Về Cuốn Gia Phả Dòng Họ Nguyễn đình ở Dục Nội

Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> T >> Nguyễn Đình Tích
Nguyễn Ngọc Nhuận - Nguyễn Đình Tích
48. Về cuốn gia phả dòng học Nguyễn Đình ở Dục Nội - Việt Hùng - Đông Anh - Hà Nội (TBHNH 2011)

Cập nhật lúc 21h46, ngày 04/12/2013

VỀ CUỐN GIA PHẢ DÒNG HỌ NGUYỄN ĐÌNH Ở DỤC NỘI - VIỆT HÙNG - ĐÔNG ANH - HÀ NỘI

NGUYỄN NGỌC NHUẬN (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

NGUYỄN ĐÌNH TÍCH (Dục Nội Việt Hùng Đông Anh)

Trong Hán Việt từ điển của GS. Đào Duy Anh định nghĩa Gia phả (phổ) là: “Quyển sách ghi thế hệ trong họ và lịch sử tổ tiên”. Sau này ý nghĩa của từ “Gia phả” được nhiu học giả giải thích và phát triển rộng ra nữa. Ngay cả từ “Gia phả” cũng được gọi bằng nhiều cách khác nhau như: lục, kí, chí, bạ, thặng, điệp, sử, hệ, tập, khảo, biên, truyện... kết hợp với các chữ chỉ dòng họ như gia, tộc, tông, thế, thế hệ, thế gia, tính, chi, bản chi, thị tộc, thống tông, tông chế...

Hiện nay trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ khoảng trên dưới 300 cuốn sách về loại gia phả, và mỗi năm từ nguồn sưu tầm số sách về loại gia phả lại tăng thêm.

Những tháng gần đây, một lần về thăm người bạn ở Đông Anh - Hà Nội, chúng tôi được đọc cuốn gia phả của họ Nguyễn Đình tại quê hương Dục Nội - Việt Hùng. Cuốn gia phả của dòng họ có những thông tin đáng lưu ý. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu và lược dịch một phần trong cuốn gia phả.

Như các cuốn gia phả khác, trong phần đầu của cuốn gia phả họ Nguyễn Đình cũng có một bài tựa do ông Nguyễn Huy Phiên là người chấp bút viết gia phả vào năm 1850 thời Tự Đức. Nguyên văn bài tựa như sau:

“Phàm cây có muôn cành vạn lá cốt ở gốc, nước có nghìn dòng vạn phái cốt ở nguồn. Người ta sinh ra ai chẳng có gốc từ tổ phụ. Nhớ bậc tiên linh trước đây gây dựng, con cháu theo đó trải qua nhiều đời nối tiếp nhau tích đức, mở mang cơ nghiệp. Từ đó giúp cho những người sau này như chúng ta gốc sâu mạch dầy mà con cháu ngày một phát triển to lớn, điều đó thực là nhờ tiên nhân để lại phúc đức, cho nên chúng ta phải nhớ lai những lời giáo huấn quy phạm, những yếu chỉ để tham chước ý nghĩa tinh túy đó.

Ngôi tông từ của chúng ta ở cố hương xưa là nơi thờ cúng tôn linh của các đời trước lấy ý nghĩa đó mà khởi dựng nên. Vào đầu mùa đông năm Canh Dần bắt đầu khởi công xây nhà thờ tại trung khu gia cư, do thế đất còn bị nhỏ hẹp chưa an bài. Đến năm Ất Mùi di dời ngôi nhà thờ đến khu đất phía Bắc của ngôi đình cũ, nên công việc ngõ hầu dần dần được tốt hơn. Đến năm thứ 6 niên hiệu Thiệu Trị đời Nguyễn (1846) lại một lần nữa sử sang trùng tu, công việc khá tốn sức lực. Việc sửa sang được bắt đầu từ năm Bính Ngọ (1846). Đến mùa đông năm Kỷ Dậu (1849) thì khai hạ, dần dần nhà thờ được rực rỡ phong quang, để xuân thu hàng năm đến nơi này cúng tế, điều đó có thể thấy rõ công đức của đời trước vậy!

Đã có từ đường rồi mà lại không làm cho việc giáo dưỡng luân thường đạo lý được đôn hậu để nuôi trồng, gây dựng được tiếng tốt hay sao? Bèn đem thụy hiệu của tổ tiên ghi chép thu thập lại ghi trong gia phả để lại lâu dài truyền lại cho đời sau được biết.

Hoàn thành tập biên vào ngày tốt, hạ tuần tháng giêng mùa xuân năm Canh Tuất, năm Tự Đức thứ 3 (1850)”.

Trong lời tựa ngoài việc cho người đọc biết được ý nghĩa của cuốn phả là nêu cao công đức của cha ông dòng họ, tác giả còn cho biết việc xây dựng ngôi nhà thờ họ, việc di dời từ khu gia cư ở giữa làng, đến năm Ất Mùi dời đến khu đất phía Bắc của ngôi đình cũ, quá trình việc trung tu nhà thờ đến năm Kỷ Dậu (1849) được khai hạ.

