình nghĩa gì cả, càng anh em càng xử tệ với nhau. 11. Anh em như chân như tay: Anh em ví như chân tay. Chân tay không ai thay đổi lựa chọn được, anh em cũng vậy; chân tay đau thì cả người đau, anh em ốm đau hoạn nạn thì mình cũng lo lắng. Chân tay què gẫy, thì người sẽ yếu ớt. Anh em chết mất thì mình mất vây cánh. Chân tay không thể lìa khỏi mình, anh em không thể lìa bỏ nhau được. Câu này đại ý khuyên người ta nên quý hóa giữ gìn anh em cũng như quý hóa giữ gìn chân tay mình vậy. 12. Ăn bớt bát, nói bớt nhời: Ăn nhiều quá thì bội thực, nên phải ăn bớt bát. Nói nhiều quá thì thế nào cũng có điều không đúng, không phải, nên phải nói bớt lời. Câu này khuyên người ta không nên ăn no quá, không nên nói nhiều quá để tránh những sự khó chịu cho thân thể và cho tinh thần. 13. Ăn cây nào rào cây ấy: Ăn quả của cây nào thì rào rậu cây ấy, để giữ gìn cho cây khỏi bị xâm phạm. Ý nói đã chịu ơn ai thì phải giữ gìn bênh vực cho người ấy. 14. Ăn cây táo rào cây soan (đào): Quả táo và quả soan (đào) coi gần giống nhau. Người vô ý có thể lầm quả nọ ra quả kia. Cho nên có người ăn quả cây táo mà không rào cây táo để giữ gìn quả táo, lại đi rào cây soan để giữ gìn quả soan. Câu này có ý chê người không biết suy xét, chịu ơn người này lại đi trả ơn người kia, ăn nơi này lại đi làm tốt nơi khác. 15. Ăn chưa nên đọi, nói chửa nên lời: Đọi là bát. Ăn chưa nên đọi là ăn chưa biết ăn gọn bát, nói chửa nên lời là nói câu chuyện chưa biết xếp đặt có đầu có đuôi. Ý nói người còn non dại chưa biết đường ăn nói. Người ta thường dùng câu này để tả người ít tuổi chưa đủ trí khôn ngoan. 16. Ăn chửa no, lo chửa tới: Ăn chửa no là ăn còn chưa dám ăn no, vì ở trong nhà, mình là phận dưới, ăn nhiều quá sợ người trên quở, người ngang hàng chê cười. (Ngày xưa nàng dâu mới về nhà chồng bao giờ cũng phải ăn đói, để được tiếng khen là người ăn ít). Lo chửa tới là chưa tới địa vị mình phải lo lắng việc nhà. Câu này nói người còn phải thuộc quyền cha mẹ, chưa có quyền quyết đoán và chưa phải lo liệu việc nhà, tức là người thơ dại, chưa biết ăn, biết lo. 17. Ăn có chỗ, đỗ có nơi: Đỗ đây là ngủ đỗ, ngủ trọ dọc đường. Ăn có chỗ, đỗ có nơi là ăn phải có chỗ ăn uống ngon lành cẩn thận, ngủ đỗ phải có nơi chắc chắn, tử tế. Câu này khuyên người ta ngủ dọc đường phải cẩn thận, vì ngày xưa trong nước có loạn lạc, khách bộ hành nhiều khi bị quân gian đánh thuốc mê, thuốc độc vào cơm nước để bóc lột, hoặc dùng nhà trọ làm cạm bẫy để hãm hại người ngủ đỗ dọc đường. Những nơi như thế gọi là hắc điếm nghĩa là cái quán ngủ, quán cơm đen tối, ám muội. 18. Ăn có nhai, nói có nghĩ: Ăn tất nhiên phải nhai, thì nói tất nhiên cũng phải nghĩ rồi hãy nói. Câu này khuyên người ta ăn nói phải suy nghĩ thận trọng, không nên gặp đâu nói đấy, nói bậy nói bạ, mà có hại cho nhân phẩm mình hoặc có hại đến thanh danh người khác. 19. Ăn có nơi, làm có chỗ: Ăn có nơi ăn, làm có nơi làm, ý nói nơi ăn nơi làm chỗ nào ra chỗ ấy. Câu này có thể có hai ý nghĩa: a) Khuyên người ta nên sắp đặt chỗ ăn, chỗ làm cho có ngăn nắp, không nên luộm thuộm. b) Khuyên người ta không nên bạ đâu ăn đấy. Ăn phải tùy nơi, làm phải tùy chỗ, thì mới giữ được giá trị của mình. 20. Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng: Tù và làm bằng vỏ ốc hay bằng sừng trâu, dùng để báo hiệu khi có việc quan hay có động dạng trộm cướp, cháy nhà v.v… Việc thổi tù và báo hiệu ngày xưa thuộc nhiệm vụ tuần tráng. Tuần tráng là những người trai tráng không có bằng cấp, chức vị được cắt cử ra để trông coi trật tự và an ninh trong làng. Tuần tráng trong xã không được lương bổng gì, hằng ngày ăn cơm nhà, làm việc làng. Hàng năm đến vụ gặt, mới được chia nhau một ít thóc tuần gọi là sương túc. Nhưng đi tuần hàng tổng thì sương túc hàng năm cũng không được hưởng. Thổi tù và hàng tổng là nhiệm vụ của tuần tráng hàng tổng. Câu này ngụ ý than phiền về tạp dịch dân đen phải chịu thời xưa. Người ta thường mượn câu này để nói bóng việc làm không có lợi lộc. 21. Ăn cháo đá bát: Ăn cháo xong, đá ngay vào cái bát đựng cháo ban nãy. Người ta ví kẻ chịu ơn mà vô ơn người, và nói xấu người (tức là bạc bẽo) với kẻ ăn cháo rồi đá vào bát. 22. Ăn chọn nơi chơi chọn bạn: Ăn phải chọn nơi mà ăn, vì có nơi nên ăn, có nơi không nên ăn; có nơi ăn thì mang tiếng, có nơi không ăn thì người ta cũng không bằng lòng. Chơi phải chọn bạn mà chơi, vì có bạn tốt có bạn xấu, có bạn có ích, có bạn có hại. Câu này có nghĩa na ná câu “ăn tùy nơi chơi tùy chốn” khuyên ta nên lựa bạn mà chơi. 23. Ăn cơm nhà vác ngà voi: Thời quân Minh cai trị nước ta ngày xưa, nhân dân thường phải đem theo gạo nước lên rừng tìm ngà voi, săn chim trả, xuống bể bắt đồi mồi, mò ngọc trai cho quân Minh. Tình cảnh rất là khổ cực. Bởi vậy mà nhân dân uất ức đã theo vua Lê Lợi đứng lên đánh đuổi quân Minh. Ăn cơm nhà vác ngà voi là câu tục ngữ tả cảnh khổ cực của nhân dân thời bấy giờ. Nay người ta thường mượn câu này để nói bóng việc làm không có lương bổng gì. 24. Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau: Ăn cỗ đi trước, có lợi là được ngồi chỗ tốt, được ăn thức ăn nguyên lành, đi sau thì ngồi chỗ không tốt và thức ăn có khi ăn dở còn lại dồn vào làm cỗ. Lội nước đi sau thì được cái lợi là chỗ nông chỗ sâu người đi trước đã dò sẵn cho mình, mình cứ theo chân họ mà đi, không sợ bước vào chỗ sâu đến ướt quần áo hay ngập thũm đầu. Câu này dạy ta xử thế cần phải khôn ngoan. Cũng có khi có nghĩa là hành động của kẻ khôn vặt. 25. Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy: Ăn cơm với cáy (một thứ cua nhỏ ở bể) là khi nhà còn nghèo; ăn cơm với thịt bò là lúc đã giầu có. Khi còn nghèo thì đêm ngủ một mạch đến sáng chẳng phải lo lắng gì, khi giầu có thì đêm lo ngay ngáy không ngủ được, chỉ sợ trộm cướp đến nhà. Câu này ý nói giầu có chưa hẳn đã là sung sướng. 26. Ăn cướp cơm chim: Cơm chim tức là cơm nắm chim chim trong lòng bàn tay để phần cho trẻ con ăn. Ăn cướp cơm chim là ăn cướp cơm chim chim, tức là ăn cướp cơm phần cho trẻ con ăn: ý nói cướp cái ăn của con cái người ta, nhẫn tâm, chẳng thương gì trẻ nhỏ. 27. Ăn đã vậy, múa gậy làm sao: Múa gậy là cầm gậy, cầm côn mà múa, tức là đánh nhau, vì ngày xưa người ta toàn dùng võ khí thô sơ như gậy, côn để đánh nhau; mà dùng côn dùng gậy thì phải múa theo bài, theo miếng dạy trong sách võ. Ăn thì đã vậy rồi, nhưng còn lo khi ra đánh nhau thì phải làm ra làm sao. Câu này tả mối lo của người binh lính khi sắp ra trận, cũng là mối lo toan của người có tinh thần trách nhiệm khi ăn nhớ tới khi làm. 28. Ăn đây nói đó: Ăn chỗ này nói xấu chỗ khác. Ý nói người bụng dạ không tốt; chỗ nào được ăn thì phỉnh nịnh, chỗ nào không được ăn thì nói xấu. 29. Ăn được ngủ được là tiên, Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo: Ăn được ngủ được thì người khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh thì người sung sướng như tiên, không phải lo lắng bệnh tật. Có bệnh tật thì phải mất tiền thuốc thang chữa chạy và đâm ra lo lắng không biết bệnh tật có khỏi được không, thế là mất tiền thêm lo. Câu này đại ý nói có sức khoẻ là sung sướng. 30. Ăn ít ngon nhiều: Phàm ăn thức gì, ăn ít thì thấy ngon miệng, ăn nhiều quá thì thấy ngán, mất ngon. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này có ý nói: không nên tham lam, tham quá có khi mất ăn, cứ bằng lòng nhận phần ít ỏi thì bao giờ cũng chắc chắn hơn là ôm đồm định “ăn” to. 31. Ăn không lo, của kho cũng hết: Ăn tức là ăn uống, ăn tiêu. Không lo là không lo liệu, tính toán. Của kho là tiền của nhiều như của trong kho nhà vua, nhà nước, tức là rất nhiều tiền của. Cả câu nghĩa là nếu ăn tiêu mà không biết lo liệu tính toán, thì tiền của nhiều đến đâu, rồi cũng hết. Đại ý câu này khuyên người ta nên lo liệu tính toán mọi sự ăn tiêu cho vừa phải hợp lý. Câu này cũng có khi nói lẩn đi chữ ăn ở đầu: “không lo của kho cũng hết” ý nghĩa cũng như thế. 32. Ăn lắm thì hết miếng ngon, nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ: Ăn nhiều quá thì miếng ngon hết, nói nhiều quá thì lời khôn hết, nói đến lời dại, thành ra như kẻ hóa rồ, hóa điên. Câu này đại ý khuyên người ta không nên nói nhiều quá, nói nhiều quá thì thế nào cũng có điều không phải. 33. Ăn lấy vị không ai lấy bị mà đong: Vị là mùi vị, mặn hay nhạt, ngọt hay chua, ngon miệng hay không. Lời trên có ý khuyên ăn cốt cho biết mùi vị của thức ăn, chứ không dùng cái dạ dày làm cái bị để đong thức ăn. Câu này khuyên người ta không nên tham ăn. 34. Ăn lấy đời chơi lấy thời: Ăn thì lấy đời sống làm giới hạn, nghĩa là người ta phải ăn suốt đời, đến bao giờ hết đời (chết) mới thôi; còn chơi thì lấy thời gian làm giới hạn, nghĩa là người ta chơi thì tùy lúc, tùy thời, không thể lúc nào cũng chơi được. (Thí dụ: Tháng giêng là tháng ăn chơi, ngày ba tháng tám không việc thường nghỉ, lúc trẻ thì chơi bời, hết việc thì giải trí…) Cũng có thể giảng: Ăn thì lấy bảo tồn sự sống (đời) làm trọng, chơi thì lấy sự thích thời (đúng lúc) làm phải. Đại ý câu này khuyên người ta nên tiết chế sự ăn chơi, không nên bừa bãi. 35. Ăn lúc đói, nói lúc say: Lúc đói thì ăn bao nhiêu cũng vừa, ăn thức ăn nào cũng thấy ngon. Lúc say thì nói mãi cũng không biết chán. Câu này có ý khuyên người ta, ăn nói nên liệu mồm miệng, dù đói cũng chớ nên quá khẩu, lúc say lại càng phải bớt lời. Lúc đói không biết giữ miệng, thì miếng ăn quá khẩu thành tàn, có khi tham thực cực thân. Khi say không biết bớt lời, thì đa ngôn đa quá, có lúc vạ miệng. 36. Ăn mắm thì ngắm về sau: Mắm vốn mặn. Ăn mắm thì phải liệu mà ăn, kẻo ăn nhiều quá thì sau sẽ khát nước, nghĩa là phải ngắm về sau. Nghĩa bóng, câu này nói: làm việc gì mình cũng phải nghĩ trước đến ảnh hưởng việc đó về sau này (nếu xét việc đó có ảnh hưởng xấu sau này thì đừng làm). 37. Ăn mặn khát nước: Ăn mặn quá thì uống nhiều nước mà vẫn chưa khỏi khát. Nghĩa bóng, nghĩa là mình làm việc gì phải chịu ảnh hưởng việc ấy; làm việc hay thì gặp điều hay, làm việc dở thì gặp điều dở. Câu này khuyên người ta ăn ở nên có nhân từ. Lại có câu: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, nghĩa là cha làm việc hay, dở, thì sau này con cái sẽ chịu ảnh hưởng những việc hay dở đó. 38. Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối: Ăn mặn tức là ăn các thứ thịt cầm, thú, cá, trứng, mỡ như ta ăn hằng ngày. Ăn chay là ăn toàn thức rau cỏ, tức lối ăn của các nhà sư chân tu. Ăn mặn nói ngay là ăn mặn nói điều ngay thật. Ăn mặn như mọi người mà ăn nói ngay thật, còn hơn là người tu hành ăn chay mà nói dối. Câu này đại ý nói tu hành cũng chẳng ích gì nếu trong tâm địa còn có điều gì gian dối. 39. Ăn mật giã gừng: Mật ngọt, gừng cay. Ăn mật giã gừng là ăn thứ ngon ngọt, giã thứ đắng cay. Ý nói được người đối đãi tử tế, lại đối xử với người không ra gì. Câu này chê người ăn ở bất nhân, chịu ơn người mà không biết trả ơn, lại trả oán. Ý nghĩa cũng tương tự câu: “Ăn sung giã ngái”. 40. Ăn mày đánh đổ cầu ao: Ăn mày được ít gạo mang ra cầu ao đãi để về thổi cơm, chẳng may lại đánh đổ xuống nước mất. Ý nói đã nghèo lại khổ thêm. Người ta thường dùng câu này để than phiền rằng, đã khổ lại gặp sự không may, đã nghèo lại gặp thêm cảnh khốn khó. Ý nghĩa cũng gần giống câu “chó cắn áo rách”. 41. Ăn mày đòi xôi gấc: Xôi gấc là thứ xôi thổi với một quả gấc, người ta cho là thứ ăn quí. Ăn mày đòi xôi gấc là người đi ăn xin mà đòi được ăn thứ ăn quí, thức ăn ngon. Nghĩa bóng là đòi hỏi những điều không thích hợp với địa vị và hoàn cảnh mình. Chê người không biết phận mình. 42. Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày: Câu này định nghĩa thế nào là người ăn mày. Ăn mày cũng là người như ta, chỉ khác là phải đói cơm rách áo. Người ta, ai cũng vậy, nếu không chịu khó làm ăn, đều có thể phải đói cơm, rách áo, và hóa ra người ăn mày. Đại ý câu này khuyên người đời không nên khinh rẻ kẻ khó, cho là hạng người ở ngoài loài người. 43. Ăn miếng chả, giả miếng bùi: Ăn miếng thịt nạc (chả) của người ta cho, mình lại biếu trả lại người ta miếng thịt bùi ngon. Ý nói ăn đi, trả lại, người cho của này, mình lại trả của khác. Mà có đi có lại như vậy thì mới toại lòng nhau. 44. Ăn miếng trả miếng: Miếng đây không phải miếng ăn. Miếng là miếng đòn, miếng võ. Hễ đánh ai được một đòn thì gọi là một miếng. Ăn miếng là chịu miếng đòn, miếng võ, nghĩa là bị người ta đánh cho một đòn. Trả miếng có nghĩa là đánh trả lại người ta một miếng khác. Nghĩa đen là bị người ta đánh thì lại đánh trả người ta. Nghĩa bóng: bị người ta lừa gạt thì lại lừa gạt lại, bị người ta làm hại mình, thì mình làm hại lại. Ý nói hai bên không bên nào chịu kém bên nào, luôn luôn tìm cách trả thù nhau. 45. Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng: Ăn một bát cháo (như cháo lòng) trong các cuộc ăn uống ở nhà quê đun nấu không cẩn thận, có khi phải chạy ba quãng đồng vì đau bụng, tháo dạ. Ý nói ăn uống chả bõ thêm ốm đau. Cũng có người giảng: được ăn một bát cháo, thì phải đi mất ba quãng đồng, ý nói miếng ăn trả bù với sự đi lại khó nhọc. 46. Ăn một bát, nói một lời: Ăn một bát là mỗi bữa cơm, ta chỉ dùng một cái bát để ăn cơm, không ai dùng nhiều bát ăn cơm trong một bữa. Vậy thì nói với ai cũng nên nói một lời, như dùng một bát ăn cơm. Nói một lời là trước nói sai, sau nói vậy, nói lời giữ lời, không nuốt lời, không sai lời hứa. Câu này khuyên người ta nói năng nên đúng mực, chớ có nói lời rồi lại nuốt lời như không. Ý nghĩa cũng gần như câu: “Quân tử nhất ngôn”, nghĩa là người quân tử trước sau chỉ nói một lời, không nói năng tiền hậu bất nhất. 47. Ăn một đọi, nói một lời: Đọi (tiếng cổ) nghĩa là cái bát dùng để ăn cơm. Ăn một đọi là trong bữa cơm, người ta chỉ dùng một cái bát để ăn cơm. Nói một lời là không phải suốt đời hay suốt ngày chỉ nói một câu. Nói một lời là không thay đổi ý kiến, trước nói làm sao, sau nói làm vậy, không phải lúc nói thế này, lúc nói thế khác. Câu này ý nghĩa cũng như câu: “ăn một bát, nói một lời”. 48. Ăn một miếng, tiếng muôn đời: Tiếng là mang tiếng, tức bị tiếng chê. Ăn uống ở nơi không đáng ăn uống, thì ăn một miếng ăn bị thiên hạ chê cười mãi mãi. Đại ý câu này muốn khuyên ta nên biết ăn uống tùy lúc, tùy nơi, không nên gặp đâu ăn đấy. 49. Ăn nắm xôi dẻo, nhớ nẻo đường đi: Ăn nắm xôi, thấy xôi dẻo liền nhớ ngay nẻo đường lầy lội, bút đất dẻo như xôi, là nẻo đường người làm ruộng vẫn phải đi, để cấy lúa, gặt lúa. Đại ý câu này khuyên người ta khi ăn bát cơm, nắm xôi, nên nhớ đến công lao khó nhọc của người làm ruộng, đã làm ra cơm gạo ta ăn. 50. Ăn nễ ngồi không, non đồng cũng lở: Ăn nễ ngồi không nghĩa là ăn rồi ngồi đấy không làm việc gì, cũng như câu: “Ăn không ở nễ”. Non đồng là núi đồng tức là núi tiền (vì tiền xưa đúc bằng đồng). Cả câu có nghĩa là ăn không ở nễ, hay ăn không ngồi rồi, không làm việc gì; thì dù có núi tiền, cũng lở chứ không còn. Đại ý nói ăn không ngồi không thì có núi của cũng hết. Câu này khuyên người ta nên cần cù làm việc, dù giầu có cũng chớ nên ăn không ngồi rồi. 51. Ăn ngay ở thật, mọi tật mọi lành: Ăn ngay ở thật thà, mọi tật mọi lành là tất cả các bệnh tật đều lành, đều khỏi cả. Cả câu nghĩa là hễ ăn ở ngay thẳng thật thà, thì dù mắc bệnh tật gì rồi cũng qua khỏi, lành mạnh. Nghĩa bóng, tật có nghĩa là tội vạ, là những việc không hay. Cả câu nghĩa là hễ ăn ở ngay thẳng thật thà, thì dù có mắc phải tội vạ gì oan uổng, sau cùng vô sự. Đại ý câu này khuyên người ta nên ăn ở ngay thẳng thật thà, sống ngay thẳng thật thì không phải lo ngại điều gì cả. 52. Ăn nhạt mới biết thương mèo: Mèo thường ăn nhạt. Người ta nếu có lúc phải ăn nhạt thì thấy thức ăn vô vị, mất ngon, không muốn ăn. Lúc ấy, người ta mới nghĩ thương con mèo suốt đời phải ăn nhạt. Nghĩa bóng câu này muốn nói: mình có nếm qua sự thiếu thốn nghèo khổ, thì mới biết thương người nghèo khổ thiếu thốn. 53. Ăn như hùm đổ đó: Hùm tức là con hổ, con cọp. Hùm đói thường hay ra chỗ dòng nước chảy đổ đó trộm của người đơm đó mà ăn. Đổ đó trộm như vậy tất nhiên phải vội vàng hấp tấp, bao nhiêu cá tép trong đó đổ tống cả vào miệng một lúc, thong thả chậm chạp thì e bị người ta bắt gặp. Người ta thường mượn câu này để nói người ăn mau và ăn khoẻ quá. 54. Ăn như mỏ khoét: Mỏ khoét tức là mỏ khoan, khoét gỗ lem lém suốt ngày. Ăn như mỏ khoét là ăn nhanh và ăn lem lém suốt ngày; người ta thường dùng câu này để chê người hay ăn quà vặt. 55. Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa: Mèo mửa thì ậm oẹ mới mửa và mửa lầy nhầy mỗi nơi một ít, chứ không gọn một chỗ. Ăn thì mau chóng như rồng cuốn, nói thì không khéo đẹp đẽ như rồng leo, mà làm thì bẩn thỉu nhơ nhớp, lây nhầy kéo lê ra như mèo mửa. Câu này đại ý chê người làm không kịp với cách ăn nói. 56. Ăn như tằm ăn rỗi: Tằm ăn rỗi là ăn vào thời kỳ nó gần chín, ruột gần thành tơ; và ăn rất mau, tiếng ăn nghe cứ răng rắc. Ăn như tằm ăn rỗi là ăn mau và khoẻ lắm, tốn kém rất nhiều. 57. Ăn như Thủy Tề đánh vực: Ăn khoẻ và mau chóng như vua Thủy Tề (Thần nước) đánh vỡ đê và xoáy thành vực sâu, chỉ trong chớp mắt là xong. 58. Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi giăng (trăng): Mã là đồ mã làm bằng nan nứa phất giấy. Đồ mã vốn nhẹ nhàng, nên thuyền chở mã thì bao nhiêu chở cũng vừa. Ăn như thuyền chở mã là ăn bao nhiêu cũng vừa, ăn không biết thế nào là no, ăn rất khoẻ. Ả tức là cô ả, cô nàng (tiếng cổ gọi con gái nhà quyền quí). Cô ả vốn là con nhà nhàn nhã, đi đứng thường khoan thai dịu dàng. Lại đi chơi giăng (trăng) tức là chơi mát dưới giăng (trăng), nghĩa là không có việc gì bận rộn, hấp tấp. Làm như ả chơi giăng là làm việc khoan thai, chập chạp, vừa làm vừa chơi, không được mấy tí việc. Câu này chê cười người lười biếng, ăn thì khoẻ, làm thì yếu. 59. Ăn nồi bẩy thì ra, ăn nồi ba thì mất: Nồi bẩy là nồi thổi được bẩy suất cơm cho bẩy người ăn. Nồi ba là nồi thổi được ba suất cơm cho ba người ăn. Ăn nồi bẩy tức là nhiều người ăn, phải nấu nhiều cơm. Ăn nồi ba là nhà ít người ăn, nấu ít cơm. Ăn nồi bẩy thì ra là nhà phải thổi cơm nhiều người ăn, thì làm ra tiền ra thóc. Ăn nồi ba thì mất là ít người ăn thì ăn bao nhiêu hết bấy nhiêu, không làm lợi ra chút nào. Câu này nói ý nhà có thợ làm nhiều (như vụ cày vụ gặt), thì lại làm ra tiền của; trái lại nhà nghèo chỉ có vợ chồng con cái, tuy ít tiêu nhưng ăn tiêu đồng nào hết đồng ấy, không làm ra tiền. 60. Ăn ở trần, mần mặc áo: Ở trần tức là không mặc áo; đây có nghĩa là cố gắng, cởi áo ra làm cho khỏi vướng víu. Mần (tiếng miền Nam) nghĩa là làm việc. Câu này nghĩa đen là lúc ăn thì ở trần, lúc mần thì mặc áo. Nghĩa bóng là lúc ăn thì cởi trần ra mà ăn cho khoẻ, cho khỏi vướng víu; lúc làm thì làm khoan thai nhẹ nhàng như là người vướng quần áo. 61. Ăn Ốc Nói Mò: Câu này thường dùng để chê kẻ ăn nói mò mẫm không căn cứ chắc vào đâu. Ban đầu không có nghĩa ấy. Mà lại có nghĩa ăn nói hợp hoàn cảnh, đúng lúc, khi ăn ốc nói đến chuyện đi mò ốc. Vì chính tục ngữ có câu: “Ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay”. 62. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây: Có người trồng cây, thì rồi mới ra quả. Vậy khi ăn quả nên nhớ đến công ơn kẻ đã trồng cây. Câu này khuyên ta nên biết ơn những kẻ đã làm lụng khó nhọc cho mình được hưởng; và những người đã có công lao gây dựng cho mình. 63. Ăn quả vả trả quả sung: Quả vả quả sung cùng thuộc một loài, nhưng quả vả to gấp mười quả sung, và ngon hơn quả sung. Ăn quả vả trả quả sung là ăn của người ta nhiều mà trả người ta thì ít, nợ ơn thì to mà trả ơn thì nhỏ 64. Ăn sung trả ngái: Quả sung và quả ngái coi tương tự nhau; quả sung thì ăn được mà quả ngái thì không ăn được. Ăn quả sung của người ta đến khi trả người ta thì lại trả quả ngái, như thế chẳng những không biết ơn, lại đi đánh lừa người. Câu này chê những người bất nhân, lấy oán trả ơn. 65. Ăn sung ngồi gốc cây sung ăn rồi lại ném tứ tung ngũ hoành: Tứ tung là bốn phía dọc, ngũ hoành là năm phía ngang, ý nói hết thẩy các phía. Ăn quả sung ngồi dưới gốc cây sung; ăn chán rồi lại ném quả sung đi khắp các phía. Câu này đại ý muốn nói: vừa ăn của người ta, vừa phá hoại của người, chê hành động của người không biết điều. 66. Ăn thật làm giả: Ăn thật tức là ăn no, ăn nhiều, ăn hết sức, ăn thật thà không làm khách; làm giả là làm không hết lòng, hết sức, làm một cách giả dối như làm đùa, làm bỡn. Câu này chê người lười biếng, ăn thì ăn khoẻ mà làm thì làm lấy lệ. 67. Ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi: Chỗ người ta ăn uống thì tìm đến ngay, may được người ta mời mọc ăn uống. Nơi người ta đánh nhau thì nên tìm cách tránh đi chỗ khác, kẻo chẳng phải đầu cũng phải tai. Câu này khuyên người ta phải khôn ngoan thì ở đời mới khỏi thiệt hại. 68. Ăn tối lo mai: Ăn bữa tối nay thì lo bữa sáng mai; ý nói người biết lo xa, chuẩn bị mọi việc từ trước. 69. Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn: Ăn phải tùy nơi ăn, có nơi mâm cao cỗ đầy mà không nên ăn, có nơi dưa muối mà nên ăn. Chơi cũng vậy, có chỗ nên chơi, có chỗ không nên bước chân tới mà mang tiếng. Câu này khuyên ta nên chọn chỗ mà ăn chơi, chớ nên bạ đâu cũng ăn, gặp nơi nào cũng chơi mà mất danh mất giá. 70. Ăn trên ngồi trốc: Trốc là đầu, là ở trên phía đầu người ta. Ăn trên ngồi trốc là ăn thì ăn cỗ trên, ngồi thì ngồi chỗ cao ở trên đầu người ta; ý nói người có địa vị cao sang, ở đâu cũng được hơn người. 71. Ăn trộm ăn cướp thành Phật thành Tiên, đi chùa đi chiền bán thân bất toại: Những người ăn trộm ăn cướp thì được giầu có sung sướng như Phật như Tiên. Những người mộ đạo chăm chỉ lễ bái thì lại phải những bệnh tật khổ não. Câu này nêu thực trạng xã hội, ngụ ý phàn nàn xã hội bất công, không trừng trị những kẻ có tội, không nâng đỡ những người làm lành. Cũng có thể giảng: Kẻ trộm kẻ cướp mà biết ăn năn hối lỗi, chừa điều dữ làm việc lành, thì thành Phật thành Tiên ngay. Còn những người ngày ngày vẫn đi chùa chiền lễ bái, nhưng bụng dạ tham lam độc ác, làm bạo làm xằng, thì lễ bái lại phải tội thêm. 72. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng: Ăn cơm thì phải trông nồi mà ăn, để ai nấy suất ăn đều nhau. Ngồi thì trông trước trông sau, xem ngồi có phạm hướng không. Thí dụ như quay lưng vào bàn thờ, quay lưng vào mặt người khác là phạm hướng. Câu này khuyên ăn ở nên thận trọng. 73. Ăn xổi ở thì: Ăn xổi là chỉ ướp muối qua rồi ăn, tức ăn sống, ăn ngay. Ở thì tức ở thì giờ, ở trong một giờ, một khắc, ý nói không lâu. Người ăn xổi ở thì là người ăn ở tạm bợ, được lúc nào hay lúc ấy, không biết tính chuyện chắc chắn lâu dài… 74. Ăn vóc học hay: Ăn thì sức vóc khoẻ, học thì biết; hay tức là biết. Ăn cần cho sức vóc thế nào thì học cũng cần cho sự hiểu biết (trí óc) như thế. Khuyên ta học chuyên như là ăn cơm. Câu này cũng có nơi nói: “Ăn hóc học hay”, và giải nghĩa thế này: ăn vội ăn nhiều, ăn tham thì hóc, nghẹn; học vội học nhiều, học chăm chỉ hay chữ ra.
