Vất Vả Nghề đo đạc Bản đồ Và Lập Hồ Sơ địa Chính - Báo Ninh Bình

Giữa cái nắng nóng lên đến 40oC vào những ngày trung tuần tháng 5, tại các xóm xã Yên Nhân (Yên Mô), anh Trần Văn Tài, Đội trưởng Đội đo đạc số 2, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường vẫn say sưa đo đạc cùng các anh em công nhân trong Đội để xác định vị trí đất ở cũng như đất sản xuất của các hộ dân. Anh Tài cho biết, anh gắn bó với nghề đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính đã 23 năm nay. Mỗi dự án thực hiện mất vài năm, nên anh thường xuyên phải xa nhà và dù thời tiết nắng nóng hay mưa phùn thì người làm nhiệm vụ này cũng phải làm việc, có khi thời gian làm việc từ 6h sáng đến đêm, thậm chí phải làm thâu đêm để xử lý số liệu trên máy. Và không chỉ riêng nhiệm vụ đo đạc mà họ còn phải đảm nhiệm rất nhiều việc, như xác định ranh giới, mốc giới, đối chiếu sổ sách so với thực địa đo, phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền về ý nghĩa công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính để nhân dân hiểu và phối hợp thực hiện, khảo sát xây dựng thiết kế kỹ thuật, nghiên cứu hồ sơ địa chính... Là đội trưởng, tôi luôn cân đối công việc cho 15 cán bộ kỹ thuật, công nhân của Đội ở các khâu, các công đoạn để tránh chồng chéo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra.

Đối với anh Lê Quang Tùng, công nhân kỹ thuật Đội số 2, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng anh đã có 10 năm tuổi nghề và hiện anh vẫn say nghề, không nản chí dù nghề khá vất vả. Anh Tùng cho biết, đặc thù của nghề là chủ yếu làm ngoài trời, nên rất cần sức khỏe và đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Theo nghề này tôi mới thấm thía câu nói "Sinh nghề tử nghiệp", nghề vất vả thật nhưng mình đã chọn, thì sẽ theo nó suốt đời. Không chỉ là những kiến thức ở Trường đại học, tôi được học nghề từ anh và các chú của mình, để không ngừng nâng cao trình độ, tay nghề. Với tôi, nghề đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, có cả những lần ngã sai khớp khi trèo qua cửa để đến được vị trí cần đo, đến hiện thực hóa các kiến thức được học ở trường, rồi va chạm thực tế mới phát sinh nhiều tình huống cần áp dụng các Luật để trả lời người dân khi đi đo đất. Từ đó bản thân tôi phải tự học, tìm kiếm kiến thức về Luật, các văn bản, nghị định về tài nguyên, môi trường, đất đai mà bản thân chưa biết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trần Văn Tiến, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trung tâm có 58 cán bộ, công nhân viên, trong đó có trên 40 người làm công tác đo đạc, với trên 30% có trình độ đại học. Mặc dù là nghề khá vất vả nhưng tất cả hơn 40 kỹ sư, công nhân kỹ thuật thuộc 3 Đội sản xuất của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) luôn ngày đêm say sưa với công việc, không ngại khó, ngại khổ gắn bó với từng nhà dân, từng cung đường, thửa ruộng, khu đất công cộng ở mỗi dự án đo đạc và lập hồ sơ địa chính tại các địa phương, góp phần hiện đại hóa hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đẩy nhanh công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ đắc lực cho công tác giải phóng mặt bằng và các ngành kinh tế, kỹ thuật của tỉnh.

Thấu hiểu công việc của anh em công nhân, kỹ sư, Trung tâm luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em; hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật cho công nhân làm đo đạc. Với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, những người làm đo đạc địa chính đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính của Trung tâm. Năm 2018, Trung tâm đã hoàn thành công đoạn nội nghiệp đo đạc xã Phú Sơn, xã Thạch Bình (Nho Quan); xã Gia Tân, Gia Trấn (Gia Viễn). Hoàn thành đo đạc ngoại nghiệp cho xã Gia Hưng, được chủ đầu tư kiểm tra nghiệm thu và cho phép chuyển bước nội nghiệp. Hoàn thành việc khảo sát, xây dựng "Thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 4 xã (Gia Lạc, Khánh Cư, Yên Lâm, Yên Nhân)" được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời thực hiện các dịch vụ về hoạt động đo đạc, bản đồ, quản lý đất đai hợp đồng dịch vụ về lập kế hoạch sử dụng đất năm 2018 huyện Yên Khánh... Năm 2019, tiếp tục thực hiện công trình rà soát pháp lý đất nông nghiệp xã Gia Hưng; tổ chức đo lưới đo chi tiết và xác định ranh giới, mốc giới thửa đất tại 2 xã Yên Lâm và Yên Nhân; thực hiện phương án thi công công trình rà soát chỉnh lý biến động đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các xã Khánh Tiên, Khánh Lợi, Khánh Trung, Khánh Công...

Bài, ảnh: Tiến Minh

Từ khóa » đo đạc Ruộng đất