Vai Trò Quan Trọng Của Chất Hữu Cơ Và Mùn Trong đất Trồng

Đất – yếu tố mang tính quyết định trong canh tác nông nghiệp. Đất có tốt, thì canh tác mới đạt các tiêu chí năng suất, chất lượng như mong đợi. Để đánh giá về đất canh tác, người ta thường đề cập đến các điểm như: độ phì, chất hữu cơ, mùn, hệ vi sinh,… Trong đó, chất hữu cơ và mùn trong đất đóng vai trò quan trọng đến chất lượng đất. Vậy chất hữu cơ và mùn trong đất là gì? Có ảnh hưởng đến cây trồng như thế nào?

Nội dung bài viết

  • 1. Chất hữu cơ trong đất là gì?
  • 2. Nguồn gốc chất hữu cơ trong đất
  • 3. Quá trình biến hóa xác hữu cơ trong đất
  • 4. Mùn và quá trình mùn hóa
  • 5. Thành phần của mùn
  • 6. Vai trò của chất hữu cơ và mùn trong đất

1. Chất hữu cơ trong đất là gì?

Chất hữu cơ là yếu tố cơ bản để phân biệt giữa đất và đá mẹ. Số lượng và tính chất của chất hữu cơ tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành đất, góp phần quyết định nhiều tính chất: lý, hóa, sinh và độ phì nhiêu của đất. Toàn bộ các hợp chất hữu cơ có trong đất được gọi là chất hữu cơ của đất.

Có thể chia chất hữu cơ của đất làm 2 phần:

Tàn tích hữu cơ chưa bị phân giải (rễ, thân, lá cây, xác động vật) vẫn giữ nguyên hình thể.

Chất hữu cơ đã được phân giải gồm: mùn và các hợp chất ngoài mùn.

2. Nguồn gốc chất hữu cơ trong đất

Trong đất tự nhiên, nguồn hữu cơ cung cấp duy nhất cho đất là tàn tích sinh vật bao gồm xác thực vật, động vật và vi sinh vật. Ðối với đất trồng trọt ngoài tàn tích sinh vật còn có một nguồn hữu cơ bổ sung thường xuyên đó là phân hữu cơ.

3. Quá trình biến hóa xác hữu cơ trong đất

Sự biến hóa xác hữu cơ trong đất là một quá trình sinh hóa học phức tạp, xảy ra với sự tham gia trực tiếp của vi sinh vật, động vật, oxy không khí và nước.

Xác thực vật tồn tại trên mặt đất hoặc trong các tầng đất, trong quá trình phân giải chúng mất cấu tạo, hình dạng ban đầu và biến thành những hợp chất hoạt tính hơn, dễ hòa tan hơn.

Một phần những hợp chất này được khoáng hóa hoàn toàn, sản phẩm của quá trình này là nước, một số khí và những hợp chất khoáng đơn giản, trong số đó có nhiều chất dinh dưỡng cho thực vật.

Một phần được vi sinh vật dùng để tổng hợp protit, lipit, gluxit và một số hợp chất mới, xây dựng cơ thể chúng và khi chúng chết đi lại được phân hủy.

Chất hữu cơ và mùn được vi sinh vật phân hủy

Phần thứ ba biến thành những hợp chất hữu cơ cao phân tử có cấu tạo phức tạp – đó là những hợp chất mùn. Những hợp chất mùn này lại có thể bị khoáng hóa.

Như vậy xác hữu cơ trong đất chịu sự tác động của 2 quá trình song song tồn tại, tùy theo điều kiện đất, khí hậu, thành phần xác sinh vật mà một trong hai quá trình ấy chiếm ưu thế. Hai quá trình này là: quá trình khoáng hóa xác hữu cơ và quá trình mùn hóa xác hữu cơ.

4. Mùn và quá trình mùn hóa

Mùn là những hợp chất hữu cơ cao phân tử phức tạp mà phân tử bao gồm nhiều đơn vị cấu tạo khác nhau, chúng được nối với nhau bằng các cầu nối. Mỗi đơn vị cấu tạo bao gồm nhân vòng, mạch nhánh, chúng chứa nhiều nhóm định chức khác nhau và mang tính axit.

Mùn hóa là quá trình tổng hợp những sản phẩm phân giải xác hữu cơ dẫn đến sự hình thành những hợp chất mùn.

5. Thành phần của mùn

Mùn đất gồm 2 phần:

Phần không tan: là các xác hữu cơ chưa phân giải và hợp chất humin,

Phần hòa tan: là các axit mùn gồm axit humic và axit fulvic.

Mùn đất gồm 5 phần; Phần tan và không tan

5.1 Acid Humic

Acid humic không hòa tan trong nước và axit vô cơ. Thành phần nguyên tố của axit humic chủ yếu bao gồm C, H, O, N. Hàm lượng các nguyên tố này khác nhau phụ thuộc vào loại đất, thành phần hóa học của tàn tích sinh vật, điều kiện mùn hóa và phương pháp tách acid humic khỏi đất.

