Vât Liệu Trang Trí Kiến Trúc Thời Lý - Trần Thế Kỷ 11-14 (Phần 1)
Có thể bạn quan tâm
Các phát hiện và nghiên cứu của một số học giả Pháp đã góp phần mở đầu cho việc khám phá Thăng Long. Tuy nhiên, lúc đầu trong số họ, còn có ý kiến xếp vào thời Đường, thuộc nghệ thuật Đại La.
Từ năm 1979 trở lại đây, nhất là cuộc khai quật khảo cổ học với qui mô lớn chưa từng có từ trước đến nay, từ tháng 12-2002 tại khu Hoàng thành Thăng Long đã cung cấp thêm nhiều thông tin mới về đồ gốm men và đồ đất nung ở kinh thành Thăng Long. Tính đến tháng 11-2003, cuộc khai quật đã tiến hành được gần 17.000m2 trên tổng diện tích được phép khai quật là 22.400m2.
Kết quả bước đầu đã phát lộ tầng văn hoá khảo cổ ở độ sâu khoảng từ 0,9m đến 4,2m. Trong tầng văn hoá có chứa đựng các dấu tích nền gạch, hệ thống trụ móng sỏi kê chân cột, chân tảng đá, giếng nước, cống thoát nước, mộ táng và hàng triệu di vật đất nung, đồ gốm sứ và đồ kim loại... Những di tích - di vật này được coi là một bộ phận trong tổng thể di sản văn hoá vô giá của trung tâm Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa.
Các kết quả khảo sát, khai quật đã cho phép nhận thức thêm nhiều về các địa điểm của toà thành cổ Thăng Long:
Khu vực Quần Ngựa là khu dân cư của thị dân từ thời Lý-Trần trở về sau. Quần Ngựa không phải là vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long.
Năm 1996, tại 11 Lê Hồng Phong, nơi xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật chữa cháy 30m2, trong đó, hiện vật tìm được khá phong phú bao gồm gạch, ngói, đồ sành, gốm men, sắt, đá... của nhiều thời đại từ thời Lý như gạch lát nền in nổi hoa sen. Ngói ống mầu đỏ, dài 39cm, đầu ngói tròn đường kính 6cm. Đây là loại ngói lợp ở diềm mái, trang trí cầu kỳ. Đầu ngói trang trí hình hoa sen nổi 8 cánh. Lưng ngói có gắn hình lá đề hay uyên ương. Trong lòng mỗi lá đề có trang trí hình 2 con phượng đối xứng chầu vào các ngọn lửa nhỏ.
Năm 1997, Viện Khảo cổ học đã đào thám sát tại số 5 Hoàng Diệu. Ở đây cũng tìm thấy nhiều đầu ngói ống trang trí nổi bông sen như ở 11 Lê Hồng Phong. Đặc biệt ở đây còn thấy cả tượng sấu bằng đá cát, tương tự phong cách các con sấu ở chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng.
Năm 1998, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban quản lý Di tích và Danh thắng thuộc Sở Văn hoá-Thông tin Hà Nội tiến hành thăm dò và khai quật tại các địa điểm Hậu Lâu, Đoan Môn và Bắc Môn thuộc khu vực thành Hà Nội. Tại địa điểm Hậu Lâu, tầng văn hoá dày 2-3m, có vết tích hồ ao bị san lấp nhiều lần. Một số loại hình vật liệu kiến trúc tìm thấy là gạch lát nền trang trí hoa sen, hoa cúc, hoa chanh... đều là các mảnh vỡ. Đầu ngói ống trang trí nổi hoa sen, hoa cúc dây có phủ men xanh, đã bong tróc. Lá đề đất nung trang trí nổi rồng, chim phượng... Ngoài ra còn có nhiều mảnh tượng uyên ương, trên thân in các hình lông vũ tỉa cách điệu rất chi tiết.
Năm 1999, 2 địa điểm Bắc Môn và Đoan Môn cũng được khai quật với diện tích: Tây Bắc Môn 35m2, Nam Bắc Môn 20m2, phát hiện một số mảnh vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc: Gạch lát nền và đầu ngói trang trí hoa sen. Tại địa điểm Đoan Môn, diện tích khai quật gồm Đông Đoan Môn: 48m2, Tây Đoan Môn 85,2m2, tìm thấy nhiều mảnh gạch lát nền trang trí hoa sen, đầu ngói ống, lá đề, tượng uyên ương...
