Vè Là Gì?

1,2K

Thể loại Vè là gì?

Mục lục ẩn 1. Khái niệm về “Vè” 2. Nguồn gốc và đặc điểm Về thời điểm xuất hiện: Đặc điểm chung: Tính cá nhân: 3. Phân loại và nội dung theo từng loại vè Vè sinh hoạt xã hội: Vè lịch sử: Vè sự vật: 4. Vài nét về nghệ thuật

1. Khái niệm về “Vè”

Vè là một hình thức sáng tác dân gian bằng văn vần với những thể thơ, luật thơ đa dạng. Vè cũng diễn xướng theo một làn điệu nhất định qua con đường truyền miệng của các tác giả dân gian. Chúng ta cũng không loại trừ một vài đoạn vè khá trữ tình. Nhưng không giống như ca dao, vè thiên về tự sự, ít có tính chất trữ tình. Trong dân gian, người ta hay bảo là “kể vè” chứ không nói “hát vè”. Điều này chứng tỏ làn điệu âm nhạc và vần luật trong vè chỉ là phương tiện bổ trợ cho lối kể chuyện vè thêm sinh động mà thôi. Một bài vè thường ít được trau chuốt về mặt hình thức như ca dao mà lại chủ yếu tập trung thể hiện nội dung được thông báo. Là một loại hình tự sự nhưng vè cũng không hề giống các thể loại truyện dân gian bởi yếu tố văn vần đã đành mà còn ở nội dung truyện trong vè không phải là truyện tưởng tượng hay hư cấu. Vè kể về người thực, việc thực. Trong SGK. Văn học 10. T1, ông Chu Xuân Diên cho rằng nội dung vè kể lại – có kèm theo bình luận – những sự kiện có tính chất thời sự (gọi là vè thế sự) hoặc những sự kiện lịch sử (gọi là vè lịch sử). Có thể coi vè – đặc biệt là vè thế sự – như một loại “khấu báo” (báo bằng miệng), một hình thức báo chí dân gian (được ví như thể ký, thể phóng sự trong văn học viết và văn học hiện đại sau này)

Ông Đỗ Bình Trị – khi xác định khái niệm vè, không dừng lại ở hai tiểu loại vè nêu trên mà dựa vào nội dung phong phú mà vè đề cập đến để lưu ý thêm có những bài vè kể về sự vật (gọi là vè trẻ em – Chúng tôi ngờ rằng đây là đồng dao? – NV), có những bài vè kể chuyện về thân phận con người trong xã hội cũ (gọi là vè than thân).

Đi từ nguồn gốc (từ nguyên), ông Đinh Gia Khánh đưa ra nhận xét là vè có liên quan đến từ “vần vè” trong dân gian. Theo ông, vè là lời nói có vần mà tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ giàu thanh điệu. Nhân dân ta trong lời ăn tiếng nói hàng ngày lại thích dùng những câu nhịp nhàng, đối xứng, thích nói ví von. Cho nên bên cạnh lối tự sự bằng văn xuôi đã xuất hiện lối tự sự bằng văn vần. Và đó là vè. Ông Lê Chí Quế bổ sung thêm rằng vè có cơ sở từ lối nói vần của nhân dân.

Ngoài ra, những ý kiến, những khái niệm khác hầu hết đều thống nhất với các định nghĩa nêu trên.

Như vậy, theo chúng tôi, vè là một loại văn vần – tự sự dân gian. Bằng hình thức nôm na, đơn giản dễ hiểu, vè phản ánh nhanh nhạy kịp thời những sự vật, sự kiện, nhân vật, sản vật ở một địa phương nào đó. Rồi tùy vào tính chất hấp dẫn của hình thức và bản thân sự vật, sự việc, con người được phản ánh mà quyết định sự lan rộng, phổ biến của nó.