Trang B
1. Ba chân bốn cẳng: Đi rất vội, rất nhanh, hình như đi bằng ba chân bốn cẳng vậy. Ý nói đi mau gấp hai ba lúc đi thường ngày. 2. Ba keo thì mèo mở mắt: Ba keo là ba trận vật nhau. Ba keo đây là nói vật thua ba keo. Ba keo thì mèo mở mắt là vật thua ba keo thì trợn tròn mắt ra như mắt mèo; mở to mắt trợn tròn là tỏ sự sợ, sự tiếc. Ý câu này nói vật thua luôn ba keo thì bấy giờ mới biết thân mình là yếu và mới biết sợ người khoẻ hơn. Người ta thường dùng câu này để nói: có thua lỗ thất bại vài ba phen thì rồi mới biết thân. 3. Ba mặt một nhời: Hai người giao ước với nhau và người làm chứng cho lời ước ấy, vị chi là ba người. Ba người cùng biết chuyện nói một lời như nhau tức và việc có thật, đủ tang chứng, không còn ai nuốt lời được. 4. Ba mươi được ăn, mồng một tìm đến: Ngày ba mươi là ngày cuối tháng. Ngày mồng một là ngày đầu tháng. Ba mươi với mồng một là ngày hôm trước và hôm sau. Ngày hôm trước được ăn thì ngày hôm sau lại đến chực ăn. Đại ý câu này muốn nói được ăn một lần, hay được lợi một lần thì lần sau cứ mong ngóng mãi. 5. Ba tháng trồng cây một ngày trông quả: Trồng trọt, bón tưới cây (đây là cây lúa) trong ba tháng trời, đến khi cây có quả thì chỉ một ngày là gặt xong. Đại ý câu này nói hưởng kết quả thì dễ, thì chóng, làm nên cái kết quả đó thì khó và lâu. 6. Bà con vì tổ tiên, không phải vì tiền vì gạo: Bà con là có họ hàng với nhau. Bà con vì tổ tiên là họ hàng với nhau thì chung một tổ tiên. Không phải vì tiền vì gạo nghĩa là không phải vì thấy người giầu có, lắm tiền nhiều gạo mà nhận bà con với nhau. Đại ý câu này muốn nói: nhận bà con với nhau là muốn nhớ đến tổ tiên chung, chứ không phải vì nhận họ hàng để cầu lợi. Câu này ngụ ý chê những người hay lợi dụng họ hàng để mưu ích lợi riêng. 7. Bà khen con bà tốt, tháng mười tháng một bà biết con bà: Tháng mười tháng một khí trời thường khô, se, ta gọi là trời hanh. Dưới sức áp lực của khí trời, da người ta thường bị căng thẳng, và nứt ra, gọi là nẻ. Da đẹp trắng đến đâu gặp trời hanh cũng khó tránh được nẻ. Bà vẫn khen con bà đẹp nhưng đến tháng mười tháng một bà sẽ biết da dẻ con bà đẹp hay không? Câu này nêu cái ảnh hưởng của thời tiết đối với vẻ đẹp con người. 8. Bắc cầu mà noi, ai bắc cầu mà lội: Ai cũng bắc cầu để mình đi lên cầu mà khỏi phải lội, chứ ai bắc cầu để rồi lại lội nước qua bao giờ. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này có ý nói kẻ làm mẹ làm cha, hoặc người trên đối đãi với người trên mình như thế nào, thì con cái hay người dưới mình cũng sẽ đối đãi với mình như thế. Vì làm như thế tức cũng là mình bắc cầu để sau mình noi qua. Thí dụ: mình đối đãi với cha mẹ chẳng ra gì, thì sau này con cái cũng sẽ đối đãi với mình không ra gì. 9. Bách nhân, bách khẩu: Trăm người trăm miệng, tức là mỗi người một lời nói, nhiều người thì nhiều ý kiến, mỗi người nghĩ một khác, nói một khác. Câu này tả sự ồn ào náo nhiệt của đám hội họp đông người. 10. Bán anh em xa mua láng giềng gần: Anh em ở xa thì quên đi để mua chuộc tình thân mật của người láng giềng gần cận nhà mình, phòng những khi “tắt lửa tối đèn” tức là lúc đêm hôm, gặp việc khẩn cấp, thì nhờ láng giềng giúp đỡ. 11. Bán chỗ nằm mua chỗ ngồi: Ngày xưa ở làng xóm, người ta quí chuộng cái chỗ ngồi ở góc chiếu đình trung, cho là một danh dự lớn. Cho nên người ta thường lo lắng, bỏ tiền bạc ra mua nhiêu, mua xã, làm khao làm tiệc để được một chỗ ngồi ở ngoài đình làng; có người vì thế mà phải bán cả nhà, đất. Cho nên có câu: “bán chỗ nằm mua chỗ ngồi”; chỗ nằm tức là nơi nhà ở. Chỗ ngồi tức là góc chiếu nơi đình trung. 12. Bán gia tài mua danh phận: Theo Sử thì vào cuối đời Trần và cuối đời Lê, có lệ bán phậm hàm; người có tiền mua được hư danh cho là vinh dự. Đến đời Lê Mạc, chúa Trịnh Cương đặt lệ quan từ tứ phẩm trở xuống ai nộp 600 quan thì được thăng lên một trật. Những người chân trắng ai nộp 2.800 quan thì được bổ làm tri phủ, 1.800 quan thì được bổ nhiệm tri huyện. Danh phận có thể mua như thế, nên nhiều người bán cả cơ nghiệp để mua lấy chức quan. Vì vậy có câu tục ngữ trên. Gần tại các thôn quê, người ta cũng đua nhau bỏ tiền ra mua xã, dành góc chiếu chốn đình trung. Câu tục ngữ ghi một tình trạng xã hội và nêu thói chuộng hư danh của nhiều người. Người ta thường mượn câu này để bênh vực cho cái thói ham danh phận. 13. Bảo một đàng quàng một nẻo: Bảo đây dùng theo nghĩa cổ, nghĩa là dậy. Quàng là đâm quàng, đi quàng, tức là đi bừa không xét xem là đúng hay không, đường quang hay đường có chông gai. Nẻo là lối đi. Bảo một đàng quàng một nẻo là dậy đi đường này không đi lại đâm quàng đi nẻo khác; ý nói làm trái với lời dậy bảo của người trên. Ý nghĩa cũng gần như câu “bảo một đường sểnh một nẻo”. 14. Bảo một đường sểnh một nẻo: Bảo dùng theo nghĩa cổ, là dậy bảo (Dậy học xưa kia gọi là bảo học). Sểnh là đi xa xa, đi trệch ra. Nẻo là lối đi, hẹp hơn đường. Ngụ ý câu trên nói việc dậy đi một đường lại đi trệch ra một lẻo khác. Câu này thường dùng để quở trách con cái, học trò, hay người dưới không theo đúng lời dậy bảo của cha mẹ, anh, thầy học hoặc người trên. Ý nghĩa cũng giống ý nghĩa câu “bảo một đàng quàng một nẻo”. 15. Bát mồ hôi đổi bát cơm: Muốn được bát cơm ăn phải đem bát mồ hôi ra mà đổi. Ý nói phải làm lụng vất vả khó nhọc lắm mới có miếng ăn. Câu này nêu sự làm ăn vất vả của nhà nông nước ta. 16. Bảy mươi học bảy mốt: Người bảy mươi tuổi phải học kinh nghiệm của người bảy mươi mốt tuổi, vì hơn một tuổi là có thêm kinh nghiệm một năm. Câu này đại ý nói người nhiều tuổi thì biết việc đời nhiều hơn, người ít tuổi bao giờ cũng thua kém. Cũng có nghĩa nữa là người ta tuổi nào cũng cần phải học để biết thêm, chớ không nên tự phụ là mình biết hết cả, không cần phải học ai nữa. 17. Bảy mươi chưa đui què, chớ khoe rằng lành: Bảy mươi là bảy mươi tuổi. Đui là mù. Lành là nguyên lành, thân thể không tàn tật. Khi người ta tuổi đã bảy mươi rồi mà chưa mù mắt què chân, thì cũng chớ nên khoe rằng mình nguyên lành không bị tàn tật. Đại ý câu này khuyên người ta chớ nên tự phụ rằng mình nguyên lành mà khinh bỉ người đui mù què quặt; đến người già 70 tuổi cũng chưa chắc đã khỏi bị tàn tật vì việc đời xẩy ra bất thình lình, có khi chỉ trong một chớp mắt mà người lành bỗng hóa ra người què, vì trong một tai nạn rủi ro chi đó. 18. Bắt bò cày triều: Triều đây là ruộng triều. Ruộng triều nguyên nghĩa là ruộng có nước thuỷ triều lên xuống, ra vào, sau dùng để trở những ruộng nước bùn lầy. Ruộng triều có khi bùn lầy đến thắt lưng, trâu cũng không cày bừa được. Thế mà bắt bò cày triều, thật là bắt nó làm một việc quá khả năng của nó. Câu này thường được dùng để chê sự cắt đặt công việc không sát khả năng, xếp đặt công việc không hợp lý. 19. Bắt cá hai tay: Hai tay đều thò xuống bắt cá; không phải là hai tay định bắt một mà mỗi tay định bắt một con. Câu này thường dùng để chê người mưu một lúc cả hai việc, hy vọng rằng hễ hỏng việc nọ thì được việc kia. 20. Bất học vô thuật: Câu này toàn chữ Hán, nghĩa là: không học thì không có trí thuật, không học thì không biết cách làm việc. Đại ý câu này khuyên người ta phải học thì mới biết đường làm việc (Học ở sách vở, học ở người xưa, học ở người xung quanh mình, coi người ta làm, bắt chước người ta làm, đều là học). 21. Bầu dục chấm nước cáy: Bầu dục là món ăn ngon và bổ nhất trong thân thể con lợn. Nước cáy là thứ nước mắm làm bằng con cáy (một thứ cua bể chân có lông tơ). Nước cáy nặng mùi sắc đen, là thứ nước mắm xấu, không ngon. Bầu dục mà đem chấm nước cáy thì làm phí mất cả chất của bầu dục. Đại ý câu này nói người thô kệch không biết đường ăn. Người ta thường nói lầm ra là: dùi đục chấm nước cáy. 22. Bé không vin, cả gẫy cành: Vin là vin cành cây xuống mà uốn nắn thành hình thù gì (xưa người ta thường hay uốn cây thành hình rồng, hình phượng để làm cảnh). Cho nên phải uốn nắn từ lúc cây còn bé, còn non. Để khi cây lớn lên mới vin thì gẫy cành, không thể uốn nắn được. Đại ý câu này khuyên người ta nên dậy con cái từ lúc chúng còn nhỏ tuổi, để chúng lớn rồi mới dậy thì không dậy được nữa. 23. Bẻ hành, bẻ tỏi: Hành tỏi có nhiều nhánh bé. Bẻ hành, bẻ tỏi là bẻ hành, tỏi ra những nhánh bé nhỏ. Nghĩa bóng câu này muốn nói: bắt bẻ những điều vụn vặt, không đáng bắt bẻ. 24. Bẻ què cho thuốc: Chính mình bẻ què chân nó (vật hay người) rồi chính mình lại cho nó thuốc để rịt cho nó khỏi què. Câu này tả cái mánh lới xảo quyệt của bọn cường hào thường kiếm truyện cho người ta bị tai vạ rồi lại đứng ra lo liệu chạy chọt để lấy ăn. 25. Bĩ cực thái lai: Bĩ cực là khốn khổ, suy bĩ đến cực độ thái lai là vận may, vận đỏ đến. Bĩ cực thái lai là hễ người ta gặp cảnh khốn khổ cùng cực quá thì là sắp sang hồi vận đỏ; không biết lẽ trời có đúng thế không? (Khổ quá tất sắp sướng, nghèo quá tất sắp giầu, tối quá tất sắp sáng…) Hay là câu này chỉ nêu lên để an ủi suông những người cơ cực? 26. Bích trung hữu nhĩ: Bích trung là trong vách. Vách tức là tường mỏng ngăn cách phòng. Hữu nhĩ là có tai nghe. Bích trung hữu nhĩ là trong vách có tai nghe, ý nói ở phía bên kia vách có người lắng nghe hình như là cái vách có tai vậy. Câu này khuyên răn người đời nên giữ mồm miệng cho cẩn thận, kẻo lời nói trong buồng kín có thể lọt ra ngoài. Câu này đã được dịch nôm: rừng có mạch, vách có tai. 27. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe: Thưa thốt là nói năng, một cách lễ phép. Thốt là thuyết (chữ Tàu) nói trạch ra. Câu này nghĩa là: điều gì mình biết thì mình hãy nói, điều gì mình không biết thì cứ im lặng (dựa cột = im lặng) mà nghe, đại ý khuyên người ta không nên nói bậy bạ những điều gì mình không hiểu rõ. 28. Bịt mắt bắt chim: Bắt chim là việc khó. Bịt mắt mà đòi bắt chim là một việc bất khả. Người ta thường mượn câu này để tỏ ý chê người chủ quan, không lượng sức mình, định làm những việc khó khăn không ai làm nổi. 29. Bọ nẹt có giẻ nùi: Bọ nẹt là một thứ sâu sắc xanh như lá, rất độc, hễ ai mó phải thì sưng tay: bọ nẹt lẫn vào nước uống có thể làm chết người. Một thứ sâu độc như vậy, tưởng rằng không có gì trị nổi, thế mà bọ nẹt lại là thức ăn thích nhất của chim giẻ nùi. Theo nghĩa bóng câu này muốn nói: kẻ bạc ác bạo ngược đến đâu cũng có người trị nổi. Ý nghĩa tương tự ý nghĩa câu “vỏ quít dầy có móng tay nhọn” hay “bệnh quỉ có thuốc tiên”. 30. Bóc ngắn cắn dài: Bóc đây là bóc bánh, bóc chuối. – Bóc ngắn cắn dài là bóc lá, bóc vỏ thì ngắn mà ăn thì cắn miếng dài hơn, quá cả chỗ bóc, tức là không đủ ăn. Người ta thường dùng câu này để nói sự kiếm được ít mà tiêu thì nhiều, luôn luôn thiếu thốn. 31. Bốc mũi bỏ lái: Bốc thóc gạo, đồ đạc hay củi đuốc ở đằng mũi thuyền (tức là phía trước) bỏ sang đằng lái thuyền (tức là phía sau thuyền). Ý nói xoay xở mà không thêm được kết quả. Đàng mũi nhẹ thì đàng lái nặng, đàng lái nhẹ thì đàng mũi nặng, kết cục thuyền cũng không nặng hay nhẹ thêm. 32. Bụng làm dạ chịu: Bụng với dạ cũng là một. Bụng làm dạ chịu nghĩa là mình làm thì mình chịu, câu này đại ý nói làm việc gì thì mình phải chịu trách nhiệm việc ấy, không còn đổ tội cho ai được. 33. Bụng tỉnh mình gầy: Bụng nghĩ ngợi việc gì ra việc ấy, rất sáng suốt, tỉnh táo, nhưng vì mình gầy yếu, nên không đủ sức làm việc đó. Câu này đại ý nói: biết điều hay việc phải, nhưng không làm được, vì thiếu phương tiện; hay là lòng muốn làm việc hay, nhưng sức không làm nổi (lực bất tòng tâm). 34. Bụng trâu làm sao bụng bò làm vậy: Bụng bò cũng giống bụng trâu, vì trâu bò thuộc cùng một loại. Người ta thường mượn câu này để nói người ta bụng dạ ai cũng như nhau, cũng có những nguyện vọng mong muốn như nhau, cũng có những ý tốt ý xấu như nhau. 35. Bụt nhà không thiêng (đi cầu Thích Ca ngoài đường): Nước ta cũng có Bụt như các ông Khổng Minh, Khổng Tử đạo hạnh… Nhưng người ta không sùng bái bằng Phật Thích Ca ở bên Ấn Độ cho nên có câu đó. Cũng có người giảng: Bụt nhà đây tức là cha mẹ ở nhà, cha mẹ sinh ra con, nuôi nấng dạy dỗ, gầy dựng, làm nên hạnh phúc cho con không khác gì Bụt sống. Vậy mà kẻ làm con thường không thờ cha mẹ cho hết lòng, lại đi tin sùng lễ bái Bụt ở đâu đâu (ngoài đường). Đại ý câu này chê những kẻ không biết tin lễ bái để cầu phúc. 36. Bút sa gà chết: Ngày xưa ở nhà quê, động có việc làm giấy tờ gì như: văn tự, văn khế, khai báo… là người ta phải giết gà để khoản đãi người làm giúp giấy tờ. Cho nên có câu: “Bút sa gà chết”. Bút sa là bút rỏ mực xuống giấy, tức là viết giấy tờ. Cũng có người cho nói thế là sai và bảo phải nói thế này: Bút sa là chết, nghĩa là: hễ ai hạ bút xuống ký tên vào giấy tờ là chết, không gỡ tội được nữa. Hiểu như thế có vẻ cầu kỳ và không hợp lý, vì có phải hạ bút ký tên là bao giờ cũng chết đâu? 37. Buôn chung với Đức Ông: Đức Ông là tiếng nôm tôn xưng các ông Hoàng (tức là anh em bà con nhà Vua). Thời xưa Đức Ông là bà con thân thích với nhà Vua, thế lực dĩ nhiên to tát lắm, nhân dân ai cũng kính sợ. Bỏ vốn buôn chung với Đức Ông thì được tiếng là giao thiệp đi lại với người quyền quí, nhưng chẳng được lợi lộc gì, chỉ bị thiệt thòi, vì bao giờ chả phải nhường Đức Ông phần hơn, mình chịu phần lép. Câu này đại ý khuyên người ta về việc giao thiệp buôn bán cần phải suy tính lợi hại thiết thực, không nên chuộng cái danh giá hão. 38. Buôn tàu buôn bè không bằng dè miệng: Buôn tàu là buôn bán phải dùng tàu thủy chở hàng, tức là buôn to, buôn bè là buôn gỗ, chở thành từng bè, cũng có nghĩa là buôn to. Dè miệng là ăn dè sẻn, hà tiện. Câu này nghĩa là buôn to, bán lớn cũng không bằng bớt sự ăn tiêu. Nếu ăn tiêu hoang phí, xa xỉ quá thì buôn bán lớn đến mấy cũng không thể làm giầu. Đại ý khuyên người ta nên tiết kiệm, nhất là sự ăn uống. 39. Buôn tàu buôn vã chẳng đã hà tiện: Buôn tàu là buôn bằng tàu thủy, ý nói buôn to. Buôn vã là buôn bằng đường bộ. Chẳng đã là chẳng đỡ. Câu này nghĩa là buôn to bán lớn cũng không đỡ túng nghèo được bằng hà tiện, đại ý khuyên người ta không nên hoang phí. 40. Buôn thất nghiệp, lãi quan viên: Buôn bỏ ra ít vốn như kẻ thất nghiệp, thế mà được nhiều lãi. Lãi quan viên là lãi to (quan viên là người sang trọng; thất nghiệp là người bơ vơ). Ý nói buôn nhỏ mà lãi to.
Trang C
1. Cá không ăn muối cá ươn Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư: Ướp cá cho khỏi thiu thối, ươn, oai, người ta ướp với muối. Nếu con cá nào không chịu ăn muối (để muối sát ngâm vào mình) thì con cá ấy sẽ ươn, sẽ thối. Kẻ làm con cưỡng lại cha mẹ, không nghe lời cha mẹ hóa ra hư hỏng như con cá không ăn muối vậy. Câu này lấy con cá làm thí dụ để khuyên những kẻ làm con phải vâng lời cha mẹ. 2. Cá lớn nuốt cá bé: Cũng là loài cá mà con cá lớn nuốt con cá bé để sống. Câu này lấy cá làm thí dụ để ngụ ý nói: cùng là loài người mà người mạnh ăn hiếp kẻ yếu, người không lường gạt người ngu, than phiền cho nhân tình thế thái. 3. Cá mè một lứa: Tức là một lứa cá mè, cá mè cùng một loại, một lứa mới nở ra, dùng để thả cá giống, không con nào lớn hơn con nào, cứ nhàng nhàng nhơ nhỡ như nhau một loạt. Người ta thường dùng câu này để nói người trên, người dưới, không giữ lẽ tôn ti trật tự mà cư xử với nhau, lại coi trên dưới bằng nhau như một lứa cá mè, không ai bảo được ai nữa. 4. Cá nằm trốc thớt: Mổ cá, người ta để cá lên thớt. Cá nằm trốc thớt là cá sắp bị mổ thịt. Người ta thường mượn câu này để nói lên cảnh nguy hiểm, chưa biết sống chết lúc nào. 5. Cá vàng bụng bọ: Cá vàng bề ngoài coi rất đẹp, nhưng cá vàng chuyên môn ăn bọ gậy. Người ta chê bụng dạ nó vì trong bụng nó toàn là bọ. Câu này thường dùng để chê người bề ngoài coi tốt đẹp mà bề trong bụng dạ bẩn thỉu, xấu xa; ý nghĩa cũng gần giống câu “ tốt mã dẻ cùi”. 6. Cà cuống chết đến đít còn cay: Con cà cuống vốn có bọng cay nên chết đít nó cũng vẫn còn cay như thường. Người ta dùng câu này để nói người liều lĩnh, bướng bỉnh, táo bạo, đến lúc sắp chết cũng vẫn cứ liều lĩnh, bướng bỉnh, táo bạo, không sợ. 7. Cả vú lấp miệng em: Cả vú là vú to. Em là em bé tức là trẻ thơ. Cả vú lấp miệng em nghĩa đen là lấy cái vú to của mình (người mẹ) ấn vào miệng con thơ để nó khỏi khóc quấy. Nghĩa bóng câu này thường có nghĩa là cậy thần thế to ăn hiếp người ta, không cho người ta mở miệng kêu ca nữa. 8. Cách sông mới phải lụy đò: Vì có phải ở cách sông thì mới phải phiền lụy đến lái đò chở giúp sang sông. Nếu không, thì cần gì phải lụy lái đò. Lụy là phiền lụy, qui lụy, hạ mình, chịu nhún. Câu này thường mượn để nói vì lẽ này, lẽ khác, việc lọ việc kia bất đắc dĩ mới phải qụy lụy nhau, không dưng thì chả ai phải lụy ai cả. 9. Cái khó bó cái khôn: Người ta vốn suy nghĩ sáng suốt, thủy trung, nhưng vì không có tiền, vì nghèo mà cái khôn ngoan bị bó thắt lại, không thi thố ra được; câu này đại ý nói vì nghèo nên không thể khôn ngoan. 10. Cái sẩy nẩy cái ung: Cái sẩy tức là nốt rôm; sẩy là nốt nho nhỏ mọc trên da thịt… Cái sẩy tuy bé vậy, song nếu không khéo lăm nó lặn đi, và để vi trùng lọt vào thì cái sẩy có thể nẩy thành cái nguy hiểm. Việc đời cũng vậy, không khéo dàn xếp ổn thỏa thì việc bé có thể xé thành việc to, có hại. 11. Cái tóc cái tội: Theo đạo Phật, làm thương tổn đến cầm thú, cỏ cây, côn trùng đều phải tội cả, vì những loài ấy cũng đều như người ta do Trời sinh ra. Theo quan niệm đó thì con người ta làm nên lắm tội lắm, số tội nhiều bằng số tóc trên đầu. 12. Cái trước đau cái sau rái: Cái trước đau tức là cái bước trước ngã đau hoặc cái việc trước thất bại nặng. Cái sau rái là cái sau phải giữ cẩn thận (rái nghĩa là răn, là sửa đổi) hoặc việc sau phải sửa chữa (răn) cẩn thận. Cái trước đau cái sau rái nghĩa là nếu bước trước ngã đau, thì bước sau phải giữ gìn, nếu việc trước thất bại đau thì việc sau phải tính toán thận trọng. Đại ý câu này khuyên người ta nên rút kinh nghiệm trước để làm việc sau. Cũng có người giảng là: lần trước bị đánh đau, thì lần sau sẽ chừa, nhưng nghe không hợp với ý câu văn. 13. Cạn ao bèo đến đất: Bèo thì suốt đời là trên mặt nước, không bao giờ chịu sống sát nơi bùn đất. Nay nước ao bị cạn sạch, thành ra bèo phải hạ xuống sát đất bùn. Câu này thường dùng để nói người quí phái thượng lưu, gặp vận sa sút, thay bậc đổi ngôi như cây bèo phải hạ xuống sát đất vậy. 14. Cạn tầu ráo máng: Tầu là cái máng, đựng cỏ đựng thóc cho ngựa hay loài vật khác ăn. Máng là cái máng hứng nước ở mái nhà rỏ xuống. Cạn tàu ráo máng nghĩa đen là quét, lau sạch khô cả máng; nghĩa bóng là ăn ở cạn hết nhân nghĩa, xử sự một cách quyết liệt, đi đến sự lìa bỏ nhau, cự tuyệt nhau. 15. Cắn cơm không vỡ: Hột cơm vốn dẻo, ai ăn không được. Thế mà cắn hột cơm không vỡ, thì phải là người bất tài, bất lực hết chỗ nói. Người ta thường dùng câu này để tả hạng người vô tài, không thể làm nên việc gì. 16. Càng chửi càng rủa càng đỏ hây hây Nâng như nâng trứng chết rầy chết mai: Càng chửi càng rủa tức là càng dạy dỗ quở mắng, thì càng đỏ hây hây tức là khoẻ mạnh béo tốt hồng hào. Vậy mà nâng như nâng trứng, tức nuông chiều quá độ, thì lại ốm yếu bệnh tật luôn luôn, có thể nay chết mai chết cũng nên. Câu này đại ý nói không nên nương chiều con cái quá, cần phải dạy dỗ đánh mắng chúng thì chúng mới nên người. 17. Cầm khoán bẻ măng: Khoán là khoán ước, khoán lệ tức là giấy tờ định việc cấm đoán và trừng trị, bắt vạ những vụ phạm vào cấm lệ. Ngày xưa trong làng xã, để bảo vệ tre-pheo, người ta thường đặt khoán lệ cấm bẻ măng tre. Vậy mà kẻ có quyền thế như ông Lý, ông xã cầm khoán lệ ấy mà lại thường tự tiện bẻ măng, tự tiện phạm vào cấm lệ. Câu này chê người định ra luật lệ mà lại không tuân theo luật lệ, lời nói và việc làm trái ngược nhau. 18. Cẩn tắc vô ưu: Cẩn thận thì không phải lo lắng. Câu này khuyên người ta: a) Cất giữ kín đáo thì không lo mất của. b) Đề phòng cẩn thận thì không lo sẩy ra những sự không may bất ngờ. c) Thận trọng làm việc thì không lo việc hỏng. d) Làm việc chu đáo kỹ càng thì không lo không có kết quả. Ý câu này rất đúng. Ở đời những sự thua thiệt thất bại, lầm lỡ, đều do sự cẩu thả trong ý nghĩ và trong việc làm mà ra. 19. Cao không tới thấp không thông: Cao thì không với tới, mà hạ mình xuống thấp thì coi không được. Câu này thường dùng để tả nỗi khó sử của hạng người thường thường bực trung, cao hẳn thì không cao hẳn, mà thấp hèn thì không thấp hèn, hẳn thành ra mọi việc ở đời nhiều lúc không biết nên làm như thế nào cho phải. Làm theo người giàu sang quyền quí thì không làm nổi, mà xử theo bọn bần cùng khố dây thì lại không coi được. 20. Cát bay vàng lại ra vàng Những người quân tử dạ càng đinh ninh: Gặp cơn gió bụi, vàng bị cát phủ kín lên. Sau nhờ cơn gió khác, cát bay đi hết, vàng lại hoàn ra vàng. Người quân tử, tức là người có đạo đức, khí tiết, gặp cơn gió bụi (tức là thời loạn) dù có bị cát bụi phủ lên danh thơm tiếng tốt của mình, song người quân tử vẫn đinh ninh trong dạ rằng: cát bụi bay đi vàng lại hoàn vàng, danh tiếng của mình lại vẫn trong sạch nguyên vẹn. 21. Cây thẳng bóng ngay, cây nghiêng đóng vạy: Ngay là thẳng, không cong. Vạy là cong là không thẳng. Cây thẳng bóng ngay là cây thẳng thì bóng cũng thẳng. Cây nghiêng bóng vạy là cây không thẳng thì bóng cũng cong. Câu này lấy cây với bóng làm thí dụ, có ý khuyên người trên, như cha mẹ, anh chị trong nhà, đàn anh, đàn chị trong làng, các vị quyền quí trong nước, nên ăn ở ngay thẳng, để người dưới theo. Người trên ví như cây nên (tiêu biểu), người dưới ví như cái bóng. Cây không thẳng thì bóng cũng cong queo, người trên ăn ở không chính đính, thì người dưới cũng sẽ ăn ở bậy bạ. 22. Có anh có chị mới hay Không anh không chị như cây một mình: Người ta ở đời có anh có chị thì khi hoạn nạn, những lúc bần cùng, có người này giúp, người kia cứu, gió bão khó lung lay; người không có anh, chị thì cũng giống như cây mọc một mình, gió bão tha hồ lay chuyển, gặp lúc hoạn nạn khốn cùng không ai che chở, bao bọc cho. 23. Có ăn có chọi mới gọi là trâu: Con trâu tốt là con trâu ăn khoẻ, làm khoẻ, và chọi khoẻ (vùng Đồ Sơn có hội chọi trâu, trâu tốt phải là trâu biết chọi). Câu này mượn chuyện con trâu để ngụ ý khuyên ta: đã biết ăn thì phải biết vật lộn tranh đấu với đời. 24. Có bát sứ tình phụ bát đàn: Bát đàn là bát nặn bằng sành tráng men, coi thô xấu hơn bát sứ nhiều. Bát sứ là bát nặn bằng đất sét trắng, tráng men tàu, coi nhẹ nhàng, thanh nhã. Có bát sứ tình phụ bát đàn là có bát đẹp bỏ quên bát xấu. Người ta thường mượn câu này để chê người ăn ở không có thủy chung, có mới thì nới cũ, tham danh chuộng lạ quên cả nghĩa cũ tình xưa. 25. Có cá đổ vạ cho cơm: Đổ vạ là đổ tội vạ, gán cho cái tội vạ ở ngoài đưa đến. Có cá đổ vạ cho cơm là không muốn ăn cơm là vì không có cá (tức là không có thức ăn ngon), nay đã có cá (tức là thức ăn ngon) mà vẫn không chịu ăn cơm; lại đổ vạ cho cơm là rắn (cứng). 26. Có cấy có trông, có trồng có ăn: Có cây lúa thì hy vọng (trông) có thóc ăn, có trồng cây thì rồi có quả ăn. Đại ý câu này nói: hễ chịu khó làm việc thì tự khắc có kết quả. 27. Có cha bẻ đùi gà cho con: Bẻ đùi gà cho con tức là lấy phần cho con. Có cha bẻ đùi gà cho con nghĩa là có cha thì được cha lấy phần cho, ý nói có cha thì con được nhờ vả. 28. Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây: Đờn có dây thì mới gảy được và mới ra cái đờn. Đờn đứt dây thì không gảy được và không ra cái đờn. Con người ta không có cha mẹ tức là người mồ côi thì cũng giống như cái đờn đứt dây. Câu này áp dụng riêng với những con cái còn thơ và ý nghĩa rất đúng. Vì con cái còn nhỏ mà mồ côi cha mẹ thì khốn khổ trăm đường, thường thường cầu bơ cầu bất, dù có được ông cha bà chú nuôi nấng thì cũng phải hành hạ tủi nhục nhiều điều. Thật giống như đờn đứt dây, đờn đứt dây chẳng gảy được và chẳng ra cái đờn; con cái mồ côi không được hưởng sự vui sướng làm con, không còn ra con mẹ con cha nữa. 29. Có chí làm quan có gan làm giàu: Chí tức là ý chí, sự quyết tâm làm kỳ được một việc gì; gan tức là cam đảm, sự táo bạo liều lĩnh làm một việc gì, không kể thành hay bại, lợi hay hại. Người có cái chí như vậy thì có thể trở nên quan sang, người có gan như vậy thì có thể trở nên giàu có. Đại ý câu này muốn nói người ta giàu, sang là do sự gắng sức của mình, chứ không phải tự mồ mả, đất cát hay số mệnh. 30. Có con phải khó vì con, lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng: Có con thì phải khó nhọc vì con, nuôi nó, khi nó sài đẹn phải chữa chạy cho nó, lo cho nó đi học, dựng vợ gả chồng, làm nhà cửa cho nó… lấy chồng thì phải lo liệu việc nhà chồng, món đóng món góp, làm giỗ làm tết, trả công trả nợ cho chồng, tức là gánh vác giang sơn nhà chồng. Giang sơn nghĩ a là sông núi, đây là cơ nghiệp. Câu này nói gồm bổn phận làm mẹ, làm vợ của người đàn bà Á Đông và riêng nước ta. 31. Có con tội sống, không con tội chết: Có con trai, nếu nó làm những việc tồi tệ, cha mẹ phải lo lắng vì bị liên lụy, như vậy là có tội lúc còn sống; không có con trai thì lúc chết, không có người chống gậy và lo việc ma chay như thế là tội lúc chết. Câu này tỏ ý than phiền về đứa con hư. 32. Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ cũng vui: Có cô đi chợ thì chợ cũng đông thêm một người, nhưng từ khi cô đi lấy chồng, không đi chợ nữa thì chợ cũng vẫn cứ vui như trước. Câu này đại ý nói đối với toàn thể nhân loại hay xã hội, thì sự còn, mất, thiếu, đủ một người (cá nhân) không có ảnh hưởng gì. 33. Có da lông mọc: Hễ chỗ nào có da tức thì là có lông mọc. Đó là một sự thật hiển nhiên. Vì bất luận da người hay da loài vật, trên mặt da đều có lỗ chân lông. Câu này đại ý nói hễ có căn bản thì ngành ngọn có thể mở mang, hễ có gốc thì tự khắc có ngọn. Người ta thường dùng câu này để an ủi những người đẻ con bé nhỏ quá, ngụ ý bảo rằng: “hễ có da thì có lông, hễ có đầu có đuôi thì nuôi lâu cũng lớn”. 