U Nguyên Bào Thần Kinh đệm Là Gì? - Hello Bacsi

U nguyên bào thần kinh đệm là một dạng ung thư não rất hung hãn, tức là chúng có thể phát triển và xâm lấn nhanh chóng. Khoảng 12–15% các khối u não là thuộc loại u này. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo độ tuổi nên ít khi gặp phải khối u não này ở trẻ em.

Người bệnh khi được chẩn đoán khối u nguyên bào thần kinh đệm thường không có tiên lượng tốt vì chúng rất ác tính. Nếu không điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì bệnh tình sẽ diễn biến rất phức tạp. Để tìm hiểu thêm thông tin về căn bệnh này, mời bạn đọc tiếp bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

U nguyên bào thần kinh đệm là gì?

U nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma), hay đầy đủ hơn là u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng (GBM – glioblastoma multiforme), là một dạng khối u não ác tính khá phổ biến ở người lớn. Về bản chất, khối u này thuộc loại u sao bào (astrocytoma) – các tế bào thần kinh đệm có hình sao giúp nuôi dưỡng và hỗ trợ các tế bào thần kinh (neuron) trong não bộ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì u nguyên bào thần kinh đệm được xếp vào nhóm u sao bào độ IV.

U sao bào được chia thành 4 cấp độ dựa trên những đặc điểm khác biệt của chúng so với tế bào bình thường. Mỗi cấp độ sẽ phản ánh tốc độ phát triển và tính xâm lấn của khối u. Một khối u ở độ IV đồng nghĩa với việc chúng là loại phát triển nhanh và mạnh nhất, có thể lan rộng khắp não bộ trong thời gian ngắn.

Ở người lớn, khối u này thường bắt đầu từ đại não, phần lớn nhất trong não bộ. Đặc tính của chúng là phát triển nhanh và dễ dàng xâm lấn lan tỏa sang các mô lân cận. Thế nhưng, khối u hiếm khi ảnh hưởng đến các vị trí bên ngoài não bộ.

Nguyên phát và thứ phát

U nguyên bào thần kinh đệm được chia thành hai loại là:

  • Nguyên phát: là loại phổ biến nhất và cũng hung hãn nhất.
  • Thứ phát: ít gặp hơn và sự phát triển của khối u cũng chậm hơn. Loại này thường bắt nguồn từ u sao bào ở cấp độ thấp. Hầu hết bệnh nhân có khối u thứ phát này ở độ tuổi từ 45 trở xuống.

Vị trí phát triển khối u này thường là ở thùy trán và thùy thái dương. Ngoài ra, u cũng có thể xuất hiện trong thân não, tiểu não và ở phần khác ở não hay tủy sống.

Triệu chứng

Các dấu hiệu, triệu chứng u nguyên bào thần kinh đệm là gì?

u nguyên bào thần kinh đệm

Người bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng khi khối u phát triển và gây áp lực (chèn ép) lên các bộ phận khác trong não bộ. Nếu khối u chưa quá lớn, bạn có thể không có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào. Tùy thuộc vào vị trí của khối u mà mỗi bệnh nhân sẽ trải qua các triệu chứng hơi khác nhau.

Các triệu chứng u nguyên bào thần kinh đệm có thể gặp phải gồm:

  • Đau đầu dai dẳng, đau tăng dần
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Buồn ngủ
  • Mất sức cơ (hay liệt) ở một bên cơ thể
  • Mất trí nhớ tiến triển dần
  • Gặp khó khăn khi nói chuyện và sử dụng ngôn ngữ
  • Thay đổi tính cách, tâm trạng
  • Nhìn đôi hoặc nhìn mờ
  • Chán ăn
  • Co giật (cơn động kinh)

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây u nguyên bào thần kinh đệm là gì?

u nguyên bào thần kinh đệm

Nguyên nhân cụ thể gây ra dạng u não này vẫn chưa được biết rõ. Tương tự như các bệnh ung thư khác, khối u này cũng được hình thành khi các tế bào phát triển mất kiểm soát do những thay đổi trong cấu trúc gen.

Dù chưa biết rõ nguyên nhân nhưng có những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến nguy cơ bị u nguyên bào thần kinh đệm. Đối tượng có nhiều khả năng mắc phải căn bệnh này là:

  • Nam giới
  • Trên 50 tuổi (bệnh thường được phát hiện ở những người 45–70 tuổi)
  • Người châu Âu hoặc châu Á

Bệnh lý này không có yếu tố di truyền.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Các kỹ thuật nào dùng để chẩn đoán u nguyên bào thần kinh đệm?

