Về Cách đặt Tên đệm Của Dòng Họ Nguyễn - Hình Ảnh Việt Nam

Việc đặt tên đệm do vua Minh Mạng chủ trương để áp dụng cho 20 đời tính từ vua Thiệu Trị về sau. Theo lời văn khắc trên đồng sách (bài ngự chế tự) thì việc này làm theo ý vua Gia Long.

1. Từ vua Minh Mạng trở về trước (tức vua Gia Long ngược lên thêm 9 đời Chúa nữa)

2. Những con cháu của chính vua Minh Mạng

3. Họ của một số con cháu (Công tính)

Chân dung Nguyễn Ánh trong thời gian ông lưu vong ở Xiêm La năm 1783.
Chân dung Gia Long Nguyễn Ánh trong thời gian ông lưu vong ở Xiêm La năm 1783

I. Những con cháu thuộc các thế hệ từ vua Minh Mạng trở về trước

Gồm con cháu chín đời Chúa, anh em vua Gia Long và anh em vua Minh Mạng.

Chúa Tiên (1558 – 1613) từ ngoài Bắc vào mang họ Nguyễn, tức Nguyễn Hoàng. Tương truyền rằng, khi bà vợ ông nằm mơ thấy thần nhân cho tờ giấy viết đầy cả chữPhúc, nhiều người đề nghị lấy chữ Phúc đặt tên cho con thì bà cho rằng: Nếu đặt tên cho con thì chỉ một người được hưởng Phúc, chi bằng lấy chữ Phúc đặt làm tên đệm thì mọi người đều được hưởng Phúc. Bà đặt tên cho con là Nguyễn Phúc Nguyên, nhánh họ Nguyễn vào Nam làm Chúa đổi thành Nguyễn Phúc bắt đầu từ đó. Từ NGuyễn Phúc Nguyên xuống đến vua Minh Mạng đều mang họ Nguyễn Phúc (Vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Đảm). Những hậu duệ của chín đời Chúa cùng họ Nguyễn Phúc với vua Minh Mạng được nhà vua đặt là Tôn Thất. Con gái của Tôn Thất là Tôn nữ.

Một số thân tộc thuộc dòng những con trai khác của Nguyễn Hoàng còn ở lại đất Bắc (như dạng làm con tin) thì đổi ra họ Nguyễn Hựu.

anh-vua-minh-mang
Ảnh vẽ truyền thần Vua Minh Mạng

II. Những con cháu của vua Minh Mạng

Vua Minh Mạng cho làm riêng cho con cháu mình bài Đế hệ thi 20 chữ dành cho 20 đời.

          Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh           Bảo Quí Định Long Trường Hiền Năng Kham Kế Thuật Thế Thụy Quốc Gia Xương

Con vua Minh Mạng có tên đệm là Miên như Miên Tông (Vua Thiệu Trị), Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương), Miên Trinh (Tuy Lý Vương).

Cháu nội vua Minh Mạng có tên đệm là Hường như Hường Nhậm (Vua Tự Đức).

Chắt nội tên đệm là Ưng như Ưng Chân (Vua Dục Đức).

Chỉ có những người trong Đế hệ thi mới được làm vua: Miên Tông (Thiệu Trị), Hồng Nhậm (Tự Đức), Ưng Chân (Dục Đức), Bửu Lân (Thành Thái), Bửu Đảo (Khải Định), Vĩnh San (Duy Tân), Vĩnh Thụy (Bảo Đại).

Con gái, cháu gái của vua Minh Mạng cũng có một cách đặt tên riêng. Nói chung, con gái của vua Minh Mạng hay của các vua con cháu của vua Minh Mạng cũng đều áp dụng theo một cách đặt chữ lót sau đây: Con gái của vua là Hoàng nữ, khi được sắc phong thì trở thành Công chúa và có tên hiệu riêng. Ví dụ Hoàng nữ Trinh Thận (em ruột Miên Thẩm) được sắc phong là Lại Đức Công chúa.

Công chúa về sau có anh hay em làm vua thì được gọi là Trưởng Công chúa (để phân biệt với Công chúa con vua đang trị vì), có cháu làm vua (vua gọi bằng cô) thì được gọi là Thái trưởng công chúa (trở thành cô của vua tại vị).

Con, cháu gái các Hoàng tử tức cháu nội của vua thì phải căn cứ vào thứ bậc của anh hoặc em trai mà đặt.

Con trai của Hoàng tử là Công tử, chị em gái của Công tử là Công nữ, con trai, con gái của Công tử là Công tôn nữ (tôn đây có nghĩa là cháu), con gái Công tôn là Công tằng tôn nữ, xuống một bậc nữa là Cung huyền tôn nữ, xuống nữa là Lai tôn… Nhưng để đơn giản các đời kế tiếp chỉ gọi là Tôn nữ với ý nghĩa là cháu gái.

III. Những con cháu của anh và em vua Minh Mạng

Vua Minh Mạng có một người anh (Hoàng tử Cảnh) và chín người em trai có con cháu. Những người này là phên dậu gần gủi của nhà vua. Để phân biệt với các Tôn Thất khác (con cháu chín đời chúa Nguyễn), vua Minh Mạng cho làm 10 bài Phiên hệ thi, mỗi bài có 20 chữ dùng làm chữ lót sau chữ Tôn Thất cho 20 đời (thế) con cháu của anh và em của ông.