34. Có dại mới lên khôn: Người ta ai cũng muốn khôn. Nhưng muốn khôn tất phải có lần mắc dại. Mắc dại lần này, thì sau mới biết đường mà sửa chữa cái lầm lẫn, tránh khỏi những mánh khoé lường gạt của người, và như thế mới trở nên khôn được. Nhưng nếu không biết rút kinh nghiệm những lần trót dại, để lần sau tránh đi, thì dại vẫn hoàn dại. 35. Có đắt hàng tôi, mới trôi hàng bà: Câu này có thể có hai nghĩa: a. Người bán buôn và bán lẻ một thứ hàng; Người bán lẻ có bán chạy hàng thì người bán buôn mới bán trôi (suông sẻ) hàng đi được. Vì có đắt hàng, thì người bán lẻ mới cất hàng bán. b. Hai người buôn bán thứ hàng khác nhau, thí dụ như người bán gạo và người bán vải. Người bán gạo ế hàng thì người bán vải cũng không bán trôi hàng. Vì người làm ruộng không có tiền sắm sửa vải vóc. Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu này cũng cho ta thấy cái ảnh hưởng liên quan và qua lại (tương hỗ) giữa các hàng hóa trong thị trường thương mại, kinh tế. Hễ việc buôn bán thịnh vượng, thứ hàng này chạy thì thứ hàng khác cũng chạy; hễ việc buôn bán đình trệ, thứ hàng này ế thì các thứ hàng khác cũng không chạy. 36. Có đi có lại mới toại lòng nhau: Đi là đi đến thăm hỏi, gặp gỡ với ai. Lại là đến thăm hỏi chơi bời để đáp lại sự người ta đến thăm hỏi mình. Toại lòng là làm vui lòng, đẹp lòng, bằng lòng. Có đi có lại mới toại lòng nhau là người ta thăm hỏi mình, biếu sén mình, mình có hỏi thăm, biếu sén trả lại, thì hai bên mới đẹp lòng, người nọ mới không chê trách người kia là bủn sỉn, là kiêu kỳ hoặc bất lịch sự. Câu này nêu một nguyên tắc xã giao. 37. Có đi mới đến, có học mới hay: Có đi mới đến nghĩa là muốn đến nơi nào thì phải bước chân đi. Cứ ngồi một chỗ thì muốn đến nơi thật gần cũng không bao giờ đến nơi. Có học mới hay nghĩa là có học mới biết. Không chịu học thì điều rất xoàng, rất dễ cũng không bao giờ biết được. Câu này lấy sự đi đường để đến nơi nào làm thí dụ; khuyên ta nên học, có học thì muốn biết điều gì mới biết được. 38. Có gan ăn cướp có gan chịu đòn: Đi ăn cướp mà người ta bắt được, tất nhiên là bị đánh đòn. Người đi ăn cướp biết trước như vậy, mà vẫn đi ăn cướp; có gan đi ăn cướp như thế là đã có gan chịu đòn rồi. Nghĩa bóng câu này muốn nói người ta đã dám làm việc gì, là sẵn sàng chịu trách nhiệm là lượm kết quả về việc ấy. 39. Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ: Trồng cây khi có nẩy ra được cái nụ thì mừng cây đã ra nụ, khi nó nở được một bông hoa thì mừng cây đã ra hoa, vì đó là cái kết quả công việc mình làm. Câu này thường dùng để nói: có con trai cũng mừng, có con gái cũng mừng, đỗ cao cũng mừng, đỗ thấp cũng mừng, được thế nào bằng lòng thế ấy, miễn có kết quả là quí rồi. 40. Có lớn mà chẳng có khôn: Người thì lớn tuổi mà chí khôn không lớn. Lẽ ra người ta mỗi ngày một thêm kinh nghiệm. Đàng này lớn tuổi mà không khôn, đó là một trường hợp khác thường. Người ta thường dùng câu này để nói nhún với người ngoài rằng, dù con mình đã lớn nhưng còn dại lắm. 41. Có má ở nhà có cá mà ăn: Má tiếng miền Nam nghĩa là mẹ. Có cá mà ăn nghĩa là có thức ăn ngon. Cả câu nghĩa là: có mẹ ở nhà thì con mới được ăn miếng ngon. Đại ý câu này muốn nói con có cha mẹ thì mới được sung sướng, mồ côi cha mẹ thì khốn khổ trăm phần. 42. Có mặt ông Sứ, vắng mặt thằng Ngô: Ông Sứ đây trỏ ông Sứ Thần (hay sứ giả) người Tàu thường sang nước ta, thời xưa. Có mặt thì tỏ vẻ kính trọng ông Sứ Thần là ông Sứ, khi không có mặt ông ta thì gọi là thằng Ngô (tức là người Tàu). Câu này đại ý con người ăn ở lấy mặt, không có bụng trung thực. 43. Có mới nới cũ: Có cái mới, thì cởi bỏ cái cũ ra, ý nói tham danh chuộng lạ, ăn ở không có thủy chung. Câu này bỏ lửng ý ở giữa chừng, cả câu như thế này thì mới trọn nghĩa: “Có mới thì nới cũ ra, mới để trong nhà cũ để ngoài sân”. Câu này chê người ăn ở có trước không sau. 44. Có nhân nhân mọc, không nhân nhân trầm: Có nhân là có lòng tử tế, không có nhân là ăn ở độc ác. Nhân mọc là hột mọc thành cây; nhân trầm là hột trầm đi, không mọc thành cây. Có nhân nhân mọc là ăn ở tốt lại gặp sự tốt, cũng ví như cái hột nhân đức nó mọc thành cây. – Không nhân nhân trầm là ăn ở độc ác thì không gặp được điều tử tế, cũng như cái hột nhân đức trầm đi không mọc thành cây. Đại ý câu này muốn nói: ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác. 45. Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo: Biết bơi biết lội thì gặp sông, nước khỏi lo chết được. Cho nên đẻ con biết lội người ta cho là cái phúc, cái may. Biết trèo cây thì hay bị ngã vỡ mày vỡ mặt hay què chân gẫy tay, nên người ta cho đã có con biết trèo là một cái tội. Câu này khuyên trẻ con không nên trèo cây mà bị ngã. 46. Có phúc thì có phần: Phúc là phúc mệnh, tức là phúc phận, nghĩa là cái phần giàu sang sung sướng mình được hưởng. Có phúc thì có phần nghĩa là có số tốt thì được hưởng sự sung sướng. Cũng có thể giảng phúc nghĩa là ảnh hưởng những việc hay, lành ông cha đã làm ngày xưa, đối với đời sống của con cháu. Có phần là có phần sung sướng trời dành sẵn cho, cũng như phần xôi thịt để dành riêng cho người được hưởng, trong những cuộc ăn uống việc làng. Đại ý câu này an ủi và khuyên người ta không nên kèn cựa lo lắng cho nhọc lòng, cứ yên trí đợi, hễ mình có phúc là tự nhiên được hưởng sung sướng. Trái lại nếu không có phúc thì lo lắng, kèn cựa bao nhiêu cũng vô ích mà thôi. 47. Có sừng có mỏ thì gõ với nhau: Giống thú (vật bốn chân) nhiều loại có sừng như: trâu, bò, hươu, nai… Giống cầm (vật có cánh) loại nào có mỏ; sừng là khí giới tự vệ và đấu tranh của giống thú. Mỏ là khí giới tự vệ và đấu tranh của giống cầm. Gõ đây nghĩa là đánh kêu thành tiếng. Có sừng có mỏ thì gõ với nhau, nghĩa là có sừng thì lấy sừng chọi sừng, có mỏ thì lấy mỏ chọi mỏ, dùng khí giới sẵn có mà đấu tranh với nhau. Câu này khuyên người ta có tài năng, có sức mạnh nên ra mà ganh đua với nhau. Và gián tiếp bảo người không có khí giới thì nên ngồi yên. 48. Có răng, răng nhai, không răng lợi mài cũng xong: Người ta thường dùng câu này để nói đại khái rằng: có người thì làm việc đỡ bận, nhược bằng không có người thì tự mình làm lấy, công việc có chậm một chút, nhưng rồi cũng xong. Đại ý câu này phủ nhận (không nhận) hay đánh giá thấp cái công lao của người giúp việc mình. 49. Có rế đỡ nóng tay: Rế là thứ đồ đan dùng để lót nồi, để nồi khỏi để bệt xuống đất chóng hư và để khi nồi bắt ở bếp ra, người ta bưng vào để trên rế thì bao giờ cũng đỡ nóng tay. Câu này thường dùng để ngụ ý nói có người giúp việc thì đỡ bận cho mình, mặc dầu không có người giúp đỡ thì cũng không sao, chỉ khó nhọc thêm một chút. Đại ý câu này khuyên người ta không nên bỏ phí người, trái lại nên dùng người để mình đỡ khó nhọc. 50. Có tật giật mình: Tật đây không phải là bệnh tật. Tật đây là thói xấu, nết xấu. Có tật giật mình là khi mình có tật xấu gì, nghe người ta nói đến tật xấu ấy thì giật mình sợ hãi, hình như người ta đã rõ tật xấu của mình. 51. Có tiền mua tiên cũng được: Tiên là bà tiên, cô tiên, một hạng người đẹp cả người lẫn nết, không bao giờ chết, lúc biến lúc hiện do trí tưởng tượng người ta hình dung ra. Tiên là một hạng người không có thực, vậy có tiền cũng không thể mua. Câu này cực tả cái giá trị của đồng tiền, đại ý nói rằng có tiền thì việc khó đến đâu cũng làm được, của hiếm đến đâu cũng mua được. Không tiền thì cái rất tầm thường nhất cũng không mua được. Có câu tục ngữ tiếp theo câu trên: “Không tiền mua lược không xong”. 52. Có tiếng không có miếng: Có tiếng là có danh tiếng to. Không có miếng là không có miếng ăn, tức là không có nhiều tiền của. Người ta thường mượn câu này để nói người có hư danh mà quyền hành thực tế không có gì; hoặc người có tiếng giầu sang mà thực ra bề trong vẫn nghèo túng. 53. Có thực mới vực được đạo: Thực là ăn. Vực có hai nghĩa: a. Ôm bế nhẹ nhàng một người vóc lớn đem từ nơi này đến nơi khác. Dùng nghĩa rộng vực có thể có nghĩa là đem từ nơi này tới nơi khác tức là truyền đi, chở đi. b. Học tập, luyện tập hay dạy bảo; nghĩa thấy trong những tiếng vực trâu, vực bò, trâu bò mới vực. Vì chữ vực có hai nghĩa mà người ta có thể hiểu câu trên hai cách khác nhau: a. Có ăn thì mới truyền, hoặc chở được đạo lý Thánh Hiền. Chữ Hán có câu: Văn dĩ tái đạo nghĩa là văn dùng để chở Đạo. b. Có ăn thì mới học tập được Đạo lý. Chưa biết hiểu theo cách nào đúng hơn. Nhưng đại ý câu này không chú trọng vào chỗ chở đạo, mà cốt nói rằng miếng ăn tức vấn đề kinh tế quan trọng hơn hết và phải được giải quyết trước hết, trước cả vấn đề Đạo lý mà xưa kia nhà Nho cho là một vấn đề hệ trọng hơn sự sống chết. Thí dụ như Tống Nho nói: “Chết đói là sự nhỏ, thất tiệc là việc to”. 54. Cóc vái Trời: Cóc ở trong hang hay ở chỗ tối tăm ẩm thấp. Trời thì ở tít mù xanh, cách chỗ cóc rất xa. Vậy mà cóc vái trời, thì trời thế nào biết được. Câu này thường dùng để trỏviệc làm vô ích. 55. Con cá đánh ngã bát cơm: Đánh ngã là đánh đổ, đây nghĩa là ăn hết bát cơm. Con cá đánh ngã bát cơm: Có con cá làm thức ăn, nên ăn hết được bát cơm. Câu này đại ý nói có thức ăn ngon thì ăn được cơm, không có thức ăn ngon thì cơm bỏ ế. 56. Con có cha như nhà có nóc: Nóc che chở cho cả nhà. Cha che chở cho con. Cho nên người ta ví người cha như nóc nhà. 57. Con có nạ như thiên hạ có vua: Nạ, tiếng cổ nghĩa là Mẹ. Thiên hạ là gầm trời, đây là khắp nước. Con có mẹ thì được yên vui, thiên hạ có vua thì nhân dân được làm ăn yên ổn. Người mẹ đối với người con ví như ông vua đối với thiên hạ. Xưa thiên hạ trông mong vào ông vua thế nào, thì người con trông mong vào người mẹ như thế. Đại ý câu này muốn nói người con có mẹ thì được yên vui, sung sướng, người con mồ côi mẹ thì sống bơ vơ vất vưởng như thiên hạ loạn lạc. 58. Con dại, cái mang: Cái, tiếng cổ, nghĩa là mẹ. Con dại thì mẹ phải mang tiếng là không biết dạy con. Hoặc con cái làm nên tội lỗi thì người mẹ phải chịu trách nhiệm (theo nghĩa cổ). 59. Con đã mọc răng còn nói năng gì nữa: Vợ chồng có chê bai nhau thì chê bai và lìa bỏ nhau ngay từ lúc mới lấy nhau. Nay ăn ở với nhau, đã có con và con đã mọc răng tức là đã sõi rồi, thì còn nói chuyện chê bai nhau làm chi nữa. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này muốn nói: việc gì đã rồi dù nói năng gì cũng vô ích. 60. Con đầu cháu sớm: Con đầu là con đầu lòng, con đẻ trước tiên. Cháu sớm là cháu sớm có lần đầu. Con đầu cháu sớm thường được cha mẹ ông bà quý báu nuông chiều, vì là con cháu mới có lần đầu tiên. 61. Con hơn cha là nhà có phúc: Nhà nào có phúc là nhà ấy con cháu học hành, làm ăn tiến bộ, giầu có hơn cha ông. Nhà nào có con không kế tiếp sự nghiệp của cha ông, mỗi ngày một kém hèn, sa sút, là nhà ấy vô phúc. Câu tục ngữ trên, khen những nhà có con cháu làm nên hơn cha ông, và khuyến miễn con cháu nên cố gắng làm hơn cha ông. 62. Con hư tại mẹ cháu hư tại bà: Hư là hư thân mất nết. Không ai yêu con bằng mẹ. Yêu con nên chiều chuộng con, con đòi gi cũng cho, con muốn gì được nấy, khi lớn lên nó quen thói đi. Thế là con hư tại mẹ. Không ai yêu cháu bằng bà. Yêu cháu nên nương chiều, cháu được bà nương chiều đâm ra lồng hổng, láo, nhờn, có khi bắt bà phải làm cho mình việc này, việc khác, đòi bà phải cho mình thứ nọ thứ kia. Như thế là hư. Và cháu hư là tại bà. Câu này đại ý khuyên ông bà cha mẹ không nên nuông chiều con cháu thái quá mà làm cho chúng nó hư thân. 63. Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo: Con cái không bao giờ chê cha mẹ nghèo khó mà bỏ đến ở nhà giầu sang, con chó không bao giờ chê chủ nhà nghèo mà bỏ đi, đến ở nhà giầu có. Câu này lấy một thực trạng để tả cái tình yêu thiên nhiên ràng buộc con cái với cha mẹ, vật nuôi với chủ nhà. 64. Con nhà lính, tính nhà quan: Ngày xưa, như thời Lý, thời Trần, lính là một hạng người đáng khinh. Trừ những con nhà quan tước, quyền quí, có phẩm hàm không kể, còn thì con nhà dân đen đều phải làm lính suốt đời này sang đời khác. Trái lại, cha ông làm quan, thì con cháu đời đời nối nghiệp làm quan. Lính là hạng hèn, quan là hạng sang; quan sai lính, lính hầu quan, hai cách bực đã khác nhau một trời một vực, thì cách thức ăn ở cũng khác xa nhau. Con nhà lính không thể sinh sống, ăn ở theo cách thức, lề lối con nhà quan. Vậy mà có người vốn là con nhà lính, lại có tính nhà quan, tức là tính thích sinh sống ăn ở theo cách thức nhà quan, như thế là không biết phận mình. Câu tục ngữ ngụ ý chế diễu cái thói học đòi rởm của kẻ không biết mình, vốn là người hèn mà định làm sang, vốn là người nghèo mà định ăn ở theo kiểu cách nhà giầu. 65. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh: Tông là tông phái là họ hàng, là dòng giống, con nhà tông là con nhà dòng dõi. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh nghĩa là con nhà dòng dõi thế nào cũng giống dòng dõi ấy ở cái lông hay cái cánh (ví người với chim). Chứng minh thuyết di truyền, câu này đại ý nói con nhà dòng dõi, thế nào cũng có cái hơn người. 66. Con nhờ đức mẹ: Đức là đạo đức, phúc đức, đức hạnh, đây có nghĩa là đức độ, đức hạnh. Con nhờ đức mẹ là người con tốt hay xấu, giỏi hay hư, làm nên hay không là nhờ ở đức hạnh người mẹ. Người mẹ có đức tốt thì con cũng sẽ có đức tốt do lẽ di truyền và do sự giáo huấn của người mẹ. Nêu cái ảnh hưởng đạo đức của người mẹ đối với người con, câu này ngụ ý khuyên các bà mẹ nên dậy dỗ con cái cho có khuôn phép. 67. Con sâu làm dầu nồi canh: Làm dầu là làm úa héo. Con sâu làm dầu nồi canh là khi có con sâu lẫn vào rau, khi ăn canh thấy con sâu không ai ăn canh nữa. Thế là làm dầu nồi canh đi, có ý như rau bị úa héo (dầu), nên không ai buồn ăn canh. Câu này đại ý nói một người không ra gì thì làm xấu lây xã hội. – Người ta thường nói câu này liền với câu sau: “một người làm đĩ xấu danh đàn bà”, nghĩa là chỉ một người đàn bà làm đĩ, mà tất cả đàn bà bị tiếng xấu lây. 68. Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu: Vua là Hoàng đế, chúa tức là Vương. Đây nói vua tức là nói vua Lê, nói chúa là nói chúa Trịnh ở nước ta thuở xưa. Con vua vua dấu nghĩa là con của nhà vua thì nhà vua yêu (dấu tức là yêu dấu), con của nhà chúa thì chúa yêu, đại ý nói ai cũng yêu dấu con mình hơn con người khác. Cũng có nơi nói: con voi voi dấu, con chấu chấu yêu và giảng là con của con voi thì con voi yêu, con của con châu chấu thì con châu chấu yêu, dù voi và châu chấu khác nhau nhiều nhưng tình thương yêu con đều như nhau, không hơn không kém. Đại ý cũng như câu trên. 69. Còn nước còn tát: Hễ còn nước thì còn tát vào ruộng. Nghĩa bóng là hễ người ốm còn thoi thóp thở là còn chữa chạy đến phút cuối cùng. Hoặc nói việc đời, hễ còn có sức là còn làm mãi mãi, đến hết sức mới thôi. 70. Công cha như núi Thái Sơn, công mẹ như nước trong nguồn chảy ra: Núi Thái Sơn là quả núi cao lớn bực nhất bên Tàu, thường được gọi là “mái nhà của thế giới”. Công cha như núi Thái Sơn nghĩa là công lao của người cha to tát cao lớn như núi Thái Sơn không biết thế nào mà đo lường được. Nước trong nguồn là nước ở chỗ dòng sông dòng suối bắt đầu rỉ ở mạch đất ra. Nước mạch tức nước nguồn chảy ri rỉ quanh năm không lúc nào ngừng, dòng nước tuy nhỏ, song nước ấy làm ra sông con, sông lớn và làm nên biển cả mênh mông. Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra nghĩa là công người mẹ mới con như nhỏ bé, lặt vặt, song mẹ không lúc nào ngừng công lao, nên công mẹ cũng không thể nào lường được, cũng như không ai lường được nước trong nguồn chảy ra. Câu này đề cao công ơn cha mẹ để khuyên người con nên ăn ở hiếu thảo đền trả lại công ơn ấy. 71. Công nợ trả dần, cháo húp quanh bát: Công nợ nhiều đến đâu cứ trả dần mãi cũng xong, cháo nóng đến đâu cứ húp quanh bát mãi cũng hết. Ý nói công việc cứ kiên tâm làm, đâu rồi cũng xong. 72. Cố đấm ăn xôi: Cố là cầm cố. Cố đấm là đem lưng mình cầm cố cho người ta đấm. Cố đấm ăn xôi là đem lưng cầm cố chịu đấm để lấy xôi ăn, tứclà như nói dơ lưng chịu đấm để được ăn xôi. Câu này chê người: chịu nhục để kiếm miếng ăn; bỏ liêm sỉ để cầu lấy lợi nhỏ. 73. Cờ bạc là bác thằng bần: Cờ là đánh cờ. Ngày xưa đánh cờ ăn tiền, cũng là một lối đánh bạc. Thời vua Lê Thái Tổ, ai đánh cờ phải tội chặt một ngón tay mất một phân tiền. Bạc là đánh bạc. Thời nhà Lê đánh bạc phải chặt một ngón tay và mất ba phân tiền. Ngay bây giờ cũng là việc quốc cấm. Bác không phải là chú bác, mà nghĩa là chay là Bố như chữ Bác trong những câu: “Người tai mắt đứng trong thiên địa, ai là không bác mẹ sinh thành” (Nhị thập tứ hiếu). Hay câu ca dao khác: “Ai lên phố lạng cùng anh, tiếc công bác mẹ sinh thành ra em”. Cờ bạc là bác thằng bần. Cờ bạc là cha sinh ra anh nghèo (bần có nghĩa là nghèo), ý nói cờ bạc làm cho người ta đang giàu hóa ra nghèo. Câu này phải nói thế này mới trọn nghĩa: “Cờ bạc là bác thằng bần, ruộng vườn bán hết tra chân vào cùm”. Đại ý nói cờ bạc làm cho mất nghiệp mà lại phải tù tội nữa, vì là việc quốc cấm. 74. Cờ đến tay ai người ấy phất: Cờ đây là tiết mao là thứ cờ tượng trưng mệnh lệnh nhà vua. Người nào được nhà vua trao cờ tiết mao cho là được nhà vua ban cho quyền thay mặt vua làm mọi việc. Do điển cố đó mà sau cờ có nghĩa là quyền hành. Cờ đến tay là quyền hành đến tay. Người ấy phất nghĩa đen là ai cầm cờ thì người ấy phất cờ. Nghĩa bóng là quyền hành vào tay ai thì người ấy sử dụng. Bây giờ mình chưa có quyền hành gì thì không làm gì hết, khi quyền hành đến tay, là tự khắc mình biết làm đủ mọi việc quan trọng to tát. Đại ý câu này muốn nói: hễ có quyền hành địa vị, thì ai cũng biết hành động theo quyền hành địa vị mình, không phân biệt là trí với ngu, giỏi với dốt. 75. Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt: Lành đây là ngon lành, cơm không sống, không nát, không rắn, không khê. Ngọt đây là ngon miệng. Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt là cơm và thức ăn làm không ngon miệng. Người ta thường dùng câu này để tả cảnh vợ chồng bất hòa, vì khi vợ chồng đã không ưa nhau, thì tự nhiên cơm, canh ngon lành đến đâu cũng hóa ra không ngon, cũng bị người chồng bới lông tìm vết, bẻ hành bẻ tỏi, chê thế nọ thế kia. 76. Cơm nhà chúa múa tối ngày: Ăn cơm nhà chủ rồi múa may làm sao cho tối ngày thì thôi. Ý nói thợ làm dong công (ăn công thật chứ không làm khoán) thường hay kéo dài công việc ra không chịu cố gắng làm cho chóng xong. 77. Cơm tẻ mẹ ruột: Cơm tẻ là cơm ăn hằng ngày. Ruột đây là bụng dạ. Cơm tẻ mẹ ruột nghĩa đen là cơm tẻ nuôi dưỡng bụng dạ như mẹ nuôi con. Nghĩa bóng muốn nói dù ăn cao lương mỹ vị cũng không no bụng được bằng cơm tẻ. Người ta thường mượn câu này để khuyên không nên chuộng những món xa xỉ, đắt tiền. 78. Cú có vọ mừng: Cú và vọ là hai thứ chim cùng một loài. Con cú có cái ăn thì con vọ cũng mừng cho. Vật còn thế, huống chi con người ta, thấy anh em bà con giầu có, thì mình cũng nên mừng cho, chớ không nên ghen ghét, ố nhân thắng kỷ (ghét người hơn mình). 79. Cú kêu cho ma ăn: Cú là con cú. Xưa người ta thường cho rằng: chỗ nào có cú kêu là chỗ ấy có ma, và nơi đó sắp xẩy ra việc chẳng lành như ốm đau hay chết chóc; Cho nên hễ nghe cú kêu là người ta vội vàng sắm sửa lễ vật để cúng tiễn những hung thần (tức là ma, quỉ đến quấy rối) để tránh tai nạn. Thành ra cú kêu cho ma ăn, chứ cú chẳng được gì vì cúng ma chứ ai cúng chim cú? Người ta thường dùng câu này để tỏ ý phàn nàn rằng: chính mình có sáng kiến bày đặt ra, hoặc thúc đẩy cho người ra làm việc ấy, mà rồi người khác được hưởng lợi, chớ mình không được gì. 80. Của bụt mất một đền mười: Bụt tức Phật. Phật dạy người ta nên đem của ra bố thí cho mọi người để được phúc. Vậy mà ở đây, của Bụt mất có một phần, Bụt lại bắt đền những mười phần. Như vậy chả hóa ra Phật đã không bố thí cho ai mà lại còn tham lam nữa? Không câu này không nói ông Phật. Của bụt đây tức là của nhà sư, của nhà chùa, là nơi thờ Bụt. Và câu này chắc ban đầu đặt ra để chế riễu một vài nhà sư có thói tham lam. Ngày nay câu này thường được dùng theo nghĩa sau: Các bậc giàu sang quyền quí (ví với bụt) có thế lực to, nếu làm thiệt mất của cải các bậc ấy một phần, mình phải đền gấp mười lần thì mới khỏi lôi thôi. 81. Của đau con xót: Ai động đến của mình (tiền bạc đồ vật hay vật nuôi) thì mình cảm thấy đau lòng, khó chịu. Ai động đến con cái mình thì mình lấy làm thương xót, ý nói lòng dạ người ta, đối với con với của, ai cũng như ai. 82. Của kho không lo cũng hết: Của kho là của có hàng kho, ý nói nhiều lắm. Hoặc của nhiều như kho bạc nhà vua. Không lo là không biết lo liệu tính toán cho của khỏi hao hụt hoặc mỗi ngày một sinh sản thêm ra. Đại ý câu trên dù có của hàng kho hoặc có của nhiều như kho nhà vua, mà không biết lo liệu tính toán, cứ vung tay quá trán, ăn tiêu phung phí, thì rồi cũng hết. Câu này khuyên ta phải biết lo liệu, tính toán để tiền của sinh sôi nẩy nở. Không biết lo chỉ biết tiêu, thì của như của kho cũng có ngày hết. Ý nghĩa cũng na ná ý nghĩa câu: ngồi ăn núi nở. Cũng có nơi nói: “Ăn không lo của kho cũng hết”, nghĩa cũng như câu trên. 83. Của làm ăn no, của cho ăn đói: Của làm là thức ăn do nhà mình làm ra. Của cho là thức ăn do người ta đem cho. Ăn no tức ăn đến no, ăn chán, khi ấy ăn không biết ngon. Vì khi no thì ăn gì cũng không thấy ngon. Ăn đói là ăn thiếu, ăn thêm, ăn chưa thỏa thích, ăn cảm thấy ngon, vì khi đói thì ăn gì cũng ngon. Câu này nghĩa là: thức ăn nhà làm ra thì ăn không ngon, vì nhà làm ra thì có nhiều, tha hồ ăn no, ăn chán; thức ăn người ta đem cho thì ăn bao nhiêu cũng ngon, vì của cho có ít, không có đâu mà ăn no ăn chán được. Nghĩa bóng câu này muốn nói: phàm cái gì mình có sẵn thì mình hay coi thường, cái gì của người thì mình hay coi quí, có ý chê cái tính tham thanh chuộng lạ của người đời. 84. Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ: Của làm ra là của cải do mồ hôi nước mắt khó nhọc làm ra. Của cờ bạc là của cải, tiền bạc do đánh cờ bạc mà được. Của phù vân là của mây nổi, đây có nghĩa là của phi nghĩa, tức là của cải kiếm được một cách không chính đáng. Của phù vân có nghĩa ấy là do câu Khổng Tử chép trong sách Luận ngữ: “Bất nghĩa nhi phú thử quí ư ngã như phù vân”, nghĩa là: “Làm việc phi nghĩa mà giầu sang, đối với ta như đám mây nổi”. Câu trên nghĩa là tiền của làm ra thì để trên gác, tức giữ được; tiền của do cờ bạc mà có thì không giữ chặt được, dù để trong rương, trong két cũng như để ở ngoài sân; tiền của kiếm được một cách phi nghĩa, tức là không đáng được mà được, thì cất kín đáo đến đâu cũng như để ở ngoài ngõ. Tóm lại, duy có tiền mồ hôi nước mắt kiếm ra là có thể giữ được chắc chắn. Đại ý câu này khuyên người ta không nên ham cờ bạc và của phi nghĩa. 85. Của một đồng, công một nén: Một đồng đây tức là 1 đồng cân, hay một phần mười của một lạng ta. Nén tức là 10 lạng ta hay 100 đồng cân ta. Của một đồng, công một nén nghĩa là của (tức vật gì) chỉ đáng giá có 1 đồng cân, nhưng cái công mang từ xa xôi tới nó tốn kém những 10 lạng, ý nói công người đem cho đáng quí gấp trăm lần của đem cho. Cũng có người giảng một đồng là một đồng tiền kẽm, một nén tức là một nén vàng, ý nói công và của giá trị chênh lệnh nhau một trời một bể. Cũng có người cho một đồng là một đồng bạc, một nén hay 15 đồng bạc, vì 15 đồng “Con gái” hay “Hoa xoè” ngày trước, người ta bảo cân nặng 10 lạng tức là một nén. 86. Của người phúc ta: Dùng của người đem bố thí để lấy phúc lấy ở cho mình. Câu này chê mánh khoé của người khôn vặt. 87. Của người Bồ tát, của mình lạt buộc: Bồ tát là có lòng lành hay bố thí cho kẻ nghèo khó. Của người bồ tát là đem bố thí của người khác. Của mình lạt buộc là của mình thì giữ gìn chặt chẽ như lấy lạt mà buộc. Câu này đại ý nói: chỉ phung phí của người còn của mình thì không chịu mất. Hoặc của người thường coi khinh, của mình thì coi quí báu không cho ai động đến. 88. Của ruộng đắp bờ: Lấy đất ở dưới ruộng đắp lên bờ ruộng. Bờ ruộng cũng là đất ruộng. Câu này lấy việc đắp bờ ruộng để nói bóng rằng: người ta có đứng ra lo liệu trông nom công việc cho cô dì chú bác (không có người trông nom), hay cho cháu chắt (mồ côi nhỏ tuổi), thì tiêu pha tốn kém cũng đều là tiền bạc của cô dì hoặc cháu chắt bỏ ra, mình chỉ mất công mà được tiếng. 89. Của thế gian đãi người ngoan thiên hạ: Đãi tức là thiết đãi, là cho hưởng thụ. Người ngoan là người ngoan ngoãn, có đức hạnh, có lòng tử tế. Của là của đời (thế gian) trong thiên hạ, hễ người nào có đức tốt thì được hưởng. Cũng có nghĩa là mình đem của cải thiết đãi những người tốt bụng trong thiên hạ mà không tiếc, đâu phải riêng mình mãi mãi. 90. Cướp cháo lá đa: Cướp cháo để trong cái bồ đài bằng lá đa. Trong các lễ cúng bố thí cho cô hồn, người ta thường hay lấy lá đa gấp thành bồ đài, rồi đổ cháo vào đấy thay bát. Cướp cháo lá đa tức là cướp cháo thí với các cô hồn, ý nói người không có con cái lúc chết không ai thờ cúng, phải đi cướp cháo thí đổ trong lá đa mà ăn. 91. Cười ba tháng ai cười ba năm: Ở đời nếu ai làm việc xấu xa trái đạo thì bị thiên hạ chê cười. Vì sợ thiên hạ chê cười, mà người ta thường không dám làm những việc xấu xa quá đáng. Có người liều lĩnh cứ làm theo ý muốn của mình, bất chấp cả sự chê cười của thiên hạ. Để bênh vực cho việc làm bậy bạ xấu xa của mình và cũng để tự an ủi mình, người ấy nói: Cười ba tháng ai cười ba năm mà sợ. Ý nói người ta chê cười trong một thời gian chán rồi thôi, chứ ai chê cười mãi mãi. Câu này là lý luận của kẻ làm liều, bất chấp dư luận xã hội, và thường được dùng để an ủi những kẻ đã trót làm việc xấu xa. 92. Cưỡi đầu voi dữ: Cưỡi đầu voi là việc thường. Cưỡi đầu voi dữ là việc nguy hiểm. Ngồi trên đầu voi dữ, voi có thể lấy vòi lôi xuống mà quật. Mà tụt xuống đất không cưỡi nữa, voi cũng có thể lấy vòi cuốn, lấy chân dày xéo lên. Đằng nào cũng chết. Người ta thường mượn câu này để nói cái địa vị nguy hiểm, tiến thoái lưỡng nan (tiến lên hay lùi về hai đàng đều khó không biết chọn đàng nào).
