Vật Sắc Nhọn, đồ Chơi Nguy Hiểm Là Mối Hiểm Họa đối Với Trẻ Em

Tai nạn thương tích gây nên bởi các vật sắc nhọn, đồ chơi nguy hiểm là loại tai nạn thương tích thường hay gặp ở trẻ em ở tất cả mọi lứa tuổi, chúng có thể xảy ra bất kỳ ở đâu và bất cứ lúc nào. Tổn thương do các vật sắc nhọn, đồ chơi nguy hiểm theo thống kê ghi nhận chiếm tỷ lệ cao trong số những nguyên nhân gây ra hậu quả tử vong cho trẻ em.

Phòng tránh tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn

Các chấn thương do những vật sắc nhọn có thể xảy ra ở lứa tuổi trẻ em mới lớn đang làm việc, trẻ em nhỏ tuổi hơn lúc chơi đùa... với các mức độ khác nhau từ nhẹ, vừa cho đến nghiêm trọng. Nếu ở mức độ nghiêm trọng, trẻ em có thể bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Các vật được gọi là sắc nhọn khi chúng có ít nhất một đầu, một góc, một cạnh hay một diện nhỏ, nhọn, sắc, không bằng phẳng... có thể làm rách, cắt, cứa đứt hay đâm thủng da, cơ, thậm chí cả xương, khớp của cơ thể. Các vật sắc nhọn này được tạo ra với nhiều chất liệu khác nhau như mảnh thủy tinh, mảnh sành sứ, dao, kéo, kim băng, cưa, dùi, đục, cành cây, hàng rào...

  Tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn gây nên có thể do trẻ em tự gây ra như trèo lên cây bị ngã vào hàng rào, lấy dao cứa vào tay khi nghịch... hoặc do người khác, trẻ em khác gây ra một cách vô tình khi chơi đùa hay cố ý khi đánh nhau. Nguyên nhân tạo nên tai nạn thương tích khác nhau tùy theo đặc điểm của từng vùng miền.

Để chủ động phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em do các vật sắc nhọn, cần chỉ bảo cho trẻ thấy được sự nguy hiểm nếu bị các vật sắc nhọn đâm hay cứa sẽ dẫn đến sự đau đớn, chảy máu, cụt tay... khi sử dụng hoặc chơi đùa bằng các đồ vật sắc nhọn; dạy bảo trẻ không chơi các trò chơi nguy hiểm như trèo cây, đấu kiếm...; hướng dẫn trẻ cách cắt gọt hoa quả, thái cắt thịt, khâu vá an toàn... Ngoài ra cũng cần khuyên bảo, răn đe và giúp trẻ tiên lượng trước những nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn và những hậu quả của nó để lại... Chú ý việc xây dựng một môi trường an toàn ở chung quanh trẻ như để ngoài tầm tay với của trẻ tất cả những vật sắc nhọn có thể gây nguy hiểm gồm dao, kéo, dùi, đục, kim băng, đinh, các loại vũ khí súng, kiếm...; bao bọc các đầu mút sắc nhọn của các đồ vật, dụng cụ ở trong nhà; dựng hàng rào ngăn cách trẻ tới các chỗ nguy hiểm; loại bỏ các loại hố xí không bảo đảm an toàn... Cần phải tổ chức và kiểm soát các hoạt động vui chơi của trẻ để bảo đảm sự lành mạnh, an toàn. Phụ huynh, cô giáo nuôi dạy trẻ, người giám sát trẻ, nhân viên y tế và cộng tác viên y tế ở cơ sở cần trang bị những kiến thức cần thiết, tối thiểu về cách sơ cứu ngay tại chỗ khi bị tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn.

Phòng tránh tai nạn thương tích do các trò chơi nguy hiểm

Trò chơi nguy hiểm là những loại trò chơi dễ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ như bắn súng cao su, trượt patin, tuột cầu thang; đánh căng, nhảy ngựa, chọc phá tổ ong; rút ghế khi bạn đứng dậy; đấu kiếm, đánh nhau bằng que nhọn; chơi tập trận giả hoặc so tài nhảy từ trên cao xuống... Trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích khám phá; thể lực, phản xạ của trẻ chưa được thuần thục nên chưa lường hết được các loại tai nạn thương tích có thể xảy ra từ những trò chơi nguy hiểm như vừa nhảy dây vừa ăn hạt bắp, hạt đậu, kẹo bánh... dễ dẫn đến sự hóc sặc; chơi nghịch rút ghế khi bạn đứng dậy để bạn bị ngã... Ngoài ra, một số trò chơi mà trẻ không biết cách chơi, luật chơi và thiếu sự an toàn như chạy thi nhưng khi về đến đích trẻ dừng lại đột ngột dễ bị ngã, choáng; khi chơi trò chơi vượt chướng ngại vật trẻ phải được hướng dẫn rõ luật chơi; đấu kiếm phải có mũ, mặt nạ bảo hiểm; khi chơi trò chơi lái xe đụng phải có dây an toàn và có người lớn giám sát. Từ những đặc điểm tâm sinh lý nói trên của trẻ, người lớn cần phải hướng dẫn cho trẻ nhận biết môi trường an toàn ở chỗ chơi, các đồ chơi, trò chơi, luật chơi và bảo đảm an toàn khi chơi. Dạy bảo cho trẻ em nhận biết được hậu quả và tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao xuống, nhảy ngựa, bắn súng cao su, rút ghế khi bạn đứng dậy... Hướng dẫn trẻ cách xử trí khi gặp tai nạn thương tích do các trò chơi nguy hiểm như hô hoán, gọi người lớn đến giúp đỡ, sơ cứu ban đầu... Nên tổ chức cho trẻ các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thư tham quan, cắm trại, chơi các trò chơi lành mạnh. Xây dựng môi trường an toàn ở khu vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; dùng trang thiết bị để trẻ vui chơi an toàn; có biển báo nguy hiểm ở những nơi cần thiết... Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc dạy bảo, hướng dẫn và giám sát các hoạt động vui chơi của trẻ./.

 

Nguồn: https://syt.thuathienhue.gov.vn

 ​

Administrator

Từ khóa » Kể Tên đồ Vật Sắc Nhọn