Ưu điểm Và Quy Trình Nội Soi đại Tràng Không đau

1. Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng là phương pháp sử dụng một ống soi mềm có gắn đèn và camera để quan sát hình ảnh bên trong đường tiêu hóa. Đối với nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng tiến hành qua đường miệng hoặc mũi đi qua cổ họng đến tá tràng; còn nội soi đại tràng – trực tràng được tiến hành qua đường hậu môn tới manh tràng.

Qua nội soi đại tràng, bác sĩ có thể phát hiện được nguyên nhân của các triệu chứng như táo bón và tiêu chảy kéo dài, đau bụng, đi ngoài ra nhầy máu và các vấn đề đường ruột khác. Cũng như phát hiện được ung thư đại trực tràng và các tổn thương tiền ung thư như viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp.

Hiện nay có hai phương pháp nội soi đại tràng được sử dụng phổ biến là nội soi thường (người bệnh tỉnh táo) và nội soi gây mê (nội soi đại tràng không đau).

Nội soi đại tràng gây mê không đau

2. Ưu điểm của nội soi đại tràng không đau

Nội soi đại tràng là phương pháp quan trọng để chẩn đoán bệnh lý đại trực tràng, bao gồm ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư phổ biến. Ung thư đại tràng có thể điều trị được, tiên lượng tốt hơn so với các ung thư đường tiêu hóa khác. Nhưng phần lớn những người bị ung thư đại tràng khi được chẩn đoán ung thư đã ở giai đoạn cuối. Nguyên nhân vì ung thư ở giai đoạn đầu có triệu chứng nghèo nàn hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường khác, người bệnh dễ bỏ qua.

Mặc dù hiện nay việc tầm soát ung thư đại tràng đã trở nên dễ dàng và cực kỳ hiệu quả nhờ phương pháp nội soi. Thế nhưng một rào cản lớn khiến nhiều người không đi khám là “sợ” nội soi vì cho rằng đây là một kỹ thuật đau đớn và khó chịu.

Thực tế, tùy vào cảm giác đau của mỗi người mà khi nội soi có người chỉ thấy không thoải mái, có người lại thấy đau và rất khó chịu. Một số người thậm chí còn bị sợ hãi hay ám ảnh với kỹ thuật này.

Để khắc phục vấn đề này, có một phương pháp được áp dụng là nội soi đại tràng không đau. Kỹ thuật này sử dụng một lượng nhỏ thuốc gây mê giúp người bệnh “ngủ” trong suốt quá trình nội soi, nhờ đó người bệnh không phải lo lắng, sợ hãi; cảm giác đau, khó chịu, căng tức bụng cũng không còn.

So với nội soi thường, nội soi đại tràng không đau an toàn và hiệu quả hơn. Với nội soi thường, nếu người bệnh quá sợ hãi, giãy giụa mạnh có thể khiến ống soi gây tổn thương lòng đại tràng, và cũng gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình quan sát. Đôi khi vì người bệnh không hợp tác mà bác sĩ phải kết thúc sớm nội soi, một số tổn thương nhỏ có thể bị bỏ qua. Phương pháp nội soi gây mê hoàn toàn khắc phục được các vấn đề này.

Bên cạnh đó, trong trường hợp cần làm thủ thuật can thiệp như cắt polyp hay sinh thiết, bác sĩ tiến hành cũng thuận lợi và dễ dàng hơn, người bệnh cũng không thấy đau đớn.

3. Quy trình nội soi đại tràng không đau diễn ra như thế nào?

Không phải ai cũng có thể nội soi đại tràng gây mê. Vì vậy trước khi nội soi, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe để đảm bảo người bệnh đủ điều kiện gây mê.

Sau đó, quy trình nội soi đại tràng diễn ra như sau:

- Bệnh nhân nằm đúng tư thế, nghiêng một bên, chân co lại.

- Truyền thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch.

- Bác sĩ đưa ống soi vào đại trực tràng qua đường hậu môn.

