Vài ý Về Bài Thơ “Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ” Của Hàn Mạc Tử

Vài ý về bài thơ

“Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ” của Hàn Mạc Tử

Phạm Vũ Thịnh

Hàn Mạc Tử là nhà thơ thiên tài bạc mệnh được người Việt yêu thích, ông có nhiều tác phẩm để đời, trong đó nổi tiếng và được ái mộ bậc nhất có lẽ là bài thơ này:

Ở ĐÂY THÔN VỸ GIẠ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền. * Gió theo lối gió, mây đường mây Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay? * Mơ khách đường xa khách đường xa Áo em trắng quá, nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà?!

*

Tuy nhiên, vừa đọc xong nhan đề bài thơ hẳn đã có người kháng cự, rằng nhan đề viết sai rồi, xưa nay sách báo vẫn ghi là “Đây thôn Vỹ Dạ” chứ làm gì có chữ “Ở”, và chữ “Dạ” chứ ai lại viết là “Giạ”? Xin thưa, viết như thế là vì có chứng cớ khả tín từ nhà báo PHANXIPĂNG, trên Facebook của anh có hình chụp thủ bút của chính nhà thơ Hàn Mạc Tử mà bản chính đã được gửi cho bạn gái của ông là nữ sĩ Hoàng Thị Kim Cúc vào khoảng năm 1939, như bản sao dưới đây:

Và tất cả chữ chép lại trên đây trong bài thơ cũng là từ hình chụp này, chứ bài thơ này đã được sao chép thành vô số phiên bản qua nhiều thời kỳ và nhiều người, đã có nhiều chữ bị thay đổi khác đi.

Lại nữa, trên Facebook của nhà báo PHANXIPĂNG còn có hình chụp “Trên tờ Đông Á Tân Văn số 2 (Sài Gòn, 19/10/1940 - lúc Hàn Mạc Tử còn tại thế), bài thơ này đăng lần đầu cùng bài thơ “Ghen”, qua ảnh do Vũ Hà Tuệ chụp. Lưu í rằng bản in: * Nhan đề “Ở đây thôn Vĩ Dạ”, không bỏ từ “Ở”, và * Bút hiệu / bút danh chính thức của tác giả là “Hàn Mạc Tử”, không phải “Hàn Mặc Tử”.

*

Thật vui mừng được dịp “chiêm ngưỡng” nét bút của nhà thơ Hàn Mạc Tử, rất có cá tính và có vẻ đẹp riêng rất khác thường. Có lẽ đấy là một bản hoàn chỉnh hay “final” mà tác giả đã chép lại từ các bản thảo bản nháp trước đó, bởi hoàn toàn không có “đồ, di, câu, cải” những chỗ xóa bỏ, dời đi, móc thêm hay sửa đổi gì cả. Những khoảng trống, cách xuống dòng, chiều nghiêng của dòng chữ,... có phong thái gì đó rất đặc biệt, rất Hàn Mạc Tử! Lại nữa, căn cứ vào các tư liệu ấy, có thể nhận ra được hai điểm, tạm gọi là phát kiến, khá thú vị.

(1) Một phát kiến là chữ “Giạ” bất ngờ. Hiếm khi thấy được chữ “Giạ” như thế, mà chỉ thấy chữ “Dạ” hầu như được mặc nhận là tiêu chuẩn. Khổ nỗi chữ “Dạ ” thì chỉ có nghĩa là đêm tối. Đâm ra thắc mắc về ý nghĩa của chữ “Giạ”, mới nhớ ra ngày xưa ở Huế có nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tên hiệu của cụ viết chữ Hán là 菽野氏Thúc Giạ Thị, chữ “Giạ” trong tên cụ có vẻ là giọng Huế của chữ “Dã ” có nghĩa là cánh đồng, cõi bờ, chốn quê, dân quê. Vậy thì có thể đoán là “Vỹ Dạ” có lẽ cũng có nghĩa là cánh đồng Vỹ (trong từ điển Thiều Chửu thì từ Hán Việt không có chữ Vỹ mà chỉ có chữ Vĩ có đến bảy ý nghĩa khác nhau!), khiến dễ đoán mò là “cánh đồng bao la”, hay “cánh đồng ở phía đuôi (?)” gì đấy. Nói gì đi nữa thì chữ “Giạ” này cũng rất Huế, đặc biệt Huế, mà Hàn Mạc Tử yêu mến Huế đến viết ra theo giọng Huế (hay cũng có thể bảo là một tiếng riêng của người Huế).

Và chữ “Giạ” của Hàn Mặc Tử cũng khiến thắc mắc về ý nghĩa của địa danh “Vỹ Dạ”, nên tìm kiếm và đọc được trên mạng bài này: “Hàn Mạc Tử: Tình đầu với nguyên tác “Ở đây thôn Vỹ Giạ” - Kì II: Nguyên tác áng thơ” cũng của nhà báo PHANXIPĂNG, đăng ngày 18/05/2021:

https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/han-mac-tu-tinh-dau-voi-nguyen-tac-o-day-thon-vy-gia-ki-ii-nguyen-tac-ang-tho-6brVTljGR.html

và hiểu ra là: “Vỹ Dạ” hay “Vỹ Giạ” theo cách viết của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, đều là do đọc theo giọng Huế (mà biến âm) từ gốc “Vi Dã 葦野: Vi là lau sậy, và Dã là cánh đồng. “Vỹ Dạ” hay “Vỹ Giạ” nghĩa là “cánh đồng lau”. (khiến nhớ đến “Khu Rừng Lau” của Doãn Quốc Sỹ!).