Trong những phần sau, người soạn gia phả cho biết dòng họ có 3 chi “con cháu đều phát triển tốt tươi”:

Chi trưởng: Hiển tằng tổ khảo, tiên hiệu là Phúc Nghĩa phủ quân. Cụ bà, tên hiệu là Từ Hạnh nhụ nhân...

Trung chi (chi thứ 2): Hiển tằng tổ khảo, tên hiệu là Đôn Nghiêm phủ quân. Cụ bà, tên hiệu là Trang Thục nhụ nhân...

Chi thứ (chi thứ 3): Hiển tằng tổ khảo, tên hiệu là Đoan Lạng phủ quân. Cụ bà tên hiệu là Thọ Khảo nhụ nhân...

Dòng họ còn có những nhân vật đóng góp công tích hoặc đõ đạt cũng được vinh danh trong gia phả như:

Hiển tổ khảo tên hiệu là Khoan Giản phủ quân, tên húy là Đạc, tên tự là Kiêm Thu, khoa Kỷ Dậu trúng tam trường là hiệu sinh, được phong tặng Kiểm sự, giỗ ngày 25 tháng 11.

Hiển khảo (con cụ Đình Lân) tên hiệu là Hòa Bình phủ quân, tên tự là Đình Tông trúng tam trường.

Hiển khảo là Trung Túc phủ quân, tên tự là Huy Tịnh, trúng tứ trường là Giám sinh Quốc tử giám sau thăng Thụ giảng, trên dụ cho làm Hồng Lô tự khanh...

Hiển khảo tên hiệu là Huy Ý phủ quân, tên tự là Xuân Tụy trúng tứ trường...

Trong gia phả còn ghi lại bài văn tế tứ thời cũng như bài chúng văn để chiêu cáo với Thủy tổ khảo, Thủy tổ tỷ:

“Duy! Hoàng hiệu là... Tuế thứ can chi là...

Đến can chi sóc mỗ nhật can chi...

Con cháu gồm... xin cáo với tổ tiên...”

Nay lấy ngày Đông chí là bắt đầu của nhất dương để truy viễn báo bản lễ không dám quên, kính cẩn lấy nghi lễ cung tiến hàng năm. Kính cẩn thỉnh Cao tằng tổ khảo phối hưởng, cùng với tôn thân nay phụ vào thượng hưởng...”

Bản tộc còn định ra các điều nghị và các khoản làm ccahs thức lâu dài trong các tiết giỗ chạp cúng tế:

Vào Tiết Nguyên đán chiếu theo trong họ tộc mà cung biện đồ lễ trọng xuân, lễ trọng thu... Lễ tỉnh mộ cũng được xem xét và châm chước cho những vị có công vụ và những người có tuổi 60 trở lên.

Việc tang ma cũng được đưa ra trong họ, có định lệ chiếu cố đối với người già cả 80 tuổi trở lên nếu bất hạnh quá cố.

Với truyền thống đạo lý từ xưa nay của dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn”, trong cuốn gia phả cũng đề cập tới đạo hiếu. Dù phần nào ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, song “chữ hiếu” cũng được nêu ra trong dòng họ với tấm lòng tưởng nhớ tới người đã khuất và đề cao công đức của cha ông:

“Chữ hiếu”, người người phải theo đó mà làm. Một khi “chữ hiếu” được lập ra thì vạn điều hay đều đến. Ngôi nhà thờ tổ tiên của ta đã hoàn thành, việc thờ cúng hàng năm đều được đôn đốc, các việc bàn định đều tuần tiết lần lượt.. ngày mùng 1 thang giêng là bắt đầu bốn mùa, là sự biến đổi của đạo trời, đông chí là bắt đầu dương sinh, lập xuân mở đầu của sinh vật, cuối thu là khởi sự thành vật, khi đến kỵ nhật, người quân tử có lòng nhớ thương tha thiết, cho nên nhân đó mà nghi lễ truy viễn...”

Kết luận

Với 37 trang chữ Hán của cuốn Gia phả dòng họ Nguyễn Đình ở Dục Nội, Việt Hùng, Đông Anh, cho chúng ta hình dung về một dòng họ trong sự tiến triển chung của một vùng đất thời kỳ trung đại trong lịch sử. Cuốn gia phả ở đây tuy nhỏ nhưng được ghi chép cẩn thận về dòng họ, các chi trong họ và nêu cao công tích của những bậc tiền nhân. Việc lập gia phả của một dòng họ có lẽ là tập tục có từ xa xưa, đó là một tập tục tốt đẹp cần được bổ sung và phát huy.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.811-815)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Hiển Khảo Hán Nôm