Trang CH
1. Cha chung không ai khóc: Người cha có nhiều con tức là cha chung của các con. Người có nhiều con, khi chết đi, thì mỗi người con thường có một phần, không ai hết lòng thương xót, nên không ai khóc. Người ta giả thiết ra trường hợp đó (chưa chắc đã có thật) để nói rằng công việc chung, tức việc công của làng, của nước, của xã hội thường không có ai là người tận tâm tận lực làm cho đến nơi đến chốn, người này trông chừng người nọ và dựa vào người kia, có khi tị nạnh nhau mà bỏ cả công việc. Ý nghĩa câu này cũng na ná ý nghĩa câu: Lắm sãi không ai đóng cửa chùa. 2. Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy: Theo thuyết Tam Tòng đạo Nho (ở nhà theo cha mẹ, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) việc lấy chồng của con gái xưa hoàn toàn là do ý kiến cha mẹ, bảo lấy ai thì phải lấy người ấy, cha mẹ không bằng lòng thì không được lấy. Người ta đặt ra câu này để nói con gái phải triệt để vâng theo ý cha mẹ trong việc lấy chồng. 3. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày: Cha mẹ sinh con ra, nuôi con công lao khó nhọc như trời, như bể, không sai kể xiết, mà cha mẹ không kể công. Con cái nuôi cha mẹ thì nuôi ngày nào kể ra ngày ấy, tưởng rằng nuôi cha mẹ như thế đã là công lao to tát lắm rồi. Câu này tả cái tình trạng đáng chê và thường có trong xã hội, ngụ ý khuyên răn kẻ làm con thờ phụng cha mẹ sao cho xứng với công ơn to tát của các ngài. 4. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính: Cha mẹ sinh con chỉ biết sinh ra cái thân hình của nó thôi. Còn tâm tính nó, ý nghĩ nó thì phần nhiều là do trời phú tính cho tự nhiên, chớ cha mẹ không thể đúc nặn tâm tính con nhất loạt theo tâm tính mình được. Câu này tả một thực trạng và có ý đổ lỗi cho trời, để cha mẹ khỏi phải chịu trách nhiệm về tính tình và tư tưởng của con cái. Thật ra tâm tính của người con phần lớn rập theo khuôn mẫu tâm tính cha mẹ, theo di truyền và ảnh hưởng. 5. Chạch bỏ giỏ cua: Chạch là con chạch, một giống cá mình dài, từa tựa con lươn nhưng ngắn hơn. Con chạch bỏ giỏ cua, thì bị cua cắp tứ phía, không tránh đâu thoát. Người ta thường mượn câu này để nói cái địa vị khó tránh khỏi nguy hiểm. 6. Cháy nhà, cùng sưởi: Trời mùa đông, lỡ cháy nhà, thì mọi người được dịp cùng sưởi ấm. Câu này đại ý nói nếu công cuộc chung đổ vỡ, thì sẽ tranh cướp lấy một chút lợi nhỏ, như là nhà cháy được lợi sưởi ấm một lát. Đó là lý luận của kẻ ích kỷ, dù gặp hoàn cảnh nào (nhà cháy hay lành) cũng cố kiếm lợi cho mình mới nghe. 7. Cháy thành, vạ lây: Thành tức là thành trì, thành phố. Vạ là tai vạ. Cháy thành vạ lây nghĩa đen là thành bị cháy, mình là người thường dân lại bị vạ lây. Đại ý nói mọi việc liên quan với nhau một cách không ngờ. Câu này dịch ở câu tục ngữ Tàu: “Thành môn thất hỏa ương cập từ ngư”, nghĩa là cứu thành bị cháy, vạ lây đến con cá dưới ao (câu này xuất ở sách Bắc sử). Người Tàu chua nghĩa câu ấy như thế này: thời ấy cửa thành nhà vua bỗng phát hỏa, cạnh đấy có ao nước, người ta xúm vào tát nước ở ao để chữa cháy, rút cục ao cạn nước, cá bị chết khô. 8. Chẳng ưa thì dưa hóa dòi: Không ưa nhau (tức là không bằng lòng nhau) thì cái rễ dưa cũng bảo là con dòi, để bỏ cơm không ăn. Ý nói đã không bằng lòng nhau thì cái gì cũng không ra gì, mọi thứ đều theo tình cảm (yêu-ghét) mà đổi thay, đảo lộn hết. 9. Chân cứng đá mềm: Đá vốn cứng rắn. Nhưng chân người cứng rắn hơn vì chân đi mòn nhẵn cả đá. Như vậy là chân cứng đá mềm. Người ta thường dùng câu này để chúc sức khỏe cho người đi xa, phải trèo đèo, vượt núi. Vì chỉ đối với người khỏe mạnh, thì chân mới cứng và đá với mềm. Người ốm yếu thì còn đi đâu được mà mong làm mòn nhẵn đá, núi? 10. Chân mình thì lấm mê mê, Đi cầm bó đuốc mà rê chân người: Bó đuốc tức là bó đóm to. Rê là vừa cầm đóm soi, vừa xét xem có chỗ nào lấm bùn không; rê là soi, xét. Câu này nghĩa đen là: chính mình thì lấm bùn mê mê ra, mà mình lại đi cầm bó đuốc soi xét chân người khác xem có lấm bùn hay không (đây nói việc xẩy ra ban đêm, cầm bó đuốc soi cho tỏ). Theo nghĩa bóng, người ta thường dùng câu này để chế diễu các thói xấu, soi mói người khác, khi chính mình có rất nhiều tật xấu mà không chịu sửa đổi. – Đại ý câu này khuyên ta nên sửa mình trước đã. 11. Chân le chân vịt: Một chân là chân con le (là giống biết bay) chỉ chực co cẳng bay, một chân là chân vịt (giống không biết bay) lạch bạch đứng một chỗ. Ý câu này nói nửa muốn ở, nửa muốn đi. 12. Chân nam đá chân chiêu: Chân nam là chân phải, chân chiêu là chân trái, ý nói vội vàng, luống cuống, chân nọ đá chân kia. Chiêu là phía trái, nghĩa ấy thấy trong câu: “Cầm đũa tay chiêu đập niêu không vỡ”, nghĩa là cầm đũa tay trái thì ngượng và yếu, nam nghĩa là phía hữu, phía tay phải. Có lẽ là do lối tìm phương hướng của các cụ xưa mà ra. Ngày xưa, các cụ xem phương hướng thì sáng sớm dậy, quay mặt về phía mặt trời mọc, đằng trước mặt là phương Đông, sau lưng là phương Tây, bên tay phải là phương Nam, bên tay trái là phương Bắc; chắc do việc xem phương hướng đó mà nam có nghĩa là tay phải. 13. Chân ướt chân ráo: Nói người vừa đi thuyền (ngày xưa đi xa chỉ có cách đi thuyền) ở xa mới tới, lên bộ một chân còn ướt, một chân còn ráo, ý nói vừa mới tới, chưa yên sở. 14. Chật đất trở về: Thoát khỏi một trận ốm nguy hiểm suýt chết (hình như đã bị đem ra huyệt chôn), nhưng đất chật không có chỗ chôn, nên lại phải trở về sống vậy. 15. Chém tre chẳng nể đầu mặt: Đầu mặt tức là mấu tre, rắn lắm. Chém tre mà chém vào đầu mặt thì lâu mới được và có khi mẻ dao. Chém tre chẳng nể đầu mặt ý nói không kiêng nể kẻ quyền thế có khi hại cho công việc. 16. Chết đuối đọi đèn: Đọi đèn là cái bát đựng dầu lạc hay thầu dầu, dùng làm cái bâu dầu thắp đèn ngày xưa. Đọi đèn thường là thứ bát nông để cho khỏi phải đổ nhiều dầu, mà bấc cũng dễ hút dầu, thắp cho đỡ tốn. Cho nên đã có câu ví: “nông choèn choẽn như đọi đèn”, hoặc “nông như đọi đèn”. Chết đuối đọi đèn là chết đuối ở chỗ nông quá, ở chỗ đáng lý không thể nào chết đuối được, ở chỗ không ai ngờ có thể chết đuối được. Câu này thường được dùng để nói về sự thất bại, thua lỗ, sa sút, vì một việc rất tầm thường, nhỏ nhặt; không ai ngờ rằng việc đó lại có thể gây nên ảnh hưởng khốc hại đến thế. 17. Chê thằng một chai, lấy thằng hai lọ: Một chai là một chai rượu. Thằng một chai là thằng uống một chai rượu. Hai lọ là hai lọ rượu. Thằng hai lọ là thằng uống hai lọ rượu. Chê thằng một chai lấy thằng hai lọ là chê không lấy thằng uống một chai rượu, lại lấy phải thằng chồng uống hai lọ rượu, thành ta cũng vậy thôi. Câu này chế diễu người hay kén chọn, so sánh, nhưng kén chọn so sánh không tinh tường, thành ra uổng công kén chọn. 18. Chết đuối vớ phải bọt: Bọt là bọt nước. Chết đuối thấy vật nổi lên mặt nước tưởng là ván gỗ hay cái cọc vội giơ tay vớ lấy, mong khỏi chết; ai ngờ vớ phải bọt nước. Người ta thường mượn câu này để nói gặp hoạn nạn, dựa vào người khác mong họ cứu giúp cho, ai ngờ họ cũng khốn khổ như mình và chẳng giúp cho mình được việc gì. 19. Chết trâu lại thêm mẻ rìu: Nhà có con trâu chết đã hại rồi. Khi đem con trâu chết làm thịt lại phải đưa cái rìu ra để bà con, anh em chặt sừng trâu, bửa sọ trâu. Không dè cái rìu lại bị mẻ vì sọ trâu rắn quá. Thành ra đã thiệt con trâu lại thiệt thêm cái rìu. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này có ý nói đã thiệt đàng này lại tốn thêm đàng khác, đã gặp nạn nọ lại thêm nạn kia, đã thua kiện phải tù tội lại mất thêm tiền, đã chết mất người lại tốn tiền làm ma… Ý nghĩa cũng tương tự câu “họa vô đơn chí”, nghĩa là cái hại không bao giờ đến một mình, cái hại nọ kéo theo cái hại kia. 20. Chỉ tay năm ngón: Chỉ tay một ngón (ngón tay trỏ) là trỏ đường, bảo lối cho người ta đi. Chỉ tay cả năm ngón tức là chỉ bằng cả bàn tay, thì cái cử chỉ đó không phải là để trỏ giúp đường nữa. Cử chỉ đó nhấn mạnh một lời quở mắng nghiêm khắc, một mệnh lệnh sai khiến quả quyết, của người trên đối với người dưới. Vậy chỉ tay năm ngón có nghĩa là quở mắng sai khiến, bắt buộc người dưới phải vâng theo lệnh mình. Người quen chỉ tay năm ngón là người xưa nay chỉ quen làm thầy người ta, không chịu làm người dưới ai, điều đó đáng chê, vì có biết làm người dưới mới làm được người trên, có biết vâng lệnh thì sau mới biết hạ lệnh. 21. Chim khôn đỗ nóc nhà quan: Nhà quan xưa nay là nơi người ta tôn trọng. Con chim tìm nóc nhà quan mà đỗ là con chim khôn, vì đỗ đấy, chim tránh được dò, bẫy và cung tên, xuy đồng của người đi săn. Câu này lấy chuyện con chim để khuyên người ta nên tìm chỗ thế lực quyền quí mà nương tựa. 22. Chim tìm tổ, người tìm tông: Chim tìm về tổ, người thì tìm tông. Tông đây là tổ tông, tức là người đã sinh ra ông bà, cha mẹ mình. Câu này lấy chuyện con chim biết tìm tổ, để khuyên người ta nên biết tìm tổ tông mà thờ phụng, vì không tổ tông thì không có mình. 23. Chín đụn, mười trâu: Đụn tức là đụn thóc, bịch thóc, đóng thành đống to và cao như đống rơm, đống rạ. Tru tức là trâu(tiếng Thanh Nghệ), nói trạnh là chín đụn mười tru tả cảnh nhà giầu, lắm lúa thóc, trâu bò. 24. Chó chê mèo lắm lông: Mèo với chó đều nhiều lông. Vậy mà chó lại chê rằng mèo lắm lông hơn chó. Người ta thường mượn câu này để chê người chỉ biết phê bình người, còn mình thì tự cho không có gì là khuyết điểm. Ý nghĩa câu này cũng na ná ý nghĩa câu “lươn ngắn mà chê chạch dài” và câu “chân mình thì lấm mê mê, đi cầm bó đuốc mà rê chân người”. 25. Chồng ăn chả vợ ăn nem: Chồng ăn chả (giò chả); vợ ăn nem (nem chạo). Chả là thịt đã đem rán thành bánh, nem là thức ăn bằng thịt sống trộn với thính. Ý nói chồng ăn một thứ, vợ ăn một thứ. Câu này thường dùng để chê việc hai vợ chồng đều hư hỏng, chồng chơi bời ham mê một thứ, thì vợ cũng chơi bời ham mê một thứ khác. 26. Chồng như đó vợ như hom: Đó là đồ đánh cá đan bằng tre, đặt vào chỗ nước chảy để đơm cá. Hom là cái nắp đó đan bằng tre hình cái phễu, phía ngoài rộng, phía trong bé hẹp lại. Cá lách vào đó thì được, cá ở trong đó chui ra thì bị nạn nhọn ở hom đâm phải không ra được. Chồng như đó vợ như hom nghĩa là chồng như cái đó để đơm tiền (không phải cá), vợ thì như cái hom đậy lên miệng đó để tiền khỏi lọt ra ngoài. Câu này đại ý nói phận sự của chồng là kiếm ra tiền, phận sự của vợ là phải giữ tiền khỏi phao phí. 27. Chồng trước đánh mau, chồng sau mau đánh: Mau đây không phải là mau lẹ, nhanh chóng. Mau đây là tiếng nghịch, nghĩa ngược với tiếng thưa. Thưa là ít, là cách xa nhau. Mau là nhiều, là gần sát với nhau. Nghĩa ấy thấy trong thành ngữ: mưa thưa, mưa mau; cấy thưa, cấy mau; hay trồng thưa, trồng mau… Đánh mau, nghĩa là đánh nhiều, đánh luôn, hay đánh; mau đánh nghĩa cũng thế. – Chồng trước đánh mau, chồng sau mau đánh ý nói cô gái lấy phải anh chồng hay đánh đập mình, liền chê bỏ đi lấy chồng khác. Không ngờ anh chồng sau cũng hay đánh như anh trước thành ra cũng vậy thôi. Người ta thường dùng câu này để nói: cùng làm một việc, cùng ở một địa vị thì ở đâu cũng thế thôi, không nơi nào hơn kém, cũng như đã làm vợ thì bao giờ cũng bị chồng hành hạ. Câu này ý nghĩa cũng gần như câu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. 28. Chờ được nạ má đã sưng: Nạ tiếng cổ nghĩa là mẹ. Chờ được mẹ bênh vực cho thì cái má đã bị người ta tát sưng lên rồi. Câu này khuyên ta không nên ỷ lại và chờ ở sức giúp đỡ bên ngoài. Có người đọc câu này ra là: “Chờ được vạ thì má đã sưng”. Nghĩa là chờ đi kiện người đánh mình để bắt đền vạ, thì mình đã bị sưng má rồi. 29. Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, Đánh được người mặt vàng như nghệ: Vang là gỗ cây vang ngâm thành thứ nước đỏ chóe như phẩm đỏ. Chưa đánh được người ta thì tức giận hầm hầm, mặt đỏ gay như nước vang, khi đánh được người rồi thì sợ phải tội, mặt vàng như sắc củ nghệ. 30. Chưa đẻ đã đặt tên: Con chưa đẻ đã đặt tên trước. Câu này thường dùng để ví với việc tiền chưa có đã định trước khoản chi tiêu. 31. Chưa nặn bụt đã nặn bệ: Cứ theo thứ tự hợp lý của công việc, thì trước nặn Bụt rồi sau nặn bệ. Đàng này thì chưa nặn Bụt đã nặn bệ, như vậy là chuyện trái ngược, không hợp lý. Người ta thường dùng câu này để nói việc chưa có tiền đã định mua cái nọ, tậu cái kia, chưa đỗ đạt đã tính việc chạy chọt để được bổ đi làm quan làm việc. Câu này có ý diễu rằng việc làm trước không làm, lại đi làm việc sau, việc gốc không lo lại đi lo việc ngọn. 32. Chửi cha không bằng pha tiếng: Pha là đùa bỡn, chế diễu để làm trò cười. Thí dụ như nói pha, nói đùa. Chửi cha không bằng pha tiếng tức là chửi cha người ta, người ta không căm tức bằng đem tiếng nói của địa phương người ta mà nói pha, diễu làm trò cười với nhau. Câu này có ý khuyên đến nơi nào, tôn trọng ngôn ngữ, phong tục của nơi ấy, kẻo mất lòng dân địa phương. 33. Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết: Chúng khẩu là mọi miệng, đồng từ là cùng nói một lời. Tất cả mọi người đều nói một lời như nhau, thì người bị cáo không còn cãi vào đâu được. Có là ông sư tu hành đạo đức, mà bị cáo là trai gái, trộm cướp, cũng không gỡ được tội. 34. Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu: Câu này đi liền sau câu: “Người thanh tiếng nói cũng thanh”. Đánh chuông, người ta đánh vào vú chuông; nhưng chuông kêu thì khẽ đánh bên thành chuông, không đánh vào vú chuông, tiếng cũng kêu. Câu này ý nói người khôn ngoan thì nói một lời, người ta cũng biết là khôn ngoan. 35. Cha hát con khen, ai chen vô lọt: Vô tiếng miền Trung nghĩa là vào. Cha hát con khen, ai chen vô lọt nghĩa là cha hát mà con khen, thì tất nhiên là khen lấy khen để, khen đến hết lời, người ngoài không còn ai có thể chen lời vào được nữa, tức là không có chỗ tỏ ý kiến. Câu này ngụ ý chê những người cùng một nhà, cùng một bè phái khen ngợi lẫn nhau, cho những lời khen ngợi đó vô giá trị cũng như lời con khen cha. Ý nghĩa cũng na ná ý nghĩa câu “mẹ hát con khen hay”. 36. Chết chẳng muốn, muốn ăn xôi: Tục nước ta trong các cuộc tế lễ, giỗ, chạp, cưới, hỏi, đều có xôi làm món lễ vật đầu vị. Cúng người chết cũng phải có xôi trước tiên. Cho nên người ta thường dùng hai tiếng “ăn xôi” để nói bóng thay tiếng chết. Chết chẳng muốn, muốn ăn xôi: nghĩa đen là chết không muốn lại muốn người ta đem xôi tế mình. Nghĩa bóng câu này chê người muốn ăn mà không muốn làm, muốn giầu không chịu khó, muốn đi thi đỗ mà không chịu học hành. 37. Chị ngã em nâng: Chị yếu lỡ bị ngã, thì em có bổn phận phải nâng chị, chứ em không nên thấy chị ngã, lại lấy làm thích, bưng miệng cười. Câu này bỏ lửng ý ở đoạn sau. Đáng lẽ phải nói cả câu như thế này mới trọn ý: “chị ngã em nâng, đừng thấy chị ngã em bưng miệng cười”. Lấy việc chị ngã em nâng ra làm thí dụ, câu này khuyên anh em, chị em nên giúp đỡ lẫn nhau trong khi hoạn nạn. 38. Chim Việt cành Nam: Tương truyền ngày xưa nước Việt-Thường (ở phía Nam nước ta, ngày xưa nước ta là giao chỉ) có đem chim trĩ cống cho vua nhà Chu bên Tàu. Vua Tàu nuôi chim trĩ đã quen, thả ra cho tự do bay, đậu trong vườn Thượng Uyển (vườn nhà vua). Chim nhớ nơi sinh trưởng tức là nước Việt-Thường ở phía Nam nước Tàu, nên bao giờ cũng chọn cành cây phía Nam mà đậu. Người ta thường mượn câu “chim Việt cành Nam” để nói rằng vật còn nhớ nước huống chi con người. 39. Chín người yêu hơn mười người ghét: Được nhiều người yêu thì hơn. Vì nhiều người yêu mến thì làm việc gì cũng dễ dàng. Nếu lắm người ghét, thì ở đời sinh sống và làm ăn rất khó khăn. Muốn được nhiều người yêu thì mình phải ăn ở thế nào cho ra người đáng yêu, tử tế, dễ dãi với mọi người. Muốn người ta không ghét mình, thì mình phải ăn ở ra sao cho người ta không ghét được, chớ ích kỷ, chớ tham lam, mà lại hay bao dung giúp đỡ mọi người. 40. Chó cắn áo rách: Chính là “chó cắn người áo rách”, xuất tự câu ngạn ngữ Tàu “cẩu giảo phá y nhân”. Câu này ngụ ý nói: người áo rách thì đến con chó cũng không ưa. – Nhưng ta thường dùng câu này theo nghĩa khác: áo đã rách rồi lại bị chó cắn hóa rách thêm, ý nói đã đen lại rấp, đã rủi lại gặp sự không may. Ý nghĩa cũng na ná những câu: “rậu đổ bìm leo”, “tre lướt cò đẻ”, hay “họa vô đơn chí”. 41. Chó dại có mùa, người dại quanh năm: Chó dại tức là chó hóa điên, hóa dại. Chó thường hay hóa điên dại về mùa thu, mùa đông, những năm khí trời trái tiết, về thu, đông mà có gió nồm. Người dại là người ngu dại, không khôn ngoan sáng suốt. Người ngu dại thì quanh năm (tức suốt năm) lúc nào cũng ngu dại, không cứ là về mùa nào. Câu này ngụ ý than phiền cho người ngu dại hành động, ngôn ngữ lúc nào cũng dại. 42. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo: Sóng cả là sóng lớn, ý nói lúc sông biển gặp cơn giông bão, sóng gió nổi lên. Ngã tay chèo là ngã mà không quả quyết, không chắc chắn, ráo riết, không giữ chặt lấy, buông rời ra. Ngã lòng là lòng không quả quyết, chắc chắn lòng muốn buông rời cái ý chỉ, đầu tiên. Ngã tay chèo là tay chèo không quả quyết, chắc chắn, ráo riết, tay chèo không cứng, tay muốn buông rời mái chèo ra. Cũng có người nói là, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, và giảng ngã là ngả nghiêng là hạ xuống, như ngả cây, ngả lưng. Ngả tay chèo là tay chèo hạ xuống, tức thôi không chèo thuyền nữa. Chớ thấy sóng cả mà ngã (tay ngã) tay chèo nghĩa đen là: chớ thấy sóng gió mà non tay chèo thuyền, phải cứng tay chèo để thuyền vượt qua cơn sóng gió. Nghĩa bóng là: chớ thấy khó khăn nguy hiểm mà ngã lòng, nản chí, phải kiên quyết phấn đấu để vượt khỏi nguy hiểm, khó khăn. 43. Chồng học trò, vợ con hát: Ngày xưa học trò chỉ biết một việc thơ, phú, văn chương, ngoài ra việc nặng nhọc không làm được việc gì cả. Con hát tức là nhà trò hay ả đào, xưa nay ngoài quần chùng áo dài, tô son điểm phấn, không biết làm việc gì. Chồng học trò vợ con hát là cả hai vợ chồng đều chân yếu tay mềm, không có sức đảm đang làm những việc nặng nhọc. Người ta thường mượn câu này để chê bai hoặc than phiền cảnh vợ chồng tiểu tư sản, không thể đem sức lực ra làm ăn sinh sống. 44. Chợ có lề, quê có thói: Chợ đây là kẻ chợ tức kinh đô, hiểu rộng là thành thị, tỉnh thành. Chợ có lẽ là kinh đô hay tỉnh thành có lề thói riêng, khác hẳn ở thôn quê. Quê là thôn quê hay nhà quê, tức là làng mạc xa tỉnh thành. Quê có thói là thôn quê có những lề thói riêng, khác hẳn lề thói ở kẻ chợ. Câu này có ý nói ở nơi nào có thói lề nơi ấy, mỗi địa phương có những tập tục, thói quen khác nhau. Biết thì ta chớ nên chế riễu những lề thói ta không quen, trái lại ở nơi nào, ta phải theo lề thói ở nơi ấy, tức là “nhập gia tùy tục”. 45. Chú khi ni, mi khi khác: Khi ni, tiếng vùng Nam, Trung, nghĩa là khi này, lúc này. Mi tiếng miền Trung Nam nghĩa là mày. Chú khi ni, mi khi khác là khi này thì gọi là chú, khi khác lại gọi là mày. Sự khinh, trọng tùy theo thời gian thay đổi. Người ta lại thường dùng câu này theo nghĩa sau: Khi này thì chú chịu thiệt, khi khác thì mày (tức là cháu chú) chịu thiệt, mỗi bên chịu một lần. Ý nói dù là chú cháu thân mật với nhau, thì sự ăn đi trả lại cũng phải cho công bằng, đừng để ai phải chịu thiệt riêng. 46. Chùa rách bụt vàng: Chùa rách là chùa tường vách trống trải xiêu vẹo, ý nói chùa cũ kỹ tồi tàn. Bụt vàng là tượng phật sơn son thiếp vàng, ý nói tượng phật quí giá. Chùa rách bụt vàng là ở ngôi chùa tồi tàn mà có tượng phật quí giá. Người ta thường mượn câu này để tỏ ý ngợi khen: a) Nơi quê mùa mà nẩy người tài giỏi. b) Nhà nghèo khó mà có người ăn ở chính đại, quang minh. c) Người áo rách mà có lòng trung hậu. Ý nghĩa câu này cũng na ná nghĩa câu: đất sỏi chạch vàng. 47. Chưa qua cầu đã cất nhịp: Cầu xưa thường gồm có nhiều nhịp, tức là nhiều quãng. Mỗi nhịp có thể cất lên, tức là nâng lên cao, để cho thuyền bè đi qua. Khi cất nhịp lên như vậy, thì cần có quãng chống, không ai qua được. Chưa qua cầu đã cất nhịp là mình chưa qua khỏi cầu đã vội cất nhịp lên, không cho người khác đi theo. Nghĩa bóng câu này muốn nói: mình chưa qua khỏi quãng đời khó khăn, đã vội ngăn lối không cho người khác theo bước mình để qua khỏi. Câu này ngụ ý chê người ích kỷ và khuyên người đi trước nên đưa đường dẫn lối dắt dìu kẻ đi sau. 48. Chuông không đánh không kêu, đèn không khêu không rạng: Quả chuông đồng nếu cứ treo yêu đó, không đánh thì không ai biết tiếng; ngọn đèn nếu không khêu lên, thì một lúc lu mờ đi. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này định nói: người có tài có học cần phải đem tài học ra làm việc đời để cho người ta biết, cũng như chuông phải đánh đèn phải khêu. Không đem tài học ra làm việc đời, thì còn ai biết là mình có tài học nữa. Cũng có thể giảng nghĩa như thế này, chuông phải có người đánh mới kêu, đèn phải có người khêu mới tỏ. Người có tài phải được người cất nhắc lên thì mới có thể đem tài ra làm việc đời. 49. Chuột chạy cùng sào: Sào là con sào làm bằng cây tre nhỏ, dài và chắc chèo xuồng, bè. Lúc không dùng, người ta thường gác con sào từ mái nhà nọ sang mái nhà kia, hoặc từ cái chạc cây này sang chạc cây khác, dùng làm nơi phơi quần áo, chiếu chăn. Chuột thường truyền sào định leo từ mái nhà nọ sang mái nhà kia. Rủi gặp con sào gác chênh vênh giữa hai cái chạc, thế là chuột chạy cùng con sào mà không đi được đến đâu. Người ta mượn câu này để nói việc bí lối, hết đường: không khác gì chuột chạy cùng sào.
Trang D
1. Dán bùa luồn mèo: Luồn mèo đây là tên gọi chỗ đầu hồi nhà hình tam giác, giáp hai mái nhà. Chỗ đó người ta thường dán bùa cốt để che kín chỗ xấu chứ không vì bùa thiêng. Cũng có thuyết nói chỗ góc ấy vừa cao vừa kín, ít người chú ý đến, nên dán bùa vào chỗ ấy, người ta muốn dán xiêu vẹo, lệnh lạc thế nào cũng đươc, không cần phải ngay ngắn, cẩn thận. Ngày nay câu này thường dùng để chỉ việc làm giả dối, tạm bợ, làm cho qua lần. Ít người còn dùng. 2. Dao có mài có sắc, người có học mới khôn: Dao đúc bằng thép tốt đến đâu mà không mài thì cũng không sắc bén. Người dù có tư chất thông minh đến đâu, mà không học thì tư chất thông minh cũng không phát triển được, người đó không thể trở nên khôn. Câu này lấy con dao ra làm thí dụ, để khuyên người ta phải học vì: có học thì mới khôn. 3. Dao sắc không gọt được chuôi: Dao sắc đến đâu cũng không tự gọt lấy chuôi được. Câu này đại ý nói người thông minh tài giỏi đến đâu cũng không tự túc lấy mọi việc, thế nào cũng phải nhờ vả đến người khác. 4. Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng: Dâu là con dâu. Dâu dữ là con dâu ăn ở độc ác đối với bà con họ hàng. Ăn ở độc ác thì cố nhiên là bà con họ hàng không đẹp lòng, họ không muốn đến nhà nữa. Thế là vì con dâu dữ mà mất cả họ hàng. Cũng như nhà mà có chó dữ, thì láng giềng không dám sang chơi, vì thế là mất láng giềng vậy. 5. Dây máu ăn phần: Thấy người làm thịt trâu, bò, dê, lợn, mình cũng nhúng tay vào cho bàn tay dây một tí máu, tỏ rằng mình cũng có làm, để được ăn phần thịt. Câu này chê người khôn vặt, thấy người ta có mối lợi gì, thì cũng tìm cách dúng vào một tí để được hưởng lợi. 6. Dĩ thực vi tiên: Dĩ thực là lấy sự ăn, miếng ăn, cho miếng ăn. Vi tiên là làm trước, làm việc trước, làm việc đầu tiên. Dĩ thực vi tiên là lấy miếng ăn làm việc đầu tiên. Chính ra thì trong sách luận ngữ Khổng Tử nói: “Dân dĩ thực vi tiên”, nghĩa là người dân lấy miếng ăn làm ông trời, tức là coi miếng ăn làm ông trời, coi sự ăn làm việc cốt yếu nhất, coi miếng ăn là việc đầu trong việc sống. Miếng ăn cần cho người ta như khí (tức trời). Câu này nói trạnh ra là dĩ thực vi tiên. Người ta thường dùng câu này để đề cao giá trị của sự ăn uống, và nói rộng ra, việc kinh doanh thực nghiệp. Cũng có khi câu “dĩ thực vi tiên” được dùng để tỏ ý người chỉ vụ miếng ăn, chớ không cốt công việc. 7. Dơ đầu chịu báng: Dơ cái đầu ra chịu cho người ta báng. Báng tức là đánh vào vật tròn như đánh vào cái chuông (lấy lưng của đốt 2 và 3 của ngón giữa mà cốc vào đầu). – Nghĩa bóng là đứng ra hứng chịu trách nhiệm về một việc gì. 8. Dốt đặc cán mai: Cán mai là cái cán cuốc dùng để đào đất. Cán mai thường làm bằng gỗ táu là thứ gỗ rất đanh (cứng), đúc đông đặc. Nên chê người ngu dốt quá, người ta nói là dốt đặc cán mai là không có chỗ nào mà nhét chữ vào được nữa. Cũng có khi người ta nói: “dốt đặc cán mai táu”. Táu tức là gỗ táu. 9. Dốt đặc hơn hay chữ lỏng: Dốt đặc là dốt hẳn không biết gì, hình như óc đặc lại, trí khôn nhồi không vào được. Hay chữ là thông chữ nghĩa. Hay chữ lỏng là biết chữ nửa chừng, không biết đến nơi đến chốn. Câu này nghĩa là thà dốt đặc không biết chữ gì lại hơn kẻ biết lơ mơ; vì người dốt đặc thì yên phận không biết chữ, còn điều gì cần đến chữ thì đi nhờ người ta; còn người hay chữ lỏng, tự phụ mình hay chữ, lắm khi dùng chữ sai lầm, làm trò cười cho người khác; hoặc đọc chữ nọ ra chữ kia, hiểu nghĩa này ra nghĩa khác, gây nên thiệt hại cho mình. 10. Dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người: Phù đồ dịch âm chữ Ấn Độ, nghĩa là xây tháp. Chín đợt phù đồ là chín đợt tháp hoặc xây tháp chín tầng, tức là một công trình kiến trúc tôn giáo tốn kém và lớn lao. Làm phúc bằng cách bỏ tiền ra, thực hiện một kiến trúc tôn giáo vĩ đại như thế, cũng không bằng làm phúc cứu cho một người (chỉ một người thôi), khỏi khổ, khỏi chết… Câu này khuyên người ta nên làm phúc một cách thiết thực, là cứu giúp cho người hoạn nạn, cơ nhỡ.
