Vại Nước Mưa - Báo Quảng Bình điện Tử
Có thể bạn quan tâm
(QBĐT) - Không biết tự bao giờ, cái vại nước mưa đã trở nên rất đỗi thân thuộc, gần gũi với mỗi người dân quê. Cùng với ngôi nhà mái rạ vách đất, hàng cau thẳng tắp và mảnh vườn bé nhỏ, vại nước mưa là một trong những hình ảnh bình dị mà thiêng liêng trong ký ức thẳm sâu của mỗi con người.
Ảnh minh hoạ (Internet) |
Đấy là cái thời mà tất thảy trẻ già, trai gái làng tôi còn phải tắm rửa, giặt giũ bên những bến sông; còn nước dùng cho việc ăn uống thì đều nhờ vào cái vại nước mưa ấy. Cha tôi phải cất công lên tận chợ huyện mới mua được cái vại bằng đất nung chu vi rộng hơn một vòng tay người lớn và cao khoảng một mét, rồi thả nổi trên sông mà kéo về nhà. Xếp mấy viên gạch kê làm nền, cha tôi đặt cái vại ở khoảng giữa của hai cây cau rồi lấy những tàu cau buộc nối dài chúng với nhau, quấn quanh hai thân cau từ trên xuống. Đầu dưới của hai sợi dây đó được bắt vào miệng vại. Vại nước mưa thường được đặt ở gần bếp để tiện cho việc đun nấu.
Những cơn mưa rào làm dịu những trưa hè, hào phóng gieo muôn nghìn giọt nước mát lành, ngọt ngào xuống khắp trần gian, thỏa lòng mong đợi của những chiếc vại đã cạn tới đáy. Thông thường không bao giờ hứng nước ngay vì phải để cho mưa gội rửa hết mọi thứ bụi bẩn bám trên cây cau. Nước mưa tuôn xối xả, tràn trề trên những tàu lá rồi chảy thành dòng quanh thân cau, theo đường dẫn đổ vào vại đang chờ sẵn. Chỉ cần hai, ba trận mưa to là đã có thể đầy vại, dùng một tháng mới hết. Mẹ tôi lấy chiếc vung của cái nồi gang to đậy lên vại, để một chiếc gáo dừa trên đó, khi nào cần dùng thì múc nước ra từng ít một. Giọt nước mưa được coi là "hạt ngọc" của trời, được chưng cất qua quá trình bốc hơi nên trong vắt và ngọt lành. Ngày ấy, khi chưa có các loại nước giải khát và cũng chưa có các dụng cụ lọc nước như bây giờ, thì nước mưa luôn là thứ nước uống ngon nhất.
Thuở bé, tôi thường được mẹ ưu ái tắm cho bằng nước mưa để không bị rôm sảy và bệnh ngoài da. Vại nước mưa là nơi tôi cùng những đứa trẻ trong làng thường thả những chiếc lá nhỏ, những cánh hoa rồi thi nhau thổi khiến những "chiếc thuyền tí xíu" ấy cứ xoay tròn quanh miệng vại. Chúng tôi thích thú ngắm nhìn bóng những chiếc tàu cau cứ đong đưa, nổi chìm dưới vại nước hay khỏa tay mò... bóng ông mặt trời khiến bóng những chòm mây trắng bỗng vỡ ra hòa tan vào nước, rồi lát sau mây kết tụ lại, nổi bồng bềnh đầy hư ảo.
Những trưa tháng sáu trời nắng chang chang như đổ lửa, thợ gặt đi làm về thì nơi tìm đến đầu tiên là vại nước mưa. Vục vội gáo dừa xuống rồi bưng lên uống ừng ực, thỏa thuê, khoan khoái mà không sợ đau bụng hay cảm lạnh. Nguồn nước mát lành lan tỏa khắp cơ thể, làm dịu đi cái nóng bức, mệt nhọc trong người. Cha tôi rất ưa uống trà nhưng phải là thứ trà được pha bằng nước mưa thì người mới thích. Chính vì vậy, từ nghiện trà mà cha tôi mới nghiện... nước mưa. Không hiểu vì thứ nước này ít lẫn tạp chất hay còn vì điều kiện gì khác nữa mà quả thật, chỉ khi được pha bằng nước mưa thì nước trà mới xanh, tỏa hương thơm và có vị chát ngọt hấp dẫn. Mỗi khi cha tôi nhìn trời mong mưa thì có nghĩa là vại nước sắp cạn rồi. Cũng từ sở thích này của cha mà sau này mấy anh em tôi, cũng như bao người đàn ông khác trong làng đều thích uống trà được pha bằng nước trong những chiếc vại ấy!
Vui mừng vì cuộc sống ngày càng đầy đủ, thuận lợi hơn khi nhiều nhà đã xây bể to đựng nhiều nước hơn hay chuyển sang dùng các loại nước lọc tinh khiết. Nhưng hình ảnh của cái vại nước mưa vẫn mát lành trong tâm thức mỗi người.
Trần Văn Lợi
Từ khóa » Cái Vại đựng Nước
-
Chum. Vại. Khạp Nước | Shopee Việt Nam
-
Lu Khạp đựng Nước | Shopee Việt Nam
-
Tổng Hợp Cái Lu Đựng Nước Giá Rẻ, Bán Chạy Tháng 7/2022 - BeeCost
-
Tổng Hợp Lu Khạp Đựng Nước Giá Rẻ, Bán Chạy Tháng 7/2022
-
Cái Lu đựng Nước Chất Lượng, Giá Tốt 2021
-
Chuyện Cái Lu ở Miền Tây - Báo Người Lao động
-
Chum, Tĩn Của Một Thời - Báo Quảng Nam
-
Chum, Vại, Lu... Tái Xuất
-
Cái Chum Nước | Quang Nguyễn
-
Lu Sành đựng Nước Archives - INOGARDEN
-
Những Chiếc Chum Vại Cũ - Báo Nam Định điện Tử
-
Chuyện Cái Lu, Cái Kiệu Bên Hiên Nhà Của Người Miền Tây
-
Một Thời Chum Vại Ngày Xưa - Báo Đà Nẵng