Văn Hóa Việt Nam Thời Lý - Trần - Hồ (TKỷ XI - đầu XV)

1,6K Mục lục ẩn Cơ sở hình thành Thành tựu tiêu biểu Đặc điểm

Cơ sở hình thành

Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, nhân dân ta đã giành được độc lập. Trải qua các triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê, quốc gia phong kiến độc lập tự chủ bước đầu được xây dựng và được củng cố ở các thế kỷ sau. Đây là thời kỳ độc lập lâu dài song chúng ta phải luôn đối phó với âm mưu xâm lược của các thế lực bên ngoài.

Trong suốt 4 thế kỷ, dưới các triều đại Lý – Trần – Hồ, dân tộc Đại Việt đã tiến hành 5 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong đó có 4 lần chiến thắng vẻ vang: kháng chiến chống Tống thời Lý, 3 lần chống Nguyên – Mông thời Trần và kháng chiến chống Minh thời Hồ. Chính trong độc lập và chiến tranh đã ảnh hưởng đến tư tưởng chủ đạo của nền văn hóa Việt Nam thời kỳ này.

Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long). Việc dời đô là một bước tiến thể hiện sự trưởng thành của ý thức dân tộc và của giai cấp phong kiến. Kể từ đây, Thăng long trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Đại Việt và Việt Nam sau này.

Nền văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần – Hồ có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống lao động sản xuất, chiến đấu của nhân dân ta. Đồng thời, nền văn hóa này lại được kế thừa những giá trị văn hóa của thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc và những di sản của 1.000 năm chống Bắc thuộc để lại. Vì vậy, nó càng có điều kiện để phát triển phong phú hơn.

Thành tựu tiêu biểu

– Kinh tế: Trước hết phải nói đến nông nghiệp. Nghề nông xuất hiện từ rất sớm ở nước ta, ngay trong nền văn hóa Hòa Bình. Đến thời Lý – Trần – Hồ, nông nghiệp ngày càng phát triển. Nhân dân ta đã biết dùng công cụ lao động bằng sắt, dùng trâu bò kéo cày và kỹ thuật thâm canh tăng vụ tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, năng suất tăng.

Bên cạnh đó, trình độ thủ công nghiệp cũng được nâng lên. Nghề dệt, nghề làm đồ gốm, đồ trang sức có những bước phát triển mới. Hoa văn, màu sắc ngày càng đa dạng; chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt là nghề gốm có bước phát triển khá dài và đạt trình độ cao. Những lò gốm làm ra nhiều loại gạch ngói: ngói bằng sứ trắng, ngói tráng men… Men xanh ngọc thời Lý là một biểu hiện của trình độ làm gốm phát triển. Ngoài ra, nhân dân ta còn biết tiếp thu kỹ thuật làm giấy của Trung Quốc và đưa công nghệ giấy lên một trình độ cao. Nhiều loại giấy có chất lượng cao và nổi tiếng khắp khu vực: giấy nhũ tương, giấy đại phương, giấy trầm hương…

– Khoa học kỹ thuật: Từ thế kỷ XIV, những yếu tố khoa học bắt đầu nảy sinh. Toán học được sử dụng trong đo đạc ruộng đất và xây dựng. Thiên văn học ra đời với những tên tuổi tiêu biểu như Đặng Lộ và Trần Nguyên Đán. Y học dân tộc phát triển với sự xuất hiện của Tuệ Tĩnh “ông tổ nghề thuốc nam”, nhiều cây thuốc nam được sử dụng để chữa bệnh rất có hiệu quả. Từ thời Trần, với sự thành lập Quốc sử viện, sử học đã đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, nhiều sử gia nổi tiếng xuất hiện: Lê Văn Hưu, Vũ Quỳnh, Phan Phu Tiên, Hồ Tông Thốc. Khoa học quân sự đạt đến đỉnh cao với sự xuất hiện 2 tác phẩm nổi tiếng của Trần Hưng Đạo: Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư. Bên cạnh đó, đầu thế kỷ XV, Hồ Nguyên Trừng đã đúc thành công súng thần cơ, một loại vũ khí có thể đương đầu với nhà

– Giáo dục, văn học: Giai đoạn đầu của quốc gia phong kiến độc lập, Nho giáo tuy chưa mạnh nhưng nó đã cùng với chữ Hán tồn tại trong xã hội Đại Việt. Chế độ giáo dục và thi cử theo tinh thần Nho giáo cũng theo đó mà phát triển. Năm 1070, nhà Lý cho dựng Văn Miếu, đúc tượng Chu Công và mở Quốc tử giám để dạy học cho con của vua và các quý tộc. Năm 1075, triều đình mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài. Sang thời Trần, nhà nước chính quy hóa, tạo quy củ và nề nếp cho việc học hành, thi cử. Quốc học viện được thành lập để đào tạo nhân tài. Tại lộ, phủ, châu, chức học quan được đặt ra để chăm lo phát triển giáo dục. Thể lệ thi cử, học vị được quy định, nhà Trần đặt danh hiệu tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) dành cho ba người đỗ đầu trong các kỳ Nhiều nhà nho nổi tiếng đã xuất hiện như: Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An, Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu…