Để đưa ra chẩn đoán một người có bị u nguyên bào thần kinh đệm hay không, bác sĩ sẽ cần:

  • Thăm khám về thần kinh. Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu và triệu chứng bạn gặp phải. Tiếp đến, họ tiến hành kiểm tra thị lực, thính lực, cảm giác thăng bằng, khả năng phối hợp, sức mạnh và phản xạ. Nếu có vấn đề xảy ra, đó có thể là manh mối giúp đưa ra phán đoán về khu vực não bộ nào đang bị ảnh hưởng.
  • Tiến hành các xét nghiệm hình ảnh. Chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp bác sĩ xác định được vị trí và kích thước khối u trong não (nếu có). Kỹ thuật thường được sử dụng là chụp MRI, ngoài ra có thể chụp CT hay PET.
  • Sinh thiết. Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết bằng kim trước hoặc trong khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, tùy vào tình trạng cụ thể và vị trí của khối u. Mẫu mô thu thập được sẽ đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định loại tế bào và mức độ hung hãn của chúng.

Các xét nghiệm chuyên biệt dành cho tế bào ung thư có thể giúp bác sĩ có thêm thông tin về đột biến xảy ra. Từ đó, họ có cơ sở hơn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị và dự đoán về tiên lượng của bệnh nhân.

Điều trị u nguyên bào thần kinh đệm như thế nào?

u nguyên bào thần kinh đệm

Thực tế, căn bệnh này rất khó điều trị và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Khối u nguyên bào thần kinh đệm phát triển rất nhanh chóng như những ngón tay xâm lấn đến các vùng não bình thường nên rất khó loại bỏ triệt để bằng phẫu thuật. Trong khối u này cũng chứa nhiều loại tế bào khác nhau. Trong khi đó, một số phương pháp điều trị hoạt động tốt trên một số tế bào nhưng không hiệu quả với những loại tế bào khác.

Mục tiêu trong điều trị u nguyên bào thần kinh đệm lả làm chậm và kiểm soát sự phát triển của khối u, đồng thời giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng và sống thoải mái nhất có thể. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u càng nhiều càng tốt. Vì rất khó loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư nên người bệnh sẽ cần tiếp nhận điều trị bổ sung sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào còn sót lại.
  • Xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường tiến hành sau khi phẫu thuật và có thể kết hợp với hóa trị. Ở những người không thể phẫu thuật, xạ – hóa trị có thể trở thành phương pháp điều trị chính.
  • Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể đặt thuốc hóa trị phóng thích từ từ vào trong não để tiêu diệt tế những tế bào ung thư. Sau phẫu thuật, thuốc hóa trị dạng viên uống thường được sử dụng trong và sau xạ trị. Nếu u nguyên bào thần kinh đệm tái phát, bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang loại hóa trị liệu khác, thường là qua đường tiêm tĩnh mạch cánh tay.
  • Thuốc điều trị nhắm trúng đích với khả năng tấn công vào những bất thường của tế bào ung thư giúp tiêu diệt những tế bào này.
  • Các thử nghiệm lâm sàng mới đưa đến cho bệnh nhân cơ hội lựa chọn điều trị bằng các phương pháp mới nhất. Tuy nhiên, những rủi ro từ chúng chưa được thiết lập rõ ràng. Bạn cần trao đổi với bác sĩ xem có đủ điều kiện để tham gia vào các thử nghiệm điều trị mới hay không.
  • Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc giảm đau và các triệu chứng khác cho bệnh nhân. Cách thức này có thể được thực hiện cùng các phương pháp điều trị tích cực khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.

Tiên lượng sống

Người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm sống được bao lâu?

Tiên lượng sống của một người bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bác sĩ cũng không thể dự đoán chính xác rằng bạn có thể sống thêm được bao lâu sau khi được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này.

Dựa trên khảo sát ở một số lượng lớn người bệnh, thời gian sống sót trung bình khi mắc phải u nguyên bào thần kinh đệm là từ 15–16 tháng ở những người đã tiếp nhận điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Con số trung bình này có nghĩa là một nửa (50%) số người bệnh đã sống đến khoảng thời gian trên.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh ở mỗi người đều không giống nhau. Một số người có thể không sống thêm được nhiều thời gian. Ngược lại, có những người bệnh sống thêm được đến 5 năm hoặc hơn, dù trường hợp này rất ít. Tỷ lệ sống sót ở người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm:

  • Một năm: 40,2%
  • Hai năm: 17,4%
  • Năm năm: 5,6%

Tiên lượng sống ở trẻ em mắc phải khối u này dường như tốt hơn so với người lớn. Khoảng 25% trẻ em mắc bệnh sống thêm được 5 năm trở lên. Dù vậy, các phương pháp điều trị mới hiện nay đang cố gắng giúp người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm kéo dài tuổi thọ hơn.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Các Loại Tế Bào Thần Kinh đệm