Ung Thư đường Mật được Phát Hiện Và điều Trị Như Thế Nào?

Ung thư đường mật (hay còn gọi là carcinoma đường mật hoặc ung thư ống mật) là loại ung thư hiếm gặp. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo độ tuổi, chủ yếu gặp ở những người trên 65 tuổi. Bài viết sau đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về các yếu tố nguy cơ, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung thư này.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Yếu tố nguy cơ và dấu hiệu ung thư đường mật
    • 1.1. Tổng quan về đường mật và ung thư đường mật
    • 1.2. Các yếu tố nguy cơ
    • 1.3. Dấu hiệu ung thư đường mật là gì?
  • 2. Chẩn đoán ung thư đường mật
  • 3. Điều trị ung thư đường mật
    • 3.1. Phẫu thuật cắt bỏ khối u
    • 3.2. Hóa trị và xạ trị ung thư đường mật

1. Yếu tố nguy cơ và dấu hiệu ung thư đường mật

1.1. Tổng quan về đường mật và ung thư đường mật

Ống mật có đường kính nhỏ, nối giữa gan và ruột non. Dịch mật từ gan sẽ chảy qua các ống này dẫn lưu vào túi mật rồi đến ruột, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Ung thư ống mật khởi phát từ các tế bào lót tại hệ thống dẫn lưu mật với các vị trí chung gồm:

– Đường mật nằm trong gan (Ít gặp nhất).

– Nằm ngay bên ngoài gan, tại rãnh gan nơi ống dẫn mật thoát ra. Đây là vị trí thường gặp nhất của ung thư ống mật.

– Xa bên ngoài gan, nằm gần nơi ống mật đi vào ruột.

Đây là loại ung thư hiếm gặp, phát triển chậm, xâm lấn các cấu trúc bên trong. Do đó, bệnh thường được chẩn đoán muộn khi các ống dẫn mật đã bị tắc nghẽn. Khi đường mật bị tắc, quá trình thoát dịch mật từ gan vào túi mật và ruột sẽ bị ngăn cản. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, dẫn đến các rối loạn. Đồng thời, tắc ống dẫn mật có thể dẫn tới viêm gan và/hoặc viêm tụy, tùy thuộc vào vị trí cụ thể xảy ra tắc nghẽn.

Ung thư đường mật

Ung thư ống mật tiến triển chậm, xâm lấn cấu trúc bên trong nên thường được phát hiện muộn

1.2. Các yếu tố nguy cơ

– Bệnh viêm mạn tính các ống mật làm tăng nguy cơ carcinoma đường mật. Nguyên nhân viêm mạn tính bao gồm: viêm đường mật xơ cứng tiên phát, bệnh gan mạn tính (như viêm gan B, viêm gan C, viêm gan mạn tính do rượu, xơ gan),…

– Nhiễm trùng gan do một số bệnh lý ký sinh trùng.

– Sỏi trong gan là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư ống mật. Trong khi đó, sỏi mật lại không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

– Tuổi cao: Tỷ lệ mắc ung thư ống mật tăng theo độ tuổi.

– Một số bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp như: Hội chứng Caroli (giãn đường mật trong gan bẩm sinh), hội chứng Lynch II (ung thư đại trực tràng không polyp di truyền).

1.3. Dấu hiệu ung thư đường mật là gì?

Trên thực tế, bệnh có thể không có bất kỳ biểu hiện nào cho đến khi khối u tăng kích thước và di căn ra ngoài vị trí ban đầu. Người bệnh có thể gặp triệu chứng muộn là đau bụng (thường ở vùng gan – góc phần tư phía trên bên phải bụng). Đồng thời gan có thể mềm, to lên có thể sờ thấy được.

Ung thư ống mật nếu gây cản trở quá trình thoát mật từ gan sẽ dẫn tới viêm gan. Lúc này, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: chán ăn, đau bụng, đầy hơi, ngứa, vàng da, giảm cân, sốt nhẹ, nước tiểu sẫm, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do chức năng gan suy giảm có thể làm giảm các yếu tố đông máu trong máu)…

Chẩn đoán ung thư đường mật

Chụp cộng hưởng từ là một trong những kỹ thuật hiện đại được ứng dụng trong chẩn đoán ung thư ống mật

2. Chẩn đoán ung thư đường mật

Sau khi kiểm tra lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan mật. Tuy nhiên không có xét nghiệm máu nào có thể chẩn đoán chính xác carcinoma đường mật. Do đó, người bệnh cần thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh để đánh giá cấu trúc của gan, túi mật, ống mật và các cơ quan xung quanh.

