Tuyến Yên Là Gì? Cấu Trúc Và Chức Năng Của Tuyến Yên - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Tuyến yên là gì?
- Tuyến yên nằm ở đâu?
- Cấu tạo tuyến yên
- Chức năng tuyến yên
Cơ thể chúng ta có 2 con đường điều khiển chính: thần kinh và nội tiết. Hệ nội tiết điều hòa thông qua các Hormon. Tuyến yên là một trong những trung tâm điều hòa cấp cao của cơ thể. Vậy cụ thể Tuyến yên là gì? Tuyến yên nằm ở đâu? Cùng Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu về tuyến yên thông qua bài viết này nhé.
Tuyến yên là gì?
Tuyến yên là một phần của hệ thống nội tiết của bạn. Chức năng tuyến yên là tiết ra hormone vào máu của bạn. Tuyến yên kiểm soát chức năng của hầu hết các tuyến nội tiết khác vì vậy nó còn được gọi là tuyến chủ.
Hormone này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và tuyến khác, đặc biệt là:
- Tuyến giáp.
- Cơ quan sinh sản.
- Tuyến thượng thận.
Ngoài ra, tuyến yên được kiểm soát phần lớn bởi vùng dưới đồi, một vùng não nằm ngay trên tuyến yên.
Tuyến yên nằm ở đâu?
Tuyến yên là một tuyến nhỏ, đường kính khoảng 1 cm, nằm trong hố yên của xương bướm. Kích thích tuyến yên bằng hạt đậu và khối lượng 0.5g nằm trong cấu trúc xương (sella turcica) ở đáy não.
Cấu tạo tuyến yên
Tuyến yên là một tuyến hỗn hợp. Dựa vào hình thể, nguồn gốc thai và chức năng, người ta chia tuyến yên làm ba thùy: thùy trước, thuỳ giữa và thuỳ sau.
Xem thêm: Tuyến tụy: Cấu trúc và chức năng.
1. Thùy trước tuyến yên (tuyến yên bạch)
Thùy trước được chia làm 3 phần: phần phễu, phần trung gian, và phần xa (hay phần hầu). Tuyến yên trước có tính chất là một tuyến nội tiết thật sự. Nó gồm hai loại tế bào:
- Tế bào ưa acid tiết ra hormon GH và Prolactin.
- Tế bào ưa kiềm tiết ra ACTH, TSH, FSH, LH, Lipoprotein…
Khoảng 30 – 40% tế bào ưa acid, 20% tế bào tuyến là tế bào tổng hợp và bài tiết ACTH. Các loại tế bào còn lại, mỗi loại chỉ chiếm 3 – 5% nhưng có khả năng rất mạnh bài tiết TSH, FSH, LH, PRH.
Các hormon này tham gia vào rất nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể như:
- Quyết định sự tăng trưởng của cơ thể (GH).
- Sự tăng trưởng và phát triển các tuyến sinh dục (LH, FSH).
- Đặc biệt các hormon tiền yên còn có tác động điều hòa hầu hết các tuyến nội tiết khác. Nên người ta gọi tuyến yên là đầu đàn trong các tuyến hệ nội tiết.
2. Thùy sau tuyến yên
Gồm các tế bào giống như các tế bào mô thần kinh đệm nên còn gọi là thùy thần kinh. Các tế bào không có khả năng bài tiết hormon mà có chức năng hỗ trợ cho các sợi trục. Chúng chứa các hormon do vùng dưới đồi bài tiết ra đó là Vasopressin và Oxytoxin.
- Vasopressin (ADH):hay còn gọi là hormon chống đa niệu. Có tác dụng làm tăng hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp của thận. Nếu thiếu hormon này thì nước không thể tái hấp thu ở thận gây bệnh đái tháo nhạt.
- Oxytoxin: đây là hormone làm tăng co bóp cơ tử cung. Phụ nữ có thai thường có nồng độ hormone này tăng cao trong máu. Trong chuyển dạ, tác dụng của oxytoxin làm co bóp mạnh cơ tử cung và đẩy thai nhi ra ngoài.
