Vắc-xin Sởi, Quai Bị, Rubella Và Thủy Đậu (MMRV)

Bệnh Sởi

Bệnh sởi do vi-rút sởi gây ra và lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mũi hoặc họng của người bị nhiễm bệnh và trong trường hợp ít gặp hơn là do các vật dụng dính dịch tiết ở mũi và họng. Người bị nhiễm bệnh ban đầu sẽ có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ và có đốm trắng bên trong miệng. Tiếp theo là phát ban đỏ trên da 3-7 ngày sau đó. Phát ban thường lan từ mặt xuống các bộ phận còn lại của cơ thể. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phổi, ruột và não có thể bị ảnh hưởng và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.

Bệnh Quai Bị

Bệnh quai bị do vi-rút quai bị gây ra ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và đôi khi là mô thần kinh. Vi-rút này lây lan qua các giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bị nhiễm bệnh. Bệnh này có đặc điểm là sưng đau các tuyến nước bọt, thường là ở một/hai bên má. Đôi khi, bệnh có thể gây ra các biến chứng như điếc, hoặc nhiễm trùng não, tuyến tụy, tinh hoàn hoặc buồng trứng.

Bệnh Rubella

Bệnh Rubella, còn được gọi là “Bệnh Sởi Đức”, do vi-rút rubella gây ra. Vi-rút này có thể lây truyền khi tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và họng của người bị nhiễm bệnh qua giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trẻ thường có biểu hiện sốt, nhức đầu, khó chịu, phát ban lan tỏa, sưng hạch bạch huyết, các triệu chứng đường hô hấp trên và viêm kết mạc. Một vài người bệnh có thể hoàn toàn không phát ban. Các biến chứng bao gồm viêm khớp, giảm tiểu cầu và viêm não.

Bệnh rubella có thể gây dị tật cho thai nhi đang phát triển. Có khả năng xảy ra Hội chứng rubella bẩm sinh (Congenital rubella syndrome, CRS) ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ. CRS có đặc trưng là gây điếc, đục thủy tinh thể, dị tật tim và chậm phát triển trí tuệ.

Bệnh Thủy Đậu

Bệnh thủy đậu) là một bệnh do vi-rút varicella-zoster gây ra. Vi-rút này rất dễ lây và lây lan qua các giọt bắn lan truyền trong không khí từ đường hô hấp hoặc từ dịch mụn nước của các tổn thương da do nhiễm thủy đậu hoặc herpes zoster. Người bị bệnh có biểu hiện sốt và phát ban gây ngứa. Phát ban thường phát triển trong 5 ngày nổi mụn nước và đầu tiên xuất hiện trên da đầu và mặt, di chuyển xuống phần thân và sau đó đến các chi. Phát ban chủ yếu xuất hiện trên thân. Các mụn nước gây ngứa, sau đó khô lại và đóng vảy trong khoảng 3 ngày. Người mắc bệnh thường hồi phục sau 2 đến 4 tuần.

Bệnh thủy đậu thường là một bệnh nhẹ ở trẻ nhỏ. Nhưng ở người lớn và người bị suy giảm khả năng miễn dịch thuộc mọi lứa tuổi, bệnh sẽ nghiêm trọng hơn. Bệnh có thể biến chứng do nhiễm trùng da, viêm màng não vô khuẩn, viêm não và viêm phổi. Nhiễm bệnh trong thời gian đầu của thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh của thai nhi.

Vắc-xin Sởi, Quai Bị, Rubella và Thủy Đậu (MMRV)

Vắc-xin MMRV có thể phòng ngừa hiệu quả 4 bệnh truyền nhiễm trên. Tại Hồng Kông, vắc-xin MMRV được đưa vào Chương Trình Chủng Ngừa cho Trẻ Em Hồng Kông.

Trẻ nên được tiêm hai liều vắc-xin phòng sởi và vắc-xin phòng thủy đậu. Tại Bộ Y Tế, liều thứ hai được tiêm là vắc-xin MMRV.

