Văn Bản Văn Học - Củng Cố Kiến Thức

I. Tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học

1. Văn bản văn học (truyện cổ tích, thơ, tiểu thuyết, thiên bút kí, kịch…).

- Văn bản văn học đi sâu vào phản ánh hiện thực khách quan, khám phá thế giới tình cảm, tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu hướng thiện và thẩm mĩ của con người.

- Những chủ đề thường gặp: Tình yêu, hạnh phúc, băn khoăn đau khổ, khát vọng vươn đến chân – thiện – mĩ…

2. Ngôn từ của văn bản văn học.

- Là ngôn từ nghệ thuật có hình tượng mang tính thẩm mĩ cao, trau chuốt biểu cảm, gợi cảm, hàm súc, đa nghĩa, sử dụng nhiều phép tu từ (ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, tượng trưng…).

- Có những văn bản lúc ra đời nhằm những mục đích thực tiễn, về sau lại được xem là văn bản văn học, khi ý nghĩa cao sâu đã hài hòa với cách diễn đạt hoàn hảo, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của người đọc.

3. Mỗi văn bản đều thuộc một thể loại nhất định và theo quy ước cách thức của thể loại đó (kịch có hồi, cảnh, có lời đối thoại độc thoại; thơ có vần, điệu, luật, khổ thơ; truyện có những quy ước về xây dựng nhân vật, kết cấu cốt truyện, lời văn...).

II. Cấu trúc văn bản bản văn học

1. Tầng ngôn từ (ngữ âm, ngữ nghĩa).

- Đối tượng đầu tiên khi tiếp xúc với một văn bản văn học đó là ngôn từ. Để hiểu tác phẩm, trước hết chúng ta phải hiểu ngôn từ.

- Hiểu ngôn từ là bước đầu tiên để hiểu đúng tác phẩm.

- Hiểu ngôn từ là hiểu các nghĩa (tường minh, hàm ẩn) của các từ ngữ.

2. Tầng hình tượng.

- Hình tượng đựơc sáng tạo trong văn bản nhờ những chi tiết, cốt truyện, nhân vật, hoàn cảnh, tâm trạng (tùy quy mô văn bản như truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và tùy thể loại như tự sự, trữ tình, kịch…) mà có sự khác nhau.

- Hình tượng văn học do tác giả sáng tạo ra, không hoàn toàn giống như sự thật của cuộc đời, nhằm gửi gắm ý tình sâu kín của mình với người đọc, với cuộc đời.

3. Tầng hàm nghĩa.

- Hàm nghĩa của văn bản văn học là ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng của văn bản. Đọc tác phẩm văn học, xuất phát từ tầng ngôn từ, tầng hình tượng, dần dần người đọc nhận ra tầng hàm nghĩa của văn bản.

- Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, việc nắm bắt tầng hàm nghĩa rất khó. Nó phụ thuộc vào vốn sống, nhận thức, quan niệm, tư tưởng tình cảm... của người tiếp nhận.

III. Từ văn bản đến tác phẩm văn học

- Nhà văn sáng tác ra văn bản văn học, khi nằm trên giá sách, văn bản chỉ là tập giấy có chữ, chưa có tác động đối với xã hội. Thông qua việc đọc, những giá trị văn học tiềm ẩn trong văn bản mới được người đọc tiếp nhận, mới phát huy được chức năng của chúng.

- Người đọc càng trải nghiệm cuộc sống, càng hiểu biết quy luật nghệ thuật là lúc tác phẩm văn học có tác động đến con người, cuộc đời.

Từ khóa » Ví Dụ Về Tầng Ngôn Từ