Về cơ bản acid humic là keo ở dạng gel, nhưng chúng rất dễ bị tan bởi các dung dịch kiềm để tạo thành dung dịch phân tử hoặc dung dịch keo. Vì ở dạng keo nên axit humic có khả năng hấp phụ cao. Tính đệm của acid humic cũng rất cao cho nên ở đất giàu acid humic thì pH đất ổn định hơn. 

  • Humic-K_humate

5.2 Acid Fulvic

Là acid mùn có màu vàng, dễ tan trong nước, axit hoặc kiềm loãng. gần giống với acid humic, thành phần nguyên tố của acid fulvic khác nhau ở những đất khác nhau. Một phần acid fulvic được hình thành do kết quả của quá trình mùn hóa xác hữu cơ, phần khác được hình thành do sự biến đổi axit humic thành axit fulvic.

5.3 Hợp chất Humin

Humin là phần không hòa tan của hợp chất mùn, nó bao gồm các axit mùn liên kết chặt chẽ với phần vô cơ của đất. Humin là nhóm các hợp chất hữu cơ khác nhau, chúng phân biệt với các nhóm khác chủ yếu bởi tính chất không hòa tan trong môi trường axit lẫn môi trường kiềm.

6. Vai trò của chất hữu cơ và mùn trong đất

Có thể nói chất hữu cơ và mùn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả quá trình xảy ra trong đất và hầu hết các tính chất lý, hóa, sinh của đất. Vai trò của chúng được thể hiện ở những điểm chính sau:

6.1 Ðối với quá trình hình thành và tính chất đất

Là dấu hiệu cơ bản phân biệt đất với đá mẹ. Sự tích lũy của chất hữu cơ và mùn trong đất gắn liền với sự phát sinh đất.

Là dấu hiệu hình thái quan trọng biểu thị độ phì nhiêu của đất.

Với lý tính đất: chất hữu cơ và mùn có tác dụng cải thiện trạng thái kết cấu đất, ảnh hưởng đến toàn bộ lý tính đất như tính thấm và giữ nước tốt hơn, chế độ khí, sự hấp thu nhiệt và giữ nhiệt tốt hơn. Giúp việc trồng trọt thuận lợi cho cây trồng phát triển cũng như dễ dàng làm đất hơn.

Với hóa tính đất: chất hữu cơ xúc tiến các phản ứng hóa học, cải thiện điều kiện oxy hóa, gắn liền với sự di động và kết tủa của các nguyên tố vô cơ trong đất. Chất hữu cơ nói chung làm tăng khả năng hấp phụ của đất, giữ được các chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất.

6.2 Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và vi sinh vật

Chất hữu cơ đất đều chứa các nguyên tố dinh dưỡng: N, P, K, S, Ca, Mg và các nguyên tố vi lượng, trong đó đặc biệt là N. Vì vậy chất hữu cơ đất vừa cung cấp thức ăn thường xuyên vừa là kho dự trữ dinh dưỡng lâu dài của cây trồng cũng như vi sinh vật đất.

Chất hữu cơ và mùn cung cấp thức ăn cho cây trồng và vi sinh vật

Là nguồn lớn cung cấp CO2 cho thực vật quang hợp.

Chứa một số chất có hoạt tính sinh học (chất sinh trưởng tự nhiên, men, vitamin…) kích thích sự phát sinh và phát triển của bộ rễ, làm nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào, huy động dinh dưỡng…

6.3 Duy trì và bảo vệ đất

Chất hữu cơ chứa các hợp chất kháng sinh cho thực vật chống lại sự phát sinh sâu bệnh và là môi trường rất tốt làm tăng hoạt tính của hầu hết vi sinh vật đất.

Tăng cường sự phân giải của vi sinh vật hoặc xúc tác cho sự phân giải các thuốc bảo vệ thực vật trong đất.

Cố định các chất gây ô nhiễm trong đất, làm giảm mức độ dễ tiêu của các chất độc cho thực vật. Từ đó, có thể thấy vai trò của chất hữu cơ và mùn trong đất là hết sức quan trọng. Để bắt đầu canh tác nông nghiệp tốt nhất, nên chọn đất làm trung tâm, chất hữu cơ và mùn trong đất là hai yếu tố cần được bảo vệ và tăng cường.

Xem thêmBộ giải pháp giúp cải tạo đất và bảo vệ cây trồng tốt nhất hiện nay

Tham khảo các vấn đề mà cây trồng thường gặp phải và cách xử lý tại website này: https://sinhhocvietnam.vn/

Từ khóa » Khoáng Hoá Hữu Cơ