Dành cho con cháu Hoàng tử Cảnh, anh cả của vua Minh Mạng:

Bài 01: ANH DUỆ

Mỹ Duệ Anh Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Lệnh Nghi Tàm Tốn Thuận

Vị Vọng Biểu Khôn Quang

Dòng này đến đời thứ tư có một người rất nổi tiếng là Ông Cường Để (Kỳ Ngoại Hầu) giữ cương vị minh chủ của Việt Nam Quang Phục hội do nhà cách mạng Phan Bội Châu sáng lập.

KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ (1882-1951)
KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ (1882-1951)

Bài 02: KIẾN AN

Lương Kiến Ninh Hòa Thuận  Du Hành Suất Nghĩa Phương Dưỡng Di Tương Thức Hảo Cao Túc Thể Vi Tường

Bài 03: ĐỊNH VIỄN

Tĩnh Hoài Chiêm Viễn Ái Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha Nghiễm Cách Do Trung Đạt Liên Trung Tập Cách Đa

Bài 04: DIÊN KHÁNH

Diên Hội Phong Hanh Hợp Trọng Phùng Tuấn Lăng Nghi Hậu Lưu Thành Tú Diệu Diễn Khánh Thích Phương Huy

Bài 05: ĐIỆN BÀN

Tín Diện Tư Duy Chánh Thành Tín Lợi Thỏa Trinh Túc Cung Thừa Hữu Nghị Vinh Hiển Tập Khanh Danh

Bài 06: THIỆU HÓA

Thiện Thiệu Kỳ Tuấn Lý Văn Tri Tại Mẫn Du Ngưng Lân Tài Chí Lạc Địch Đạo Doãn Phu Hưu

Bài 07: QUẢNG OAI

Phụng Phù Trưng Khải Quảng Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ Điển Học Kỳ Giai Chí Đôn Di Khắc Tự Trì

Bài 08: THƯỜNG TÍN

Thường Các Tuân Gia Huấn Lâm Trang Túy Thạnh Cung Thận Tu Di Tấn Đức Thọ Ích Mậu Tân Công

Bài 09: AN KHÁNH

Khâm Tùng Xưng Ý Phạm Nhã Chánh Thủy Hoằng Qui Khải Đế Đằng Cần Dự Quyển Ninh Cọng Tập Hy

Bài 10: TỪ SƠN

Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm Phu Văn Ái Diệu Dương Bách Chi Quân Phụ Dực Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương

Một người cháu bốn đời của ông Từ Sơn là nhà sử học cách mạng Tôn Dương Ky (1914 – 1987) chủ biên tạp chí Tiến Hóa và tạp chí Ngày Mai ở Huế, tác giả sách Việt Sử Khảo Lược, Tiến Hóa 1949.

IV. Họ của một số con cháu công thần (Công tính)

Năm 1593, Nguyễn Hoàng đem các con ra Bắc giúp vua Lê chúa Trịnh, khi trở vào Nam, để lấy lòng tin của chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng đã để Công tử Hải (thứ năm) và các cháu nội (con của Hán và Hải) ở lại trên đất Bắc. Con cháu những người này về sau lấy chữ lót là Hựu (Nguyễn Hựu). Riêng con cháu của Công tử Hiệp và Công tử Trạch can vào quốc sự, con cháu của hai công tử này về sau đổi ra họ Nguyễn Thuận.

Buổi đầu vào Thuận Hóa, trong số các danh thần đi theo Nguyễn Hoàng có Mạc Cảnh Huống. Về sau con trai của Mạc Cảnh Huống là Phó tướng Vinh lấy bà Công nữ Ngọc Liên – con gái chúa Sãi, được Chúa cho cải họ thành Nguyễn Hữu.

Con gái Ngọc Hoàng là bà Ngọc Tú lấy Trịnh Tráng. Thấy chúa Trịnh không có tâm giữ phận bề tôi bà rất buồn phiền. Bà đã nhờ Nguyễn Kiều ở Đông Đô giúp đưa thư và bảo ấn vào Nam cho chúa Sãi. Nguyễn Kiều giả làm người đi chọi gà thoát ra khỏi Đông Đô vào đến xứ Đàng trong. Kiều được chúa Sãi trọng đãi và gả cho ông Công nữ Ngọc Đỉnh (Công nữ thứ ba). Về sau ông lập được nhiều công trạng, con cháu ông có nhiều người nổi tiếng. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) vua Minh Mạng cho dòng họ ông đổi thành họ Nguyễn Cửu

Mấy họ Nguyễn Hựu, Nguyễn Hữu và Nguyễn Cửu nói trên được nhà vua xem là Công tính. Con cháu của các Công tính hiện nay rất đông. Chế độ quân chủ ở Việt Nam đã cáo chung cách đây hơn nửa thế kỷ, dòng họ Nguyễn Phước gồm các con cháu các chúa, các vua không còn phân biệt thân sơ nữa, tất cả đều bình đẳng trước dòng họ mình nên xu thế hiện nay nhiều người Tôn Thất lấy lại Nguyễn Phúc, những người có chữ lót theo Phiên hệ thi và Đế hệ thi đặt sau Nguyễn Phúc một chữ lót theo thế thứ của mình.

[Nguồn: Theo Chín đời Chúa mười ba đời Vua Nguyễn – Nguyễn Đắc Xuân]

Từ khóa » Họ Của Vua Nguyễn