3. Thùy giữa tuyến yên
Thường phát triển mạnh ở động vật cấp thấp, ở người chỉ phát triển ở trẻ nhỏ. Thuỳ giữa tuyến yên tiết ra MSH có tác dụng phân bố sắc tố da.
4. Mạch máu và thần kinh
Mạch máu được cung cấp từ vùng dưới đồi qua hệ thống cửa dưới đồi-yên. Động mạch cung cấp máu cho tuyến yên là hai nhánh: động mạch tuyến yên trên và động mạch tuyến yên dưới. Cả hai đều xuất phát từ động mạch cảnh trong.
Thần kinh: có ở thùy sau, là bó sợi thần kinh đi từ nhân trên thị và nhân cạnh não thất của vùng dưới đồi xuống.
Chức năng tuyến yên
Chức năng của tuyến yên thể hiện qua tác dụng của những Hormon mà nó tiết ra.
Các hormon thùy trước
Hormon tăng trưởng (GH)
Bản chất hoá học: GH là một phân tử polypeptid, có 191 acid amin, trọng lượng phân tử 22.005.
Vai trò đối với cơ thể:
1. Tác dụng phát triển cơ thể
Tác dụng lên hầu hết các mô cơ thể. Nó kích thích tăng số lượng và kích thước tế bào, tăng kích thước các phủ tạng.
Kích thích phát triển các mô sụn ở đầu xương dài do đó làm thân xương dài ra. Đồng thời mô sụn cũng dần được cốt hoá sao cho đến tuổi vị thành niên. Lúc này đầu xương và thân xương hợp nhất với nhau và xương không dài nữa. GH gây dày màng xương ở xương đã cốt hóa. Tác dụng này rõ trong giai đoạn phát triển và tiếp tục duy trì suốt đời.
2. Tác dụng lên chuyển hóa
Tăng tổng hợp protein, tăng thu nhận acid amin vào tế bào.
Gây tăng đường huyết do làm giảm sử dụng glucose tế bào, tăng dự trữ glycogen tế bào, giảm đưa glucose vào tế bào. Tăng bài tiết insulin và kháng insulin ở mô cơ làm giảm vận chuyển glucose qua màng tế bào.
Tăng huy động mỡ dự trữ nhằm cung cấp năng lượng do đó tăng nồng độ acid béo trong máu. Dưới tác dụng của GH, lipid được sử dụng để tạo năng lượng. Từ đó nhằm tiết kiệm protein dành cho sự phát triển cơ thể.
3. Điều hòa bài tiết GH
- Nồng độ GH thay đổi tùy lứa tuổi. Vào khoảng 1,5 – 3ng/ml ở người trưởng thành, 6ng/ml ở trẻ em và tuổi dậy thì. Sự bài tiết dao động từng phút và phụ thuộc nhiều yếu tố (hạ đường huyết, vận cơ, chấn thương…). Nồng độ GH cao nhất ban ngày 3 – 4 giờ sau bữa ăn. Ban đêm GH tăng hai giờ đầu giấc ngủ say rồi giảm dần đến sáng.
- GH được kiểm soát bởi hai hormon vùng dưới đồi là GRH và GIH qua cơ chế điều hòa ngược. Nồng độ glucose máu giảm, nồng độ acid béo giảm, thiếu protein kéo dài làm tăng tiết GH. Ngoài ra, các tình trạng stress, chấn thương, luyện tập sẽ làm tăng tiết GH.
Hormon kích thích tuyến giáp (TSH)
Bản chất hoá học: TSH là một glycoprotein, trọng lượng phân tử khoảng 28.000.
Vai trò: Tất cả các giai đoạn tổng hợp, bài tiết hormon giáp. Dinh dưỡng tuyến giáp và tăng phát triển hệ thống mao mạch của tuyến giáp.
