Ưu Nhược điểm Của Tấm Lợp Mái Gỗ Và Tấm Lợp Mái Ngói - Happynest

Với công nghệ kỹ thuật xây dựng ngày càng phát triển thì nhiều loại vật liệu sản xuất tấm lợp mái cũng xuất hiện, mang đến cho người tiêu dùng những lựa chọn phù hợp với các tiện ích, thiết kế công trình, độ bền và tính thẫm mỹ của ngôi nhà. Hãy cùng tìm hiểu những tấm lợp mái thông dụng, so sánh ưu nhược điểm của từng loại để chọn được sản phẩm phù hợp.

Các tiêu chí để lựa chọn cho công trình một loại tấm lợp mái phù hợp dựa trên yêu cầu công trình, thời tiết địa phương, độ bền và chất liệu của tấm lợp… Dưới đây là 2 loại tấm lợp phổ biến thường được sử dụng là tấm lợp gỗ và tấm lợp ngói.

Tấm lợp gỗ

Gỗ có phải là một vật liệu tốt để làm mái nhà không? Mái gỗ có đủ chắc chắn không?... Còn rất nhiều câu hỏi khác khi kiến trúc sư đưa tấm lợp gỗ vào công trình. Tuy nhiên, tấm lợp mái gỗ là một vật liệu được sử dụng lâu đời tại Nhật Bản nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung, trong đó cũng có Việt Nam.

Mái nhà lợp gỗ rất phổ biến tại nhiều quốc gia.

Tấm lợp gỗ đã được người Việt sử dụng rất nhiều trong nhiều thế hệ, không sử dụng những kỹ thuật hiện đại trong khâu xử lý gỗ, nhưng những tấm lợp mái bằng gỗ pơ mu của người dân tộc Mông ở Mù Cang Chải. Những tấm mái gỗ pơ mu che được cả những cái nắng gay gắt vùng cao, những giọt mưa nặng hạt xối xuống qua nhiều năm.

Mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu được xem là một nét đẹp truyền thống của người Mông đang dần bị mai một do nạn phá rừng.

Người dân cũng thường trồng bí ngô và cho chúng leo trên mái, điểm này cho thấy sức chịu lực tốt của mái gỗ.

Tấm lợp gỗ có độ bền lên đến hơn 30 năm, và còn có thể kéo dài độ bền hơn nếu sử dụng những tấm lợp được xử lý kỹ thuật tốt. Những công trình hiện đại ngày nay cũng hướng đến gỗ để tạo được không gian sống mới lạ, ấm áp và mang đến cuộc sống hiện đại đầy bề bộn những khoảnh khắc lắng lại với thiên nhiên.

Một công trình nhà ở sử dụng tấm lợp mái gỗ là nhà phố ở Yokohama, Nhật Bản. Ngôi nhà gỗ mang nét đẹp hòa giữa truyền thống và hiện đại, một chút hoài cổ về những ngôi nhà xưa ở quê của ông bà, chút trầm mặc nhưng ấm áp tự nhiên.

Ngôi nhà gỗ mang trong mình nét đẹp ấm áp dễ chịu, thoáng đãng và dung dị.

Phần tường đất bên ngoài công trình được giữ nguyên vẹn từ ngôi nhà cũ, mang đến nét trầm mặc

Dốc gỗ độc đáo và tạo không gian thoáng cho phần mái nhà tăng thêm điều thú vị cho toàn không gian.

Ngoài nét đẹp nhẹ nhàng, dung dị thì trong một vài trường hợp nhất định thì mái nhà bằng gỗ còn mang đến vẻ sang trọng, tôn lên khí chất cổ kính của công trình. Tấm lợp mái bằng gỗ còn có những ưu điểm khác như tính cách điện tốt; thời gian sử dụng rất lâu dài; gỗ dễ dàng chế tác và mang tính thẫm mỹ cao.

Một công trình nhà gỗ sáng tạo tại Mỹ.

