Ứng Dụng Các Phương Pháp Quản Lý Kinh Tế Vào Doanh Nghiệp Việt ...

  1. Đầu tư - Kinh doanh

Đặt vấn đề

Phương pháp quản lý là tổng thể những cách thức tác động có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý (cấp dưới và các tiềm năng của tổ chức) và khách thể quản lý (các hệ thống khác, các ràng buộc của môi trường…) trên cơ sở lựa chọn những công cụ và phương tiện thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức.

Trong hoạt động của một tổ chức nói chung và doanh nghiệp (DN) nói riêng, để giúp bộ máy vận hành hiệu quả, cùng với việc tuân thủ đúng các nguyên tắc quản lý các nhà lãnh đạo cần phải vận dụng sáng tạo và linh hoạt các phương pháp quản lý.

Hiện nay, về mặt lý thuyết, có thể phân loại các phương pháp quản lý gồm:

(1) Theo phương thức tác động, có phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp; (2) Theo chức năng quản lý, có các phương pháp kế hoạch hoá, phương pháp tổ chức, phương pháp kiểm tra, hạch toán…;

(3) Theo nội dung và cơ chế hoạt động quản lý, có các phương pháp kinh tế, phương pháp hành chính - tổ chức và phương pháp tâm lý xã hội/ giáo dục; (4) Theo phạm vi, đối tượng tác động có các phương pháp quản lý nội bộ hệ thống và các phương pháp tác động lên các hệ thống khác.

Trong bài viết này, tác giả trao đổi phương pháp quản lý kinh tế và việc vận dụng phương pháp này vào DN hiện nay.

Tổng quan về phương pháp quản lý kinh tế

Nhóm phương pháp kinh tế là các phương pháp tác động vào đối tượng quản lý thông qua các lợi ích kinh tế bằng việc sử dụng các đòn bẩy kinh tế (tiền lương, tiền thưởng, tiền phạt, giá cả, lợi nhuận…), để đối tượng quản lý tự lựa chọn phương án hoạt động có hiệu quả nhất trong phạm vi hoạt động (môi trường làm việc) của họ. Cơ sở khách quan của các phương pháp kinh tế là sự vận dụng các quy luật kinh tế trong quản lý.

Theo các chuyên gia, đặc điểm của các phương pháp kinh tế tác động đến đối tượng quản trị không bằng biện pháp hành chính mà bằng lợi ích, nghĩa là mục tiêu nhiệm vụ phải đạt được, đồng thời, đưa ra những điều kiện khuyến khích về kinh tế, những phương tiện vật chất có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ.

Chính các tập thể lao động (với tư cách đối tượng quản trị) vì lợi ích thiết thân của mình mà phải tự xác định và lựa chọn phương án giải quyết vấn đề.

Phương pháp quản lý kinh tế có thể xét trên cấp độ quốc gia và cấp độ doanh nghiệp. Xét ở cấp độ quốc gia, ngày nay, xu hướng chung của các nước là mở rộng việc áp dụng các phương pháp kinh tế. Việc áp dụng các biện pháp kinh tế luôn gắn với việc sử dụng các đòn bẩy kinh tế như giá cả, lợi nhuận, tín dụng, lãi suất, tiền lương, tiền thưởng...

Để nâng cao hiệu quả sử dụng các phương pháp kinh tế, cần hoàn thiện hệ thống các đòn bẩy kinh tế; nâng cao năng lực vận dụng các quan hệ hàng hoá - tiền tệ, quan hệ thị trường.

Đồng thời, thực hiện sự phân cấp đúng đắn giữa các cấp quản lý và đòi hỏi cán bộ quản lý phải có năng lực, trình độ, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu tình hình mới.

Ở cấp độ DN, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người đều tuân theo các quy luật kinh tế khách quan. Phương pháp kinh tế lấy lợi ích vật chất làm động lực thúc đẩy con người hành động, thể hiện qua thu nhập chính là đồng lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng của mỗi người, phù hợp với mức đóng góp của mình.

Khi thu nhập thực tế của con người chưa cao thì người lao động đặc biệt quan tâm đến lợi ích và thu nhập. Trước đây phương pháp này bị xem nhẹ nên người lao động làm việc hiệu quả thấp, thiếu sáng tạo. Vì vậy, người quản lý phải hết sức coi trọng vận dụng phương pháp quản lý kinh tế.

Trong hoạt động của DN, thực chất của các phương pháp kinh tế là đặt mỗi người lao động, mỗi tập thể lao động vào những điều kiện kinh tế để họ có khả năng kết hợp đúng đắn lợi ích của mình với lợi ích của DN.

Điều này cho phép người lao động lựa chọn con đường hiệu quả nhất để thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng thời, việc sử dụng phương pháp này đòi hỏi cán bộ quản trị phải có trình độ và năng lực về nhiều mặt, hiểu biết và thông thạo kinh doanh.

Vai trò của phương pháp kinh tế

Phương pháp kinh tế có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, vì nó tác động thông qua các lợi ích kinh tế, tạo ra sự quan tâm vật chất thiết thân của mỗi người và tập thể lao động.

Việc sử dụng phương pháp này tạo ra động lực kinh tế trực tiếp khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, động lực đó càng vững chắc nếu lợi ích cá nhân được kết hợp đúng đắn với lợi ích của tập thể và xã hội.

Các phương pháp kinh tế mở rộng quyền hành động, đồng thời tăng trách nhiệm kinh tế đối với các cá nhân và cấp dưới. Điều đó giúp chủ DN giảm được nhiều việc điều hành, kiểm tra, đôn đốc mang tính chất sự vụ hành chính; nâng cao ý thức kỷ luật tự giác của người lao động.