Điều hoà bài tiết: TSH được bài tiết do sự điều khiển của TRH, phụ thuộc vào nồng độ T3, T4 tự do theo cơ chế điều hòa ngược. Nồng độ bình thuờng người trưởng thành là 0,91 mU/L.
Hormon kích thích vỏ thượng thận (ACTH)
Bản chất hoá học: ACTH là một polypeptid có 39 acid amin, trọng lượng phân tử 5000. Phần lớn ở dạng tiền chất POMC.
Vai trò với cơ thể:
- Dinh dưỡng, kích thích sự tổng hợp và bài tiết hormon vỏ thượng thận.
- Tác dụng chủ yếu lên lớp bó và lớp lưới bài tiết glucocorticoid và androgen.
- Trên tổ chức não, ACTH làm tăng quá trình học tập và trí nhớ.
- Do có một phần cấu trúc gần giống MSH nên cũng có tác dụng MSH. Ở người do lượng MSH bài tiết không đáng kể nên chính ACTH có tác dụng kích thích tế bào sắc tố sản suất melanin, do đó sự rối loạn bài tiết ACTH cũng gây tăng hay giảm sắc tố ở da.
Điều hoà bài tiết: Sự bài tiết ACTH do nồng độ CRH của vùng dưới đồi quyết định. Khi nồng độ CRH tăng làm tăng tiết ACTH. Ngoài ra còn do tác dụng điều hoà ngược âm tính và dương tính của cortisol. Đồng thời ACTH cũng được điều hoà theo nhịp sinh học, nồng độ cao nhất từ 6 – 8 giờ sáng. Ở người Việt Nam trưởng thành (lấy máu lúc 8 giờ 30 phút trên 25 nam khoẻ mạnh) nồng độ ACTH là 4,60 pg/ml.
Hormon kích thích bài tiết sữa- Prolactin (PRL)
Bản chất hoá học: 198 acid amin, trọng lượng phân tử 22.500.
Tác dụng: Kích thích tăng trưởng tuyến vú và sự sản xuất sữa lúc có thai và cho con bú. Đồng thời ức chế tác dụng của Gonadotropin tại buồng trứng.
Điều hoà bài tiết:
- Bình thường prolactine bị ức chế bởi PIH ở vùng dưới đồi. Nó được bài tiết với nồng độ rất thấp, 110 – 510 mU/L ở nam và 80 – 600 mU/L ở nữ. Khi có thai prolactin tăng dần từ tuần thứ 5 của thai kỳ cho tới lúc sinh. Nồng độ tối đa có thể gấp 10 – 20 lần bình thường.
- Estrogen và progesteron ức chế bài tiết sữa. Nên khi đứa trẻ sinh ra cả hai hormon trên giảm đột ngột tạo điều kiện cho prolactin phát huy tác dụng bài tiết sữa.
Các hormon hướng sinh dục
Bản chất hoá học:
- Cả FSH và LH đều là các glycoprotein.
- FSH (kích noãn tố) có 236 acid amin, trọng lượng phân tử 32.000. Còn LH (kích hoàng thể tố), có 215 acid amin, trọng lượng phân tử 30.000.
Tác dụng:
- FSH ở nam giới tác dụng dinh dưỡng tinh hoàn, phát triển ống sinh tinh và sản sinh tinh trùng. Ở nữ giới kíck thích sự phát triển của các nang trứng trong giai đoạn đầu. Hormon FSH phối hợp với LH làm cho trứng chín, rụng và bắt đầu bài tiết estrogen.
- LH Ở nam giới tác dụng dinh dưỡng tế bào Leydig, kích thích sự bài tiết testosteron. Ở nữ giới gây hiện tượng rụng trứng, tiết estrogen. Sau đó tạo hoàng thể và kích thích sự bài tiết progesteron.
Điều hoà bài tiết:
- Hai hormon trên được điều hòa theo cơ chế điều khiển ngược âm tính của estrogen, progesteron, testosteron và GnRH.