- Camera trên đầu ống soi truyền hình ảnh về máy tính.

- Trong quá trình này nếu phát hiện vấn đề cần can thiệp, bác sĩ có thể thực hiện cùng lúc. Ví dụ, bác sĩ sẽ cắt polyp bằng một sợi dây luồn bên trong ống soi.

- Sau khi đã kiểm tra xong, bác sĩ rút ống nội soi ra.

- Bệnh nhân sẽ tỉnh lại nhanh chóng, nhưng cần ở lại phòng bệnh nghỉ ngơi, thư giãn, theo dõi trong khoảng 20-30 phút.

Quá trình nội soi đại tràng có thể kéo dài 30-60 phút tùy theo tình trạng của từng người.

Sau khi nội soi xong, nếu kết quả bình thường, khoảng 5-10 năm sau người bệnh mới cần nội soi lại. Nhưng người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa bệnh lý đường tiêu hóa.

Nếu kết quả nội soi bất thường thì tùy vào chẩn đoán mà bác sĩ sẽ chỉ định tái khám, can thiệp hoặc điều trị phù hợp.

4. Khi nào cần nội soi đại tràng không đau?

Nội soi đại tràng tầm soát ung thu đại tràng

Nội soi đại tràng được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ bệnh lý đại trực tràng. Ngoài ra, đây là tiêu chuẩn vàng để tầm soát ung thư đại trực tràng.

Mọi người từ 45 tuổi nên nội soi đại tràng định kỳ để tầm soát ung thư. Những người có yếu tố nguy cơ ung thư nên tầm soát sớm hơn. Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại tràng là:

- Tiền sử gia đình bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

- Bị bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích (IBS), polyp đại trực tràng, viêm loét đại tràng, viêm loét trực tràng.

- Mang gen làm tăng nguy cơ ung thư như: bệnh đa polyp gia đình, hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner.

- Đã từng phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng.

- Chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu vitamin và canxi; ăn thực phẩm chứa benzopyren, nitrosamin.

Phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tăng khả năng chữa khỏi hoàn toàn, tiết kiệm chi phí và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Để giúp bệnh nhân giảm cảm giác đau, khó chịu khi nội soi đại tràng và để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi hơn, bác sĩ thường chỉ định phương pháp nội soi không đau với thuốc gây mê.

5. Lưu ý khi nội soi đại tràng không đau?

Trước khi nội soi 1-2 ngày, người bệnh nên ăn thức ăn mềm, uống nhiều nước, không ăn thức ăn cứng, đặc, không uống rượu bia. Nội soi gây mê cần nhịn ăn 12 tiếng, chỉ uống nước lọc.

Nếu người bệnh có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê, cần thông báo với bác sĩ.

Thuốc gây mê sử dụng trong nội soi là loại thuốc liều lượng nhẹ, chỉ gây mê trong thời gian ngắn. Một số người có thể bị đau đầu hoặc cảm thấy buồn nôn sau khi sử dụng thuốc. Hầu hết mọi người thường cảm thấy buồn ngủ, vì vậy sau khi nội soi xong, người bệnh không nên lái xe. Khi nội soi đại tràng gây mê, người bệnh cần có người nhà đi cùng.

Sau khi nội soi đại tràng gây mê, người bệnh có thể gặp một triệu chứng như:

- Buồn ngủ cả ngày hôm đó.

- Đầy hơi, chướng bụng.

- Chảy một ít máu nếu có sinh thiết.

Các triệu chứng sẽ hết sau vài giờ đến một ngày sau đó. Hãy tái khám nếu gặp các triệu chứng sau: sốt trên 38 độ, đau bụng nghiêm trọng hoặc kéo dài, chảy máu kéo dài 24 giờ (trong trường hợp có sinh thiết), suy nhược, buồn nôn hoặc ngất xỉu.

Từ khóa » Nội Soi đại Tràng Có đau Không