Văn Hoá... Dấm Dúi - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

1.Thời hậu A.Riedl, khi quyền hành được trao về BHL người Việt, rõ ràng việc tập trung đội Olympic chỉ để những cầu thủ trẻ được cọ xát và để BHL xác lập đội hình, thử nghiệm những cầu thủ mới cho SEA Games 24.

Cũng chính cách làm này đã tạo bầu sinh khí mới cho đội Olympic khi những gương mặt trẻ lần lượt được ra sân thể hiện mình như Phúc Hiệp, Phong Hoà hay Việt Cường...

Tất nhiên, cách làm này đáng khen ngợi bởi ngay cả việc xoay vòng sử dụng Công Vinh, Thanh Bình, Anh Đức vừa giúp các cầu thủ này phục hồi sau thời gian cống hiến ở đội tuyển vừa là biện pháp để các CLB cảm thấy mình không bị bóc lột một cách quá đáng.

Vả lại, chuyện tập trung cầu thủ trong thời gian ngắn cũng chứng minh rằng nó phù hợp và khả thi chứ không nhất thiết cứ phải "ôm nhau" cả mấy tháng trời đến phát ngán. Đáng khen đó chứ.

Thế nhưng cách làm của BHL lẫn LĐBĐ VN lại cứ dấm dúi, vụng trộm đến ngạc nhiên. Thay vì công khai, minh bạch rằng Đồng Tháp vì thi đấu V-League nên đợt này chỉ gọi 4 cầu thủ thay vì 6 thì họ lại chọn cách thông báo: "Thanh Bình chấn thương nên không tập trung lần này".

Vẫn biết đây là thoả hiệp giữa CLB và BHL đội tuyển nhưng làm thế để làm gì khi sau bản thông báo ấy là Phan Thanh Bình đá "ầm ầm" ngoài Đà Nẵng. Hay như Anh Đức, Công Vinh cũng lần lượt được thông báo "chấn thương" dù ai cũng biết chấn thương ấy chỉ là chấn thương ảo.

Nói có sách mách có chứng, nếu BHL Olympic cần người thật thì có báo chấn thương cũng phải lên tập trung như trước đó họ đã từng hành xử với Công Vinh trước trận gặp Lebanon.

Có lẽ việc dấm dúi này là thói quen có từ thời các HLV ngoại du nhập vào VN. Thay vì tìm cách nói thẳng, góp ý với các HLV về cách dùng người, các CLB và những quan chức LĐBĐ VN "thông đồng" với nhau cho quân ở nhà bằng những thông báo xin xỏ cáo bệnh.

Lâu dần thành quen. Chính việc dấm dúi thoả hiệp với nhau thay vì công khai một cách làm, BHL đội Olympic cũng như các quan chức LĐBĐ VN lẫn CLB địa phương đã vô tình dồn trách nhiệm lên các câu thủ.

Không ít khán giả trên sân đã dè bỉu những cầu thủ này khi thấy họ ra sân thi đấu dưới màu áo CLB thay vì dưới màu áo của đội tuyển. Họ có tội tình gì? Tại sao lại thế nhỉ, hay dấm dúi đã ngấm vào máu của những ai làm bóng đá ở VN?

2. "Vụ" trọng tài Dương Mạnh Hùng không được cầm còi ở giai đoạn 1 cũng thế. Nó ầm ĩ bởi cách hành xử rất thậm thụt của các vị làm ở hội đồng trọng tài. Vì sao những cái chuẩn trọng tài nào không cần kiểm tra, ở tình huống nào sẽ được kiểm tra sau v.v... và v.v... không được công bố một cách rõ ràng.

Cái sự không rõ ràng này thì chính ngay người nhà, tức các trọng tài còn không biết được đừng nói đến cánh báo chí hay các quan chức chóp bu của LĐBĐ VN.

Nhờ cái chân đau của trọng tài Hùng mà người ta mới biết thêm rằng có vài trọng tài được thông qua, miễn kiểm tra với lý do A, B, C.

Và cũng nhờ cái chân đau này mà người ta thấy rõ rằng ngay chính trong nội bộ của giới trọng tài và những người điều hành họ, mâu thuẫn là có thật chứ không phải tưởng tượng, thậm chí họ sẵn sàng lên mặt báo để cạnh khoé nhau là nói dối.

Tất cả đều bắt đầu từ cách xử lý dấm dúi của HĐTT, chính cái sự thiếu minh bạch ấy khiến trọng tài Hùng cho rằng ông phải ôm cái chân đau ra sân để hành xác trong cuộc kiểm tra.

Chính cách làm thiếu minh bạch, không theo luật lệ nào cả đã khiến người trong cuộc không tâm phục khẩu phục. Cứ kiểu này thì ông Hùng có được làm lại trọng tài thì liệu có "thọ" bởi quyền sinh sát, thậm chí bao che nằm ở tay các "đại ca" ở HĐTT.

Thế nhưng, sau khi làm ầm trên mặt báo, không ít người chợt ngộ ra để rồi... bình thản bởi lẽ: Họ sẵn sàng cãi chày cãi cối, họ sẵn sàng thoá mạ nhau nhưng họ không sẵn sàng ngồi lại cùng nhau để làm cho mọi thứ phân rõ trắng đen. Dấm dúi cũng là thói quen lâu năm và là "một phần cuôc sống" của HĐTT?

Từ khóa » Dấm Dúi Là Từ Gì