2. Nguồn gốc và đặc điểm

Về thời điểm xuất hiện:

Cho đến nay, vẫn chưa xác định rõ ràng cụ thể thời điểm xuất hiện của vè nhưng theo nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu thì vè nảy sinh và phát triển chủ yếu trong thời kì phong kiến và giai đoạn cận đại (thế kỷ thứ XVIII, XIX, đầu XX – tức là từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh về sau). Bài “Vè ông Ninh” (kể về ông Ninh Quốc Công Trịnh Toàn – em cùng cha khác mẹ với chúa Tây Đô Vương Trịnh Tạc 1657 – 1682) có thể coi là một trong những bài vè đời sớm còn lại đến nay.

Đặc điểm chung:

Vè là một thể loại văn học dân gian có chức năng, đặc điểm riêng không lẫn lộn với bất kỳ một thể loại văn học dân gian nào khác. Tính thời sự, tính xác thực cụ thể, tính địa phương là những đặc điểm chung, hết sức nổi bật của thể loại này.

Tính thời sự:

Vè phản ánh người thật việc thật, những sự kiện vừa mới xảy ra, những con người đương thời. Những sự kiện, con người đó được sự quan tâm chú ý của nhân dân ở vùng, làng có khi còn ảnh hưởng, có tiếng vang rộng hơn ở địa phương ( như xã, huyện, tỉnh… hoặc toàn quốc).

Vè ghi nhanh, kịp thời, cụ thể các sự kiện và nhân vật gắn liền với sự kiện ấy. Như đã nói, đây là một loại thông tin bằng miệng của quần chúng nhân dân, một loại báo chí truyền khẩu của dân gian.

Vè ít có hư cấu trong nội dung. Các yếu tố thời gian, không gian, nhân vật sự kiện hầu như đều được xác định rõ ràng cụ thể. Ví dụ: Vè Bão năm Thìn 1904, Vè Trương Định.

Tính địa phương:

Vè ra đời gắn với địa phương và thường giới hạn sự phổ biến trong địa phương ấy. Khi sự việc có tính tiêu biểu thì vè mới được phổ biến rộng hơn. Chẳng hạn như Vè Đi ở, Vè về các nhân vật lịch sử, Vè chống Pháp….

Tính khuynh hướng tư tưởng:

Không chỉ kể lại sự việc câu chuyện, vè còn bày tỏ thái độ quan điểm, sự bình giá của nhân dân đối với sự kiện, nhân vật ấy. Đó là thái độ khen chê rõ ràng dứt khoát ví dụ như chê bai những anh hay đánh vợ, phê phán những cặp vợ chồng làm biếng, căm ghét bon cường hào ác bá, ca ngợi, kính trọng những nhân vật anh hùng. Các tác giả dân gian thường đứng trên lập trường quan điểm, tư tưởng tình cảm và lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân mà thuật kể, mà bình phẩm, đánh giá.

Tính cá nhân:

Vai trò cá nhân có vị trí và ý nghĩa rất quan trọng ở khâu sáng tác và kể vè. Dấu ấn cá nhân của người sáng tác thể hiện rõ ở nội dung và nghệ thuật vè. Và vì là một loại báo chí dân gian, làm sao cho dân gian dễ nhớ, dễ lưu truyền trong khi dung lượng truyện kể trong vè thường không ngắn như ca dao nên câu vè thường ngắn gọn, có vần có điệu, lời lẽ đơn giản, mộc mạc, nôm na. Yếu tố vần được chú ý hơn cả (dù đôi khi gieo vần theo kiểu áp đặt khiên cưỡng), ngoài ra những yếu tố khác tương đối sơ sài, lỏng lẻo.

3. Phân loại và nội dung theo từng loại vè

Vè sinh hoạt xã hội:

Vè sinh hoạt (hay vè thế sự) hướng về sinh hoạt bình thường nhằm phản ảnh kịp thời những sự việc đáng chú ý xảy ra trong đời sống hằng ngày của nhân dân (thường là người thật việc thật). Những câu chuyện kể trong vè thế sự có những điểm gần gũi với truyện cổ tích sinh hoạt (nhưng không nói về những chuyện xảy ra trong quá khứ mà nói về những chuyện hiện tại như chuyện một đám cưới lớn, một đám ma to, chuyện làm đình, bắc cầu, đào sông, đào giếng, đi lính, đi phu, lụt bão, mất mùa…). Chính vì đề tài cuộc sống sinh hoạt phong phú như thế nên vè sinh hoạt được sáng tác nhanh hơn, nhiều hơn, thường xuyên và rộng khắp hơn. Không ở đâu mà tiếng nói của đời thường đi vào một cách nhanh chóng trực tiếp như ở vè sinh hoạt. Trong làng có gái không chồng mà chửa, ngay lập tức có “Vè chửa hoang”:

  • Vè vẻ vè ve
  • Nghe tôi đặt truyện vè con gái hoang thai
  • Ham chơi hoa nguyệt sạt sài tấm thân
  • Ngó lên hòn núi phân vân
  • Ngó về cái bụng càng lần càng to.

Hoặc một đám ma lớn:

  • Nhất vui là đám cố Lơn
  • Dẫu bữa cuồng lớn gặp cơn mưa rào
  • Hoãn lại bữa sau cho trời quang biển lặng Đến giờ dần tảng sáng
  • Đến giờ mão rạng ngày thắp đèn đuốc vui thay…

Những câu chuyện kể trên trong vè không chỉ có thông báo mà còn cả bình luận – một cách bình luận cũng khá đặc biệt vì bởi cái nhìn hài hước, bởi tiếng cười ý nhị rất dân gian. Tuy vậy, ở vè thế sự, tính chất trữ tình cũng được dân gian chú ý thể hiện bên cạnh cái nhìn cười cợt trào phúng. Nỗi khổ có khi được nêu trực tiếp trong bài vè, chẳng hạn như bài “Vè bắt lính” sau đây:

  • Sáng mai đi cày Ông lý ngồi giục
  • Chưa được sào đất Việc quan tức khắc
  • Có lệnh vua bắt Việc quan tức thì !
  • Anh trở về nhà Anh phải ra đi
  • Anh mở cửa ra Lòng không dạ đói
  • Trong nhà vắng vẻ Lệnh quan cứ trói
  • Con mèo nằm giữa Điệu cổ anh đi
  • Ông bếp ba bên Bắt lính thế ni
  • Bắc nồi cơm lên Khổ ơi là khổ! Cơm sôi sùng sục

Ta thấy các chi tiết nêu trong bài vè thường rất cụ thể. Và cũng chính vì quá cụ thể mà nó ít khi nào vượt ra khỏi địa phương của nó. Cho nên, những bài vè nêu lên các sự việc, con người có tính phổ biến hơn sẽ lan rộng ra nhiều địa phương hơn. Tính phổ biến đó, đôi khi làm cho nội dung bài vè hướng đến tính khái quát cao hơn và vì thế, vè cũng xích lại gần hơn với ca dao. Chẳng hạn như bài “Vè giữ trâu” dưới dây, những chi tiết cụ thể xác thực đã giảm bớt để nhường chỗ cho những cảm xúc trữ tình, bộc lộ tâm trạng:

  • Lẳng lặng mà nghe
  • Nghe vè chăn trâu
  • Ra đứng đầu cầu Khóc mẹ, van cha.
  • Hai hàng nước mắt rỏ sa
  • Cách sông cách núi biết nhà chú đâu?
  • Nhà chú có một con trâu
  • Líp nảy nỏ có lấy đầu che mưa
  • Thân tôi đi sớm về trưa
  • Vác cày vác bừa đã mỏi hai vai….

(Líp nảy – lịp nảy: nón và áo tơi / nỏ: không – tiếng địa phương Nghệ Tĩnh)

Chính hình thức nửa vè nửa ca dao như vậy rất thích hợp với nhu cầu vừa kể chuyện vừa bộc lộ tâm tình của tác giả dân gian – đáp ứng được về độ dài của nội dung câu chuyện kể mang tính chất tự sự với nhiều chi tiết, tình tiết cần nêu.