Việc sử dụng các phương pháp kinh tế luôn được chủ DN định hướng, nhằm thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, các mục tiêu kinh doanh của từng thời kỳ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, tác động thông qua lợi ích kinh tế chính là tạo ra động lực thúc đẩy con người tích cực lao động. Động lực đó sẽ càng lớn nếu nhận thức đầy đủ và kết hợp đúng đắn các lợi ích tồn tại khách quan trong DN.

Mặt mạnh của phương pháp kinh tế chính là tác động vào lợi ích kinh tế của đối tượng quản trị (là cá nhân hoặc tập thể lao động), căn cứ vào đó để lựa chọn phương án hoạt động, đảm bảo cho lợi ích chung được thực hiện.

Các phương pháp kinh tế tạo ra sự quan tâm vật chất thiết thân của đối tượng quản trị chứa đựng nhiều yếu tố tác động nhạy bén, linh hoạt, phát huy được tính chủ động của người lao động và các tập thể lao động.

Với biện pháp kinh tế đúng đắn, các lợi ích được thực hiện thoả đáng thì tập thể người lao động trong DN quan tâm hoàn thành nhiệm vụ, người lao động hăng hái sản xuất và nhiệm vụ chung được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Các phương pháp kinh tế là các phương pháp quản trị tốt nhất để thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thông thường, chủ DN tác động đến đối tượng bằng các phương pháp kinh tế sau:

Một là, định hướng phát triển DN bằng các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của DN, bằng những chỉ tiêu cụ thể cho từng thời gian, từng phân hệ của DN.

Hai là, sử dụng các định mức kinh tế; các biện pháp đòn bẩy, kích thích kinh tế để thu hút, khuyến khích các cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, có chế độ thưởng phạt vật chất, trách nhiệm kinh tế chặt chẽ để điều chỉnh hoạt động của các bộ phận, cá nhân, xác lập trật tự kỷ cương, chế độ trách nhiệm cho mọi bộ phận cho đến từng người lao động trong DN.

Vận dụng quản lý kinh tế trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Trên thế giới, phương pháp quản lý kinh tế được nhiều DN sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, do hội nhập kinh tế quốc tế, việc vận dụng quản lý trong hoạt động DN Việt Nam hiện nay có vai trò hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế trong DN Việt Nam hiện nay cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nhà quản trị DN cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phương pháp quản lý kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN và khuyến khích thúc đẩy người lao động nỗ lực cống hiến. Lợi ích vật chất là công cụ hữu hiệu để tác động lên đối tượng để tạo ra trong họ những động lực cần thiết cho công việc.

Hiệu quả của phương pháp này rất vững chắc, đối tượng quản lý sẽ rất yên tâm thực hiện công việc khi được đảm bảo các nhu cầu cuộc sống cần thiết và càng tích cực hơn khi thỏa mãn các nhu cầu ngày càng phát triển của họ.

Thứ hai, để có thể vận dụng hiệu quả phương pháp quản lý nhà quản trị cần phải có trình độ chuyên môn, khả năng tính toán, hạch toán độc lập. Nhà quản trị cũng phải có khả năng thuyết phục đối với người lao động, chẳng hạn phải làm họ hiểu rõ rằng, lao động, làm việc, cống hiến càng hiệu quả thì lợi ích vật chất nhận về càng nhiều.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, người lao động cần học tập, học hỏi và lựa chọn phương thức quản lý phù hợp, tránh vì lợi ích mà tạo nên những căng thẳng trong môi trường làm việc hoặc thực hiện các hành động phi pháp để đạt được kết quả.

Thứ ba, xây dựng chính sách lương thưởng hấp dẫn để khuyến khích người lao động. Chẳng hạn như: Có chế độ đãi ngộ đối với các nhân viên thực hiện KPI cao (được hưởng thêm 50% lương); có chính sách thưởng “nóng” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp đột biến cho đơn vị, DN...

Thứ tư, có biện pháp “kích thích” vật chất một cách hợp lý và thỏa đáng như là một trong những con đường cần thiết để đi đến mục tiêu trong hoạt động lãnh đạo. Bên cạnh việc áp dụng phương pháp quản lý kinh tế, nhà quản lý cũng cần vận dụng và kết hợp một cách sáng tạo, khoa học phù hợp với từng tình huống quản lý cụ thể các phương pháp khác, không xem nhẹ phương pháp nào.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Doan (1996), Các học thuyết quản lý, NXB Chính trị quốc gia;

2. Vũ Thế Phú (1999), Quản trị học, Đại học Mở bán công, TP. Hồ Chí Minh;

3. Nội dung chủ yếu, đặc điểm, ưu điểm và hạn chế của các phương pháp quản lý, https://dainganxanh.wordpress.com/2013/06/13/noi-dung-chu-yeu-dac-diem-uu-diem-va-han-che-cua-cac-phuong-phap-quan-ly/;

4. Một số website: khotrithucso.com, 123docz.net...

(*) Bùi Thị Hằng, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2021.

9 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam
Vietcombank có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam
MB cho vay kinh doanh với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm
Giá vàng miếng tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi được xây bằng vốn đầu tư công
Khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam
Tích cực triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội
TP. Hồ Chí Minh: Giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm ngày càng đắt đỏ
9 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam
Vietcombank có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam
Lan tỏa chính sách hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia để “nâng bước” học sinh đến trường
Tăng tốc giải ngân đầu tư công chặng "nước rút"
Cơ quan thuế đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi tem điện tử rượu và thuốc lá
5 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh
Phát triển đô thị xanh và bài toán quy hoạch
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trung Quốc công bố loạt biện pháp thúc đẩy thương mại
COP29: Các quốc gia giàu cam kết không xây mới nhà máy điện than

Từ khóa » Ví Dụ Vận Dụng Quy Luật Trong Quản Lý