Trang Đ
1.      Đa ngôn đa quá:  Nói nhiều thì lỗi nhiều. Bởi vì nói nhiều, thế nào cũng có câu lỡ, lời không phải. Câu này khuyên người ta nên ít nói, thận trọng lời nói. 2.      Đã khôn mà không ngoan:  Khôn tức là thông minh tài trí hơn người.  Ngoan tức là ngoan ngoãn, nết na, ăn ở biết điều. Đã khôn mà không ngoan là có trí khôn nhưng ăn ở lại không khéo.  Câu này thường dùng để chê người làm việc đã tính khôn nhưng không được khéo léo, chu đáo nên hỏng việc. Đại ý câu này muốn nói khôn và khéo phải đi đôi với nhau thì việc mới thành công. 3.      Đan không tầy dặm:  Đan là lấy nan tre hoặc mây nứa đan thành thúng, mủng, nong, nia và các đồ dùng. Dặm là lấy nan gài vào những chỗ nan gẫy hay thủng của các đồ nan dùng lâu ngày. Dặm tức là vá lại các đồ đan. Đan không tầy dặm là đan không bằng dặm (cũng như: may dễ hơn vá); đại ý nói là làm lần đầu dễ hơn làm lại lần thứ hai. Câu này thường nói lầm ra là: “đau không tầy dặm”. Và cũng thường dùng theo nghĩa là: lời nói đi thì nhẹ, lời nói lại thì nặng.(Làm đi không bằng làm lại?) 4.      Đan lỗi hóa miếng trám:  Đáng lẽ đan mắt vuông, đan lỗi thành ra mắt phên, hóa hình miếng trám, coi lại đẹp hơn mắt vuông.  Ý nói làm hỏng mà hóa hay, gặp việc rủi mà không ngờ lại hóa ra may mắn. 5.      Đàn ông nông nổi giếng khơi, Đàn bà sâu sắc như cơi đựng giầu (trầu):  Giếng khơi sâu lắm.  Cơi giầu (trầu) thì nông choèn choẹt.  Câu này đại ý nói:  đàn ông dù nông nổi nhưng cũng vẫn sâu sắc hơn đàn bà (nông nổi như giếng khơi); đàn bà dù thâm trầm nhưng cũng vẫn chỉ sâu đến như cái cơi đựng giầu (trầu).  Ý nói đàn bà bao giờ cũng nông nổi, nhẹ dạ. 6.      Đang yên đang lành đọc canh phải tội:  Đang yên đang lành vô sự, đón thầy đón sư về tụng kinh (canh tức kinh đọc trạnh ra) thì lại hóa phải tội với Thần, Phật, và tốn nhiều tiền.  Câu này nghĩa bóng là: tự dưng mua việc, hóa lôi thôi vào mình. 7.      Đánh (cho) chết (cái) nết không chừa:  Nết tức là tính nết, luyện thành thói quen từ thuở nhỏ, khi lớn lên nó thành như tính tự nhiên do trời sinh ra, nên người ta vẫn gọi là Thiên tính tức là tính trời ban. Khi tính nết đã thành như thiên tính thì khó lòng mà sửa chữa được, dù đánh đến chết, thì tính nào cũng vẫn giữ nết ấy.  Đại ý câu này cũng gần như ý nghĩa câu ngạn ngữ Pháp: "Đuổi tính tự nhiên đi, nó sẽ trở lại ngay". Câu này có ý khuyên ta nên luyện tính nết từ thuở còn thơ ấu. 8.      Đánh chó, ngó chủ:  chó nào cũng có chủ nuôi.  Đánh chó thì ai cũng đánh được và có thể đánh chết.  Nhưng trước khi đánh nên ngó (nhìn) chủ nuôi con chó.  Không ngó chủ nuôi, cứ tự tiện đánh chó, tất nhiên làm mất lòng chủ nuôi nó; Của đau con xót, người chủ con chó sẽ hoặc bắt đền mình hoặc gây truyện khó dễ cho mình, có khi sinh lôi thôi to. Đánh chó còn vậy, huống chi đánh con cái, tôi tớ nhà người ta. Câu này dạy cách cư xử ở đời:  “Nó lú nhưng chú nó khôn”.  Ta không sợ gì con chó nhưng ta nể người chủ.  Cây đa, thì chả sợ gì nhưng còn ông thần.  Hành động mù quáng không suy xét, truyện bé có khi xé ra to. 9.      Đánh đu với tinh:  Đánh đu là một việc nguy hiểm, lỡ tuột tay tuột chân là ngã gẫy xương.  Tinh là một thứ ma khôn có thể biến thành hình người, cũng gọi là yêu tinh. Yêu tinh mà đánh đu thì tất phải bổng tít ngọn cây và đánh mãi không biết mệt, vì yêu tinh có phép biến hóa thần thông. Người ta đi đánh đu tay đôi với tinh thì dại, vì chịu sao nổi sự mệt nhọc của cuộc đánh đu quá bổng và quá lâu. Câu này thường mượn để chê người khờ dại đi đua đòi bắt chước người giàu sang hoặc người ở địa vị cao hơn. 10.  Đánh trống bỏ dùi:  Dùi là cái dùi dùng để đánh trống làm bằng gỗ hay bằng tre, hình tròn dài như chiếc đũa lớn. Đánh trống bỏ dùi là đánh trống xong, bỏ dùi đó, không cất đi một nơi cẩn thận, để lần sau lại dùng đánh trống, ý nói chỉ cốt làm xong lần, không nghĩa đến việc sau. Người ta thường dùng câu này để chê người xướng lên một việc gì hoặc bắt đầu dúng tay vào một việc gì, ban đầu hăng hái, rồi sao bỏ vẳng đi, không chú ý gì tới nữa, y như người đánh xong hồi trống rồi vất dùi đi. 11.  Đánh trống lảng:  Trong các cuộc tế thần thánh, các tế viên (tục gọi quan viên) khi tiến rượu (tiến tước) vào cung, thì đi khoan thai từng bước, theo điệu nhạc (chuông, trống, sáo, nhị) du dương, nhịp nhàng.  Khi ở trong cung đi ra, thì các tế viên rảo bước đi rất nhanh, và trống đánh cũng theo một nhịp mau, gấp thúc giục.  Điệu trống lúc đó gọi là trống lảng, tức là trống giục lảng ra cho mau.  Nay dùng rộng ra, câu đánh trống lảng thường dùng để chỉ việc một người đang nghe người ta nói câu truyện này, thì nói lảng ra truyện khác, hoặc đang ở chỗ này lảng ra chỗ khác, (chuồn) đi nơi khác, để tránh sự bất lợi hoặc không hay cho mình. 12.  Đánh trống lấp:  Trong các cuộc Tế thần (tức Thánh Hoàng) tế Thánh (tức Khổng Tử), sau khi dâng hai tuần rượu, thì đọc văn tế (tức là đọc chúc).  Đọc văn theo lệ kỵ húy (kiêng tên húy) của đạo Khổng, khi đọc đến tên Thần Thánh, người ta đọc lẩm nhẩm trong miệng, chớ không đọc thành tiếng rõ ràng; tuy nhiên vẫn sợ người ngoài nghe biết tên húy Thần, Thánh (điều người ta kiêng) nên đọc đến chức tước và tên Thần, Thánh, người ta còn điểm mấy tiếng trống thật to, để làm lấp tiếng người đọc.  Đánh trống lúc đó gọi là đánh trống lấp.   Nguyên do ba chữ đánh trống lấp là như thế.  Ngày nay người ta thường dùng câu đánh trống lấp, để chỉ việc viện lý sự hay duyên do hoặc kể lể lôi thôi dài dòng mục đích để lấp liếm câu truyện chính hoặc che lỗi lầm của mình. 13.  Đánh trống qua cửa nhà sấm:  Câu này dịch ý câu tục ngữ Tàu “Kính cổ lôi môn” (nghĩa là đánh trống ở cửa sấm).  Sấm sét kêu rầm trời, đánh trống qua cửa (hoặc trước cửa) sấm thì tiếng trống dù kêu to đến đâu, cũng bị biếng sấm át đi, không ai nghe thấy.  Câu này nghĩa bóng trỏ (chỉ) việc làm liều lĩnh ngốc dại, biết trước không có kết quả cũng cứ làm.  Thí dụ như nói chữ (nho) trước mặt vị khoa bảng, ngâm thơ trước mặt các nhà thi hào, khoe tiền bạc trước nhà triệu phú, người ta đều gọi là “đánh trống qua cửa nhà sấm”. 14.  Đau lại đã, ngã lại dậy:  Đau tức là ốm đau, đã tức là đỡ, khỏi.  Đau lại đã nghĩa là đau ốm rồi lại khoẻ cũng như ngã rồi lại trở dậy. Câu này đại ý nói không nên ngã lòng, qua cơn đau ốm rồi lại khoẻ, qua phen thất bại sẽ đến lúc thành công. 15.  Đâm lao phải theo lao:  Lao là thứ võ khí làm bằng tre hay nứa phạt nhọn ở đầu.  Dùng võ khí này, người ta cầm lao, thẳng tay ném về phía trước, và đã ném như thế thì người ta phải chạy theo lao, xem lao có trúng đích không.  Đó là nghĩa đen.  Nghĩa bóng câu này muốn nói đã làm việc gì thì phải theo đuổi việc ấy, bất luận rằng lợi hay hại. 16.  Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá:  Người thời xưa giầu óc mê tín, cho rằng chỗ nào cũng có thần coi giữ; thần giữ đất là Thổ Công, thần giữ sông là Hà Bá. Câu này ngày nay thường dùng để nói rằng chỗ nào cũng có người trị nhậm chỗ ấy, non sông nào thì có anh hùng chỗ ấy. 17.  Đầu ráo ướt áo:  Đầu dãi nắng tóc khô se đi.  Người dãi nắng mồ hôi ướt cả áo; ý nói làm lụng vất vả khó nhọc. 18.  Đầu tay may xưa:  Đầu tay là thứ gì tay làm ra lần đầu tiên, may xưa chính là may sơ nghĩa là cái may đầu tiên, may sơ thủy; sơ đọc trạnh ra làm xưa.  Đầu tay may xưa ý nói thứ gì mới làm ra hoặc mới đem ra bán lần đầu tiên, mà được người ta mua cho một cách dễ dàng, thì nó là cái may đầu tiên (may xưa). 19.  Đầu tắt mặt tối:  Ý nói vội vàng, lắm việc quá; đầu tắt là tóc không thở được và mặt mũi thì tối tăm lại vì công việc bề bộn.  Có người cho là câu này nói sai, chính phải nói “đầu tấp mặt tới” nghĩa là đầu mặt cứ tới tấp bận rộn vì công việc hay là công việc tới tấp, ngập đầu ngập mặt. 20.  Đầu trộm đuôi cướp:  Đầu trộm là đứng đầu bọn trộm; cùng bọn đi ăn trộm thì vài nhà đầu tiên.  Tay này phải có tài cán, can đảm lắm mới dám xung phong như vậy.  Vì nếu lộ thì là người đầu tiên bị bắt.  Đuôi cướp là đi cuối cùng, là kẻ đánh tập hậu đứng chiến cho cả bọn yên ổn rút lui, kẻ này phải là người võ nghệ cao cường, sức vóc khoẻ mạnh và can đảm nhất bọn thì mới đảm nhiệm nổi việc đó. Đầu trộm đuôi cướp ý trỏ (chỉ) gồm những tay trộm cướp cừ khôi, đứng đầu hàng trộm cướp. 21.  Đầu xuôi đuôi lọt:  Cái đầu mà chui qua hàng rào thì cái đuôi cũng lọt qua được.  Nghĩa bóng câu này muốn nói việc gì cũng vậy, cốt ở bước đầu.  Hễ bước đầu mà xong xuôi thì sau công việc sẽ trót lọt chu đáo. 22.  Đầy tớ xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa:  Câu này có thể giảng theo mấy nghĩa khác nhau: a.      Chủ nhà thì nên xét công lao cho đầy tớ, vợ chồng nên xét điều nhân nghĩa cho nhau. b.      Đầy tớ đi làm cho người ta thì chỉ cốt để ý đến công xá; khi đi lấy vợ lấy chồng thì cốt xem xét người có nhân nghĩa hay không. c.       Xét đầy tớ xem có tốt không thì nên căn cứ vào công việc của nó đã làm; xét vợ chồng tốt hay xấu thì xem xét có nhân nghĩa với nhau không. 23.  Đem con bỏ chợ:  Ngày xưa gặp những năm mất mùa đói kém, nhiều người không nuôi nổi con nhỏ.  Họ đem con ra giữa chợ rồi bỏ con đó, lẩn trốn đi nơi khác.  Đem con ra chợ bỏ, người ta hy vọng rằng ở chợ đông người, thế nào cũng có người thương tình trẻ nhỏ, đem về nuôi nấng; dù bị cha mẹ bỏ đi, nhưng đứa trẻ cũng chắc chắn không đến nỗi chết đói.  Người ta thường mượn câu này để nói việc giắt díu giúp đỡ người quen biết làm việc gì, rồi giữa chừng bỏ mặc, không giúp đỡ chi nữa, khiến người ấy bơ vơ (như người con bị cha mẹ đem con ra chợ bỏ). 24.  Đèn nhà ai nấy rạng:  Đèn nhà ai thì soi sáng nhà ấy.  Nghĩa bóng là việc nhà ai thì nhà ấy biết, người ngoài không biết rõ được. 25.  Đẹp con người tươi con của:  Con của là con vật nuôi trong nhà như: lợn, gà, chó, ngựa… Đẹp con người tươi con của nghĩa là trong nhà người thì đẹp đẽ, vật thì tươi tỉnh khoẻ mạnh.  Ý nói cảnh nhà thịnh vượng, sung sướng từ người tới vật đều được no ấm, đầy đủ, vui vẻ, khoẻ mạnh. 26.  Để là hòn đất, cất lên ông Bụt:  Khi chưa nặn, thì chỉ là hòn đất.  Khi hòn đất đã nặn nên ông Bụt, thì ông Bụt hóa ra linh thiêng, được mọi người sùng bái thờ phượng.  Người ta cũng vậy, khi hàn vi chưa gặp thời chỉ là một người nghèo hèn; khi gặp thời vận, có người cất đặt lên cho, thì tự nhiên hóa ra người tài giỏi quyền thế, ai cũng phải kính phục. 27.  Để một thì giầu, chia nhau thì khó:  Của cải, ruộng nương nếu để anh em một nhà ăn chung đổ lộn, thì kể đã là giàu.  Nhưng số của cải ruộng nương đó nếu đem chia cho anh em thì mỗi phần chẳng được là bao nhiêu, anh nào cũng nghèo cả, khó tức là nghèo. Đó là sự thật hiển nhiên, một sự thật toán học. Đại ý câu này khuyên anh em một nhà không nên chia nhau ra ăn riêng ở riêng, vì của cải cha mẹ tuy giầu nhưng đem của cải ấy chia nhau, thì anh em mỗi người chẳng được bao nhiêu. 28.  Đi đến nơi về đến chốn:  Nơi là nơi định đi đến.  Chốn cũng như nơi là chốn mình định về. Đi thì phải đi đến nơi, về thì phải về đến chốn, đừng lang thang vơ vẩn mà ngủ đỗ ở dọc đường thì không hay.  Đại ý câu tục ngữ khuyên ta như thế. Người đi đến nơi về đến chốn được coi là người cẩn thận chí thú. 29.  Đi đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ:  Câu này có thể giảng theo hai nghĩa: a.      Ra đường thì nên chào hỏi người già cả, về nhà thì nên hỏi han con trẻ. b.      Ra ngoài đường muốn hỏi thăm điều gì thì nên hỏi người già, vì người già mới biết mà mách; Về nhà muốn rõ việc nhà thì hỏi trẻ con, vì trẻ con thật thà không biết giấu diếm. 30.  Đi một ngày đàng, học một sàng khôn:  Đi một ngày đàng tức là đi đàng suốt một ngày thì học được rất nhiều điều hay có thể bồi đắp cho trí khôn của mình. Vì đi một ngày đàng, tức là đi xa, thì gặp nhiều người hay, dở, thấy nhiều phong cảnh mới lạ, nghe nhiều điều hay về phong tục, lề thói các nơi, học tập được nhiều cách ăn ở, làm lụng nơi ta đến. Câu này đại ý khuyên ta nên “đi cho biết đó biết đây” chứ “ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. 31.  Đi nước Lào ăn mắm ngoé:  Ở nước Lào người ta thường bắt ngoé làm mắm cho là một thứ ăn ngon.  Thức ăn ấy làm ta ghê tởm.  Tuy nhiên đã sang nước Lào, ta cũng bắt buộc nhắm mắt phải ăn, nếu không dân sở tại sẽ không bằng lòng. Câu này đại ý khuyên người ta đi đâu nên theo tục lệ ở đó, ý nghĩa cũng như câu: “Nhập gia tùy tục” (vào nhà ai thì theo tục nhà ấy). 32.  Đi với bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy:  Bụt thì mặc áo cà sa, ma thì người ta cho là mặc áo bằng giấy.  Mình đi với bụt thì phải bắt chước Bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì phải bắt chước ma mặc áo giấy, như thế thì bụt hay ma mới tin mình là người cùng bọn.  Câu này ý nói ăn ở phải tùy hoàn cảnh. 33.  Đói ăn vụng túng làm càn:  Vì đói nên ăn vụng, vì túng nên làm càn. Đại ý câu này muốn nói những hành động của con người ta, đều do hoàn cảnh thực tế thúc đẩy.  Ví dụ: khi no thì ai còn ăn vụng, giầu có thì ai còn đi ăn trộm ăn cắp. 34.  Đói cho sạch, rách cho thơm:  Đói thì người ta hay ăn bậy ăn bạ. Rách thì người ta thường không hay thay quần áo, để nó hôi hám.  Câu này khuyên người ta: đói thì đói cũng phải ăn uống cho sạch, rách thì rách cũng phải thay đổi quần áo cho nó thơm tho.  Nghĩa bóng câu này muốn nói: dù đói khó đến đâu cũng nên ăn ở cho thơm, sạch, chớ nên làm điều bẩn thỉu, thối tha. 35.  Đói, đầu gối phải bò:  Đói thì dù ốm đau yếu ớt đến đâu, dù không đi được, cũng phải bò bằng đầu gối mà đi tìm cái ăn. Nghĩa bóng câu này muốn nói: hễ đói bụng thì phải đi làm lụng kiếm lấy cái ăn. 36.  Đói thì ra kẻ chợ, đừng lên rợ mà chết:  Đói thì ra tỉnh thành (kẻ chợ là kinh đô hoặc tỉnh thành đô hội) mà kiếm ăn, chớ đừng lên rợ mà chết. Rợ tức là mọi rợ, chỉ nơi rừng rú, xứ sở của các dân tộc tiểu số: Mán, Mọi, Mường… Câu phương ngôn khuyên ta ra tỉnh thành mà kiếm ăn, không nên vào rừng rú.  Ở tỉnh thành lắm người, lắm việc, chịu khó thì thế nào cũng kiếm được miếng ăn.  Còn như miền rừng rú nước ta, khí hậu nặng, lắm muỗi độc; dân đồng bằng không quen thủy (nước) thổ (đất), chỉ ở một vài ngày là bị “ngã nước” tức mắc bệnh sốt rét.  Bệnh sốt rét ngã nước, ngày chưa có thuốc ký ninh (Quinine) rất khó chữa,mười người mắc bệnh thì chín người chết, người ta thường tin là do “ma rừng làm”, nên có câu: ma thiêng nước độc. 37.  Đói trong ruột không ai biết, rách ngoài cật lắm kẻ hay:  Cật đây là vỏ ngoài, bề ngoài.  Ta nói cật tre là vỏ ngoài cây tre, bọng tre là ruột hay bụng cây tre.  Câu này nghĩa là: đói ở trong bụng thì không ai hay, nhưng quần áo rách ở bên ngoài thì ai cũng biết cả.  Đại ý khuyên người ta ăn bận cho chỉnh tề, có khi phải nhịn ăn để may mặc cho người ta khỏi khinh bỉ. 38.  Đồng tiền là son phấn con người:  Son phấn tô điểm cho con người xinh đẹp thêm.  Đồng tiền cũng như son phấn, có tiền thì đẹp mặt đủ vẽ, không tiền thì đành chịu xấu mặt nhiều điều, cũng như người không có son phấn mà tô điểm. Câu này ca tụng cái giá trị của đồng tiền. 39.  Đồng tiền tài nhân nghĩa kiệt:  Vì đồng tiền-tài mà nhân nghĩa kiệt. Câu này khuyên người ta không nên chú trọng vào tiền tài, để đến nỗi làm kiệt hết cả đường nhân nghĩa (lòng ăn ở tốt) giữa bà con, anh em, bạn bè. 40.  Đội xống nát nạ:  Xống tức là cái váy. Nát nghĩa là dọa nạt, làm cho người ta sợ hãi. Nạ là mẹ (tiếng cổ). Đội xống nát nạ nghĩa là đội váy dọa mẹ.  Ý nói dùng thế lực của người khác, để loè nạt những người có thể đẻ được ra mình, có thừa thế lực rồi (như mẹ có xống), tức là làm một việc lố bịch tức cười. 41.  Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào:  Máy là lấy chân đào đất dần để làm cái hang, cái hốc mà ở, tức là nơi ở của con cua. Đào nghĩa cũng như máy.  Đời con cua thì con cua máy lấy hang để ở, đời con cáy (một thứ cua nhỏ, mầu đỏ) thì con cáy tự máy lấy hốc mà ở.  Đại ý câu này muốn nói đời cha thì cha lo, đời con thì con lo;  cha mẹ không thể lo hết và không nên quá lo về tương lai người con. 42.  Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ:  Đắp nấm tức là đắp nấm mồ, đắp cho mồ cao.  Ấm mồ là mồ mả ấm áp, ý nói mồ mả kết phát không động lệch gì.  Đời trước mà đắp nấm mồ cho cẩn thận, thì đời sau con cháu được yên ổn.  Đó là nghĩa đen.  Nghĩa bóng đắp nấm là đắp nấm thiện, tích lũy những việc từ thiện cho nên cao như cái nấm, cái gò.  Ấm mồ nghĩa là ấm chỗ nằm, chỗ ở, ý nói đất kết phát. Việc làm của cha ông đời trước, có ảnh hưởng đến con cháu đời sau.  Đời trước cha ông làm việc phúc đức, thì đời sau con cái hưởng phúc của cha ông, sẽ được sung sướng. Câu này khuyên người ta làm việc gì cũng nên để phúc đức lại cho con cháu đời sau, không nên tàn nhẫn độc ác quá. 43.  Đơm đó ngọn tre:  Đó là đồ đánh cá hình thon dài, miệng có cái hom, cá chui vào được, nhưng không chui ra được.  Đơm đó người ta phải đơm ở chỗ có dòng nước chảy, cá tép theo dòng mà chui vào.  Đàng này, lại đi đơm đó ngọn tre, thì làm chi có cá!  Câu này chế diễu người chờ đợi, mong mỏi một việc chắc chắn không bao giờ được, như đơm đó ngọn tre, đời nào được cá! 44.  Đũa mốc chòi mâm son:  Đũa mốc là đũa cũ kỹ đã mốc ra, tức là đũa xấu.  Chòi là với lên mà chọc, như chòi quả trên cây, đây nghĩa là với lên cao.  Mâm son là mân sơn son (màu đỏ), xưa là thứ mâm sang trọng, quí giá.   Đũa mốc mà chòi mâm son nghĩa đen là đũa xấu với lên trên mâm quí.  Dùng theo nghĩa bóng, người ta thường mượn câu này để chê người ở địa vị thấp hèn,  mà định làm bạn hoặc sánh đôi (lấy vợ lấy chồng) với người ở địa vị cao quí. Câu này chứng minh rằng trong xã hội thời xưa, điều kiện “môn đăng hộ đối” (nhà cửa hai bên ở địa vị ngang nhau) là cần thiết trong việc cưới hỏi và trong việc giao du bạn hữu. 45.  Đứng núi này trông núi nọ:  Đứng núi này, chưa cho núi này là cao, lại đi nhìn sang núi khác, cho là cao hơn núi mình đang đứng.  Câu này riễu thói tham thanh, chuộng lạ của một số người. 46.  Được ăn cả, ngã về không:  Được nghĩa là thành công.  Ngã là thất bại. Ăn cả là ăn cả phần lợi, không chia cho ai.Về không là về tay không.  Câu này nghĩa là liều làm một mình việc gì, đinh ninh trong bụng rằng hễ thành công thì được hưởng lợi một mình, mà hễ thất bại thì đành về tay không, cũng không ngại. 47.  Được bạn bỏ bè, được con trâu chậm chê me không cày:  Bạn là người mình thân yêu vì cảm tình chí hướng giống nhau.  Bè tức bầy, là đàn, lũ, bọn, nhóm người cùng tụ họp với nhau hoặc cùng đi với nhau.  Ta thường nói bè phái, bè đảng, bè lũ, bạn bè.  Người cùng một bè, một nhóm không thân yêu, tương đắc với nhau bằng bạn, vì bè thường đông người.  Ngoài việc tụ họp với nhau để làm một công việc chung, người trong bè có thể mỗi người một tâm tính, một chí hướng khác nhau.  Me tiếng miền trung, nghĩa là con bò con, tức là con bê người miền Bắc quen gọi. Nghĩa đen là tìm được người bạn, thì bỏ tất cả anh em trong bè, kiếm được con trâu chậm (chưa phải là con trâu tốt, làm mau), đã vội chê con me không thèm dùng đến cày. Nghĩa bóng là được cái mới thì nới cái cũ. Đại ý câu này chê người ăn ở không có thủy chung. 48.  Được con riếc tiếc con rô:  Riếc là cá riếc.  Rô là cá rô. Được con cá riếc lại tiếc con cá rô: ý nói được cái này lại muốn được cả cái khác.  Câu này tả lòng tham lam vô bờ của con người. 49.  Được chim bẻ ná, được cá quên nơm:  Ná tiếng miền Trung, miền Nam, là cái nỏ, dùng để bắn chim.  Nơm dùng để úp xuống nước bắt cá.  Nghĩa đen là bắn được chim rồi thì bẻ ná đi, úp được cá rồi thì quên công cái nơm. Nghĩa bóng là xong việc rồi, thì quên công ơn những kẻ đã giúp mình làm nên việc. Đại ý câu này chê kẻ vô ơn, bạc nghĩa. 50.  Được kiện mười bốn quan năm, thua kiện mười lăm quan chẵn:  Quan là quan tiền gồm có mười tiền, mỗi tiền gồm 60 đồng.  Năm tức là năm tiền, nửa quan tiền. Câu này cho biết người được kiện và người thua kiện, hai người cũng phải chạy vạy tốn kém, suýt soát ngang nhau.  Ngụ ý khuyên người ta không nên sinh việc kiện cáo. 51.  Được làm vua, thua làm giặc:  Hai người đánh nhau, tranh quyền chính một nước. Người đánh được thì làm vua.  Người đánh thua thì bị coi là giặc cướp. Người ta thường mượn câu này để tỏ cái gan liều làm một việc gì, nhất thì thế nọ, nhị thì thế kia, không quản thua hay được. 52.  Được mùa buôn vải buôn vóc, mất mùa buôn thóc buôn gạo:  Năm được mùa thì nhân dân no nê và  có thóc thừa, bán lấy tiền sắm sửa may mặc, cho nên năm được mùa buôn vải buôn vóc thì đắt hàng. Năm mất mùa, thóc gạo khan hiếm giá cao, nên buôn thóc, buôn gạo thì nhiều lãi (lời).  Buôn vải vóc thì không bán được cho ai. Câu này dạy người ta buôn bán phải biết lựa theo nhu cầu của nhân dân.  Không biết chiều theo nhu cầu của nhân dân, thì sẽ buôn thua, bán lỗ. 53.  Được mùa chê cơm hẩm, mất mùa thì lẩm cơm hiu:  Năm được mùa, thì thóc lúa đầy nhà, cơm hơn gạo tẻ, gạo xấu một chút là chê cơm hẩm (cơm không được trắng) không ăn;  năm mất mùa, thóc cao gạo kém, giá có cơm thiu cũng lẩm (tức là ăn) chẳng bê bai gì. Câu này tả thực tình trạng xã hội nước ta, những năm được mùa và mất mùa.  Nước ta chuyên nghề nông, chỉ trông mong vào hột gạo, năm nào được mùa thì no nê, năm nào mất mùa thì nhân dân đói kém.  Đồng thời câu này có ý khuyên người ta, không nên phí phạm của trời, ăn uống bao giờ cũng phải nên giản dị, tiết kiệm. 54.  Được năm trước ước năm sau:  Được là được mùa lúa, tức là lúa thu hoạch được nhiều. Được mùa năm trước thì ước năm sau cũng được mùa như thế.  Làm việc trước thành thì mong việc sau cũng thành như thế.  Câu này tả lòng tham vọng của con người, không bao giờ biết chán. 55.  Được tiếng khen, ho hen không còn:  Ho hen là tiếng tằng hắng hay tiếng thở của người có bộ máy hô hấp không được tốt, tức người bị bịnh hay ốm. Được tiếng khen, ho hen không còn là làm quá lao lực để được tiếng người ta khen ngợi, thì tiếng ho hen, tức hơi thở ốm yếu cũng không còn, nghĩa là chết.  Câu này đại ý nói là chỉ chuốc lấy tiếng khen có khi chết đầu nước. 56.  Được voi đòi tiên:  Voi là thú vật to lớn hơn hết, đây tượng trưng cho cái to, lớn. Tiên nhân vật tưởng tượng, phần nhiều hiểu là đàn bà, hoàn toàn về mọi phương diện, nhan sắc cũng như đức hạnh, đây tượng trưng cho sắc đẹp.  Được voi đòi tiên là ước được cái to tát thì đã được rồi; cái to thường không đẹp nên lại đòi được cái xinh đẹp nữa,  ý nói lòng tham lam vô bờ, được cái này rồi, lại muốn được cái khác. 57.  Đường đi hay tối, nói dối hay cùng:  Đường đi mãi thì hay gặp trời tối, nói dối mãi thì hay gặp chỗ cùng, không còn nói dối được nữa.  Cũng có người giảng thế này:  đi đường quanh quẩn thì hay gặp trời tối, nói dối quanh quẩn hay gặp chỗ cùng. 58.  Đứt tay hay thuốc:  Người ta thường giảng câu này như sau: “có đứt tay rít thuốc mới biết thuốc linh hiệu”. Chúng tôi cho rằng phải giải nghĩa như sau thì mới đúng với nghĩa và văn pháp câu tục ngữ. Có đứt tay mới hay thuốc, tức là có đau mới biết đến thuốc, còn không bệnh tật thì chẳng biết đến thuốc. Câu này đại ý nói có việc thì mới cần đến người ta, cũng như có bệnh mới cần đến thuốc.  Ý nghĩa na ná như câu: "Hữu sự thì vái tứ phương, vô sự nén hương không mất".
Trang E
1. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên: Người ta thường vẫn ép hột cây làm dầu, và ép mỡ lợn (heo), mỡ cá làm mỡ nước (để chiên). Nhưng có khi người ta lại ép cả duyên. Ép duyên tức là bắt ép trai gái phải lấy nhau, khi chúng không thích hay bằng lòng nhau, không yêu nhau. Ép duyên như vậy thường gây nên kết quả không hay. Câu này khuyên người ta không nên ép duyên con cái. Câu ai nỡ ép duyên có nghĩa là sao nỡ ép duyên.