- Nồng độ FSH và LH ở nữ dao động trong chu kỳ kinh nguyệt.
Hormon thùy giữa
POMC (proopiomelanocortin)
Trong tiền yên POMC được thủy phân thành ACTH, MSH, LPH và endorphin.
Trong tuyến yên giữa, POMC được thủy phân thành một peptid giống ACTH là CLIP g-LPH, b-endorphin.
MSH (Melanostimulating hormon)
Kích thích sự tổng hợp melanin trong các tế bào hắc tố (melanocyte).
LPH
Chứa các phân tử endorphin và enkephalin là những peptid gắn chất tiếp nhận á phiện (opioid receptor).
Các hormon thùy sau
Hai hormon được bài tiết từ thuỳ sau tuyến yên có nguồn gốc từ vùng dưới đồi. Chúng do nhân trên thị và nhân cạnh não thất bài tiết. Sau khi được tổng hợp chúng được vận chuyển theo sợi trục đến chứa ở các túi nằm trong tận cùng thần kinh khu trú ở thuỳ sau tuyến yên. Hai hormon đó là oxytocin và ADH.
ADH (antidiuretic hormon)
Chủ yếu là tăng tái hấp thu nước ở ống xa và ống góp. Liều cao gây co mạch, tăng huyết áp nên còn gọi là vasopressin.
Bài tiết phụ thuộc vào áp suất thẩm thấu và thể tích dịch ngoại bào.
Khi áp suất thẩm thấu tăng, nhân trên thị bị kích thích sẽ truyền tín hiệu đến thuỳ sau tuyến yên và gây bài tiết ADH. Thể tích máu giảm, gây kích thích mạnh bài tiết ADH.
Oxytocin
Gây co thắt tế bào biểu mô cơ. Chúng là những tế bào nằm thành hàng rào bao quanh nang tuyến sữa. Những tế bào này co lại sẽ ép vào các nang tuyến và đẩy sữa ra ống tuyến. Khi đứa trẻ bú sẽ nhận được sữa. Tác dụng này gọi là tác dụng bài xuất sữa, khác với tác dụng gây bài tiết sữa của prolactin.
Gây co cơ tử cung mạnh khi có thai, đặc biệt mạnh vào cuối thai kỳ, lúc chuyển dạ.
Oxytocin được bài tiết khi có kích thích trực tiếp vào tuyến vú (động tác mút vú của đứa trẻ) hoặc kích thích tâm lý.
Tuyến yên là cơ quan điều khiển hoạt động của nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Hệ thống phản hồi, điều hòa của nó gồm nhiều Hormon phức tạp. Hiểu rõ cấu trúc tuyến yên giúp nhận biết sớm các bất thường và được điều trị kịp thời.
Từ khóa » Thùy Trước Tuyến Yên
-
Tuyến Yên: Vị Trí, Chức Năng, Các Bệnh Thường Gặp | Vinmec
-
Vai Trò Của Tuyến Yên Trong Hệ Thống Nội Tiết | Vinmec
-
Tổng Quan Về Hệ Thống Hệ Nội Tiết - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
[PDF] CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SUY THÙY TRƯỚC TUYẾN YÊN
-
Tuyến Yên – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tuyến Yên Nằm ở đâu Và đảm Nhận Chức Năng Gì đối Với Cơ Thể?
-
Tuyến Yên Nằm ở đâu? Chức Năng Tuyến Yên Là Gì?
-
Tuyến Yên - Y Học Cộng Đồng
-
Vai Trò Của Tuyến Yên | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Suy Thùy Trước Tuyến Yên - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Bệnh Tuyến Yên (tăng PROLACTIN, To Viễn Cực ,đái Tháo Nhạt )
-
Suy Tuyến Yên | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
U Tuyến Yên: Biểu Hiện Lâm Sang Chung Và Chuẩn đoán Xác định Các ...