Dưới mái gỗ có thể tạo thành một tác phẩm nghệ thuật như công trình K's Residence.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa gỗ không mang những yếu điểm riêng của mình. Với thời tiết nóng ẩm, nhiều mưa như Việt Nam thì tấm lợp gỗ nếu không được xử lý kỹ sẽ dễ gây nấm mốc, mục vỡ cho mái nhà. Phần mái bằng gỗ cũng khiến cho phần tường và móng công trình phải chịu thêm sức nặng của gỗ. Chi phí của tấm lợp gỗ tương đối cao hơn những loại tấm lợp nhựa hay kim loại.

Tấm lợp mái ngói

Đến thời điểm hiện tại, ngói lợp mái vẫn là một trong những vật liệu lợp được ưa chuộng và rất nhiều công trình nhà ở tại Việt Nam sử dụng. Những mái ngói mang màu đỏ gạch dịu nhẹ mang lại cảm giác thân thuộc, màu sắc dịu mắt và thoảng đâu đó nét quê ngoại thanh bình.

Những ngôi nhà mái ngói vùng nông thôn đã trở thành nét đẹp thanh bình của người Việt.

Nếu khi xưa mái ngói luôn đi kèm với hệ thống kèo cột, lớp đòn, lớp rui mè mang đến hình ảnh uy nghi, nghiêm trang và bật lên được phong thái cao quý; thì ngày nay, với những ngôi nhà hiện đại thì mái ngói được đỡ bằng hệ thống khung kèo bằng thép công nghiệp đa dạng, mang đến những cấu trúc nhà sáng tạo, khang trang mà gần gũi, chỉn chu nhưng không nặng nề.

Nhà ngói hiện đại lại mang đến vẻ đẹp sang trọng nhưng gần gũi, hiện đại mà thân quen.

Ưu điểm đầu tiên của lợp ngói đó chính là khả năng cách và giữ nhiệt hiệu quả của nó, độ bền cao không sợ ảnh hưởng của thời tiết thất thường hay độ ẩm cao như ở vùng nhiệt đới.

Có thể nói đây là một trong các vật liệu lợp mái tốn kém nhiều chi phí nhất và cũng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, nhưng đồng thời mái ngói cũng có ưu điểm là độ bền cao, dễ dàng sửa chữa hay thay thế khi mái bị hỏng.

Thêm một điều lưu ý cho những công trình có ý định lợp mái ngói là cấu trúc nhà phải vững chắc, chịu được sức nặng của ngói lợp.

Người thợ lợp mái phải có tay nghề cao, khéo léo và cẩn thận.

Ngoài 2 loại tấm lợp ngói và tấm lợp gỗ thì bạn còn có thể lựa chọn cho mình tấm lợp kim loại đang dần trở nên phổ biến và được ưa chuộng trên thị trường.

Tấm lợp kim loại

Tấm lợp kim loại phổ biến và thường được chọn lựa là loại mái lợp Tilcor và mái lợp AHI được sản xuất từ các hợp kim kim loại có tính bền cao, màu sắc đa dạng, nhiều hình dáng cũng như đường lượn sóng để lựa chọn. 

Tấm kim loại có đường lượn sóng giống mái ngói.

Tấm lợp kim loại có ưu điểm là nhẹ, bền, giá thành rẻ và không làm cấu trúc ngôi nhà thêm nặng nề như 2 loại tấm lợp trên, đặc biệt với tấm lợp kim loại có độ bền trên 50 năm và đã được kiểm chứng, với những loại tấm lợp tốt có thể kéo dài tuổi thọ lên đến 70 năm. Ngoài ra, tấm lợp kim loại còn chịu được nhiều kiểu thời tiết.

Tấm kim loại có hình dạng giống tấm lợp gỗ mang đến sự sang trọng cho ngôi nhà nhưng tiết kiệm chi phí.

Một vài nhược điểm của tấm lợp kim loại đó là dễ đọng bụi bẩn trong các lỗ rỗng, quá nhẹ nên ở những nơi thường xuyên xảy ra bão dễ bị tốc mái, không cách âm hay cách nhiệt tốt.

Bài viết: Mai An

Từ khóa » Gỗ Lợp Mái Nhà