Trang G
1. Gà đẻ cục tác: Gà mái đẻ xong, nhảy ở ổ xuống bao giờ cũng kêu mấy tiếng “cục ta cục tác” ầm lên. Người ta thường dùng câu này để nói việc chính mình làm lỗi mà lại rêu rao đòi bắt kẻ làm lỗi. Chính mình làm điều xấu mà lại lớn tiếng chê trách kẻ làm điều xấu. Ý nghĩa câu này cũng gần giống ý nghĩa câu “vừa đánh trống vừa ăn cướp”. 2. Gà què ăn quẩn cối xay: Người ta thường dùng câu này để nói người chỉ có cái tài bóc lột, bòn rút của cải của người trong làng, trong họ, hay trong nhà. Ví như con gà què không đi kiếm ăn nơi xa được. 3. Gái có con như bồ hòn có rễ: Người đàn bà lấy chồng mà có con, thì địa vị chắc chắn, như cây bồ hòn có rễ ăn sâu xuống đất. Trái lại không có con, thì bấp bênh không chắc vào đâu, cho nên có câu: “Gái không con như bè nghể trôi sông” (bè nghể tức là đám nghể mọc lờ đờ mặt nước, liền với nhau thành một đám như cái bè; bè nghể không dính líu vào đâu chắc chắn, hễ gặp gió to là lềnh bềnh trôi đi). 4. Gái có công, chồng chẳng phụ: Hễ người vợ mà làm nên công chuyện trong gia đình, thì người chồng không bao giờ phụ công. Người ta thường dùng câu này để nói: mình làm được việc gì thì người trên tự khắc khen thưởng. Có ý khuyên người ta trước hết nên gắng làm việc, rồi tự khắc người ta biết công. 5. Gái ơn chồng được bồng con thơ: Đẻ con ra không phải ra ngoài làm việc gì, cứ ngồi nhà bồng con thơ, tất nhà chồng phải phong túc lắm, thì người vợ mới được như thế. Thế là nhờ ơn chồng. Vả chăng, đàn bà lấy chồng mà có con, thì đó là một hạnh phúc và một bảo đảm vững chắc cho tình yêu lâu dài. Thế cũng là ơn chồng. Chắc có người lấy sự bận con mọn làm phiền, nên tục ngữ mới có câu này để giác ngộ. 6. Gánh vàng đi đổ sông Ngô: Gánh vàng là đi gánh của cải đi. Sông Ngô là sông ở bên nước Ngô, tức nước Tàu. Gánh vàng đi đổ sông Ngô nghĩa đen là gánh của cải đi đổ xuống sông bên Tàu. Nghĩa bóng là đem tiền bạc làm giàu cho người ngoại quốc. Đại ý câu này khuyên người ta không nên dùng hàng hóa nước ngoài, để tiền bạc, của cải khỏi lọt ra ngoại quốc. Sở dĩ có câu tục ngữ này là vì ngày xưa, cha ông ta thích dùng đồ Tàu (Ngô), bất luận cái gì cũng phải mua cho được đồ Tàu mới chịu, thành ra tiền của dốc vào túi của người Tàu tất cả. Để tiền bạc lọt cả vào túi người Tàu, như vậy có khác gì gánh vàng đi đổ sông Ngô. 7. Gánh vàng đi đổ sông Ngô, Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương: Sông Ngô là sông bên Tàu, đây nói thuyền buôn của người Ngô (người Tàu) đi trên các sông. Sông Thương là con sông chảy qua Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), xưa sang Tàu do lối cửa Nam Quan Lạng Sơn, phải đi qua sông ấy. Gánh vàng đi đổ sông Ngô là đem vàng bạc ra mua hàng hóa các thuyền buôn người Tàu. Đêm nằm mơ tưởng đi mò sông Thương là sau khi gánh vàng đi mua hàng Tàu (chẳng khác gì đổ vàng xuống sông nước Tàu, không thể lấy lại được), đêm nằm nghĩ lại người ta bâng khuâng tiếc xót, ngày hôm sau liền đi mò vàng ở sông Thương (là sông giáp giới địa phận Tàu). Ý nói bỏ tiền ra mua ngoại hóa là đồng tiền mất hút như đổ xuống sông, không thể nào mò thấy nữa, chẳng khác gì đổ vàng xuống sông Ngô mà đi mò ở sông Thương. Câu này có ý chê người sính dùng hàng ngoại hóa là khờ dại (như đổ xuống sông nước người). 8. Gạo đổ, bốc chẳng đầy thưng: Một thưng (tức như đấu hay bơ) gạo đã đánh đổ xuống đất, bốc lên thể nào cũng không đầy được thưng, vì còn có hột rơi vãi mất mát. Nghĩa bóng câu này có ý nói việc đã lỡ ra, chữa lại thế nào, cũng không tốt đẹp được y nguyên như trước. 9. Gần đất xa trời: Gần đất xa trời, ý nói người ốm nặng sắp chết. Chết thì chôn xuống đất, nên bệnh nguy sắp chết gọi là gần đất. Xa trời là xa khoảng khí trời, tức là cõi nhân gian cũng có nghĩa là sắp chết. 10. Gần lửa rát mặt: Ngồi gần đống lửa thì nóng rát mặt. Nghĩa bóng là ở gần người trên, thì lúc nào cũng phải giữ gìn, không được phóng túng tự do. Câu này bộc lộ cái tâm lý của kẻ thích phóng túng, sợ kỷ luật, qui củ. 11. Gậy đám đánh đám: Đám đây là đám đánh nhau. Gậy đám là gậy lượm được trong đám đánh nhau. Gậy đám đánh đám là lấy cái gậy lượm được trong đám đánh nhau, dùng để đánh ngay trong đám đánh nhau đó. Nghĩa bóng câu này là: a) Dùng tiền của người khác để làm lợi cho mình. b) Dùng tiền kiếm được bằng cách ám muội để chạy chọt, che đậy việc ám muội của mình đã làm. c) Dùng ngay số tiền đã lấy của người ta, để lo việc chống lại hay kiện cáo, đánh đổ người ta. 12. Gậy ông đập lưng ông: Chính cái gậy mình dùng để đánh người, lại đánh ngay vào lưng mình. Người ta thường mượn câu này để nói: a) Chính luật pháp mình đặt ra lại trừng phạt mình. b) Chính công việc mình khởi xướng ra lại hại đến quyền lợi mình. c) Chính sức mạnh do mình gây ra lại đánh lại mình. d) Chính việc mình làm để định hại kẻ khác, lại làm hại ngay mình. 13. Gậy vông phá nhà gạch: Gậy vông là gậy làm bằng gỗ vông, một thứ gỗ rất nhẹ, rất mềm, là một thứ gậy yếu nhất. Gậy vông phá nhà gạch là dùng cái gậy yếu nhất mà phá nhà gạch là nhà kiên cố nhất, may mà phá được thì lợi to, nhược bằng không phá được, thì cũng chỉ thiệt có cái gậy vông. Câu này ý nói dùng sức ít mà may ra được việc to, bỏ vốn không bao nhiêu mà may thì lãi lớn. 14. Già đòn non nhẽ: Đòn là đánh đòn. Già đòn là đánh đòn nhiều, đánh đòn khoẻ. Nhẽ là lý sự. Non nhẽ là đuối lý, là lý sự yếu thua. Cả câu này nghĩa là trong cuộc ẩu đả, bên nào đánh đòn nhiều, thì trước pháp luật, bên ấy đuối lý, có lỗi. Cũng có thuyết nói: hễ bên này đánh đòn già, thì bên kia hết cãi lý sự. Thí dụ vợ hay nói lôi thôi, con cà con kê bôi xấu chồng, chồng nổi nóng đánh cho một trận nên thân; thế là lời lẽ lý sự của vợ thua ngay (nghĩa là không còn nói ra nói vào nữa). 15. Già néo đứt giây: Néo là một nuộc lạt tròn lồng vào cái cột cái kèo, rồi cho một cái que cứng và ngắn vào (gọi là con néo), vặn nuộc lạt tròn mấy lần cho thật chặt, để làm cho cột kèo vững chãi. Nếu vặn con néo già quá thì nuột lạt sẽ đứt mất. Nghĩa bóng, ý nói là đặt giá quá cao thì không bán được, đòi hỏi điều kiện quá gắt gao, khó khăn thì hỏng việc, vì người ta không chịu đựng nổi. 16. Già kén kẹn hom: Già kén là kén kỹ quá, kén nhiều quá, kẹn hom là dơ xương ra, ý nói già yếu gầy guộc, dơ xương. Già kén kẹn hom là kén chọn kỹ quá (đây là kén chồng) thì người già mất. Người ta thường dùng câu này theo nghĩa bóng để nói rằng: ở đời nếu cứ so sánh lựa chọn công việc và danh vị kỹ quá, thì đến già cũng không làm nên việc gì, không có địa vị gì trong xã hội. Đại ý câu này khuyên người ta không nên khó tính, kỹ tính quá. 17. Già nhân ngãi, non vợ chồng: Già đây nghĩa là nhiều, là hơn. Non đây nghĩa là ít, là kém. Già nhân ngãi, non vợ chồng nghĩa là nếu nhân ngãi say mê nhau quá, thì ít có dịp may thành vợ chồng, tức là nhân tình nhân ngãi ít khi lấy được nhau. Có ý khuyên ta không nên say mê trai gái. 18. Giả lễ Chúa mường: Mường trỏ (chỉ) giống người ở miền sơn cước Hòa bình, Hà đông, Ninh bình, Thanh hóa. Miền núi rừng này khí hậu nặng, nhiều muỗi độc, người đồng bằng tới thường bị ốm sốt triền miên. Người ta thường lầm cho là ma rừng, hay ma Mường hoặc các bà chúa Mường làm ra bệnh, và bày ra cúng lễ để xin tha cho. Trong môn cúng lễ ma Mường cuối cùng thường có việc giả lễ tức là đem vàng bạc (giả) tống tiễn ma. Trái với các việc giả lễ khác, giả lễ chúa Mường người ta không dùng vàng bạc bằng giấy mã, mà lại dùng những cuống lá dong hoặc những thanh trúc mỏng, bẻ theo hình vuông, hình chữ nhật và gọi đó là vàng xanh. Cũng lẽ do sự giả dối đó, mà câu “giả lễ chúa Mường” dùng để chỉ việc làm giả dối không cẩn thận. 19. Giã gạo thì ốm, giã cốm thì khoẻ: Giã gạo thì cáo ốm để khỏi phải giã. Vì giã gạo không được ăn ngay. Đến khi giã cốm (tức là giã thóc nếp non làm cốm) thì giã khoẻ lắm, vì ở nhà quê, giã cốm là để ăn, ngay khi thành cốm. Câu này chê người làm mà tham ăn. 20. Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng: Giặc bên Ngô tức là giặc bên Tàu (có lần nước Tàu gọi là nước Ngô, thời tam Quốc, ta bị sát nhập vào nước Ngô) kéo sang. Giặc bên Tàu xưa có tiếng là dự tợn, độc ác. Bà cô bên chồng, tức là cô chị hay cô em gái người chồng. Chị gái và em gái chồng (người em dâu gọi thay con mình là cô), dĩ nhiên là thân mật với mẹ chồng hơn và được mẹ chồng tin yêu hơn, vì là con đẻ. Em gái, chị gái chồng thường hay chiều theo ý mẹ đẻ, mà nói hơn nói kém về tính nết, công việc, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của chị dâu hay em dâu. Do những lời xúi bẩy thêu dệt đó của của con gái mà mẹ chồng càng thêm khắc nghiệt với con dâu mình. Bởi vậy mà người con dâu đã phải nói: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, nghĩa là giặc bên Tàu kéo sang, cũng không độc ác đáng sợ bằng các cô chị cô em của chồng. Câu này lấy một thực trạng xã hội để khuyên các cô chị em chồng không nên xử tệ với chị em dâu (vợ anh hay em ruột), không nên xúi bẩy mẹ đẻ hành hạ con dâu. 21. Giận con rận đốt cái áo: Áo có rận là tại mình ăn ở bẩn thỉu, không năng tắm rửa và thay quần áo. Có rận là lỗi ở chính mình, chớ không phải lỗi ở cái áo. Vậy mà có người thấy rận cắn, tức mình đem cái áo đốt đi. Đốt áo thì thiệt hại mình mà không thể trừ tiệt được giống rận. Nếu mình ăn ở bẩn thỉu như trước, thì áo nào rồi cũng có rận. Cho rằng đốt áo mà trừ được rận chăng nữa, thì cũng là khờ dại, vì trừ được cái hại nhỏ, mà mất cái lợi to. Câu này ngụ ý khuyên ta trước khi làm việc gì, nên suy tính lợi hại. Đồng thời khuyên ta chớ nên nổi giận, vì “giận mất khôn”. 22. Giầu bán ló, khó bán con: Ló là tiếng Thanh Nghệ, tức là tiếng lúa nói trạnh ra. Giầu thì bán ló lấy tiền, nghèo thì bán con lấy tiền. Bán con tức là gả bán con gái lấy tiền, chớ không phải là bán con thật. 23. Giầu đâu những kẻ ngủ trưa, Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày: Ngủ trưa là ngủ dậy trưa. Say sưa tối ngày là say sưa suốt ngày. Người ngủ trưa thì mất công mất việc, mọi việc làm không kịp thời cho nên khó mà giàu được. Người say rượu thì cử chỉ thất thố, ăn nói bậy bạ, mất cả phẩm giá, còn sang trọng sao được? Câu này đại ý khuyên người ta nên dậy sớm và không nên rượu chè. 24. Giầu điếc, sang đui: Lúc giầu có thì hóa điếc, không nghe thấy những lời nói khó của anh em bà con đến vay mượn, nhờ vả. Lúc làm nên quan thì hóa đui (mù), không trông thấy những anh em bạn bè nghèo khó khi trước. Câu này có ý chê những người sang giàu mà bụng dạ không tốt, quên bạn bè, anh em, bà con thuở hàn vi. 25. Giầu hai con mắt khó hai bàn tay: Có người giảng là: giầu có nhờ về hai con mắt (sáng hay lòa), nghèo khó là ở hai bàn tay (chịu làm việc hay không chịu làm). Cũng có người giảng là: người giầu, thì chỉ vận dụng đến hai con mắt trông nom người làm là đủ, người nghèo khó thì phải vận dụng đến sức làm việc của hai bàn tay. Tôi cho giảng nghĩa cách dưới đây hợp với câu văn hơn. Nhưng người ta thường hiểu câu này theo nghĩa trên. 26. Giầu là họ, khó người dưng: Họ hàng cùng chung dòng máu với nhau. Nhưng thói đời chỉ ưa người có của. Cho nên người ta thường thân mật, nhận họ hàng với những người giầu có. Còn người nghèo khó thì dù có họ rất gần, người ta thường cũng coi như người dưng. Câu này chê người đời hay trọng giầu, rẻ khó. 27. Giầu tại phận, khó tại duyên: Phận là số phận. Duyên là duyên phận. Phận với duyên nghĩa tương tự nhau, đại khái cũng như ta nói số mệnh. Giầu tại phận, khó tại duyên nghĩa là giầu, nghèo đều do số Trời định cho cả. Người ta thường dùng câu này để an ủi những người nghèo khó sa sút. Thật ra, giầu nghèo một phần lớn tại mình, chứ không hoàn toàn tại Trời. 28. Giầu thú quê không bằng ngồi lê kẻ chợ: Thú chữ Hán nghĩa là nhà ở. Thú quê là nhà quê. Kẻ chợ, tiếng cổ, trỏ (chỉ) nơi kinh đô, hoặc chốn thành thị. Giầu thú quê không bằng ngồi lê kẻ chợ là người giầu có ở nhà quê không được sung sướng bằng người đi lê (tức là kẻ khó ăn xin) ở nơi kẻ chợ. Ở kẻ chợ, mọi thức ăn, mặc đều sẵn sàng, ngày mưa gió không lầy lội bẩn thỉu như ở nhà quê, có đồng tiền bất cứ lúc nào cũng có thể ăn ngon mặc đẹp. Ở nhà quê dù có nhiều tiền của đến đâu, cũng không được hưởng mọi sự tiện lợi, sung sướng như ở kẻ chợ. Về phương diện ăn mặc, ở nhà quê bao giờ cũng thua kẻ chợ. Câu này nói theo lối thậm xưng (nói quá), cố ý đề cao đời sống ở nơi đô hội, hình như là để hô hào cổ động dân quê ra kẻ chợ buôn bán làm ăn. Thật ra, không có tiền thì ở kẻ chợ khốn khổ hơn ở nhà quê nhiều, vì đời sống ở kẻ chợ bao giờ cũng đắt đỏ, phức tạp vì lắm nhu cầu (sự cần dùng) hơn ở nhà quê. 29. Giầu vể thể khó về thể, mãn uống nước bể bao giờ cạn: Thể là cả thể, nghĩa là to tát là nhiều. Giầu về thể khó về thể, mãn uống nước bể bao giờ cạn nghĩa là giầu hay khó là giầu khó về chi tiêu nhiều, chớ những món chi tiêu nhỏ nhặt thì xá chi, không thể làm người ta giầu thêm hay nghèo thêm được, cũng như con mèo uống nước bể thì bể bao giờ cạn được nước. Đại ý câu này nói người ta không giầu nghèo gì về những món tiền tiêu nhỏ nhặt. 30. Giật gấu vá vai: Giật nghĩa là mượn. Giật gấu là mượn vải ở gấu áo. Giật gấu vá vai là mượn vải ở gấu để vá ở vai áo rách, ý nói cắt bớt chỗ này vá vào chỗ khác, cực tả sự thiếu thốn nghèo nàn. Người ta thường dùng câu này để nói người túng nghèo phải mượn món này để tiêu món khác, giật tạm chỗ này để trả nợ chỗ kia, xoay sở như thế mới đủ. 31. Giấy rách giữ lấy lề: Giấy rách đây là giấy trong quyển sách bị rách. Lề là thứ dây xe bằng giấy bản, dùng để đóng sách Nho. Lề lại có nghĩa là lề thói, nền nếp. Giấy rách giữ lấy lề là giấy trong quyển sách có rách nát mất tờ nào chăng nữa, thì cũng phải giữ lấy lề sách, chớ để nó đứt. Lề đứt thì giấy trong sách sẽ tung ra và không còn là quyển sách. Quyển sách dù có tờ bị rách nát, nhưng nếu giữ được, thì quyển sách vẫn còn hình thức quyển sách. Câu này đại ý khuyên người con nhà gia thế dù có bị sa sút, nghèo nàn, cũng phải cố giữ lấy nền nếp cũ. Không giữ được nền nếp thì mất hết cả cái gia phong (thói phép nhà) ngày xưa, và không còn ra vẻ con nhà nữa. Cũng như quyển sách không còn hình thức quyển sách. (Cũng có người giảng: Giấy rách không nên bỏ phí, nên giữ để dùng làm lề (giấy vụn) chế giấy; giảng như vậy có lẽ không đúng với tinh thần câu tục ngữ.) 32. Gió chiều nào, che chiều ấy: Gió thổi từ phía nào tới thì che kín phía ấy, để ngăn gió thổi lạnh. Đại ý câu này tả hành động của kẻ theo thời, tùy thời thế, tùy hoàn cảnh mà che đậy cho mình khỏi bị nguy hại. 33. Giữ miệng lọ, ai giữ được miệng họ hàng: Giữ tức là giữ kín, bưng bít cho kín. Người ta chỉ giữ kín được miệng chai, miệng lọ, chứ không ai giữ kín được miệng các người trong họ hàng, ý nói lời bà con họ hàng bình phẩm, chê bai ta không nên chấp, trách. Người ta dùng câu này vào những dịp cưới con trai, con gái, họ hàng mỗi người thường có một ý kiến, kẻ khen người chê. Cũng có nơi nói: Bịt được miệng lọ, ai bịt được miệng họ hàng; hoặc bưng miệng chai ai bưng được miệng họ hàng. Ý nghĩa cũng thế. 34. Giữ nhau từng miếng: Miếng là miếng đòn, miếng đánh võ. Giữ nhau từng miếng là hai bên cùng giữ miếng võ của mình, sợ người ta đánh mình. Người ta thường dùng câu này để tả cái tình trạng cạnh tranh nhau trên thị trường buôn bán giao dịch.. 35. Gò nào, quan lang ấy: Gò đây không phải là gò đống ta thường thấy ở ngoài đồng. Gò đây là tiếng gọi đồi, hay núi đất trên mạn ngược. có gò to rộng bằng cả mấy làng dưới đồng bằng. Gò là nơi tập trung dân cư ở mạn ngược. Mỗi gò là một khu vực thuộc quyền một vị quan lang cai quản. Quan lang là chức thổ quan (làm quan ở ngay nơi mình ở) cha truyền con nối, ở các vùng dân Mường thuộc rừng núi Hòa Bình, Hà Đông, Ninh Bình, Thanh Hóa. Quan lang có nhiều hạng, có hạng cai trị một gò tức như một làng, có hạng cai trị một châu, có hạng cai trị cả một tỉnh. Gò nào quan lang ấy nghĩa đen là mỗi làng Mường có một quan lang; nghĩa bóng là ở địa phương nào có quan cai trị, quan nhận chỗ đó, ý nghĩa na ná câu: Giang sơn nào anh hùng ấy. 36. Góp gió thành bão: Nhiều cơn gió nhỏ cùng thổi một lúc tự nhiên thành trận bão. Câu này nêu cao sức mạnh của sự hợp quần và giá trị của sự đồng tâm hợp lực.
Trang H
1. Há miệng chờ sung: Nằm dưới gốc cây sung, há miệng ra chờ cho quả sung nào rụng trúng vào miệng thì ăn. Thế là há miệng chờ sung. Ý nói kẻ lười biếng chỉ chực ăn sẵn, không chịu làm lụng gì. 2. Há miệng chờ ho: Lúc nào ho thì lúc ấy há miệng; đằng này, lại há miệng sẵn để chờ cơn ho, như vậy là chờ đợi một việc không biết bao giờ xảy tới, chờ đợi hão huyền. 3. Há miệng mắc quai: Quai đây là quai nón; quai nón giữ lấy cằm. Muốn mở miệng ra nói thì bị mắc quai nón, không mở được. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này có ý nói: muốn nói ra để phản đối việc gì, song đã trót chịu ơn người ta (như người đã đội nón) nên miệng như bị mắc, không nói được. 4. Hà tiện ăn cháo hoa: Câu này ý bỏ lửng ở giữa. Phải nó thế này thì mới đủ nghĩa: Hà tiện ăn cháo hoa, đồng đúc đồng đậu hóa ra ba đồng. Tưởng rằng ăn cháo hoa cho đỡ tốn, không dè lại phải ăn kèm theo đậu và bánh đúc (có lẽ là lối ăn cháo hoa ngày xưa ăn kèm bánh đúc), thành ra tốn mất những ba đồng, rút cục chẳng hà tiện được chi cả. Câu này chê cách hà tiện không phải đường. 5. Hai thóc mới được một gạo: Hai phần thóc xẩy, giã ra chỉ được một phần gạo, tức là còn một nửa. Người ta thường mượn câu này để nói cảnh hiếm con, sinh hai bận mới nuôi được một bận. 6. Hai mắt dồn một: Bận vội quá, chúi mũi làm cho xong việc, hai mắt dồn cả vào một chỗ. 7. Hai sương một nắng: Hai sương là sương buổi sáng sớm và sương buổi chiều tối. Một nắng là trời nắng suốt ban ngày. Hai sương một nắng nói người làm ruộng vất vả, phải dãi nắng cả ngày và chịu đầu sương hai buổi chiều, sớm. Hay có một câu tương tự: “đi sớm về khuya”. 8. Ham cái nết không hết chi người: Ham là ham chuộng, quí trọng, ưa thích. Cái nết là cái nết na, hiền hậu, tức là cái nết tốt, cái bụng dạ ăn ở tử tế. Cả câu nghĩa là: chỉ ham chuộng cái nết đẹp chứ không phải là ham chuộng con người đẹp, người đẹp thì có nhiều không bao giờ hết. Câu này đại ý nói cái nết tốt đáng quí hơn sắc đẹp. 9. Hàng tổng đánh cướp: Cướp đến làng nào thì dân làng ấy đánh mới hăng, vì không đánh thì cướp sẽ cướp cả mọi nhà, không trừ nhà nào. Còn như người hàng tổng đến ứng cứu, thì vì quyền lợi, không thân thiết như đối với dân làng, nên chỉ đánh qua loa, lấy lệ. Câu này thường dùng để chỉ việc làm lấy lệ, cốt hình thức bề ngoài. 10. Hằng hà sa số: Hằng Hà là con sông lớn bên nước Ấn độ. Sa số là số cát. Hằng Hà sa số là số cát ở sông Hằng Hà, có ý nói nhiều lắm, nhiều vô kể, không ai đếm được. Câu này thường dùng trong các kinh Phật. Đạo Phật gốc từ Ấn độ, nên kinh Phật hay nói đến sông Hằng Hà. 11. Hằng sản hằng tâm: Câu này do câu: “Hữu hằng sản, hữu hằng tâm” trong sách Mạnh Tử. Hữu hằng sản, hữu hằng tâm hay nói tắt là hằng sản hằng tâm nghĩa là thường có của lại thường có lòng. Có lòng tức là có lòng tốt, lòng thương người, lòng nhân đức. 12. Hay học thì sang, hay làm thì có: Hay đây nghĩa là năng, tức là chăm chỉ, chuyên cần. Sang là quan sang, địa vị cao. Có là giầu có. Cả câu nghĩa là: chăm học thì làm nên quan sang, chăm làm trở nên giầu có. Câu này khuyên người ta nên chăm chỉ. 13. Hết khôn dồn dại: Tức là nói hết truyện khôn dồn đến chuyện dại. Câu này khuyên người ta ăn nói phải giữ gìn, không nên nói nhiều quá. 14. Hết xôi rồi việc: Trong những dịp ma, chay, cưới, giỗ, người nước ta thường hay làm cỗ đãi bà con họ hàng và hàng xóm. Cỗ ta bao giờ cũng có đĩa xôi để ở giữa mâm. Xôi hầu như là món ăn quí giá, chỉ trong những dịp ấy mới có mà thôi, cho nên câu tục ngữ lấy xôi để lấy cỗ. Hết xôi là hết cỗ bàn. Rồi việc là xong việc. Hết xôi rồi việc là hết cỗ là xong công việc. Ý nói hễ còn cỗ bàn thì có người đến, chủ nhà còn phải tiếp đãi bận rộn. Hết cỗ bàn thì không còn ai đến nữa, nhà chủ được rỗi việc. Câu này người đời phần nhiều chỉ vì cỗ bàn, nghĩa là đến dự các đám ma, chay, cưới, giỗ ..v.v… 15. Hí hửng như Ngô được vàng: Ngô tức là người nước Ngô hay là người nước Tàu. Xưa người Tàu đô hộ nước ta, các quan Tàu sợ lệnh vua Tàu, không dám đem vàng bạc về nước, thường chôn của cải bên ta, phong thần giữ của, ghi chép lại trong gia phả, để con cháu đời sau biết chỗ sang lấy về. Đời sau con cháu nghèo hèn sa sút, sang nước ta tìm vàng bạc của cha ông chôn dấu. Đang nghèo khó sa sút, mà tìm được vàng bạc để từ mấy đời trước, lẽ cố nhiên là người ta hý hửng lộ ra điệu bộ và nét mặt, cho nên có câu hý hửng như Ngô được vàng. Người ta thường dùng câu này để tỏ sự vui mừng lộ ra nét mặt và điệu bộ. 16. Học bất như hành: Học không bằng làm, lý thuyết không bằng thực hành, khoa học thua kinh nghiệm. Ngày xưa, người đi học thường chỉ chúi đầu vào sách vở, mà xao lãng mọi việc thiết thực ở đời, chú trọng vào từ chương mà khinh việc thực nghiệp. Như vậy chỉ là nô lệ sách vở, vơ lấy biết nhiều chữ, nhớ nhiều sách, không ích gì cho việc làm và cho đời người. Vì thế câu cách ngôn khuyên người ta chú trọng về thực hành. Thật ra học và hành cần ngang nhau, có giá trị như nhau. Không học thì không biết đàng nào mà hành. Không áp dụng vào hành được (việc làm) thì chỉ là học suông, vô vị. 17. Học khôn đi lính, học tính đi buôn: Ở nơi quân ngũ có đủ các hạng người, đủ người tứ xứ. Đó là một xã hội rất phức tạp, muốn đối xử được với cái xã hội đó cần phải khôn ngoan lắm. Buôn bán cần phải tính toán giá cả, lời, lỗ cho sát thì mới khỏi thua lỗ, cho nên câu tục ngữ khuyên nên: Học cho khôn để đi lính, học thạo tính trước khi (hoặc để) đi buôn. Nhưng câu này thường được hiểu theo nghĩa: Muốn học khôn thì hãy đi lính, muốn học tính thì hãy đi buôn. Chúng tôi cho giảng nghĩa như thế không đúng. Vì đi buôn rồi mới học tính thì thua lỗ mất. 18. Học thầy không tầy học bạn: Tầy là bằng. Học thầy không tầy học bạn ý nói học bạn được nhiều điểm hơn học thầy. Câu này đại ý nói người ta thường bắt chước bạn nhiều hơn bắt chước thầy, chịu ảnh hưởng của bạn bè nhiều hơn chịu ảnh hưởng của thầy, vì bạn gần gũi thân mật với bạn hơn thầy. 19. Hòn đất ném đi hòn chì ném lại: Hòn đất nhẹ, hòn chì nặng hơn. Người quăng hòn đất đi, kẻ lại ném hòn chì lại, kẻ nói đi thì nhẹ, kẻ nói lại thì nặng, tình trạng ấy gây nên chuyện cãi lộn, bất hòa. 20. Hùm rữ (dữ) chẳng nỡ ăn thịt con: Thú vật rữ (dữ) tợn nhất là loài hổ, tức cọp, tức hùm. Song hùm không nỡ ăn con. Đại ý muốn nói cha mẹ bao giờ cũng thương yêu con. 21. Húng mọc tía tô cũng mọc: Húng là rau húng, tía tô là cây tía tô. Cây rau húng người ta quý, còn cho tía tô là một giống tầm thường. Vậy mà thấy húng mọc, tía tô cũng mọc theo. Câu này chê kẻ đua đòi, thấy người giàu sang làm gì, mình cũng bắt chước làm theo, tuy mình nghèo khó. 22. Hữu chí cánh thành: Chí là ý chí, ý muốn quả quyết làm kỳ được một việc gì. Cánh là sau cùng, cuối cùng. Thành là thành công, nên việc. Hữu chí cánh thành là có chí thì cuối cùng thế nào cũng làm nên việc. Câu này khuyên người ta không nên ngã lòng, nản chí, cứ vững chí bền gan cố gắng làm mãi, thì việc khó đến đâu cuối cùng cũng làm nên được. 23. Hơn một ngày, hay một chước: Đẻ trước một ngày là biết hơn một mưu chước. Chước tức là mưu chước, kế hoạch, những hiểu biết, kinh nghiệm, đem cộng lại áp dụng để làm một công việc gì. Hay là biết. Câu này đại ý nói người hơn tuổi bao giờ cũng có kinh nghiệm, nhiều hiểu biết hơn.
Trang K
1. Kẻ ăn rươi, người chịu bão: Hằng năm, cứ đến tháng chín tháng mười, trong những ngày trở trời, thì các ruộng nước chua mặn miền bể hay có giống rươi ăn lên mặt đất. Người ta hớt rươi về làm thức ăn. Mùa rươi là mùa trở trời, người ta thường hay bị bệnh đau bụng, đau bão (đau bụng gió). Thành ra kẻ thì được ăn rươi mà kẻ thì phải chịu đau bụng. Câu này ý nói kẻ chẳng được ăn gì mà bị hại lây. 2. Kẻ kia tám lạng, kẻ này nửa cân: Cân ta, cân tầu chia ra làm 16 lạng. Nửa cân tức là 8 lạng và tám lạng tức là nửa cân. Câu này ý nói hai bên đều bằng nhau, không ai hơn ai kém. 3. Kể lể con cà con kê: Kể lể những việc lặt vặt nhỏ nhen như truyện con cà và con kê. – Con cà là con để trồng làm giống. Con kê là cây kê con để trồng làm giống. Nói cả chuyện con cà, con kê, thì còn chuyện gì là chuyện không nói nữa. 4. Khẩu Phật tâm xà: Khẩu là miệng. Tâm là lòng. Xà là rắn. Khẩu Phật là miệng nói hiền như Phật. Tâm xà là lòng độc ác như nọc rắn. Người khẩu Phật tâm xà là người ngoài thì ăn nói tử tế, mà trong bụng thì độc ác (chỉ tử tế ở lỗ miệng). 5. Khẩu thiệt đại can qua: Miệng lưỡi thay giáo mộc, ý nói dùng lời nói thay cho giáo mác (qua) để đâm chém người ta, tức là hại người ta; dùng lời nói thay cái mộc (can) để che chở cho mình, tức là giấu lỗi lầm của mình. Người ta thường dùng câu này để chê người chỉ được cái khéo nói. Thường nói lầm ra là “khẩu thiệt đãi can qua”. 6. Khen người thì tốt, giột người thì xấu: Khen người thì tốt vì hay khen người thì người sẽ mến yêu mình. Nhiều bạn bè như thế là tốt. Giột người là nói chặn họng người. Giột người thì xấu là mình nói xấu, nói chặn họng người, thì người ta căm thù oán ghét mình. Gây thù gây oán như vậy là xấu. Câu này khuyên người ta không nên làm mất lòng người, không nên gây thêm thù, chỉ nên gây thêm bạn. 7. Khen phò mã tốt áo: Phò mã là con rể vua; tất phải là người ăn bận sang trọng lịch sự lắm. Vậy mà lại đi khen phò mã ăn bận đẹp, thì là đi làm một việc thừa. Câu này chê người làm việc thừa, nịnh hót không phải lối. 8. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm: Khéo ăn tức là biết cách ăn như ăn độn thêm khoai, ngô, rau, dưa thì cơm tuy có ít mà cũng no bụng. Khéo co tức là khéo nằm co cẳng, gọn người lại thì chăn chiếu tuy hẹp hay ngắn cũng đủ che, không đến nỗi bị rét. Đó là nghĩa đen của câu tục ngữ. Câu này thường được dùng theo nghĩa bóng là hễ khéo thu xếp, tính toán, thì tuy nghèo túng cũng đủ ăn, đủ tiêu như thường. 9. Khó giữ đầu, giầu giữ của: Nghèo khó thì giữ gìn cho khỏi mất đầu, giầu có thì giữ gìn cho khỏi mất của. Câu này nói thời loạn lạc, người giầu, người nghèo đều phải lo lắng, khổ sở như nhau. 10. Khó nhịn lời, (mồ) côi nhịn lẽ: Khó là nghèo khó, không có tiền của. Mồ côi là bố hay mẹ, hoặc cả bố mẹ chết từ thuở người con còn nhỏ. Lẽ là lẽ phải. Khó nhịn lời mồ côi nhịn lẽ nghĩa là: người nghèo khổ thì phải nhịn không dám cãi lại người ta vì mình không có tiền; trẻ mồ côi thì phải nhịn, không dám tranh lấy phải mà đành phải chịu rằng mình trái lẽ, vì không có thế lực. Câu này tả rõ thái độ của người nghèo khó, không có thế lực trong xã hội, và ngụ ý khuyên người ta nên tùy theo cảnh ngộ mà ăn ở. 11. Khỏi rên quên thầy: Người ốm hay rên. Khỏi rên tức là khỏi bệnh. Thầy tức là thầy lang, thầy thuốc. Khỏi rên quên thầy tức là lúc khỏi bệnh thì quên ngay ơn ông thầy thuốc đã chữa cho mình. Câu này mượn cảnh ốm đau và thầy thuốc để chê người vô ơn, bạc nghĩa. 12. Khỏi vòng cong đuôi: Vòng là vòng tròn. Con vật đi qua chiếc vòng thì thường phải nép mình, cúp đuôi gượng nhẹ cho khỏi vướng phải vòng. Qua khỏi vòng rồi thì con vật cong đuôi chạy trốn. Câu này ví với người qua khỏi cơn hoạn nạn thì đi nơi khác mất mặt, không còn quay lại người cứu khỏi mình, ý chê người vô ân. Ý nghĩa cũng na ná như câu “khỏi rên quên thầy”. 13. Khôn ăn người, dại người ăn: Có thể giảng theo hai nghĩa: a) Người khôn thì được người ta nuôi, người dại thì phải nuôi người. b) Người khôn thì được (ăn là được) người, người dại thì thua người. Câu này tả tình trạng xã hội: người khôn thì được, kẻ yếu thì thua. 14. Khôn ba năm dại một giờ: Ba năm khôn ngoan giữ gìn được vô sự, mà có khi chỉ mội giờ dại dột, là mất hết cả công trình gìn giữ trong ba năm. Đại ý câu này nói cái dại một giờ làm hại cả cái khôn trong ba năm; hoặc giữ gìn thận trọng mãi, hễ lỡ dại dột một chút là công giữ gìn từ trước mất hết. Cũng có người giảng: Cái dại trong một giờ ảnh hưởng lớn bằng cái khôn trong ba năm. Nhưng câu này thường được dùng theo nghĩa trên. 15. Khôn cậy khéo nhờ: Người khôn nên được người ta tin cậy, nhờ vả công nọ việc kia. Người khéo chân tay nên được người ta nhờ làm giúp việc này, việc khác. Đại ý nói người khôn khéo được người khác nhờ cậy là lẽ tự nhiên. Hoặc người khôn khéo có phận sự cho người ta cậy nhờ mình. 16. Khôn chẳng qua lẽ, khoẻ chẳng qua lời: Khôn ngoan đến đâu cũng phải thua lẽ phải, sức khoẻ đến đâu cũng phải chịu lời nói phải. Câu này khuyên người ta không nên dùng võ lực để giải quyết những sự bất bình, nên lấy lời hay lẽ phải để mà dàn xếp. 17. Khôn cho người rái, dại cho người thương, dở dở ương ương chỉ tổ người ta ghét: Nếu mình khôn khéo thì mình làm gương cho người ta, răn (tức là rái, giới là răn, đọc trạnh đi) người ta làm theo. Mình chịu là ngu dại, thì được người ta thương tình. Nếu mình dở dở ương ương, khôn không ra khôn, dại không ra dại, thì chỉ tổ người ta ghét thôi. 18. Khôn độc không bằng ngốc đàn: Độc là cô độc một mình. Đàn là đàn lũ, đông người. Có một mình, mình khôn thì cái khôn của mình, cũng không thắng được cái ngốc của số đông người ngốc. Câu này nêu cái sức mạnh của số đông. 19. Khôn ngoan chẳng đọ thật thà: Đọ là so đo, so sánh. Khôn ngoan đây là tinh khôn, khéo léo mà thiếu thật thà. Khôn ngoan không so sánh được với thật thà, tức là không bằng thật thà. Vì thật thà trước sau vẫn thế, còn khôn ngoan thì lẽ nào cũng có lúc lòi ra sự giả dối, lừa lọc, và lúc đó bị người ta chê cười. Thường có người nói lầm ra là “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. 20. Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giầu nghèo ba mươi Tết mới hay: Đến cửa quan thì người ta hay sợ hãi, cuống trí, có khi nói không ra hơi. Cho nên người nào khôn ngoan thì đến trước cửa quan mới biết được. Vì đến cửa quan phải ăn nói cho đúng mực, biện bạch cho rõ ràng, thì mới khỏi tội. Ba mươi Tết là ngày sắm Tết cuối cùng, nhà nào sắm gì đã sắm rồi, mà không có thức gì tức là Tết không có thức ấy. Cho nên cứ xem ngày ba mươi Tết nhà ấy mua bán những gì, bánh trái ra sao, thì biết nhà ấy nghèo hay giầu. Câu này đại ý khuyên nên căn cứ vào việc thực mà xét người, không nên chỉ tin ở lời nói. 21. Khôn nhà dại chợ: Ở nhà thì khôn, đi chợ thì dại. Hay là ở xó nhà thì khôn, đến chỗ kẻ chợ (kinh kỳ) thì dại. Đại ý câu này nói chỉ khôn ngoan ở trong xó nhà, đến khi ra ngoài thì hành động lại khờ dại. 22. Khôn sống bống chết: Bống là cái bống, lại có nghĩa bống là dại. Ta có câu “dại như bống”. Khôn sống bống chết nghĩa là ở đời người khôn thì sống, người dại thì chết, sống chết tự nơi mình cả. Câu này tả một thực trạng xã hội muôn thuở, và có ngụ ý than trách cái lòng ích kỷ của loài người, chỉ biết sống lấy mình, chớ không biết làm cho người ngu dại cùng sống. Người ta thường nói lầm ra là: “khôn sống mống chết”. 23. Khôn ra miệng, dại ra tay: Người khôn ngoan thì sự khôn ngoan lộ ra lời nói, người rồ dại, thì sự rồ dại hiện ra những cử chỉ, tức là ở bàn tay. Cứ nghe lời ăn tiếng nói thì biết là người khôn ngoan, cứ nhìn cử chỉ thì biết là người khờ dại. Câu này đại ý nói sự khôn ngoan cũng như sự điên dại không dấu được ai; mình thế nào, thiên hạ biết rõ cả. 24. Không biết nói dối thì thối thây ra: Thật thà thì bao giờ cũng hơn. Nhưng ở đời cũng có khi cần phải biết nói dối. Cho nên câu tục ngữ khuyên người ta nên biết nói dối. Biết nói dối là biết cách nào nói dối người ta tin là thật. Không biết nói dối thì thối thây ra là không biết cách nói dối thì thiệt hại đến mình (thối thây nghĩa đen là thối xác ra). Người ta thường dùng câu này để nói việc đi buôn bán, cần phải biết nói dối thì mới có lãi. 25. Không đội trời chung: Sách Tầu có câu: “thù cha, anh không đội trời chung”, nghĩa là kẻ thù giết cha, anh của mình, mình quyết không cùng sống với kẻ thù ấy, một là kẻ thù sống thì mình chết, hai là kẻ thù phải chết vì tay mình. Không đội trời chung do câu ấy mà ra, nghĩa là nhất quyết liều chết trả thù, chứ không chịu cùng sống với kẻ thù ở dưới trời. 26. Không ốm không đau, làm giầu mấy chốc: Ốm đau tức không có sức khoẻ, thì không làm gì được. Đã không kiếm được lại phải bỏ tiền ra thuốc thang chạy chữa. Cho nên ốm đau rất tốn kém. Nếu ở đời, luôn luôn người ta được khoẻ mạnh, cứ làm việc được đều đều, thì cũng không mấy chốc mà trở nên giầu có. 27. Kiến tha lâu cũng đầy tổ: Kiến nhỏ tí, tổ to tù và ở trên cành cây cao vót. Việc tha mồi từ dưới đất lên tổ là một việc khó khăn vất vả vô cùng. So sức kiến với cái tổ, thì tưởng chừng không bao giờ kiến tha được đầy. Thế mà tổ kiến có lúc đầy mồi. Đó là vì kiến chịu khó tha lâu không nản chí. Câu này đại ý khuyên người ta nên kiên gan vững chí. Kiên nhẫn, chịu khó làm mãi, thì việc khó khăn đến đâu cũng có ngày làm xong. Mưa dầm thành lụt là vì mưa dai. Sắt mài nên kim là vì có công mài lâu. Nước chảy đá mòn là vì nước chảy mãi. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, người học mãi cũng phải khôn. 28. Kim vàng ai nỡ uốn câu: Kim vàng là kim bằng vàng. Uốn câu làm uốn làm lưỡi câu. Kim vàng ai nỡ uốn câu nghĩa là cái kim bằng vàng thì ai nỡ đem uốn làm lưỡi câu cho phí của. Nghĩa bóng câu này muốn nói ai nỡ dùng người tài vào việc hèn, có ý ví người tài với cái kim vàng. Câu này thường dùng được nối liền với câu: “Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”. Cả hai câu đi liền với nhau có nghĩa là người tài không nỡ dùng vào việc hèn, người khôn ngoan không ai nỡ nặng lời trách mắng.