Thông qua số đồ gốm men và đồ đất nung hiện lưu giữ và trưng bầy tại các bảo tàng cùng các phát hiện khai quật khảo cổ học mới ở khu Hoàng thành Thăng Long, chúng ta có thể thấy khá rõ đồ gốm Thăng Long dưới thời Lý - Trần.
Thành Thăng Long là nơi tập trung xây dựng nhiều cung điện lầu các của vua quan triều Lý, cho nên, trong lòng đất nơi đây còn chứa nhiều loại gạch ngói và các bộ phận trang trí kiến trúc bằng đất nung, kể cả một số phủ men trắng hay xanh lục. Nhiều đồ đất nung cho thấy được in nổi, chạm khắc tỷ mỷ công phu, đạt trình độ nghệ thuật rất đặc sắc. Đó là các loại gạch lát nền hoặc xây ốp trang trí mặt tường các cung điện chùa tháp. Loại gạch này có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, với các hoa văn rồng, phượng, hoa lá khắc chìm hay in nổi trên một mặt.
- Gạch xây hình chữ nhật, mầu đỏ nhạt, trên một mặt có in nổi dòng chữ Hán trong ô hình chữ nhật “ Đại Việt Quốc quân thành chuyên” (gạch xây thành của nước Đại Việt). Đây là loại gạch đã phát hiện ở Hoa Lư (Ninh Bình), thuộc thế kỷ 10, nay mới thấy trong khu khai quật ở Ba Đình (2003).
- Gạch vuông, màu đỏ nhạt, trên một mặt in nổi 2 dòng chữ Hán trong ô chữ nhật “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (Chế tạo năm thứ tư niên hiệu Long Thụy Thái Bình, đời vua thứ ba nhà Lý,1057). Loại gạch này đã từng phát hiện ở khu vực phế tích tháp Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) và tháp Tường Long (Đồ Sơn, Hải Phòng) năm 2003, tìm thấy trong khu khảo cổ Ba Đình.
- Gạch lát nền hình vuông đã tìm được ở khu vực Quần Ngựa, Hậu Lâu, Bắc Môn, Đoan Môn. Kích thước loại gạch này phổ biến là:40cm x 40cm x 7cm và 38cm x 36cm x 6cm. Trên mặt gạch đều thấy hình trang trí được tạo bằng khuôn khắc chìm, tạo nên hình hoa văn nổi. Có mẫu gạch hoa văn giống hệt loại gạch vuông lát nền tìm thấy ở thành cổ Hoa Lư:
+ Kiểu 1: Giữa mặt gạch in nổi bông hoa sen nở nhìn từ trên xuống, với nhụy, gương, cánh sen, bao quanh 4 góc in 4 hình bướm quay đầu vào giữa gương sen. Diềm ngoài là băng hồi văn chữ S liên hoàn (còn gọi là văn triện).
+ Kiểu 2: Giữa mặt in nổi 2 chim phượng bay nối nhau theo chiều kim đồng hồ. Bao quanh 4 góc in nổi 4 dải lá cách điệu. Diềm ngoài là băng hồi văn chữ S liên hoàn. Tuy chỉ tìm thấy những mảnh vỡ nhưng vẫn có thể nhận ra loại gạch tiêu biểu của vật liệu xây dựng triều Đinh-Tiền Lê. Có nhà nghiên cứu khảo cổ đã nghĩ rằng “những viên gạch ở Thăng Long này chính là những viên gạch được tháo gỡ ở Hoa Lư đem ra xây dựng cho kinh đô mới vào năm 1010”.
Nhưng ở các di tích Thăng Long còn tìm thấy các mẫu gạch lát nền khác hình vuông với trang trí nổi:
+ Kiểu 1: Năm bông hoa sen dàn đều trong 2 vòng tròn, bông hoa có các cặp cánh đối xứng theo lối bổ dọc. Ở 4 góc có 4 dải lá cách điệu cân đối. Diềm ngoài là băng nhũ đinh.
+ Kiểu 2: Trên mặt gạch in nổi 5 bông hoa trong một ô tròn ở chính giữa, bông hoa cũng thể hiện theo chiều bổ dọc có cánh đối xứng, mỗi bông lại có một cuống hoa và cành uốn cong điểm thêm các lá nhỏ. Bốn góc in nổi 4 cành hoa cùng kiểu ở giữa nhưng thu nhỏ hơn.
