Vai Trò Của Chính Phủ Trong Phát Triển Kinh Tế Số
Có thể bạn quan tâm
Vai trò của chính phủ trong phát triển kinh tế số
Đăng ngày 09-04-2021 100%Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra phương hướng phát triển mới cho nền kinh tế thông qua đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với một số mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 30% dân số…
Để hiện thực hóa những định hướng và mục tiêu trên, Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được vạch ra một cách đầy đủ và rõ ràng. Các chương trình và chiến lược phát triển liên quan vẫn nặng về các mục tiêu cụ thể mà nhẹ về phần vai trò, nhiệm vụ và các giải pháp của Chính phủ trong triển khai các chương trình và chiến lược này.
Dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, phần tiếp theo trong bài viết này sẽ khái quát một số vai trò và nhiệm vụ chính của Chính phủ trong công cuộc phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Hoạch định chính sách và đảm bảo sự tương thích giữa các sáng kiến số quốc gia với các ưu tiên phát triển quốc gia
Tốc độ phát triển và thay đổi công nghệ cũng như sự tăng trưởng bùng nổ về dữ liệu lớn đặt ra các yêu cầu về đổi mới và cập nhật thường xuyên chính sách, cũng như quy trình và thể chế làm chính sách nhanh chóng. Mặt khác, trong bối cảnh có sự phát triển mạnh về mạng lưới và kinh tế quy mô, và xu hướng tạo ra độc quyền trong việc cung cấp các nền tảng (platform) số, Chính phủ cần hoạch định và thực thi các chính sách chống độc quyền để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong ngành.
Chính phủ cũng cần làm cho Internet được phổ cập đến mọi ngõ ngách với chi phí thấp, tiếp cận rộng mở và an toàn thông qua việc đảm bảo cạnh tranh trên thị trường, ban hành và thực thi hữu hiệu các luật lệ và quy chế, quản lý băng thông và các nguồn lực khan hiếm khác, tăng cường dữ liệu Chính phủ mở, và duy trì các hệ sinh thái Internet rộng mở đối với nội dung (content) và các ứng dụng. Các chính sách cũng cần phải đảm bảo mang lại tính riêng tư dữ liệu trực tuyến và an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đảm bảo sự tương thích và đáp ứng giữa các sáng kiến số quốc gia với các mục tiêu phát triển quốc gia. Sự tương thích này đặt ra thách thức không ngừng đòi hỏi sự tương tác, phối hợp và quản lý chiến lược không gián đoạn giữa các cơ quan làm chính sách chủ chốt với các bộ/cơ quan công nghệ phụ trách về nền kinh tế số. Các bộ đảm trách tài chính, quản lý vĩ mô, và chiến lược phát triển quốc gia cần hiểu rõ những đòi hỏi của nền kinh tế số, còn các bộ/cơ quan đảm trách kỹ thuật liên quan đến công nghệ số, viễn thông, sáng tạo và giáo dục v.v.. thì cần đảm bảo có sự tham gia của tất cả các bên hữu quan vào quá trình khai thác sáng tạo các công nghệ số cho mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.
Hỗ trợ R&D và đóng vai trò bà đỡ kinh doanh trong nghiên cứu và thử nghiệm những nền tảng (platform) và công nghệ số mới
Việc nghiên cứu phát triển (R&D) này sẽ tập trung không chỉ vào những công nghệ mới mà còn vào sự bổ trợ cho con người của những công nghệ này, cũng như sự điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Ở nhiều nước, R&D sẽ là về sáng tạo trong hoàn cảnh địa phương, tức có nghĩa là theo dõi các xu hướng thế giới và dung nạp các công nghệ số đang nổi lên và hiện diện trên thế giới, đồng thời thử nghiệm và điều chỉnh chúng cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương trước khi phổ cập nhân rộng chúng.
Cuộc cách mạng công nghệ số là cuộc cách mạng công nghệ phát triển nhanh và rộng nhất trong lịch sử loài người. Một Chính phủ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có tính sáng tạo và ưa hành động là điều cần thiết để khuyến khích tìm kiếm các công nghệ đang nổi lên này, hỗ trợ cho người hấp thụ chúng sớm, và phát triển các chính sách bổ trợ và không gian thử nghiệm cho việc hấp thu và địa phương hóa các công nghệ này.
Phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông xương sống và đảm bảo sự tiếp cận Internet rộng rãi với chi phí thấp cho người dân
Các chính sách băng thông rộng quốc gia có mục tiêu là triển khai cơ sở hạ tầng băng thông rộng trong một khu vực địa lý (khu vực hay một quốc gia) thường đặt ra các mục tiêu tham vọng về tốc độ dịch vụ băng thông rộng, mốc thời gian triển khai dịch vụ, và sự dung nạp các dịch vụ. Chúng cũng thường có nội dung về tài trợ công và cơ chế hợp tác công-tư.
Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy việc triển khai băng thông rộng đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề ở cả hai phía cung-cầu. Trong khi các chính sách phía cung tập trung vào củng cố cơ sở hạ tầng mạng để tung ra các dịch vụ thì chính sách phía cầu nhắm đến việc tăng cường sự hiểu biết
và hấp thu các dịch vụ. Việc khuyến khích xây dựng trên phạm vi quốc gia các mạng băng thông rộng thường đòi hỏi Chính phủ phải theo đuổi nhiều chiến lược tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương. Tuy nhiên, có một số phương hướng tiếp cận chính sách đã thành thông lệ trên thế giới. Khu vực tư nhân thường được chấp nhận như động lực chính cho sự phát triển băng thông rộng ở hầu hết các nước. Ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển, phần chủ yếu của đầu tư tư nhân đến từ nội tại quốc gia. Ở các nước nghèo hơn thì thu hút đầu tư nước ngoài tư nhân – bằng những giải pháp và chính sách hữu hiệu – có thể là một cấu thành quan trọng của chiến lược băng thông rộng. Chính phủ cũng có thể tăng tốc sự triển khai mạng và kích thích cạnh tranh bằng cách cho phép, và thỉnh thoảng thậm chí có thể yêu cầu phải chia sẻ mạng.
Để khắc phục vấn đề kết nối, Chính phủ cũng có thể áp dụng các chính sách như cung cấp các khuyến khích tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn; xây dựng các mạng được trợ giá được sử dụng bởi nhóm những người dùng mà sự kết nối lẫn nhau giữa họ là tối quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, ví dụ như Chính phủ, các tổ chức học thuật, giáo dục và R&D; và khuyến khích chia sẻ Internet và các công cụ viễn thông, công nghệ thông tin khác cho những khu vực kém phát triển.
Đầu tư vào những yếu tố bổ trợ con người và tổ chức, và học hỏi ở các ngành để đảm bảo quả ngọt kinh tế số cho toàn dân
Cần phải đầu tư lớn để thực thi các thay đổi về tổ chức, đổi mới quy trình, và các tài sản số vô hình khác (như dữ liệu và nội dung số) để hiện thực hóa lợi ích số hóa. Sự đầu tư này sẽ có ảnh hưởng lớn đến kỹ năng, vai trò, chuẩn mực, thói quen, làm việc nhóm, đối tác liên ngành, và tập quán quản lý và lãnh đạo.
Phối hợp với tất cả các bên hữu quan, Chính phủ đóng một vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sự lan truyền rộng rãi và hiệu quả các công nghệ số đến các khu vực tụt hậu và các cộng đồng nghèo. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được Chính phủ hỗ trợ để thu nạp các công nghệ số mới và học cách chuyển đổi việc kinh doanh và các tập quán của mình.
Kinh tế số phát triển sẽ khoét thêm hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Để khắc phục, Chính phủ cần cung cấp tiếp cận Internet và các công cụ công nghệ số với giá rẻ, phổ cập tri thức số, và phát triển nội dung địa phương, năng lực thông tin, và các kỹ năng bổ trợ.