Thông qua các hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ xác định vị trí và đánh giá mức độ lan rộng của khối u. Cụ thể:

– Siêu âm bụng: Xác định sự giãn của ống mật và vị trí chít hẹp mật. Bác sĩ cũng có thể chỉ định siêu âm Doppler để đánh giá động mạch gan chính, tĩnh mạch cửa và các nhánh của chúng.

– Chụp cắt lớp vi tính: Đánh giá sâu hơn phạm vi thâm nhiễm của khối u và sự di căn xa (nếu có).

– Với khối u có vị trí ở chỗ phân nhánh hoặc bên trên ống mật và liên quan đến việc tăng bilirubin, bác sĩ có thể chỉ định chụp Xquang đường mật dưới da qua gan. Kỹ thuật này giúp phát hiện giới hạn trên của chỗ hẹp và giải quyết tình trạng tắc mật.

– Nội soi đường mật ngược dòng phù hợp với chẩn đoán carcinoma đường mật ở vị trí giữa hoặc dưới của ống mật. Qua nội soi, mẫu khối u có thể được sinh thiết dưới hướng dẫn của CT hoặc siêu âm. Mẫu mô sẽ được tiến hành xét nghiệm mô bệnh học để xác định tế bào ung thư ống mật.

– Cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật mới, có khả năng quan sát rõ nét đường mật mà không xâm lấn.

3. Điều trị ung thư đường mật

3.1. Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Đây là phương án điều trị thường được chỉ định với trường hợp bệnh tiên lượng xấu và mong muốn kéo dài thời gian sống 5 năm. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kích thước và loại mô học của khối u, tình trạng hạch lympho, sự liên quan của mạch máu cũng như lựa chọn của người bệnh để đưa ra chỉ định phẫu thuật. Trường hợp được đánh giá có hiệu quả điều trị cao là khối u có bờ tự do, không có hạch lympho thứ phát và không có sự di căn xa.

Carcinoma đường mật ngoài gan chiếm khoảng 94% trường hợp ung thư. Những khối u phát triển thâm nhiễm, nằm gần sát tĩnh mạch cửa và động mạch gan thì tỉ lệ có thể phẫu thuật cắt bỏ thấp (khoảng 20% – 40%).

Carcinoma đường mật trong gan chỉ chiếm khoảng 4% tổng số ca ung thư ống mật. Số trường hợp có khả năng phẫu thuật tại thời điểm chẩn đoán là khoảng 15% – 50%. Bên cạnh phẫu thuật cắt bỏ ống mật tại chỗ, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một phần của gan tùy thuộc vào vị trí thâm nhiễm.

Điều trị ung thư đường mật

Phẫu thuật là một trong những phương án điều trị ung thư ống mật

3.2. Hóa trị và xạ trị ung thư đường mật

Ung thư ống mật đáp ứng kém với điều trị hóa chất cũng như tia xạ. Hiện nay chưa có kết luận thống nhất về việc sử dụng hóa trị và xạ trị đơn độc hay phối hợp với phẫu thuật.

Hóa trị và xạ trị có thể được chỉ định trong 3 trường hợp:

– Điều trị trước khi phẫu thuật cắt bỏ.

– Điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật cắt bỏ: Xạ trị thường không có ảnh hưởng lên sự sống còn của người bệnh sau phẫu thuật. Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy điều trị hóa chất giúp cải thiện sự sống còn trung bình của người bệnh sau phẫu thuật.

– Điều trị giảm đau: Hóa chất và tia xạ không có khả năng kéo dài sự sống với những trường hợp không có khả năng phẫu thuật. Tuy nhiên, hai phương pháp này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh so với sự chăm sóc hỗ trợ. Trong đó, xạ trị có thể giúp cải thiện sự dẫn lưu mật ở người bệnh.

Ngoài ra, carcinoma đường mật còn có thể được điều trị bằng một số phương pháp ít phổ biến hơn như: ghép gan, phẫu thuật bắc cầu (surgical bypass), phẫu thuật luồn ống, đặt ống dẫn lưu dưới da hay bằng nội soi.

Trên đây là các thông tin về cách chẩn đoán và điều trị ung thư đường mật. Mỗi người cần lưu ý các yếu tố nguy cơ gây bệnh để phòng tránh hiệu quả. Đồng thời, khi phát hiện các triệu chứng bất thường, hãy thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa gan mật để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

Từ khóa » Chẩn đoán Hình ảnh Ung Thư đường Mật