+ Kiểu 3: Trên mặt gạch in nổi một cánh hoa thị, 2 góc là 1/4 bông cúc. Vì vậy khi ghép các viên gạch sẽ cho các bông hoa liên hoàn. Cứ 4 viên ghép liền thì cho một hình hoa thị (hay hoa chanh). Sự phân biệt khác nhau của loại gạch này là hình trang trí trong mỗi cánh hoa thị, có thể là một hình chữ S có dải cuốn hoặc 2 dải xoắn, hay một bông hoa tròn 8 cánh...
+ Kiểu 4: Là loại gạch vuông vức, cạnh 30 cm. Hoa văn in nổi trên một mặt là hình rồng cuộn trong ô tròn có diềm văn mây cuốn, dây lá cuộn ở 4 góc và một đường diềm bao quanh là kiểu văn mây cuốn hình dấu hỏi. Đặc biệt hình rồng cuộn là một đồ án giống hệt trên loại gạch tròn phủ men trắng tìm thấy ở thành Thăng Long.
- Gạch trang trí nổi rồng, ngoài kiểu gạch vuông còn thấy trên loại gạch chữ nhật (dài 45cm, rộng 30cm), hay loại gạch hình thoi cạnh 30cm gạch hình tam giác, vuông cân, có cạnh đáy 30-40cm, hoa văn rồng cuộn và băng văn mây hình dấu hỏi giống hệt trên loại gạch vuông thời Lý, thế kỷ 11-13.
Ngoài 4 kiểu phổ biến trên đây, gạch chữ nhật D:18,2cm; R:17cm cắt 2 góc có in nổi 2 hình rồng trong khung hình lá đề, có lẽ là một loại gạch ốp: Tìm thấy ở Quần Ngựa thành Thăng Long (hiện đang trưng bày tại BTLSQG).
Gạch vuông lát nền thời Trần, cũng với những kích thước tương tự nhưng hoa văn đơn giản hơn. Chẳng hạn, loại gạch vuông trên mặt in nổi cánh hoa thị. Nét khắc của chúng sắc sảo, bố cục gọn, đơn giản, độ nung già đều, nên hoa văn rõ đẹp. Những loại gạch lát nền thời Trần còn thấy những kiểu bố cục hoa lá trong 2 vòng tròn lồng nhau, đôi khi còn có đường diềm hồi văn, tương tự như các loại gạch tìm thấy ở những di tích thời Trần như Lộc Vượng (Nam Định), Tam Đường (Thái Bình), Kiếp Bạc (Hải Dương), Ly Cung (Thanh Hoá).
Ở Ly Cung còn gặp loại gạch vuông lát nền với hoa văn in nổi, một hình tròn giữa một hình vuông có 4 hình lá đề ở góc, xung quanh là 4 vòng cung in nổi một nửa bông hoa. Vì vậy, 5 viên ghép lại sẽ cho ta đồ án hình đồng tiền. Cũng có cấu trúc ghép tương tự loại trên nhưng chính giữa là một bông hoa 4 cánh nhiều lớp đặt giữa một hình 8 cánh, có 4 đường gờ lớn (nằm trên 2 đường chéo của viên gạch). Hoa văn đường diềm là 4 bông hoa tròn được phân đôi, nửa bông hoa này đối xứng khi ghép với nửa bông hoa của viên kia.
TS.Nguyễn Đình Chiến (Nguyên PGĐ BTLSQG)
Từ khóa » Hoa Văn Thời Lý Trần
-
Lưu Trữ Hoa Văn Thời Lý - Trần
-
Hoa Văn Thủy Ba Lý, Trần Và Những Biến đổi Trên điêu Khắc Tượng ...
-
Đặc Trưng Tư Tưởng – Văn Hóa Thời Lý – Trần
-
Văn Hóa Lý–Trần – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hoa Dây Thời Lý - Trần, Tải Vector Miễn Phí 2
-
Đồ Gốm Hoa Nâu Thời Lý – Trần - MyThuatMS
-
Hoa Văn Thủy Ba Lý, Trần Và Những Biến... - Hoa Văn Đại Việt
-
11 Họa Tiết ý Tưởng | Họa Tiết, Hoa, Vans - Pinterest
-
Gốm Lý – Trần: Một Ví Dụ điển Hình Về Nghệ Thuật Trang Trí Hoa Văn
-
Một Số Họa Tiết Trang Trí Hoa Sen Tiêu Biểu Thời Lý – Trần
-
Văn Hóa Việt Nam Thời Lý - Trần - Hồ (TKỷ XI - đầu XV)
-
Bản Vẽ Cad 50 Hoa Văn Thời Lý Trần. - Thư Viện Xây Dựng
-
Nghệ Thuật điêu Khắc Thời Lý-trần - Lịch Sử Nghệ Thuật