Bên cạnh đó, văn học thời kỳ này cũng phát triển mạnh. Nội dung chủ yếu của thơ văn thời Lý – Trần – Hồ đều thấm đượm tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tiêu biểu có các tác phẩm: Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Phú Bạch Đằng của Trương Hán Siêu… Thơ ca thời Trần còn có nội dung ca ngợi thiên nhiên, đất nước biểu hiện bằng các bài thơ của Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông, Chu Văn An…

– Tôn giáo, tín ngưỡng:

Thời Lý – Trần, Phật giáo trở thành quốc giáo. Vua quan đều sùng đạo Phật. Các vua Lý nối tiếp nhau dựng chùa, đúc chuông, tô tượng, in kinh Phật. Năm 1031, nhà Lý bỏ tiền ra xây dựng 950 ngôi chùa. Các sư tăng và tín đồ phật giáo không ngừng tăng về số lượng. Theo nhà sử học Lê Văn Hưu, thời Lý “nửa nước là sư, đâu đâu cũng thấy chùa”.

Nho giáo vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Dưới thời Lý, Nho giáo còn xa lạ đối với nhân dân và chỉ dừng lại ở một bộ phận giai cấp thống trị. Phải đến thế kỷ XIV, Nho giáo ngày càng phát triển cùng với giáo dục thi cử và nhu cầu tuyển chọn nhân tài. Những người đậu đạt được đưa vào hàng ngũ quan lại. Nho giáo phát triển dần lấn át Phật giáo và chiếm địa vị độc tôn ở thế kỷ XV.

Các tín ngưỡng cổ truyền vẫn tiếp tục duy trì và phát triển trong nhân dân như: tục thờ cúng tổ tiên, thờ các anh hùng dân tộc, thờ tổ sư của các nghề…

– Nghệ thuật: Thành tựu nổi bật về kiến trúc của văn hóa Lý – Trần – Hồ là việc xây dựng các cung điện, thành lũy của nhà vua. Thành Thăng Long là một công trình thành lũy lớn và tiêu biểu nhất trong các triều đại phong kiến. Ngoài ra, thời Lý còn nổi lên các công trình kiến trúc Phật giáo, hàng ngàn ngôi chùa được xây dựng. Những chùa nổi tiếng có quy mô lớn và trang trí độc đáo là: chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), chùa Phật Tích, Chùa Dâu, chùa Quỳnh Lâm, chùa Yên Tử…

Bên cạnh đó, nghệ thuật điêu khắc trên gỗ, trên đá thời kỳ này cũng khá đặc sắc. Sự cách điệu từng bước của con rồng đánh dấu sự quan niệm của giai cấp thống trị đương thời. Hình tượng rồng thời Lý khá độc đáo: đầu nhỏ, mình trơn, đường cong mềm mại, cân xứng nằm gọn trong chiếc lá bồ đề tạo nên sự thanh thoát, nhẹ nhàng, uyển chuyển.

Đặc điểm

Văn hóa Đại Việt đã làm sống lại và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc đã bị vùi dập trong thời kỳ Bắc thuộc. Sự phát triển của nền văn hóa dân tộc thể hiện ý thức dân tộc ngày càng trưởng thành.

Trong những điều kiện của một nước độc lập lại có gốc rễ vững chắc của một nền văn hóa bản địa, văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần – Hồ đã tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa bên ngoài (Trung Quốc, Chiêm Thành), làm cho nó phong phú và đa dạng hơn.

Nền văn hóa Đại Việt là một nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước, mang đậm bản sắc dân tộc. Tinh thần chủ đạo là nhân ái, hòa hợp giữa người với tự nhiên, người với người, làng với nước. Nền văn hóa Đại Việt đã phát triển đạt đến đỉnh cao những gì có thể đạt được của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đó là cơ sở và sức mạnh để dân tộc ta hội nhập với bên ngoài.

(Nguồn tài liệu: Trần Văn Thức, Giáo trình tiến trình lịch sử Việt Nam)

5/5 - (2 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Lịch sử Việt Nam thời kỳ nguyên thủy
  2. 3 Lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông (1258-1288)
  3. Nhà nước Việt Nam sau công nguyên
  4. Cuộc chiến đấu ở Hà Nội 1946 – “60 ngày đêm khói lửa”
Lịch sử Việt Nam

Từ khóa » Hoa Văn Thời Lý Trần