Tuyên Bố Mất Tích Và Tuyên Bố Chết Theo Quy định Của Pháp Luật
Có thể bạn quan tâm
Tuyên bố mất tích và tuyên bố chết được quy định tại Điều 68 và Điều 71 Bộ luật dân sự 2015. Cùng Lawkey tìm hiểu về nội dung này dưới đây.
Tuyên bố mất tích và tuyên bố chết là gì?
Đây là một chế định đặc biệt của luật dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân cũng như những chủ thể có liên quan khác.
Khoản 3 Điều 16 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”, cái chết của cá nhân là sự kiện pháp lí làm chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân nhưng cái chết đó phải được xác định một cách đích xác và theo quy định của pháp luật thì phải “khai tử” theo quy định “Cá nhân chết phải được khai tử” (Khoản 2 Điều 30 BLDS)
Trong thực tế có những trường hợp, vì các lí do khác nhau (những rủi ro, chiến tranh, tai nạn và kể cả nguyên nhân do chính cá nhân đó tạo ra) đã không thể xác định được cá nhân đó còn sống hay đã chết. Trong những trường hợp như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, của những người có quyền, lợi ích liên quan, pháp luật quy định những điều kiện, trình tự để tạm dừng hoặc chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân dưới hai hình thức: Tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết.
Tuyên bố mất tích
Điều kiện
Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. (Điều 68 BLDS).
Căn cứ vào quy định này, toà án có thể tuyên bố một người mất tích khi có các điều kiện sau:
– Biệt tích đã hai năm liền trở lên, không có một tin tức nào về người đó còn sống hay đã chết. Pháp luật không quy định rõ phạm vi không gian cũng như chủ thể về việc nhận biết các tin tức này nhưng căn cứ vào Điều 64 BLDS có thể xác định:
+ Về không gian, tại nơi cư trú cuối cùng của người đó, là nơi cư trú của cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự.
+ Về chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích đó là người có quyền, lợi ích liên quan, đây là những người có mối liên hệ (theo quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hành chính, quan hệ lao động, quan hệ dân sự hoặc các quan hệ khác) mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng do sự vắng mặt của chủ thể. Theo nguyên tắc, người nào có quyền về tài sản liên quan đến người biệt tích sẽ bị thiệt hại nếu không tuyên bố người đó mất tích thì họ có quyền yêu cầu toà án tuyên bố người đó mất tích.
Những người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu toà án thông báo, tìm kiếm người vắng mặt. Toà án có thể tự mình thông báo hoặc yêu cầu những người này thông báo. Cách thức, biện pháp thông báo được quy định trong luật tố tụng dân sự, như phạm vi thông báo, phương tiện thông báo… Sau khi đã thông báo với thời hạn luật định mà vẫn không có tin tức gì về người đó còn sống hay đã chết.
+ Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
– Từ ngày biết được tin tức cuối cùng của người đó thì người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu toà án tuyên bố người đó mất tích. Theo nguyên tắc chung của luật tố tụng dân sự, toà án chỉ xem xét và giải quyết khi đương sự có yêu cầu và trong phạm vi yêu cầu đó. Bởi vậy, khi xem xét yêu cầu của đương sự, toà án phải kiểm tra các điều kiện cần thiết và nếu thấy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định, toà án ra quyết định tuyên bố người biệt tích đó là mất tích.
Hậu quả của việc tuyên bố mất tích
Việc tuyên bố một người mất tích kéo theo những hậu quả pháp lí nhất định: Tạm thời đình chỉ tư cách chủ thể của người bị tuyến bố là mất tích, tuy nhiên quyết định này không làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ. Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được quản lí theo quyết định của toà án được quy định tại các điều 65, 66, 67, 69 BLDS về Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, Quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú và Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là mất tích xin li hôn thì toà án giải quyết cho li hôn.
Hủy bỏ việc quyết định tuyên bố mất tích
Việc tuyên bố một người là mất tích chỉ tạm dừng năng lực chủ thể của người đó. Việc tạm dừng này có thể thay đổi theo một trong hai hướng: Phục hồi năng lực chủ thể hoặc chấm dứt tư cách chủ thể. Việc chấm dứt tư cách chủ thể được diễn ra khi có tin tức rằng họ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết. Phục hồi tư cách chủ thể của người bị tuyên bố là mất tích xảy ra trong hai trường hợp:
– Người bị tuyên bố mất tích trở về.
– Có tin tức chứng tỏ người đó còn sống.
Khi có một trong hai trường hợp đó thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó mất tích. Người bị tuyên bố mất tích trở về có quyền yêu cầu người quản lí tài sản trả lại tài sản cho mình. Tuy nhiên, quyết định li hôn của vợ hoặc chồng người bị tuyên bố là mất tích vẫn có hiệu lực pháp luật.