(2) Phát kiến thứ hai là Hàn Mặc Tử đã viết nhan đề bài thơ là “Ở đây thôn Vỹ Giạ” chứ không phải “Đây thôn Vĩ Dạ” như sách báo thường ghi. Ngẫm lại thì “Đây thôn Vĩ Dạ” nghe như lời lẽ của một anh hướng dẫn du lịch, hoặc một anh môi giới buôn bán nhà đất! Bởi bài thơ này đã giúp thôn Vỹ Dạ nổi tiếng khắp đất nước, với những hình ảnh đẹp lãng mạn như nắng mới trên hàng cau, lá trúc xanh như ngọc bích, hoa bắp lay động trên giòng nước buồn thiu, chiếc thuyền nơi bến sông chở ánh trăng, áo em trắng quá nhìn không ra là ai trong sương khói mờ nhân ảnh,... Đến nỗi người ta có thể tập trung chú ý đến phong cảnh hữu tình của thôn Vỹ Dạ, mà quên mất tâm tình của tác giả mới chính là chủ đích của bài thơ. Bởi hẳn phải là “Ở đây thôn Vỹ Giạ” mới nói lên được nỗi cô đơn của một người đang “ở đây”, đang khắc khoải ngóng chờ “sao anh không về chơi thôn Vỹ?”, nơi chẳng có ai quen, “vườn ai” đó chẳng biết là của ai mà “mướt quá xanh như ngọc”, đến “thuyền ai đậu bến sông trăng đó” cũng chẳng biết là thuyền của ai, trên “giòng nước buồn thiu” chỉ có “hoa bắp lay”, chung quanh thì “nhân ảnh” chỉ mờ mờ nhìn chẳng ra được ai là ai cả! Người ở phương nào, ta ở đây! Để cứ phải ngóng trông “vọng cố nhân hề thiên nhất phương” ngóng người xưa ôi đăm đắm một phương trời.

Về nhan đề bài thơ có các từ “Ở đây”, nhà báo PHANXIPĂNG cho biết thêm rằng:

“Nguyên tác, Hàn viết “Ở đây thôn Vỹ Giạ” chứ không phải “Đây thôn Vĩ Dạ” như sách báo, kể cả giáo khoa và giáo trình, vẫn in.

Lưu ý rằng tuần báo Đông Á Tân Văn số 2 ra ngày 19/10/1940, lúc Hàn còn tại thế, đã in đúng nhan đề bài thơ của Hàn: “Ở đây thôn Vĩ Giạ”. Nhà văn Trần Thanh Địch sinh thời từng nhận xét: Chữ “Ở” được Hàn dùng có chủ đích. Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn Vỹ: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.

Soạn sách “Hàn Mạc Tử thơ văn và cuộc đời” (Tuần báo Dân Việt ấn hành, Sydney, 1997), Hồ Đình Chữ khẳng định: “Tóm lại, bài thơ nổi tiếng mà Hàn Mạc Tử gởi tặng cho chị (Hoàng Thị) Kim Cúc và đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trên bốn chục năm nay [phổ năm 1993 là mới 4 năm thôi], có nhan đề nguyên thủy là “Ở đây thôn Vỹ Dạ”.”

Cũng xin nhắc rằng https://www.facebook.com/pang.phanxi còn có các video ca sĩ trình bày bản nhạc mà Phạm Duy đã phổ nhạc từ bài thơ này.

Ngoài ra, về nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) thì Wikipedia cho biết: tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (chữ Hán: 阮福膺苹), hiệu Thúc Giạ Thị (菽野氏); là một hoàng thân nhà Nguyễn và là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.

Năm 1922, ông làm Bố chính Hà Tĩnh, Tuần vũ, Phủ doãn Thừa Thiên.

Năm 1933, khi 57 tuổi, ông về hưu và được thăng Thượng thư trí sự.

Năm 1939 - 1940, ông làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ.

Năm 1940 - 1945, ông được bầu làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ...

Ông có bài thơ này: Bảy mươi tuổi tự thuật

Ngưỡng mong ơn Phật với ơn Trời,

Tuổi thọ nay đà đến bảy mươi.

Rượu có mùi hương nên uống mãi,

Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi.

Thuở ra sân khấu không làm rộn,

Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi.

Giở tấm gương vàng soi tóc bạc,

Sương pha tuyết điểm lại càng tươi.

Phạm Vũ Thịnh 27 May 2021

® "Khi phát hành lại thông tin từ trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com"

Cảm tưởng, ý kiến xin gởi về t4phamvu@hotmail.com

Từ khóa » Chữ Vĩ Dạ Có Nghĩa Là Gì