Vãn Cảnh đền Gàn - CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

Bước xuống thuyền đi bộ khoảng 20m thì ngôi đền hiện ra trước mắt chúng tôi. Đền Gàn tọa lạc trên lưng chừng đồi với nhiều cây xanh cổ thụ, cửa chính hướng ra mặt hồ mênh mông.

1
Du khách vãn cảnh đền Gàn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết trước đây ngôi đền có tên là đền Bà, năm 1973 khi Hồ Núi Cốc - hồ nước ngọt nhân tạo được xây dựng, nước hồ dâng cao, nhân dân địa phương đã di dời đền Bà lên vị trí hiện tại và đổi tên là đền Gàn. Sở dĩ nhân dân gọi là đền Gàn vì theo truyền thuyết, Thánh Mẫu Liễu Hạnh thường sử dụng phép vân du khắp nơi, ra tay can thiệp những cảnh bất bình, động chạm tới nhiều thành phần trong xã hội nên nhân dân thường Gàn, khuyên can bà nên cái tên đền Gàn bắt nguồn từ đó.

2
Đền Gàn tọa lạc trên lưng chừng núi.

Những người trông coi ngôi đền chia sẻ: Đền Gàn được người dân địa phương xây dựng để thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh Tứ bất tử (gồm Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo và Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Cùng với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần cũng được thờ tại di tích nơi đây.

3
Du khách cầu nguyện cho gia đình an lành và hạnh phúc.

Từ năm 2015 đến nay ngôi đền đã được tu bổ, tôn tạo theo phong cách đền miếu dân gian Việt Nam, đền Gàn được kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm gian tiền đường và gian hậu cung. Nhìn tổng quan kiến trúc của ngôi đền khá đơn giản với kiểu kèo kìm, các bộ vì theo kiểu giá chiêng, cột trụ ngồi trên xà ngang, tường xây gạch trát vữa. Phía trên cửa chính có khắc ba chữ “Linh Gàn từ” (dịch nghĩa là đền Gàn) trên bia đá. Cây đa hàng trăm năm tuổi trước cửa đền càng làm cho nơi này trở nên thâm trầm, tôn nghiêm. Trong đền hiện lưu giữ nhiều cổ vật, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, minh chứng cho lịch sử tồn tại lâu dài của ngôi đền như: Ngai thờ cổ được trạm trổ công phu, bát hương cổ, tượng cổ, một phần còn lại của câu đối cổ được sơn son thiếp vàng... và nhiều hiện vật có giá trị.

Vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đền Gàn thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như người dân các xã lân cận như: Bình Thuận, Lục Ba, Tân Thái, Văn Yên... cùng du khách thập phương đến dâng hương với lòng thành kính. Tại đây, ngoài ngày lễ chính còn tổ chức các ngày lễ vào hè (tháng tư âm lịch), ra hè (ngày 14/7 âm lịch), lễ hầu đồng vào tháng Ba (Lễ giỗ Mẹ), tháng 8 (lễ giỗ Cha), các ngày rằm, mùng một âm lịch nhân dân đều đến làm lễ cầu may, cầu tài, cầu lộc, mùa màng tốt tươi... Đây không chỉ là một tín ngưỡng dân gian mà còn là một nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa và kiến trúc, ngôi đền đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 290/QĐ-UBND ngày 07/02/2013.

Giữa chốn tĩnh mịch của ngôi đền, trưởng đoàn đã thỉnh lên những tiếng chuông chậm rãi, vang vọng trong không gian để cầu nguyện cho đoàn của chúng tôi sự an lành, hạnh phúc…

Bài và ảnh: Đoàn Chiên

Từ khóa » Chè Xà Vãn