Tuyên bố chết
Điều kiện
Theo quy định tại Điều 71 BLDS, trong bốn trường hợp sau, toà án có thể tuyên bố một người là đã chết.
– Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống. Trong trường hợp này việc tuyên bố một người bị mất tích tạm dừng năng lực chủ thể của họ được diễn ra theo hướng chấm dứt tư cách chủ thể của người đó. Sau ba năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của toà án có hiệu lực pháp luật mà không cần đòi hỏi thêm một thủ tục thông báo nào (của toà án cũng như người có quyền, lợi ích liên quan) toà án có thể tuyên bố người đó là đã chết.
– Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống. Ngày chiến tranh kết thúc có thể quy định khác nhau: Ngày chiến thắng, ngày tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ngày kí hiệp định đình chiến, hòa bình, ngày tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh… tùy theo từng hoàn cảnh và các cuộc chiến tranh cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hoặc được xác định theo thông lệ quốc tế.
– Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống. Người bị tuyên bố là đã chết phải ở trong số người bị tai nạn (cư dân trong các vùng bị động đất, núi lửa, sóng thần; hành khách trong các tai nạn giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không; người trong hầm lò bị sập, trên tàu bị đắm, bị lốc cuốn… mà không xác định được hoặc do không tìm thấy thi thể nạn nhân).
– Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống. Khi một người biệt tích thì phải áp dụng các quy định về thông báo, tìm kiếm giống như trường hợp tìm kiếm người mất tích. Sau hai năm có thể tuyên bố mất tích, sau năm năm có thể tuyên bố là đã chết. Nếu có tuyên bố mất tích thì phải áp dụng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 71 BLDS, nếu không tuyên bố mất tích thì biệt tích năm năm liền trở lên toà án có thể tuyên bố một người là đã chết.
+ Thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Tuỳ từng trường hợp, toà án xác định ngày chết của người đó trong bản án hoặc quyết định của toà án. Nếu không xác định ngày người đã chết trong bản án hoặc quyết định của toà án thì ngày chết là ngày bản án hoặc quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật. Thông thường, đối với người biệt tích trong các tai nạn, thảm họa, thiên tai thì ngày chết là ngày xảy ra thảm họa, thiên tai đó.
Hủy bỏ quyết định tuyên bố chết
Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ trường hợp sau đây:
– Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
– Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.
Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được giải quyết theo quy định của BLDS và Luật hôn nhân và gia đình.
Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Trên đây là nội dung Tuyên bố mất tích và tuyên bố chết theo quy định của pháp luật Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Từ khóa » Tiểu Luận Tuyên Bố Mất Tích Tuyên Bố Chết
-
Tiểu Luận Luật Dân Sự - Tuyên Bố Chết, Tuyên Bố Mất Tích Và Hậu Quả ...
-
Điều Kiện Và Hậu Quả Pháp Lý Của Việc Tuyên Bố Cá Nhân Mất Tích ...
-
Tuyên Bố Chết, Mất Tích Và Hậu Quả Pháp Lí Của Việc Tuyên Bố Cá ...
-
Tiểu Luận Khái Quát Quy định Về Tuyên Bố Mất Tích Trong Luật Dân Sự ...
-
Tiểu Luận Tuyên Bố Chết, Mất Tích Và Hậu Quả Pháp Lí Của Việc Tuyên ...
-
Tiểu Luận Tuyên Bố Mất Tích Tuyên Bố Chết Archives - Luật Sóng Hồng
-
Tuyên Bố Chết Mất Tích Và Hậu Quả Pháp Lí Của Việc Tuyên Bố Cá Nhân ...
-
Đề Tài Tuyên Bố Chết, Mất Tích Và Hậu Quả Pháp Lí Của ... - Luận Văn
-
[Luận Văn] Thủ Tục Giải Quyết Yêu Cầu Tuyên Bố Một Người Mất Tích ...
-
[DOC] 2. Trường Hợp Thực Tiễn Tuyên Bố Cá Nhân Bị Mất Tích - Luật Dương Gia
-
Ba Vụ Việc Về Việc Tuyên Bố Một Người Là đã Chết - Luận Văn
-
Luận Văn Đề Tài Tuyên Bố Chết, Mất Tích Và Hậu Quả Pháp Lí Của Việc ...
-
So Sánh Hậu Quả Pháp Lý Của Việc Tuyên Bố Một Người Mất Tích Với ...
-
Về Việc Xác định Ngày Chết Của Người Bị Tuyên Bố Là đã Chết Theo ...