Nuôi dưỡng một hệ sinh thái chuyển đổi số
Chính phủ cần có một tầm nhìn tổng quát về chuyển đổi số quốc gia và xử lý việc chuyển đổi số như một hệ sinh thái có tính tương tác cao độ, đòi hỏi phải có sự chia sẻ về tầm nhìn, các chiến lược linh hoạt, các cam kết bền vững, và sự phối hợp của các cơ quan. Các công nghệ số, cơ sở hạ tầng, plaform, ứng dụng, và dữ liệu lớn có sự phụ thuộc lớn vào nhau và vì thế nên được đối xử như một hệ sinh thái động. Để tối đa hóa quả ngọt chuyển đổi số đòi hỏi phải đánh giá và nuôi dưỡng hệ sinh thái này.
Hệ sinh thái chuyển đổi số có thể bao gồm các cấu phần sau:
Các chính sách và cơ quan chức năng: Đây là những công cụ thiết yếu để Chính phủ phối hợp và điều phối toàn bộ hệ sinh thái chuyển đổi số. Chúng tạo thành môi trường để tăng cường tương tác giữa các yếu tố trong hệ sinh thái;
Vốn con người: Nguồn nhân lực chất lượng cao là trái tim của cách mạng số với tư cách vừa là người sử dụng, vừa là người sản xuất; vốn con người gồm kỹ năng quản lý chính sách và kỹ thuật, và tri thức về số và thông tin nói chung, cũng như tinh thần kinh doanh;
Ngành dữ liệu và công nghệ thông tin: Trong ngành này thì các năng lực địa phương trong phát triển phần mềm và phân tích dữ liệu là cốt lõi của sức cạnh tranh, tạo điều kiện để sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong nước các công nghệ số;
Cơ sở hạ tầng số: Đây là nói về cơ sở hạ tầng truyền thông có chi phí hợp lý và cạnh tranh, gồm sự tiếp cận Internet và các công cụ công nghệ thông tin, băng thông rộng, các nền tảng (plaform) chủ chốt như điện toán đám mây và hệ thống thanh toán số với chi phí hợp lý; và
Các ứng dụng chuyển đổi số: Cấu phần này gồm các ứng dụng công nghệ số và đầu tư mang tính bổ trợ vào các năng lực thể chế để chuyển đổi các ngành sử dụng công nghệ thông tin của nền kinh tế gồm Chính phủ số, tài chính thương mại số, và chuyển đổi số trong các ngành kinh tế ưu tiên khác.
Xây dựng một nền kinh tế số sáng tạo
Chính phủ có nhiệm vụ giảm bất bình đẳng kinh tế và vai trò của các công nghệ số thì hoặc làm trầm trọng thêm, hoặc giúp giảm bớt sự bất bình đẳng này. Để giảm bất bình đẳng thì Chính phủ cần đảm bảo những công nghệ số này được tiếp cận với chi phí thấp bởi nhóm người nghèo. Vì công nghệ thông tin, công nghệ số hiện là công nghệ áp dụng chung nên tính hữu dụng và tác động của nó phụ thuộc vào năng lực của người sử dụng và nhiều yếu tố khác mà thường cộng đồng người nghèo không có. Do đó Chính phủ có vai trò khuyến khích một xã hội số dung nạp rộng rãi mọi người bằng cách hỗ trợ các sáng tạo chi phí thấp, thân thiện với người nghèo.
Một cách tiếp cận để xây dựng xã hội như vậy là thông qua các quỹ sáng tạo theo nhu cầu, từ dưới đi lên. Chính phủ khuyến khích các đại học và doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới để mở rộng cơ hội cho người nghèo. Vốn từ các quỹ này có thể thay đổi năng lực của các cộng đồng, chất lượng hoạt động của các thể chế địa phương, sự vận hành của các thị trường và đời sống của người nghèo trong các cộng đồng này. Các quỹ này có thể không tạo ra những phát minh mang tính bước ngoặt nhưng chúng có thể huy động được các cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận để cùng tạo ra các giải pháp số trực tiếp phục vụ cho nhu cầu số của các cộng đồng.
Tạo dựng năng lực Chính phủ số
Chính phủ cần sử dụng đòn bảy cách mạng số để làm khu vực công trở nên có năng lực hơn và có tính đáp ứng hơn, và để mở rộng sự tham gia của công dân vào và có tiếng nói hơn trong dịch vụ công và quá trình làm chính sách.
