VĂN BẢN. BỐ CỦA XI - MÔNG (trích) - Củng Cố Kiến Thức

1. Hãy xác định từng phần nếu chia bài văn trên thành bốn phần căn cứ vào diễn biến của truyện: Nỗi tuyệt vọng của Xi-mông; Phi-líp gặp Xi-mông và nói sẽ cho em một ông bố; Phi-líp đưa Xi-mông về nhà trả cho chị Blăng-sốt và nhận làm bố của em; Xi-mông đến trường nói với các bạn là có bố và tên bố em là Phi-líp.

Bài trích giảng có thể chia làm bốn phần:

+ Phần 1: Từ “Trời rất ấm...” đến "em chỉ khóc hoài".

+ Phần 2: Từ “Bỗng một” đến “một ông bố”.

+ Phần 3: Từ “Hai bác cháu lên đường...” đến “bỏ đi rất nhanh”.

+ Phần 4: Đoạn còn lại.

2. Xi-mông đau đớn vì sao? Nỗi đau đớn ấy được nhà văn khắc họa như thế nào qua những ý nghĩ, sự bộc lộ tâm trạng và cách nói năng của em trong bài văn?

- Xi-mông đau đớn khi bị trêu chọc là không có bố, em thường bị bạn bè trêu chọc và đánh đập.

- Nỗi đau đớn thể hiện qua ý nghĩ và hành động của em. Bị chế giễu, đánh đập, em bỏ ra bờ sông, định nhảy xuống sông vì không bố. May mà trời nắng dễ chịu, ánh nắng êm đềm, mặt cỏ, chú nhái con khiến Xi-môrg nghĩ đến một thứ đồ chơi, nghĩ đến nhà, nghĩ đến mẹ.

- Nhiều lần em đã khóc “người em rung lên”, “mắt đẫm lệ, mặt đầy nước mắt...”, cách nói năng của em cũng thể hiện nỗi đau đớn, nói không nên lời, bị ngắt quãng (chúng nó đánh cháu... vì... cháu... không có bố... không có bố...).

3. Qua hình ảnh ngôi nhà của chị Blăng-sốt, thái độ của chị đối với khách và nỗi lòng của chị khi nghe con nói, chứng minh chị Blăng-sốt chẳng qua vì lầm lỡ mà sinh ra Xi-mông, chứ căn bản chị là người tốt.

- Việc Xi-mông không có bố lại thêm ý nghĩ của chú Phi-lip “một tuổi xuân đã lầm lỡ rất có thể lầm lần nữa" làm người đọc có thể băn khoăn, nghi ngờ phẩm cách của chị Blăng-sốt. Nhưng sau đó vừa "đến trước một ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng hết sức sạch sẽ”, nhìn thấy chị, người thợ Phi-lip bỗng tắt nụ cười, vì bác hiểu ngay là “không bỡn cợt được nữa với cô gái cao lớn, xanh xao, đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình như muốn cấm đàn ông bước lên thềm ngôi nhà nơi mà cô đã bị một kẻ khác lừa dối”.

- Với các chi tiết “hai má thiếu phụ đỏ bừng", “nước mắt lã chã tuôn rơi", “chị Blăng-sốt lặng ngắt và quằn quại vì hổ thẹn” người đọc có thể cảm nhận đây là một phụ nữ có tư cách. Phản ứng quyết liệt với cánh đàn ông sau khi đã bị lừa dối, sự hổ thẹn nữa… biểu lộ là người có đạo đức.

4. Nêu lên diễn biến tâm trạng của Phi-líp qua các giai đoạn: Khi gặp Xi-mông; trên đường đưa Xi-mông về nhà; khi gặp chị Blăng-sốt; lúc đối đáp với Xi-mông.

- Là người nhân hậu, vị tha nên gặp Xi-mông đang khóc, Phi-lip liền hỏi han. Biết được nỗi đau của em, chú đã động viên “Người ta sẽ cho cháu... một ông bố”.

- Sau khi nhận ra ngay lai lịch cậu bé là con chị Blăng-sốt, người phụ nữ đã một lần lầm lỡ. Chú chợt nảy ra ý nghĩ không được trong sáng là lợi dụng tình thế, nhưng đến khi nhìn thấy chị, Phi-lip biết là mình đã sai lầm.

- Xấu hổ với ý nghĩ sai trái, chú ngượng nghịu bỏ mũ cầm tay, ấp úng nói chú đã nhận làm bố Xi-mông. Chú làm việc này xuất phát từ lòng nhân hậu, thương Xi-mông chứ không ngờ mình đã cho Xi-mông lòng tin vững chắc. Cuối cùng chú đã bắt gặp hạnh phúc gia đình.

- Tuy có lúc ý nghĩ thoáng qua không tốt nhưng căn bản, chú Phi-lip là người nhân hậu, chân tình, vô tư, hào hiệp, chú đã được miêu tả như những vị hiền thần, phúc thần đã giải thoát cho Xi-mông khỏi nỗi đau khổ và mang lại cho em hạnh phúc.

Từ khóa » Blăng Sốt