A. Những cá nhân sau KHÔNG nên tiêm MMRV hoặc nên đợi

  1. có bệnh cấp tính mức độ vừa hoặc nặng kèm theo sốt ≥38,5°C
  2. xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với liều vắc-xin phòng thủy đậu hoặc vắc-xin phòng sởi trước đó
  3. đã biết có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với gelatine hoặc một số loại kháng sinh
  4. các cá nhân bị ức chế miễn dịch nghiêm trọng do mắc bệnh hoặc phương pháp điều trị, ví dụ:
    • suy giảm miễn dịch
    • hiện tại đang điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị
    • đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như corticosteroid liều cao
  5. tiền sử gia đình bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc di truyền
  6. bệnh lao hiện hoạt không được điều trị
  7. được tiêm globulin miễn dịch hoặc các sản phẩm máu khác (ví dụ như truyền máu) trong vòng 11 tháng qua
  8. đã được tiêm các loại vắc-xin sống khác trong bốn tuần qua hoặc đã được tiêm vắc-xin phòng thủy đậu trong ba tháng qua
  9. mang thai

B. Có những tác dụng phụ nào?

  • Nhìn chung, vắc-xin MMRV an toàn và được dung nạp tốt.
  • Khoảng 20% đến 25% trẻ em có thể có phản ứng cục bộ nhẹ sau khi tiêm vắc-xin, chẳng hạn như đau, đỏ hoặc sưng tại vết tiêm. Các triệu chứng này thường tự hạn chế.
  • Một số trẻ có thể bị sốt 5-12 ngày sau khi tiêm vắc-xin nhưng tình trạng sốt thường sẽ giảm trong vòng 2-5 ngày. Bố mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt để làm giảm các triệu chứng. Một số ít trẻ em có thể bị co giật do sốt.
  • Một số trẻ có thể trở nên cáu kỉnh hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sau khi tiêm vắc-xin nhưng các triệu chứng này thường ở mức nhẹ và tự hạn chế.
  • Một số ít trẻ có thể bị phát ban 1-2 tuần sau khi tiêm vắc-xin nhưng thường sẽ biến mất sau vài ngày. Đã có báo cáo về tình trạng nhiễm trùng tiềm ẩn dẫn đến herpes zoster nhưng phần lớn các trường hợp đều ở mức nhẹ và không xảy ra biến chứng.
  • Một số ít trẻ có thể bị sưng tấy các tuyến nước bọt sau má, sưng các tuyến bạch huyết (ở đầu hoặc cổ) hoặc viêm khớp thoáng qua.

Những Điểm Cần Lưu Ý:

  1. Trẻ nên tránh dùng salicylat (ví dụ như aspirin) trong vòng 6 tuần sau khi tiêm MMRV.
  2. Trong các trường hợp hiếm gặp, vi-rút varicella trong vắc-xin có thể truyền từ những người tiêm vắc-xin bị phát ban giống thủy đậu sang những người có nguy cơ cao nhạy cảm (ví dụ như những người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai không miễn dịch với bệnh thủy đậu, con mới sinh của những người mẹ không miễn dịch với bệnh thủy đậu, tất cả trẻ sơ sinh sinh non khi tuổi thai dưới 28 tuần). Tuy nhiên, không chống chỉ định cho trẻ tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu chỉ vì trong cùng một hộ gia đình có những người có nguy cơ cao. Người mẹ mang thai hoặc thành viên khác mang thai trong hộ gia đình cũng không phải là trường hợp chống chỉ định chủng ngừa cho trẻ trong hộ gia đình. Không cần có biện pháp phòng ngừa nào sau khi chủng ngừa để trẻ không bị phát ban. Tuy nhiên, nếu trẻ bị phát ban sau khi tiêm vắc-xin, những người có nguy cơ cao nên tránh tiếp xúc gần với trẻ cho đến khi trẻ hết phát ban.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em của Bộ Y Tế.

Từ khóa » Tiêm Vắc Xin Sởi Quai Bị Rubella Có Bị Sốt Không