Chuyển đổi Chính phủ là quá trình xác định lại quan hệ giữa Chính phủ và người dân (và doanh nghiệp) để chuyển hoạt động thành lấy dân/khách hàng làm trung tâm. Mô hình có tính cách mạng này sẽ tương tự như việc ứng dụng một công nghệ có tính hủy diệt sáng tạo vào một hệ thống truyền thống, nơi, ví dụ, Chính phủ đóng vai trò trung tâm.
Điểm khởi đầu cho chặng đường chuyển đổi này là tạo ra một tầm nhìn viễn kiến về một Chính phủ mơ ước trong tương lai. Viễn kiến này cần phải tích hợp trong đó các tập quán tốt nhất trong việc đổi mới các cơ quan khu vực công như quản lý theo kết quả, đặt người dân làm trọng tâm, và phục vụ dân theo yêu cầu.
Viễn kiến này cần được hiểu rõ và tuân thủ bởi tất cả các bên hữu quan. Quy trách nhiệm rõ ràng đối với chất lượng dịch vụ công trước dân là then chốt để đối lại sự chống đối của nhóm lợi ích muốn duy trì hiện trạng để trục lợi. Đầu tư vào Chính phủ điện tử sẽ có tác động lớn nhất khi kết hợp với cải tạo dịch vụ công cộng: Chính phủ số không chỉ bao gồm du nhập các quy trình được số hóa mà còn thay đổi kỹ năng, động lực, và văn hóa phục vụ dân để làm tăng tính chuyên nghiệp, sự phối hợp, trách nhiệm, và tính minh bạch. Để đạt được những thay đổi này cần đầu tư mạnh mẽ vào thay đổi thói quen, tổ chức, và quan hệ quyền lực – một sự đầu tư dài hạn mà chỉ có thể bền vững bằng một viễn kiến rõ ràng, có động lực và được thấm nhuần.
Sự thay đổi về cơ bản trong Chính phủ không bao giờ là điều dễ dàng. Chúng không thể có được chỉ bởi công nghệ. Còn cần phải có thay đổi về thái độ, kỹ năng, các thói quen thành lối mòn, và văn hóa tổ chức.
Tóm lại, kỷ nguyên số đặt ra yêu cầu cao hơn cho Chính phủ. Nền kinh tế đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có Chính phủ đổi mới sáng tạo, không chỉ tự biến mình thành một chủ thể có tính đáp ứng và linh hoạt mà còn phải đưa ra được các chính sách và platform để thúc đẩy sự vận hành của một nền kinh tế số năng động. Chính phủ phải xây dựng và bồi bổ năng lực của mình theo thời gian và học cách hoàn thành tốt vai trò mới và rộng hơn theo kịp đòi hỏi của kỷ nguyên số.
ictvietnam.vn
Từ khóa » Chức Năng Kinh Tế Của Chính Phủ
-
Quan Hệ Giữa Chính Phủ Với Thị Trường Trong đổi Mới Tổ Chức Và ...
-
Chuyển đổi Chức Năng Của Chính Phủ Và Bộ Máy Hành Chính Nhà ...
-
CHỨC NĂNG KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ ...
-
[PDF] CHỨC NĂNG QUẢN LÝ KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ ...
-
Chính Phủ Là Gì ? Vị Trí, Tính Chất Và Chức Năng Của Chính Phủ
-
[PDF] Vai Trò Của Nhà Nước Trong Phát Triển Kinh Tế Việt Nam
-
[DOC] MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
-
Chính Phủ Ban Hành Chương Trình Phục Hồi Và Phát Triển Kinh Tế
-
Thành Lập Ban Chỉ đạo Về Triển Khai Thực Hiện Chương Trình Phục ...
-
[PDF] Chức Năng Quản Lý Kinh Tế Của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa ...
-
Vai Trò Của Nhà Nước Trong Việc Xây Dựng, Tổ Chức Và Quản Lý Nền ...
-
Đẩy Mạnh Phát Triển Kinh Tế Hợp Tác, Hợp Tác Xã 06/08/2018 07:20:00
-
Ổn định Tài Chính Và Vai Trò Của ổn định Tài Chính
-
Chức Năng, Nhiệm Vụ - Văn Phòng Chính Phủ