Trang L
1. Làm đầy tớ người khôn, hơn làm thầy người dại: Làm thầy người dại nhiều khi mang tiếng dại lây,vì đầy tớ ngu dại nhiều khi làm xấu cả mặt thầy mà không biết. Làm đầy tớ người khôn thường được thầy bênh vực, chống đỡ một cách khôn khéo, có khi mình dại mà được tiếng khôn, mà chắc chắn không bị tiếng dại lây. 2. Làm giầu để đau uống thuốc: Làm giầu là làm ăn chăm chỉ, nhịn ăn nhịn mặc, để dành tiền của cho nhiều. Đau là ốm đau, bệnh tật. Làm giầu để đau uống thuốc là vì ăn nhịn để dành cho trở nên giầu, mà người hóa ốm yếu, bệnh tật. Tưởng làm giầu để làm gì, không ngờ làm giầu chỉ để cho người hóa ốm mà uống thuốc. Câu này chê những người làm giầu quá đến nỗi coi khinh thân thể, không chú ý đến sức khoẻ của mình. 3. Làm khi lành để dành khi đau: Lành là lành mạnh, khoẻ mạnh. Đau là đau ốm, yếu đau, bệnh tật. Làm khi khoẻ mạnh để dành phòng khi ốm đau, vì đau thì không làm được. Câu này khuyên người ta nên lo xa, lúc khoẻ nên lo lúc ốm, khi có nên phòng lúc không, khi làm được nên nghĩ đến khi không làm được. 4. Làm nghề chài phải theo đuôi cá: Chài là cái chài, tức là một thứ lưới rộng dùng để đánh cá. Làm nghề chài tức là làm nghề đánh cá. Cả câu nghĩa là: Làm nghề chài lưới thì phải theo đuôi con cá để bắt. Nghĩa bóng câu này muốn nói làm nghề gì thì phải theo nghề ấy, nghề nào cũng có cái vinh, cái nhục của nghề. 5. Làm phúc cũng như làm giầu: Làm phúc là bỏ tiền bạc, của cải ra giúp đỡ người nghèo khổ cơ nhỡ. Làm phúc như thế tuy có hao tổn của cải đi ít nhiều, song cũng không mất hẳn. Chỉ như để dành một nơi mà thôi. Bởi vì bỏ của ra làm phúc như vậy thì được nhiều người kính mến, chịu ơn. Lỡ sau này mình gặp cơn hoạn nạn, tai biến gì, cũng có người cưu mang giúp đỡ. Và trong khi mình làm phúc đã gây được bao nhiêu bạn bè, đã mua chuộc được lòng bao nhiêu người thiên hạ. Cho nên nói rằng làm phúc cũng lợi và cũng cần, ngang với làm giầu. Câu này khuyên những người có hằng sản nên có hằng tâm (có của nên có lòng làm phúc). 6. Làm quan có mả, kẻ cả có giòng: Mả là mồ mả, đất cát; người ta tin rằng mồ mả của ông cha có ảnh hưởng đến đời sống và công danh, sự nghiệp của con cháu. Hễ mồ mả “kết” thì con cháu phát đạt làm nên. Mà táng vào chỗ không tốt, thì con cháu sa sút lụt bại. Cho nên có câu: Làm quan có mả nghĩa là có mồ mả, đất cát “kết phát” thì mới làm được quan sang. Kẻ cả là người lớn, người trên, người đứng đầu, người đàn anh. Có giòng là có giòng dõi, tức xưa có cha ông từng làm đàn anh, thì con cháu mới làm được đàn anh. Đời xưa dưới chế độ phong kiến (như đời Lý, nhà Trần), con quan thì lại làm quan, câu này rất đúng. Bây giờ thì không đúng nữa. Bây giờ thì “có chí làm quan, có gan làm giầu”, không căn cứ gì mồ mả hay giòng dõi. 7. Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng: Làm ruộng thì phải thức khuya, dậy sớm, trời mờ sáng đã phải ăn cơm để ra đồng làm. Mãi trống canh một hết việc mới được ăn cơm tối. Cho nên nói rằng ăn cơm nằm tức là ăn cơm lúc người ta nằm ngủ, hoặc phải nằm mà ăn cơm, vì ăn cơm sớm quá và ăn muộn quá. Chăn tằm thì phải luôn luôn săn sóc tằm ăn cho no đủ. Nếu là dâu hết, tằm thiếu cái ăn, thì đang bữa cơm cũng phải đứng dậy đi hái dâu, hoặc mải hái dâu quên cả bữa ăn. Nên bảo rằng ăn cơm đứng tức là vừa đứng hái dâu vừa ăn cơm. Câu này tả nỗi khó nhọc của nghề làm ruộng và nghề chăn tằm. 8. Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn: Ra đây nghĩa là ròi ra, đẻ ra, có lợi thêm ra. Làm ruộng thì được lúa gạo, rơm, rạ, đủ các thứ lợi nên bảo rằng làm ruộng thì ra. Trái lại làm nhà thì tốn, vì phải mua hết thứ này đến thứ khác, làm xong nhà đến bếp, làm xong bếp đến lát gạch sân và xây tường bao, cứ rở rói ra mãi, cho nên tốn kém. 9. Làm tài trai cứ nước hai mà nói: Làm con trai tài giỏi, không bao giờ nên nói quả quyết điều gì, phòng lúc không giữ lời hứa, hoặc lỡ lời nói sai thì không có lối thoát. Đại khái như nói điều gì cũng bảo: Hình như, có lẽ thì đúng, đúng cũng được, mà không đúng cũng không sao. 10. Lành làm gáo, vỡ làm môi: Cái sọ dừa, nếu lành thì người ta cưa làm gáo, nếu vỡ thì người ta cưa làm cái môi hoặc cái muôi. Môi hay muôi là một thứ cùi dìa hình tròn to, làm bằng sọ dừa, so với cái gáo thì môi hay muôi nông hơn nhiều, nên sọ dừa vỡ không làm gáo được mà có thể dùng làm môi. Người ta thường dùng câu này để tỏ cái ý định liều lĩnh làm việc gì (nhất là việc vật lộn, tranh dành nhau), bất chấp hành hay mẻ, được hay thua. 11. Lạt mềm buộc chặt: Lạt mềm là lạt chẻ mỏng. Lạt mỏng thì vừa dẻo, vừa dai, buộc cái gì buộc lằn, siết chặt mà không đứt. Lạt chẻ dầy, thì vừa cứng, vừa dòn, buộc chặc không được và hay gẫy, đứt. Câu này lấy lạt làm thí dụ, để khuyên người ta nên ăn nói mềm mỏng, ngọt ngào thì ai nghe cũng lọt tai, do đó việc mình mới hay. 12. Lắm người nhiều điều: Điều đây là lời nói. Lắm người thì mỗi người một lời thành ra nhiều lời. Câu này ý nói hễ nhiều người thì nhiều ý kiến. Cũng có ý nói đám đông người thường hay lộn xộn, ồn ào vì mỗi người nói một lời. 13. Lắm rận thì giầu, lắm trâu thì nghèo: Lắm rận đây là nói người nghèo khó. Người nghèo khó ít quần áo, không năng thay đổi và quần áo hay rách vá, thành ra hay có rận. Lắm trâu tức là người giầu có. Lắm rận thì giầu: người nghèo khó lại giầu lòng nhân đức, thương người. Lắm trâu thì nghèo: người giầu có lại nghèo lòng nhân đức. Cũng có người giải nghĩa như thế này, người nghèo thì giầu sự nghèo khó của mình, cũng làm ra bộ giầu để người ta khỏi khinh. Trái lại, người lắm trâu thì giấu sự giầu có của mình, làm ra bộ túng bấn, để người ta khỏi vay mượn. 14. Lắm sãi không ai đóng cửa chùa: Sãi tức là tu sĩ, đạo sĩ (sĩ đọc trạnh ra sãi), nay ta hiểu là nhà sư. Nhiều sư quá thì người nọ chắc người kia đã đóng, thành ra cửa chùa không ai đóng. Câu này ý nói nhiều người dự vào công cuộc gì, mà không có người chịu trách nhiệm, thì việc không đi đến đâu. 15. Lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng: Thầy đây là thầy phù thủy, thầy pháp sư, thầy chùa (ông sư). Ma đây là thây ma, tức xác người đã chết. Tục cũ, nhà có người chết, thường hay mời thầy phù thủy và các ông sư đến làm đàn cúng lễ, rồi mới đem đi chôn. Lắm thầy thì mỗi thầy bày ra một lối cúng cấp. Thây ma phải quàn lại lâu trong nhà, thành ra có khi thối tha, có mùi khó ngửi. Thế là thối tha. Nhiều cha: nào cha đẻ, nào cha nuôi, cha đỡ đầu, người con gái trước khi lấy chồng, cần sự đồng ý của nhiều người cha cho nên khó lấy chồng. Câu này nói cái hại của sự thiếu người phụ trách; công việc do nhiều người cùng làm, mà không người khuyên trách, thì kết quả không được đẹp đẽ. 16. Lâu ngày cứt trâu hóa bùn: Cứt trâu để lâu ngày nó lẫn với bùn đất, không ai còn nhận ra được nữa. Người ta thường mượn câu này để nói món nợ để lâu ngày không trả, sẽ bị bỏ quên đi như không. 17. Lấy đồng tiền làm lào: Lào là một thứ đồ đong nhỏ, dùng làm cái ngữ để đong lường một thứ hàng hóa gì. Lấy đồng tiền làm lào là bất cứ việc gì cũng lấy đồng tiền làm thứ đong lường so sánh. Đã lấy đồng tiền làm lào, thì hễ cái gì rẻ là mua, cái gì đắt là không mua, như vậy không mua được thứ tốt. Đã lấy đồng tiền làm lào thì thường chỉ so đồng tiền nhiều hay ít, không kể gì đến điều nhân nghĩa, như vậy trong cách ăn ở chỉ vụ lợi mà thôi. 18. Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam: Lấy vợ thì dĩ nhiên lấy vợ đàn bà, làm nhà thì dĩ nhiên phải trông về hướng Nam (vì hướng Nam thì mát). Cũng có người giảng thế này: Lấy vợ thì lấy người thật là đàn bà, làm nhà thì nên làm trông về hướng Nam. Vì cũng có người đàn bà mà tướng người và tính nết y như đàn ông, như thế là không tốt. 19. Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống: Tông với giống cùng một nghĩa là giòng dõi. Lấy vợ phải xem tông, lấy chồng phải xem giống, vì con cháu thường bẩm thụ những đức tính và bệnh tật di truyền của cha ông. Hễ cha ông là người hiền lành, thì con cái ít khi là người hung ác; hễ cha ông là người hung ác, thì con cháu ít khi là người hiền lành. Câu này khuyên người ta lấy vợ lấy chồng nên chú ý lựa chọn con nhà giòng dõi tử thế, không nên tối mắt về của cải giầu sang hoặc nhan sắc nhất thời. 20. Lem lém như gấu ăn trăng: Mặt trăng bị quả đất che lấp, thành thử đang sáng hóa tối, gọi là nguyệt thực, nói nôm là gấu ăn trăng. Ngày xưa, người ta tin rằng lúc đó có gấu nhà trời ra ngậm mặt trăng. Gấu ăn trăng thì mau chóng lắm, cứ lem lém từng giây, từng phút “ăn” hết cả mặt trăng. Để tỏ sự ăn mau chóng quá sức, người ta thường ví với gấu ăn trăng. 21. Lên mặt xuống chân: Dáng điệu kiêu ngạo, làm bộ đi cứ vênh cái mặt lên và chân thì bước thình thịch xuống đất, để người ngoài chú ý đến mình. 22. Lên voi xuống chó: Lúc lên thì to như con voi, lúc xuống thì bé như con chó. Câu này ý nói lúc nào người ta gặp cơn vận đỏ thì lên to lắm, lúc gặp vận đen thì xuống lại, hóa bé lắm. Người thì trước sau vẫn thế, nhưng lúc to lúc nhỏ là do vận hội xui nên. Cũng có nghĩa là hễ lên to quá, thì lại xuống bé quá, nếu cứ trung bình thì lên xuống cũng không đến nỗi chênh lệch như thế. 23. Lo chật bụng, lo chi chật nhà: Chật bụng là bụng dạ chật hẹp, không rộng lượng, không có lòng rộng rãi đối với mọi người. Chật nhà là nhà chật hẹp, không rộng rãi. Chỉ lo bụng dạ mình không được rộng rãi, chứ lo gì nhà mình không được rộng rãi. Bụng dạ rộng rãi thì lắm bạn, đến chật nhà cũng hóa như rộng, vì đông người lui tới, chơi bời với mình. Bụng chật hẹp thì nhà rộng rãi đến đâu, cũng như chật hẹp vì chẳng ai buồn tới. Đại ý câu này khuyên người ta ăn ở nên rộng rãi với mọi người, không nên khe khắt, chặt chẽ quá. 24. Lo bò trắng răng: Lo rằng con bò trắng răng, không ai nhuộm răng cho nó, tức là lo việc không đâu, vô vị và vô ích. Nghĩa bóng là lo việc không đáng lo. Câu này nói bỏ lửng ý ở đoạn giữa, lẽ ra phải nói cả câu: “lo gì mà lo, lo bò trắng răng, lo ông trời đổ, lo thằng trên cây”, toàn là những mối lo không đáng lo cả. 25. Lòng chim dạ cá: Con chim bay trên trời, lòng nó ai biết được? Con cá lội ở dưới nước, dạ nó ai rõ được? Người lòng chim dạ cá là người lòng dạ khó hiểu như lòng chim dạ cá. Người vợ lòng chim dạ cá là người vợ mà chồng không hiểu lòng dạ ra sao, ý nói lòng trung thành, sự trinh tiết chưa được chắc chắn. 26. Lòng vả cũng như lòng sung: Quả vả to, quả sung nhỏ, nhưng đều thuộc một loại. Trong lòng hai quả đều giống in nhau. Người ta thường mượn câu này để nói lòng người ai cũng như ai, đều muốn đẹp, muốn giầu, ghét nghèo, ghét xấu, ưa việc lành, ghét việc dữ. Ý nghĩa câu này cũng na ná ý nghĩa câu: “bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy”. 27. Lọt sàng xuống nia: Sàng gạo thì hột gạo lọt qua sàng xuống nia, đó là một việc dĩ nhiên. Người ta thường dùng câu này để nói rằng: quyền lợi trong gia tộc phi anh thì về em, phi về ngành trên thì ngành dưới, quanh quẩn vẫn ở trong một nhà một họ (ví với cái nia), chứ nó có ra ngoài đâu mà sợ thiệt. 28. Lộn con toán, bán con trâu: Lộn tiếng miền Nam, nghĩa là lầm lẫn, lẫn lộn. Con toán là con tính (ngày xưa người ta tính bằng bàn toán, hay bàn tính), trong bàn tính có những quả tròn như hòn bi, xâu vào những que đồng, có thể đẩy lên đẩy xuống những quả ấy để tính toán. Những quả đó gọi là con toán, tức như con số để tính. Khi tính toán, nếu để lầm lộn một con toán, thì có khi thiếu hụt mất hàng trăm, hàng ngàn không chừng. Cho nên phải bán con trâu của nhà đi, để đền vào chỗ lầm lộn. Đó là nghĩa đen câu tục ngữ. Nghĩa bóng câu này định nói: tính toán lầm lộn một chút là thiệt hại rất to; ý nghĩa cũng na ná như câu: Sai một ly, đi một dặm. 29. Lời nói, đọi máu: Đọi là thứ bát nhỏ. Lời nói, đọi máu nghĩa đen là lời nói bằng một bát máu; nghĩa bóng là lời nói thành thực, thống thiết, xuất tự đáy tim ra. Hình như có dính hàng bát máu. Hoặc cũng có nghĩa là: một lời nói quí báu như một đọi máu. 30. Lợi thì nuôi lợn nái, hại thì nuôi bồ câu: Lợn (người miền Nam gọi là con heo) nái tức là lợn cái, lợn sề. Lợn nái mỗi năm đẻ hai lứa, mỗi lứa bảy, tám, có khi đến mười con lợn con. Lợn con nuôi ba tháng đã bán làm lợn giống được, cho nên nuôi lợn nái rất có lợi. Bồ câu ăn thóc rất tốn. Bồ câu lại hay ỉa trên mái nhà và vào bể nước, làm bẩn cả nước mưa, nước bể. Nên người ta cho là nuôi bồ câu không lợi, mà có hại. 31. Lớn người to cái ngã: Người càng lớn thì cái ngã càng to, vì người lớn thì nặng cân, ngã tất mạnh. Theo nghĩa bóng câu này muốn nói: người làm nên danh phận cao bao nhiêu, thì khi gặp vận xấu lại xuống thấp bấy nhiêu, người giầu có sung sướng bao nhiêu, khi sa sút lại khổ sở bấy nhiêu. Ý nghĩa cũng tương tự ý nghĩa câu: “Càng cao danh vọng càng đầy gian nan”, hoặc câu: “trèo cao ngã đau”. 32. Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng: Muốn biết lụa tốt hay xấu, cứ xem ở biên, tức là ở bên mép tấm lụa thì biết. Hễ mép lụa mà săn mịn, đều sợi là lụa tốt. Muốn biết người hiền hay không cứ xem mặt thì biết, vì khôn ngoan dồn ra nét mặt, và nhân hiền tại mạo (người hiền ở nét mặt). Câu này nói về cách xem lụa và xem người, dạy ta những trí thức thông thường về sự vật, thuộc vào loại những câu: Mua cá thì phải xem mang. Mua bầu xem cuống mới toan không lầm. Mua cau chọn lấy buồng sai. Mua trầu chọn lấy trăm hai lá vàng. Cá thở bằng mang. Cá còn sống thì mang cá phập phồng, cá còn tươi. Cá mới ngã (chết) thì mang đỏ. Bầu bí cuống nhỏ thì đặc ruột, cuống to thì lắm ruột, mỏng cùi, không tốt. Trầu không lá vàng thì ngon. 33. Lửa cháy mà lại đổ dầu thêm: Lửa đang cháy mà đổ thêm dầu, thì lửa lại càng cháy to. Đại ý câu này nói là to chuyện thêm, làm cho câu chuyện lôi thôi, rắc rối, đáng lẽ phải dẹp nó đi. 34. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo: Lưỡi không có xương, nên uốn, lắt lẻo thế nào cũng được. Nghĩa bóng câu này thường được dùng để chê người ăn nói trước sau bất nhất, lúc nói thế này, lúc nói thế khác. 35. Lưỡi mềm độc quá đuôi ong: Lưỡi mềm là lưỡi không cứng rắn như đá, không sắc nhọn như dao, lý ưng không có gì đáng sợ, vì không làm đau đớn, thương tổn được người ta. Ấy vậy mà lưỡi độc quá đuôi ong, tức là độc hơn nọc ong (nọc ong ở đằng đuôi). Đuôi ong châm vào thì thịt đau buốt và sưng vù lên. Lưỡi nói xấu ai thì người ấy mất bạn bè, mất danh giá. Lưỡi vu khống ai thì người ấy bị tù tội, mất cơ nghiệp, có thể mất cả tính mạng. Câu tục ngữ nêu ảnh hưởng tai hại của miệng lưỡi con người, và ngụ ý khuyên người ta không nên nói vu oan, nói xấu kẻ khác. 36. Lươn ngắn chê chạch dài: Lươn với chạch là hai giống cá thân hình coi gần như nhau, nhưng chạch thì ngắn hơn lươn nhiều. Vậy mà lươn lại tự cho là mình ngắn mà chê chạch là dài, trái hẳn với sự thật. Người ta thường mượn câu này để nói người có lỗi lại chê người khác làm lỗi. Người bụng dạ không tốt lại chê người khác không tốt. Đại ý câu này khuyên người ta nên xét mình trước rồi hãy xét người.
Trang M
Mạ nhờ nước, nước nhờ mạ: Mạ nhờ nước nên xanh tốt. Nước nhờ mạ xanh tốt chở che cho, khỏi bị giãi nắng. Người ta thường mượn câu này để nói người ta ở đời, người nọ nhờ người kia, người kia lại nhờ người khác, không ai sống một mình được. 1. Mạnh về gạo, bạo về tiền: Gạo đây là cơm gạo, người ta mạnh khoẻ là nhờ cơm gạo, không có cơm gạo ăn, thì không ai mạnh được. Tiền là tiền của, có tiền của thì người ta dám làm những việc to tát, lớn lao, không sợ thua lỗ, tốn kém, thế tức là mạnh bạo. Đại ý câu này nói kinh tế làm nên sức mạnh. 2. Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy: Nghĩa bóng câu này muốn nói dòng máu loang đến đâu, là họ hàng bà con mình ra đến đấy. Nhiều khi dùng theo nghĩa này: họ hàng xa xôi đến đâu, người ta cũng tìm đến nhận nhau, như kiểu con ruồi bâu vào chỗ có máu. 3. Máu chảy ruột mềm: Máu chảy tức là dứt thịt chảy máu ra. Ruột mềm tức là đau đớn. Khi người ta đau đớn, thì hình như ruột mềm nhũn ra. Câu này nghĩa là thân thể bị thương chảy máu, thì trong ruột cảm thấy đau đớn. Nghĩa bóng câu này muốn nói: người trong máu mủ, họ hàng bị hoạn nạn, thì mình cũng cảm thấy thương xót. 4. Mâm cao đánh ngã bát đầy: Mâm cao là mâm cỗ to chồng chất những thịt cá, nhiều thức ăn. Ngày xưa, tục các làng hay có cuộc thi làm cỗ to, cỗ làm trên mâm qui vuông, chồng chất đĩa bát đựng thức ăn, được nấu xếp thành năm bẩy tầng, có khi cao mười đến mười hai tầng, mỗi tầng có phên che ngăn. Thành ra năm, bẩy mâm cỗ chất thành một mâm cỗ. Do đó, mâm cao tức mâm cỗ nhiều tầng, tức là mâm cỗ to. Bát đầy là bát cơm đầy. Câu này nghĩa là: có nhiều thức ăn thì ăn được nhiều cơm. Ý nghĩa cũng gần như câu: “con cá đánh ngã bát cơm”. 5. Máu loãng còn hơn nước lã: Họ hàng chung một dòng máu, máu loãng là máu không đặc, ý nói họ xa. Câu này đại ý nói dù người có họ rất xa, hoặc chỉ hơi hướng họ hàng, cũng hơn người đối với mình không có chút máu mủ nào, chỉ nhạt như nước lã. Câu này ý nghĩa gần như câu: “Họ chín đời còn hơn người dưng”. 6. Máu mô thâm thịt nấy: Mô là tiếng miền Trung, nghĩa là ở đâu, ở chỗ nào. Máu mô là máu chảy ở đâu. Thâm là không trắng, là đen, là thiếu máu đỏ. Máu mô thâm thịt nấy là máu chảy chỗ nào thì chỗ ấy thịt thâm lại, mất sắc đi. Nghĩa bóng là người họ hàng máu mủ bị hoạn nạn thì mình động lòng thương xót, như thịt thâm lại khi máu ở vết thương chảy ra. Cũng có thể giảng như thế này: máu mô là máu ở chỗ nào, nghĩa bóng họ hàng máu mủ ở chỗ nào. Thâm thịt nấy là chỗ đó có tình thâm cốt nhục, tả tấm lòng yêu thương xâu xa giữa người ruột thịt, cùng chung một dòng máu. 7. Măng mọc có lứa, người ta có thì: Măng là mầm tre. Lứa là lần, là chuyến, là hồi, là lúc. Quá lứa là quá lần, quá lúc, quá tuổi. Măng mọc có lứa là măng mọc có lần, quá lần ấy thì măng không mọc nữa. Thì tức là thời hay thời gian, đây là thì sinh nở. Người ta có thì tức là người ta sinh nở (hay sinh đẻ) có thì, người ta sinh nở chỉ có một thời, là thời tuổi trẻ, quá thì ấy, thì không sinh nở được nữa. Câu này ví thì sinh nở của con người với lứa măng, có ý khuyên người ta nên quí thời tuổi trẻ, chớ để phí hoài đi, vì qua đi, thì ấy không trở lại. 8. Mặt lưng mặt vực: Lưng là nửa đấu, nửa bát hay nửa bó. Vực là đong bằng miệng đấu, miệng bơ, miệng bát. Mặt lưng mặt vực tức là mặt nhẹ, mặt nặng. Mặt nặng là mặt dầy lên. Mặt lưng mặt vực chỉ sự không bằng lòng lộ ra nét mặt. Cũng có nơi nói: “mặt lăng mặt vực” tức là mặt cá lăng cá vực, những thứ cá bể to. Mặt lăng mặt vực là mặt to nặng như mặt lăng mặt vực, lộ vẻ không bằng lòng. 9. Mặt nạc đóm dầy: Mặc nạc là mặt dầy bự cao lên, lắm thịt nạt quá. Đóm dầy là đóm chẻ dầy bản. Đóm chẻ dầy bản thì châm lửa không cháy, mặt nạc là bộ diện của người ngu đần. Câu này đáng lẽ phải nói như thế này thì mới hết ý: “Mặt nạc đóm dầy, mo nang trôi sấp, biết ngày nào khôn”. Chỉ coi cái mặt bừ bự lên như cái mo nang trôi sấp (nó phồng lên) là người ta biết ngay tướng ngu đần rồi. Cho nên người ta thường nói “mặt dầy” hay “mặt mo” để mắng nhiếc kẻ ngu đần, ngốc, dại. 10. Mặt sứa gan lim: Câu này thường nói: “Mặt sứa gan lim”, và thường bị hiểu lầm là mật như sứa, gan như hin. Chính ra là mặt sứa gan lim. Có người giảng mặt sứa gan lim là mặt lầm lầm lì lì như sứa và gan cứng rắn như gỗ lim, có ý chê người dắn mày dắn mặt và gan lì tướng quân. Giảng như vậy có khi chưa đúng lắm. Trong câu này có hai chữ đối lập nhau là sứa và lim. Sứa là một chất hữu cơ sống ở bể, chất sứa lèo nhèo mềm nhũn, bỏ vào miệng nhai thì dòn sần sật và biến ra nước. Lim là thứ gỗ đứng đầu tứ thiết (lim, trai, sến, táu), rắn chắn như sắt. Sứa và lim là hai chất mềm rắn, khác hẳn nhau. Mặt sứa gan lim là ngoài mặt coi mềm mỏng, hiền lành mà bên trong thì gan góc đáo để, lá gan cứng rắn như là gỗ lim. Người mặt sứa gan lim là người ngoài mặt và trong bụng khác nhau, tức là người giả trá. 11. Mắt to hơn người: Tinh thần người ta lộ ra cả hai con mắt, khi sợ hãi quá thì vẻ sợ hãi dồn cả vào con mắt, mắt cứ trợn tròn lên. Người ta mượn câu này để tả sự sợ hãi quá đỗi. 12. Mắt tròn, mắt đẹt: Thấy sự lạ, người lạ, cảnh lạ, người ta thường trố mắt ra nhìn, bởi thế mắt tròn mắt dẹt có nghĩa là ngạc nhiên, kinh lạ. 13. Mắt trước mắt sau: Mắt nhìn về phía trước, mắt nhìn về phía sau, ý nói nhìn trộm, sợ người ta biết mình làm điều ám muội. Câu này tả cái nhìn của kẻ gian, chỉ sợ người khác bắt gặp. 14. Mật ngọt chết ruồi: Nghĩa đen: vì mật ngọt, nên con ruồi say mà chết, gián tiếp nói nếu cay đắng, thì ruồi không việc gì. Nghĩa bóng câu này muốn nói những người ăn nói ngọt ngào đường mật, phỉnh nịnh mình, là định làm hại mình, chớ không thật thà mong cho mình tốt. Coi câu đi tiếp sau câu trên, thì nghĩa càng sáng tỏ thêm: “những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Đại ý câu này khuyên người ta không nên nghe lời nịnh hót. 15. Mầu mỡ không bằng ở sạch: Mầu mỡ là cái nước mầu, cái váng mỡ nổi lên ở trên mặt nước canh riêu, nước nhúng thịt. Đây mầu mỡ dùng theo nghĩa bóng là cái vẻ đẹp bề ngoài. Mầu mỡ không bằng ở sạch là cái vẻ đẹp đẽ do sự tô điểm bề ngoài, không bằng ăn ở sạch sẽ. Đại ý câu này khuyên người ta nên chú trọng đến sự sạch sẽ hơn là làm đỏm, làm dáng. 16. Mẹ đánh một trăm, không bằng cha ngăm một tiếng: Một trăm tức là trăm roi. Ngăm tức là ngâm nói trạnh ra; ngâm ư ử trong miệng như kiểu ngâm thơ của các cụ nhà Nho. Khi người ta giận dữ mà không muốn nói ra lời, người ta thường nghiến răng ư ử trong miệng. Câu này nghĩa là: Mẹ đánh một trăm roi, không bằng cha nghiến răng ư ử một tiếng. Mẹ thường hay chiều con, nên dù có đánh con nhiều, nó cũng chỉ dạn đòn (quen đòn), chứ không sợ bằng khi thấy cha ngâm lên một tiếng. Vì rằng cha nghiêm, ít nói, ít đánh, hễ cha tỏ vẻ giận dữ là con sợ hãi lắm. 17. Mẹ hát con khen hay: Mẹ hát thì hát hay, hay dở, con cũng khen là hay, vì: a) Con bao giờ cũng kém mẹ, mẹ hát dở con cũng không biết mà chê. b) Con bao giờ cũng kính yêu mẹ, mẹ hát dở cũng cứ cho là hay. c) Mẹ có thể đánh mắng con, dù biết mẹ hát không hay, con cũng không dám chê. Cho nên lời khen của con không có giá trị. Người ta thường mượn câu này để chê người cùng một bọn, một phe khen ngợi, tâng bốc lẫn nhau. Lời khen này chẳng có giá trị gì như lời con khen mẹ. 18. Mềm nắn, rắn buông: Thấy vật mềm thì nắm, thấy vật rắn thì buông tay ra, vì nắm thì đau tay. Người ta thường mượn câu này để nói người quyền thế, thấy kẻ non yếu thì nặn bóp mãi, thấy người cứng rắn bướng bỉnh thì thường để yên. 19. Méo miệng đòi ăn xôi vò: Xôi vò là thứ xôi rơi từng hột. Người méo miệng mà ăn xôi vò thì hột xôi sẽ rơi vãi hết. Câu này nghĩa bóng chê người ta không biết phận, đi đòi hỏi những điều mình không thể hưởng được. 20. Mèo già hóa cáo: Mèo già thì tinh khôn, ranh mãnh như loài cáo vậy. Theo nghĩa bóng, câu này thường nói người già thì lắm mưu mẹo gian hùng, hoặc người làm lâu trong nghề, thì thông thạo đủ mọi điều hay dở của nghề ấy. 21. Mèo mả gà đồng: Mèo mả là mèo sống ở các mồ mả. Gà đồng là gà sinh sống ở ngoài đồng. Mèo mả gà đồng là mèo hoang, gà hoang, nghĩa bóng tả bọn trai gái giang hồ đàng điếm, không theo nền nếp con nhà tử tế. 22. Mèo nhỏ bắt chuột con: Chuột con tức là chuột bé, chuột nhỏ. Mèo nhỏ thì sức còn yếu, bắt chuột lớn không được, nên mèo nhỏ chỉ nên bắt chuột con. Nghĩa bóng câu này muốn nói người ta nên làm những việc vừa sức với mình, hoặc chỉ nên đòi hỏi mong muốn những điều hợp với địa vị và năng lực của mình. Không nên đòi hỏi, ước ao những điều cao xa, viển vông quá sức. 23. Miếng khi đói, bằng gói khi no: Miếng tức là miếng ăn. Gói tức là gói ăn. Khi đói bụng, được một miếng cơm quí hơn là khi no được người ta cho cả một gói cơm, đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng câu này muốn nói giá trị tiền bạc, của cải cho vay mượn hoặc bố thí làm phúc, quí ở sự kịp thời. Lúc cần gấp thì ít nhiều đều quí hóa, lúc không cần thì bao nhiêu cũng có thể coi là tầm thường. 24. Miệng còn hoi sữa: Miệng còn hoi sữa là miệng chưa hết mùi sữa, ý nói mới thoát vú mẹ, còn trẻ con chưa biết gì. Người ta thường dùng câu này để tỏ ý khinh bỉ người mới ra đời, chưa từng trải, chưa có kinh nghiệm việc đời. 25. Miệng đọc ca, tay đan lỗi: Ngày xưa cách đan lát, cũng như nhiều việc khác, các cụ thường ca cho dễ nhớ. Thí dụ: “cất tứ cất nhì, thù thì đè ba” là ca đan phên, đan liếp, đan nong, đan bồ, theo kiểu “nong đôi” nghĩa là cất hai nan một lượt. Miệng đọc ca, tay đan lỗi là tuy miệng đọc ca rất thuộc, mà tay vẫn đan lỗi nan, không đúng lời ca. Câu này nghĩa bóng nói: miệng nói một đàng, tay làm một nẻo, lời nói việc làm không đi đôi với nhau, lý thuyết không bằng thực hành. 26. Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời: Miếng ngon là miếng ăn ngon. Điều đau là lời nói làm cho mình đau đớn trong lòng. Nhớ đời là nhớ suốt đời. Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời là được người ta cho ăn thì nhớ mãi và bị người ta nói lời thấm thía đau đớn đối với mình, thì mình nhớ suốt đời không quên. Ý nói sự vui thích (ăn ngon) và điều khó chịu (điều đau) cũng như ân, oán ở đời đều nên ghi nhớ cả. 27. Miệng ngậm hạt thị: Khi ăn thị, ngậm hạt thị trong miệng, thì không nói ra hơi, hoặc nói lúng búng trong miệng, vì hạt thị đầy kín miệng rồi. Bởi vậy, người ta thường dùng câu miệng ngậm hạt thị để tả người ăn nói lúng túng, ấp úng không ra lời, hình như trong miệng có ngậm hạt thị. 28. Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm: Miệng thì nói thơn thớt ra bộ nhân nghĩa tử tế lắm, nhưng trong bụng dạ thì cay gắt như là có ớt ngâm vậy. Người ta thường dùng câu này để chê người chỉ tử tế ở đầu lưỡi, những kẻ đạo đức giả. Ý nghĩa câu này cũng tương tự ý nghĩa câu “Khẩu Phật tâm xà”, nghĩa là miệng thì hiền như Bụt, mà lòng dạ thì độc như rắn. 29. Mọt ăn cứt sắt: Cứt sắt là những cặn bã người ta lọc ra khỏi khối sắt, trong khi rèn sắt chế đồ dùng. Cứt sắt cứng rắn không khác gì sắt, mọt ăn thế nào được? a) Mọt ăn (đục) thế nào được cứt sắt? (Ý nói việc không thể làm). b) Mọt mà định ăn cứt sắt ư? (Ý nói việc làm khờ dại). Người ta thường ví bủn xỉn, chặt chẽ, không ai vay mượn nhờ vả được, với cứt sắt mọt không thể ăn. 30. Môi hở răng lạnh: Môi để hở không mím lại, thì răng sẽ lộ ra, bị lạnh, vì gió sẽ lọt vào. Người ta lấy chuyện môi với răng để ngụ ý khuyên: anh em đồng bào một nhà một nước, nên che chở đùm bọc lấy nhau. 31. Mồm miệng đỡ chân tay: Chân tay làm vụng, lấy mồm miệng chống đỡ, ý nói làm vụng về, nhưng mồm miệng khéo chống chế. Hoặc không làm được việc gì, mà chỉ khéo nói. Câu này chê kẻ tài mồm mép, còn làm thì không ra gì. 32. Một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng: Nói ngay tức là nói thật, nói thẳng, không dối trá, cong queo. Làm chay cả tháng là làm đàn chay lâu cả một tháng trời. Theo đạo Phật, đạo Lão, khi trong nhà có người chết, người ta thường sắm sửa đồ lễ, bày đặt bàn trắng, thỉnh các sư đến cúng lễ, cầu trời Phật xá tội cho, để linh hồn người chết khỏi bị sa vào ngục, và người sống trong nhà được khoẻ mạnh sống lâu. Người ta tin rằng càng làm chay lâu, càng nhiều phúc. Một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng nghĩa là: một lời nói ngay thẳng, thật thà có khi gây nên phúc quả, tức kết quả tốt bằng làm dàn chay cả tháng. Một lời nói dối trá, có thể gây nên tội lỗi rất to, cả tháng làm chay cũng không gỡ được. Câu này ngụ ý khuyên người ta ăn nói nên thật thà. 33. Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao: Câu này đại ý nói hợp quần làm nên sức mạnh, góp nhiều sức nhỏ lại thành sức to. Nhưng cổ nhân đã có chỗ sai lầm trong việc thí dụ. Non là núi, núi thì bằng đất hay bằng đá. Vậy ba cây hoặc ngàn vạn cây, cũng chỉ có thể làm nên rừng thôi, chứ không thể làm nên non, hay hòn núi cao được. Giả thử nói: Một cây làm chẳng nên rừng thì có lẽ đúng hơn. 34. Một chữ thánh, một gánh vàng: Chữ thánh là chữ của ông thánh, đây là chữ của đức thánh Khổng, tổ sư đạo nho. Gánh vàng là quí giá như một gánh vàng. Một chữ thánh, một gánh vàng là một lời của ông thánh, quí giá bằng cả một gánh vàng; hoặc phải tốn kém đến một gánh vàng, mới học được một chữ của ông cũng đáng. Đại ý câu này muốn nói sự học vô cùng quí giá. 35. Một con ngựa đau, cả tầu chê cỏ: Một con ngựa bị đau ốm, không ăn được cỏ, thì cả tầu ngựa (cái máng để chứa thóc, cỏ cho cả chuồng ngựa ăn) đều chê cỏ không ăn, ý nói loài vật có tình đồng loại, thấy một con đau thì cả đàn đều thương. 36. Một đêm nằm, một năm ở: Nằm đây là nằm trọ, nằm đỗ, ngủ đỗ dọc đường. Ngày xưa, trật tự an ninh trong nước chưa được duy trì chặt chẽ cho lắm, ngủ đỗ dọc đường thường hay gặp nhiều nỗi nguy hiểm. Người ngủ đỗ thường nơm nớp lo sợ suốt đêm, chỉ mong cho trời sáng để thoát nạn. Cho nên người ta thấy một đêm nằm trọ dài bằng cả một năm ở nhà (Ở tức là ở nhà). 37. Một đồng không thông đi chợ: Ngày xưa, đường giao thông chưa mở mang tiện lợi như bây giờ. Chợ búa có ít mà phần nhiều là ở xa. Nếu không có việc cần thì ít khi người ta đi chợ, sợ mất ngày mất buổi, mất công mất việc và khó nhọc vào mình. Cần mua thứ gì, người ta thường gửi bà con hàng xóm mua giúp. Nhất là ít tiền thì người ta lại càng không muốn đi chợ. Bởi vậy có câu: một đồng không thông đi chợ, nghĩa là có một đồng tiền thì đi chợ không thông. Không thông là không suốt, không đủ. Có một đồng tiền đi chợ thì chỉ uống nước dọc đường cũng không đủ rồi. Người ta thường mượn câu này để nói việc nhỏ nhặt quá, không bõ đem ra chỗ trái phải. 38. Một giọt máu đào hơn ao nước lã: Người có họ với nhau là người chung máu mủ, chung một giòng máu, chung một huyết thống tổ tiên để lại. Một giọt máu đào nghĩa là chỉ chung nhau có một giọt máu thôi, có hơi hướng họ hàng với nhau, cũng còn hơn cả ao nước lã, tức là người dưng, không có họ. Câu này đề cao tinh thần gia tộc. 39. Một kho vàng không bằng một nang chữ: Một nang chữ là một túi chữ, đây là một bụng chữ, tức là sự học chứa chất trong lòng, trong óc người hay chữ. Một kho vàng không bằng một nang chữ, vì rằng: kho vàng có thể bị cướp, trộm, đốt phá, hủy hoại, thất lạc mất, hoặc tiêu xài mãi có ngày hết đi. Còn sự học hành chứa chất trong bụng, thì không ai trộm cướp, hủy hoại được, không thể bị thất lạc và dùng mãi không bao giờ hết. Càng dùng túi chữ, càng được trau dồi thêm. Đại ý câu này muốn nói học vấn quí hơn của cải. 40. Một mặt người, mười mặt của: Một mặt người gấp mười (hoặc bằng mười) mặt của, ý nói của không quí bằng người. Vì người làm nên của, chứ của không làm nên người. 41. Một lần thì kín, chín lần thì hở: Khéo học thì học một lần cũng đủ kín rồi. Không khéo học thì học đến chín lần vẫn cứ hở. Câu này ý nói làm việc gì khéo léo, cẩn thận thì chỉ một lần là xong xuôi, chu đáo. Không cẩn thận khéo léo, thì làm đi làm lại mấy lần vẫn chưa xong. 42. Một lời nói dối, sám hối bẩy ngày: Sám hối là làm lễ sám hối, tức là làm lễ cầu Phật chứng cho việc mình tỏ ý ăn năn, hối hận về những tội lỗi đã làm, và nguyện không tái phạm những tội lỗi ấy nữa. Sám hối bẩy ngày là làm lễ sám hối trong bảy ngày liền; ý nói tội lỗi to, phải sám hối nhiều ngày mới rửa được. Cả câu nghĩa là: nói dối một lời thì phải ăn năn sám hối tới bẩy ngày; hoặc nói dối là một tội lỗi rất to. Đại ý câu này khuyên người ta không nên nói dối. 43. Một lời nói, một gói vàng: Một gói vàng tức là nhiều vàng. Một lời nói, một gói vàng nghĩa là một lời nói quí giá bằng cả một gói vàng. Vì có lời nói được công được việc, nên vợ nên chồng; có lời nói cứu được mạng người; có lời nói làm lui được quân giặc. Câu này nêu cao giá trị lời nói, ngụ ý khuyên người ta ăn nói nên thận trọng giữ gìn, không nên bạ đâu nói đấy. 44. Một lời nói, một gói tội: Một gói tội tức là nhiều tội lỗi, như có thể gói thành một gói. Một lời nói, một gói tội nghĩa là một lời nói ra, có thể gây nên nhiều tội lỗi. Thí dụ: Lời nói gièm pha, khiến người ta bỏ vợ bỏ chồng. Lời nói vu khống, khiến người ta tù tội mất nghiệp. Lời nói xấu, khiến người ta mất danh giá. Lời nói dối, khiến người ta bị thua lừa mắc lập v.v… Lời nói ảnh hưởng rất to, có lời nói giữ được nước, có lời nói làm mất nước (nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn táng bang). Có lời nói đáng quan tiền, thúng thóc. Có lời nói đáng dùi đục cẳng tay. Có lời nói gây nên phúc đức, có lời nói gây nên tội lỗi. Câu tục ngữ khuyên ta nên thận trọng lời ăn tiếng nói. 45. Một người hay lo, bằng kho người hay làm: Lo đây là lo liệu, tính toán, sắp đặt công việc đâu vào đấy, tức là có tổ chức. Làm đây là thực hiện những điều đã tổ chức, sắp đặt. Một người hay lo bằng kho người hay làm nghĩa là một người có tài tổ chức công việc, đáng quí bằng cả một kho (tức đông lắm) người, chỉ biết nai lưng ra làm. Câu này đề cao giá trị và địa vị người chỉ đạo, đồng thời vạch rõ điều quan trọng của sự tổ chức việc làm. Cũng là để đề cao giá trị lao động trí óc và hạ thấp giá trị lao động chân tay. 46. Một miếng giữa làng, bằng sàng xó bếp: Một miếng giữa làng là một miếng thịt ăn ở giữa đình làng. Sàng xó bếp là cả sàng thịt ăn ở xó bếp. Câu này nghĩa là ăn một miếng ở đình trung, bằng ăn cả một mâm cỗ ở xó bếp. Nước ta xưa rất trọng việc hương ẩm (ăn uống ở đình làng), phải là người có danh vọng, có chức vị mới được ngồi ăn ở đình trung, nên người ta mới cho là một miếng giữa làng có giá trị bằng cả một mâm cỗ ở xó nhà. 47. Một miệng kín, chín miệng hở: Một miệng là một người nói, hoặc nói với một người. Chín miệng là nhiều người nói, hoặc là nói với nhiều người. Câu này nghĩa là nói với một người, thì câu chuyện giữ kín được, đã nói với nhiều người thì câu chuyện sẽ hở, không giữ kín được nữa. Đại ý câu này khuyên người ta nếu muốn giữ kín chuyện gì, thì không nên nói cho nhiều người biết. Một đây trỏ (chỉ) số ít, chín đây trỏ số nhiều (chứ không nhất thiết phải là chín). Ý nghĩa câu này cũng na ná ý nghĩa câu: một kín hai hở. Cũng có nơi nói: một người thì kín, chín người thì hở, ý nghĩa cũng thế. 48. Một quan mua người, mười quan mua nết: Người tức là cả thân thể lẫn sắc đẹp, mua có một quan tiền. Còn cái nết tốt, cái đức hạnh thì phải mua những mười quan tiền, ý nói đức hạnh quý giá hơn sắc đẹp, người quý về sắc đẹp thì ít, mà quí về đức hạnh, nết na thì nhiều. 49. Một sự nhịn là chín sự lành: Nhịn được một việc thì chín việc khác được yên lành. Nếu không nhịn được một việc, thì việc đó sẽ sinh ra nhiều việc lôi thôi. Chín sự lành là nhiều sự lành, chứ không nhất thiết phải là chín sự. Đại ý câu này khuyên người ta nên nhịn nhục để khỏi sinh chuyện lôi thôi. 50. Mũ ni che tai: Xưa các cụ già bẩy mươi tuổi trở nên, được nhà Vua ban cho một thứ mũ bằng vóc nhiễu hay lụa thêu rất đẹp, hai bên có mảnh vải tua xuống che lấp hai tai. Kiểu mũ ấy tục gọi là mũ ni (có lẽ giống mũ của sư ni, bà sư hay đội), nên gọi thế. Người ta thường dùng câu mũ ni che tai để nói rằng: không nghe chuyện đời, không chú ý đến việc đời nữa. 51. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng: Danh tiếng ở đời thì phải mua đắt tới ba vạn đồng mới mua được. Còn như bán danh tiếng đi thì rẻ lắm, chỉ bán được có ba đồng thôi. Câu này ý nói muốn được danh thơm tiếng tốt thì khó, muốn mất danh tiếng thì chẳng khó gì. Muốn trở nên người tốt thì khó, muốn thành người xấu thì dễ. 52. Mua trâu bán chả: Khi mua thì phải bỏ món tiền to mua cả con trâu. Khi bán thì bán từng miếng chả, ý nói bỏ vốn ra buôn bán thì to, mà thu vốn về thì thu dần từng đồng. Câu này đại ý nói bán hàng lẻ phải lâu mới thu được đủ vốn. 53. Mùa hè đóng bè làm phúc: Mùa hè khí trời nóng bức, các bệnh hay sinh ra, làm người ta ốm đau và chết được. Nhất là thời xưa, chưa tổ chức việc tiêm thuốc để phòng bệnh dịch tễ, mùa hè phần nhiều có bệnh dịch, làm lắm người chết oan. Người thời xưa thấy người chết thì cho là tại số mệnh hoặc do ít phúc đức, chớ không cho là tại không có thuốc chữa, hoặc không biết phòng bệnh từ trước. Bởi thế, người ta khuyên nhau mùa hè nên làm phúc cho nhiều để khỏi chết. Đóng bè làm phúc là đóng sẵn bè để cứu người chết đuối. Ý nói cần phải làm nhiều việc phúc. 54. Múa rìu qua mắt thợ: Rìu là công cụ của thợ mộc, lưỡi bằng sắt, cán bằng gỗ, đầu bằng gỗ thò lên phía trên, dùng để “dã” gỗ (tức là đẽo vỏ và đẽo rác gỗ). Dùng được rìu phải là người thợ giỏi, vì dùng rìu rất khó, dùng vụng có khi đẽo cả vào bàn chân mình. Thợ đây là thợ mộc chuyên môn. Múa rìu qua mắt thợ nghĩa là mình không là thợ chuyên môn, mà lại dùng rìu (múa đây tức là giơ lên đẽo gỗ) trước mắt thợ chuyên môn, ý nói khoe tài trước người tài hơn mình, làm một việc liều lĩnh, táo bạo và ngốc dại. Câu này ý nghĩa cũng na ná câu: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”. 55. Muốn ăn hét phải đào giun: Hét là một giống chim lông đen như lông sáo, nhưng to hơn chim sáo. Giống này ăn giun. Muốn bẫy thứ chim này, người ta phải dùng mồi bằng giun. Câu này đại ý muốn có ăn thì phải chịu khó, cũng như muốn ăn chim hét thì trước hết phải đào giun để làm mồi. 56. Muốn ăn lúa tháng năm, xem trăng rằm tháng tám: Các cụ ta xưa thường nghiệm trăng rằm tháng tám, để biết sang năm nhiều mưa hay đại hạn, mà liệu chiều thời tiết làm mùa tháng năm. Cho nên nói: muốn vụ tháng năm năm sau được mùa, thì phải xem trăng rằm tháng tám năm nay để biết chiều trời mà làm ruộng cho thích hợp. Đại khái trăng trong thì được mùa chiêm, trăng đục, đỏ, quầng thì chiêm mất mùa 57. Mưa dầm thành lụt: Mưa dầm là mưa nhỏ lâm tâm, nhưng mưa sườn sượt dai dẳng, có khi hằng năm bẩy ngày. Mưa tuy không đổ nhiều nước một lúc, nhưng mưa lâu như vậy, tích ít thành nhiều, có khi nước mưa làm thành nước lụt. Câu này đại ý nói việc nhỏ làm mãi cũng có ngày kết quả to, và ăn tiêu hoang phí nay một ít, mai một ít có ngày mất nghiệp. 58. Mưa lúc nào, mát mặt lúc ấy: Lúc nào mưa thì lúc ấy mát mặt, vì nước mưa tạt vào mặt. Lúc trời không mưa, thì mặt đành chịu nóng, chớ không tìm cách lấy nước rửa cho mát mặt. Câu này ngụ chê người không biết liệu trước lo xa, gặp sao hay vậy. Cũng có người may gặp trận mưa thì mát mặt, rủi không gặp mưa thì thôi. May thì thành công, chả may thì thất bại, mọi việc phó cho rủi may 59. Mừng như mở cờ trong bụng: Trong những ngày hội hè, đình đám vui vẻ nhộn nhịp, thì người ta mới mở cờ cắm ở cửa đình chùa. Thành ra sự mở cờ tượng trưng và biểu lộ sự vui vẻ. Mừng như mở cờ trong bụng là mừng vui quá, trong bụng như có hội hè đình đám. 60. Mừng như thấy mẹ về chợ: Trẻ con tính thích quà bánh. Nên mỗi khi đi chợ, mẹ thường phải mua quà bánh về cho con. Việc đó đã như thành lệ, nên mẹ đi chợ là trẻ rất mong mỏi mẹ về để được ăn quà, bánh. Đã có câu: “mong như mong mẹ về chợ…”. 61. Mười đời chưa rời cánh tay: Mười đời là họ mười đời, tứclà họ đã xa. Chưa rời cánh tay là chưa rời ra khỏi thân thể. Câu này nghĩa là họ nội dù xa đến mấy cũng vẫn là trong một họ, chớ không ra họ ngoài được. Đại ý câu này muốn khuyên người ta nên quí trọng người trong họ hàng, dù rằng họ xa đến mười đời cũng vậy. Ý nghĩa cũng gần như ý những câu: “Họ chín đời còn hơn người dưng”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” , hay “máu loãng hơn nước lã”. 62. Mưu thâm họa việc thâm: Mưu sâu thì vạ cũng sâu. Ý nói người ta bày mưu mẹo hại người càng sâu độc bao nhiêu, thì kết cục phải chịu tai vạ sâu độc bấy nhiêu. Câu này nêu luật nhân quả của đạo Phật (gieo cái nhân nào thì gặt cái quả ấy, làm lành thì gặp lành, làm ác thì gặp ác). Ngụ ý câu này khuyên người đời không nên dùng mưu kế để làm hại người khác. Vì câu này mà có câu: tham thì thâm. Bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham. Bụt đã kín đáo hay gián tiếp (bảo thầm), dậy ta rằng hễ tham lam hại người, thì chính mình sẽ phải chịu tai họa sâu thâm về việc tham lam ấy. Vậy ta chớ có tham lam.
Trang N
1. Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa: Nâng là nâng niu, gượng nhẹ. Nâng niu như nâng niu gượng nhẹ, như cầm quả trứng cho nó khỏi vỡ. Hứng là dơ tay đón lấy. Hứng như hứng hoa là đỡ gượng nhẹ cho hoa khỏi nát. Người ta thường dùng câu này để tả sự nuông chiều. 2. Nén bạc đâm toạc tờ giấy: Nén bạc tức là thoi bạc cân nặng mười lạng. Tờ giấy là giấy tờ việc quan như trát đòi, giấy tuyên hình án… Nén bạc đâm toạc tờ giấy là nén bạc làm tờ giấy rách toang ra, ý nói có tiền thì giấy tờ hình án đều hóa ra vô dụng, như là bị rách vậy. Đời Lê, nhà vua đặt ra năm thứ hình phạt để trị người phạm tội là: a) Suy phải đánh bằng roi. b) Trượng phải đánh bằng trượng (gậy). c) Đồ là bắt phải làm lính, làm những công việc nặng nhọc. d) Lưu là đày đi các tỉnh xa. e) Tử là tội chết chém. Nhưng lại đặt ra lệ cho chuộc tội. Quan và quân phạm từ tội lưu trở xuống, thì được chuộc. Những người bảy mươi tuổi trở nên, mười năm tuổi trở xuống hay là có tàn tật cũng được cho chuộc. Lệ chuộc đại khái như thế này, tội trượng thì mỗi trượng: quan tam phẩm phải chuộc 5 tiền, tứ phẩm phải 4 tiền, ngũ phẩm 3 tiền, thất phẩm 2 tiền, cửu phẩm trở xuống mỗi trượng chuộc 1 tiền. Tội đồ làm lính chuồng voi phải chuộc 60 quan tiền, làm lính đồn điền chuộc 100 quan. Tội lưu đi châu gần chuộc 130 quan, châu xa 290 quan. Có lẽ vì luật cho lấy tiền chuộc tội đó, mà có câu: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” và câu “kim ngân phá lệ luật” (vàng bạc phá phép luật). Vì thời ấy, hễ có tiền bạc là khỏi phải tội, là phá được luật phép, xé được án văn thật. 3. No nên bụt, đói nên ma: Bụt hiền lành, tử tế làm toàn điều thiện. Ma tai ác, hung dữ hay làm những điều hại người. Về hình thức bề ngoài thì bụt hình thù đẹp đẽ, lộng lẫy vàng son (như tượng trên chùa), ma thì lôi thôi lếch thếch, nhớp nhúa, gớm ghê. No nên bụt, đói nên ma là khi con người ta hễ no bụng thì hiền lành tử tế, hễ đói bụng thì hung ác như ma và bẩn thỉu (tức như người chết). Câu này đại ý nói sự hay, dở, thiện, ác ở đời, tính tình và hình thể con người đều do sự no đói, giàu nghèo quyết định. 4. No bụng đói con mắt: Bụng thì no rồi, nhưng mắt trông thấy vẫn thèm, vẫn muốn ăn, ý nói như là mắt đói vậy. Câu này đại ý nói: người đã giầu có rồi, nhưng nhìn của, người ta vẫn có ý ham muốn. Cũng như đứa trẻ con ăn no phưỡn bụng, nhưng trông thấy quà bánh vẫn nằng nặc đòi. 5. No mất ngon, giận mất khôn: Khi người ta đã no bụng rồi, thì ăn cái gì cũng không thấy ngon. Khi người ta tức giận, thì nói năng hành động nhiều điều liều lĩnh, mất cả sự khôn ngoan lúc thường. Đại ý câu này khuyên người ta không nên giận dữ, vì giận dữ làm người ta mất trí khôn. 6. Nó lú mà chú nó khôn: Lú là lú lấp, u mê, không sáng suốt. Nó lú mà chú nó khôn nghĩa là nó u mê không biết gì, nhưng đã có chú nó khôn ngoan sáng suốt, bày mưu tính kế giúp nó. Người ta thường dùng câu này để nói người ngu ngốc đến đâu, cũng có người khôn ngoan dậy bảo, chỉ vẽ cho mọi việc. 7. Nóc nhà xa hơn kẻ chợ: Kẻ chợ (tiếng cổ) trỏ (chỉ) kinh đô nhà vua, đối với dân quê, thì kẻ chợ xa lắm. Thế mà nóc nhà lại xa hơn kẻ chợ. Vì kẻ chợ thì thỉnh thoảng người ta còn tới lui buôn bán, chớ nóc nhà thì hàng mấy năm người ta không tới nơi, nếu mái nhà không dột nát. Người ta thường mượn câu này để nói rằng: những việc thiết cận, nhiều khi không được người ta chú ý bằng những việc viển vông xa xôi. 8. Nói ba voi không được bát nước xáo: Nói bậy bạ, khuếch khoát quá, lời nói ấy cũng giống như làm thịt ba con voi, mà chẳng được bát nước xáo, tức là lời nói vô vị, vô bổ, không thể tin. 9. Nói một tấc đến giời (trời): Nói khoác quá, làm như chỉ thiếu một tấc là lên đến trời. 10. Nồi da nấu thịt: Người đi săn thú bắt được mồi, muốn làm thịt ăn ngay giữa rừng, không sẵn nồi, thường lột da con thú căng làm nồi để nấu thịt con thú ấy. Nghĩa bóng câu này muốn nói cùng một máu mủ, nòi giống mà tàn sát lẫn nhau, như kiểu cái nồi da nấu thịt con thú. Cũng nói là: nồi da xáo thịt. 11. Nối giáo cho giặc: Giáo là thứ võ khí cổ, cán dài, mũi nhọn hoắt. Nối giáo cho giặc là nối cái cán giáo của giặc, khi đang đánh nhau cán giáo của giặc lỡ bị gẫy, giáo ngắn quá không thể dùng. Hành động đó dĩ nhiên là hành động khờ dại, vì nối giáo cho giặc, là tiếp sức cho giặc đánh mình. Người ta thường mượn câu này để chê người giúp sức cho kẻ làm điều tội lỗi, hung ác. Giúp người làm điều hung ác, thì những điều hung ác đó sẽ làm hại ngay mình, cũng như quân giặc dùng giáo đánh mình vậy. 12. Nồi nào vung ấy: Nồi nào vung ấy thì đậy mới vừa nhau, nếu nồi này mà vung khác thì không hợp. Người ta thường mượn câu này để nói rằng: người chồng thế nào, thì lại có người vợ hợp tính như thế. 13. Nợ mòn con lớn: Con nuôi lâu thì lớn, nợ trả mãi thì mòn dần, ý nói không nóng nảy. Việc đời cứ kiên nhẫn từ từ làm dần, sẽ đi đến kết quả. 14. Nước đến chân mới nhảy: Nước lụt dâng lên đến chân mới nhảy lên sân cao. Ý chê người không lo xa đề phòng trước, để việc xẩy tới bấy giờ mới lo liệu e không kịp. 15. Nước lã ra sông: Nước lã đổ ra sông thì bao nhiêu cũng hết, vì lẫn với nước sông. Nghĩa bóng câu này dùng để nói công lao bỏ đi, sự nghiệp sụp đổ, như là nước lã đổ ra sông, không còn tăm tích gì. 16. Nuộc lạt bát cơm: Nuộc lạt đây nói khi làm nhà cửa, buộc cái nuộc lạt trên mái nhà. Nuộc lạt bát cơm là mỗi nuộc lạt tốn một bát cơm. Dù toàn anh em bà con đến làm giúp, song tính ra cũng mỗi nuộc lạt là một bát cơm, rất tốn kém. Câu này thường dùng để nói sự mượn người làm bao giờ cũng tốn kém. 17. Nước chảy chỗ trũng: Nước bao giờ cũng chảy dồn xuống chỗ trũng; tức là chỗ đất lõm thấp, có nước sẵn. Người ta thường mượn câu này để nói: tiền bạc cứ dồn vào nhà giầu là chỗ có của sẵn. 18. Nước chảy đá mòn: Nước mềm, đá rắn, nhưng nước chảy mãi, đá cũng phải mòn. Người ta thường mượn câu này để khuyên người tối dạ nên gắng sức học hành, học mãi thì sau này thế nào cũng phải học giỏi. Sự học ví như nước chảy, óc ngu ví như hòn đá, học mãi sẽ hết ngu, cũng như nước chảy đá mòn. 19. Nước lã mà vã nên hồ, Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan: Vã đây nghĩa là thấm nước rồi lấy tay nhào đi nhào lại, nhận lên nhận xuống. (Trong bài văn sách: Lấy chồng cho đáng tấm chồng của cụ Lê Quí Đôn, có câu: Yếm thắm quần hồ vã đi vã lại.) Nghĩa chữ vã cũng như nghĩa chữ gột. Hồ đây nghĩa là bột nhận với nước, gột thành một chất quánh dính, dùng để trát hay tẩm vào vải lụa, tức là hồ cho vải mịn mặt, mau sợi, đẹp thêm ra. Tay không là tay trắng, không có tiền bạc, vốn liếng gì. Nổi cơ đồ là dựng nên cơ nghiệp to tát. Ngoan là khôn ngoan tài giỏi. Câu này nghĩa là: lấy nước lã mà vã được thành hồ, tay trắng mà dựng nên cơ nghiệp, như thế mới giỏi. Đại ý câu này ngợi khen người không nhờ tiền của, vốn liếng của cha ông, chỉ nhờ tài trí và sức làm việc của mình mà làm nên cơ nghiệp. Cũng có thể cho là lời khuyến khích những người không được cha ông để lại cho tư cơ, điền sản gì, nên vận dụng sức mình ra làm việc để tạo lấy cơ nghiệp. Câu này lấy việc vã hồ ra làm thí dụ, đại ý nói rằng: đối với người có tài, có chí, thì nước lã có thể vã thành hồ, chứ không phải có bột. Thật ra, thí dụ ấy sai sự thật. Sự thật là “có bột mới gột nên hồ”, có gốc mới có ngọn, có vốn mới có lãi, cũng như có học thì mới có hành (hành là làm việc, là hành động), không học thì không hành được. Cái vốn tiền bạc của cải có khi không cần, người ta có thể tay không lập nghiệp. Nhưng như thế không phải là nước lã vã nên hồ. Bột là cái cốt, cái vốn bao giờ cũng cần, không có bột nhất định không gột nên hồ. Chính người tay không mà nổi cơ đồ, là người có nhiều bột nhất. Duy chất bột đó, không phải là chất bột vật chất, hữu hình. Chất bột đó là chất bột tinh thần, vô hình, là cái tài giỏi, cái chí khí con người, nhờ cái vốn tinh thần quí giá đó, mà người tay trắng có thể làm nên. Nhờ chất bột vô hình đó (cái vốn này quí hơn của cải), mà người ta đã vã nên hồ, chớ không phải vã toàn nước lã mà nên hồ được. 20. Nước mắt chảy xuôi: Nước mắt trào ra khi người ta động lòng buồn rầu thương xót. Nước mắt cũng như các thứ nước, bao giờ cũng chảy xuôi. Tục ngữ không nói một chuyện thừa, vô ích. Tục ngữ mượn một sự thật dĩ nhiên, để ngụ ý nói rằng: bao giờ người trên cũng thương xót kẻ dưới, ông bà cha mẹ bao giờ cũng có lòng thương xót con cháu, còn con cháu thì ít khi có lòng thương xót cha mẹ, ông bà (vì nước mắt bao giờ chảy ngược?). ↻ Trở lại Trang Trước Cập nhập lần cuối cùng lúc 8:30h ngày 31 tháng 1 2012 Phạm Công Hiển

No comments:

Post a Comment

Newer Post Older Post Home Subscribe to: Post Comments (Atom)

Thành viên theo dõi

Lượt Xem

Bài Viết Xem Nhiều Nhất

  • Truyện Trạng Quỳnh
  • Nguồn Gốc họ Phạm
  • Tục Ngữ Việt - GS Văn Hòe
  • Mỗi Ngày Một Chuyện
  • Ba Giai -Tú Xuất
  • Đa số giáo viên ngoại ngữ chưa đạt chuẩn
  • Luật Hỏi Ngã
  • Hai Tiếng Việt Nam Bắt Đầu Từ Lúc Nào

Lưu Trữ

  • ▼  2012 (88)
    • ▼  June (16)
      • Luật Hỏi Ngã
      • Hải Đảo Của Yêu - Phóng tác OGXT
      • Tục Ngữ Việt - GS Văn Hòe
      • XuXu Đừng Khóc
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 71 đến Chương Cuối
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 61 đến 70
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 51 đến 60
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 41 đến 50
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 31 đến 40
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 21 đến 30
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 11 đến 20
      • Xu Xu Đừng Khóc - Chương 1 đến 10
      • Truyện Trạng Quỳnh
      • Ba Giai -Tú Xuất
      • Cỏ đá - Viên kẹo Ú
      • Mướp Đắng

Từ khóa » Dán Phù Luồn Kèo