Vận Chuyển Hàng Hóa Không Rõ Nguồn Gốc Bị Xử Lý Thế Nào?

Vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý thế nào? Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thương mại, nhu cầu mua bán hàng hóa giữa các quốc gia, vùng miền là một điều tất yếu. Tuy nhiên, hàng hóa tham gia vào quá trình lưu thông thì phải đáp ứng được các điều kiện về xuất – nhập khẩu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định của pháp luật. Vậy việc vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị xử lý như thế nào?

1. Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là gì?

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm hàng hóa được trưng bày, bảo quản, vận chuyển và lưu giữ trong quá trình mua bán hàng hóa.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp tài xế vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khi bị cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra thì không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vậy trường hợp này, tài xế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

2. Trả lời câu hỏi tư vấn về việc xử lý vi phạm hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Câu hỏi tư vấn: Thưa luật sư, em là phụ xế có vận chuyển lô hàng, hàng hóa thiếu tem phụ và không đủ hoá đơn chứng từ nguồn gốc hàng hoá. Khi cơ quan liên nghành kiêm tra, em không xuất trình được đầy đủ, liên hệ với chủ hàng không chứng minh được xuất xứ lô hàng. Cho em hỏi trường hợp này em và lái xe chính có bị khởi tố hình sự không? Hình thức xử lý như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp em.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, xử lý vi phạm hành chính hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Căn cứ quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP giải thích hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

13. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định trên, hàng hóa cần phải có các thông tin thể hiện trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa, các tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ, hợp đồng, hóa đơn…để có căn cứ xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Trường hợp bạn không chứng minh, xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì được coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Căn cứ quy định điểm c khoản 1 tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử lý hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sau:

“Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

… c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng;

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng…”

Theo quy định pháp luật hiện hành, chưa có chế tài cụ thể xử phạt hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà chỉ xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trường hợp bạn và tài xế chứng minh được mình chỉ là bên vận chuyển thuê cho chủ hàng, xuất trình được giấy tờ vận tải của xe, hợp đồng vận chuyển thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Chủ hàng là người phải chịu xử phạt về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ. Ngược lại, nếu bạn và tài xế không chứng minh được mình là bên vận chuyển thuê thì sẽ được coi như là chủ của lô hàng đang vận chuyển và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật (hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ) đối với hành vi vi phạm (khoản 13 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP). Trường hợp hàng hóa vi phạm là sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường thì có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy (khoản 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP giải thích về hàng hóa nhập lậu như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

6. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:

a) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

b) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.”

Theo quy định trên, nếu số hàng hóa bạn vận chuyển là hàng hóa nhập khẩu và không có hóa đơn, chứng từ thì còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền cụ thể sẽ căn cứ vào giá trị của hàng hóa nhập lậu.

Thứ hai, xử lý hình sự hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới như sau:

“Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”

Theo quy định trên, nếu bạn vận chuyển trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì có thể bị khởi tố hình sự. Vận chuyển trái phép qua biên giới, khu phi thuế quan được hiểu là hành vi trốn tránh sự kiểm soát của hải quan hay cơ quan quản lý cửa khẩu, không khai báo hoặc khai báo gian dối…

Trường hợp bạn chỉ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong phạm vi nội địa thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Trân trọng.

Từ khóa » Thế Nào Là Không Rõ Nguồn Gốc Xuất Xứ