Vai Trò Quan Trọng Của Răng Sữa

   Con người có 2 hệ răng: Răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa tồn tại từ khoảng 6 tháng tuổi đến 12 tuổi, và sau đó được thay bằng những chiếc răng vĩnh viễn. Răng sữa có vai trò quan trọng không kém răng vĩnh viễn, giúp trẻ cắn, nhai, nghiền nát thức ăn, giúp việc tiêu hóa thức ăn của trẻ được dễ dàng hơn. Răng sữa giúp giữ cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí, lại còn giúp em bé phát âm chuẩn hơn. Tuy nhiên, so với răng vĩnh viễn thì răng sữa ít được phụ huynh của trẻ quan tâm, chăm sóc.

   Chị Lê Thị Quyên, Phường Nghĩa Lộ cho biết: “Con mình hơn 5 tuổi, răng sữa mọc đầy đủ rồi. Răng sữa thì mình nghĩ cũng chăm sóc bình thường thôi, thấy lung lay thì nhổ để răng vĩnh viễn mọc lên”

   Về lý do tại sao phụ huynh cần quan tâm đến răng sữa của trẻ hơn, bác sĩ Huỳnh Thị Lệ Châu, phụ trách liên chuyên Khoa Mắt-Tai Mũi Họng-Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản-Nhi chia sẻ: “Do người lớn hay có quan điểm răng sữa sẽ thay vì chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Cho nên không chăm sóc răng sữa nhiều. Nhiều người răng sữa của con hư bảo đi trám sẽ ngạc nhiền là răng sửa trám làm chi, hoặc điều trị tủy cũng hỏi điều trị tủy làm chi. Họ không biết khi răng sữa tốt với răng sữa không tốt hoàn toàn khác nhau. Răng sữa có chức năng nhai, giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Khi hàm răng sữa đầy đủ, bình thường thì sẽ định hướng cho xương hàm phát triển đẹp nhất. Còn nếu răng sún, hay sâu thì xương hàm cũng phát triển theo hướng như vậy”

Bác sĩ Châu đang điều trị răng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sản- Nhi   ( ảnh: B.M )

    Răng sữa tồn tại trong khoảng thời gian “vàng”  phát triển của trẻ, khoảng thời gian trẻ cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Mà vai trò chính của răng sữa là giúp tiêu hóa thức ăn vì sau 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu ăn bổ sung những thứ cứng hơn, khó tiêu hơn. Nếu bộ răng nhai và tiêu hóa tốt thì dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể trẻ đầy đủ hơn. Trường hợp, trẻ có hàm răng bị sâu, hư nhiều thì không thể ăn uống ngon miệng và đảm bảo dinh dưỡng để phát triển.

   Thông thường răng sữa khi mọc lên, đứng trên cung hàm, sau vài năm thì chân răng bắt đầu tiêu dần chuẩn bị nhường chỗ cho một mầm răng vĩnh viễn sắp trồi lên ngay đúng vị trí đó. Nếu răng sữa mọc sớm thì thường cũng sẽ rụng sớm. Ngược lại mọc răng muộn thì bé có thể giữ răng sữa lâu hơn. Quá trình thay răng sữa bắt đầu từ răng cửa đến răng hàm, răng sữa rụng đến đâu thì răng vĩnh viễn mọc lên ngay vị trí đấy. Sự khỏe mạnh của hàm răng sữa có ảnh hưởng sự phát triển và định dạng của hàm răng vĩnh viễn. Vì thể, nếu trẻ bị sâu răng đến mức mất răng từ sớm thì răng vĩnh viễn sau này sẽ khó mọc đúng chỗ.

Răng khỏe, đẹp giúp trẻ tự tin hơn (Nguồn: Internet)

     Vì những công dụng lớn lao như vậy, cha mẹ rất cần chăm sóc răng của bé. Theo lời khuyên của bác sĩ Châu thì: “Từ nhỏ nếu cho trẻ chăm sóc răng sữa tốt sẽ hình thành cho trẻ một thói quen, tạo nền tảng để sau này trẻ quan tâm, ý thức hơn đến chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nên đánh răng thường xuyên bằng kem đánh răng, nên đánh răng sau mỗi bữa ăn, ít nhất là 2 lần/ngày. Trường hợp răng sữa của trẻ bị sâu, nên chữa kịp thời, tránh để lâu dẫn đến tình trạng sâu răng nặng và mất răng sữa quá sớm làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt, giảm sức nhai và ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn”

    Để trẻ có một hàm răng khỏe mạnh các bậc phụ huynh nên rèn luyện cho trẻ quen việc giữ gìn vệ sinh răng miệng từ nhỏ. Đồng thời, thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các tổn thương răng và có hướng điều trị kịp thời./.

Từ khóa » Hệ Răng Sữa