Có một điều mà ta cần lưu ý. Khi kể lể những nỗi thống khổ của những con ở, vợ lẽ, người làm dâu, người góa bụa, người đi phu, người đi lính, người vợ lính. vè sinh hoạt đã đi từ những nội dung thế sự chuyển dần sang nội dung giai cấp, đi từ những cuộc đấu tranh phản kháng cục bộ ở địa phương mình đến việc phản ảnh lại những cuộc đấu tranh có quy mô rộng lớn hơn. Đó là những cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại các tập đoàn phong kiến thống trị, những cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân cũng là cách phản ứng lại sự nhu nhược của triều đình. Trong trường hợp này, ta có tiểu loại vè lịch sử.

Vè lịch sử:

Có những điểm liên hệ gần gũi giữa truyền thuyết lịch sử và vè lịch sử. Nhưng tất nhiên hai thể lại này không hề giống nhau. Trên thực tế, khi tiếp cận với các thể loại văn học dân gian, không quá khó khăn để phân biệt truyền thuyết lịch sử với vè lịch sử. Nhưng không phải không có người nhầm lẫn giữa vè lịch sử và diến ca lịch sử Diễn ca lịch sử hay sử ca thuộc loại các tác phẩm văn học viết nhưng được dân gian thông thuộc như Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca. Diễn ca lịch sử lấy lịch sử làm đề tài (hay đối tượng phản ánh), dùng hình thức văn vần kể lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả không trực tiếp chứng kiến. Trong khi đó, vè lịch sử lấy đề tài là những biến cố, những sự kiện lịch sử đương thời đang diễn ra hoặc vừa mới diễn ra nhằm phản ánh kịp thời trực tiếp những gì mà tác giả là người đã ít nhiều được chứng kiến hay được sống trong không khí bối cảnh lịch sử ấy. Đó là trường hợp của các bài Vè vợ ba Cai Vàng, Vè thất thủ kinh đô, Vè Tây chiếm tỉnh Thanh, Vè chàng Lía. Như vậy, tính thời sự là đặc điểm chung cũng là đặc điểm nổi bật của vè lịch sử. Đó chính là chỗ khác nhau cơ bản giữa vè lịch sử và diễn ca lịch sử.

Đối với tiểu loại này, sự tham gia sáng tác và lưu truyền của dân gian sâu rộng hơn. Tất nhiên những nhân vật lịch sử và những biến cố lịch sử bao giờ cũng có ảnh hưởng sâu sắc đối với nhân dân. Vì thế, khi một bài vè lịch sử ra đời, nó đã nhanh chóng vượt ra khỏi địa phương sinh thành để trở thành một sản phẩm chung với tính dân tộc rất cao. Khi ấy, những sự kiện, con người đậm đà chất xác thực – người thật việc thật – ban đầu đã được trí tưởng tượng và lòng kính trọng của dân gian nhào nặn thêm để rồi một bộ phận không nhỏ đã trở thành những tác phẩm văn học dân gian đạt giá trị cao về nội dung và hình thức.

Đọc nội dung các bài vè ở loại này, với tính xác định của thời điểm, địa danh và nhân vật, ta dễ dàng đoán định được hoàn cảnh ra đời của những bài vè này. Phần lớn các bài vè lịch sử đã được sưu tầm lại đều nảy sinh từ phong trào nông dân khởi nghĩa chống phong kiến và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XVIII, XIX và đầu XX. Ta thử điểm qua một số bài vè tiêu biểu của thể loại này.

Trong vè lịch sử, hình tượng chàng Lía trong “Vè chàng Lía” khá điển hình cho hình ảnh người nông dân đứng lên khởi nghĩa chống chế độ phong kiến.

  • Lừng danh chàng Lía tài cao
  • Thâu được thành nọ tiếng hào đồn ran
  • Vỗ về chiêu dụ trăm dân
  • Trước sau yên ổn mười phần làm ăn.

Các tác giả dân gian kể vè, nói vè thật đơn giản. Không dông dài ý nghĩa to tát như các thể loại truyện kể thế mà tác dụng khách quan cùng sức tác động của nó trong đời sống lại rất cao. Chỉ là một câu chuyện về một người cố nông dám đứng lên chống lại triều đình. Chẳng biết Lía họ gì, cứ sinh ra và lớn lên bên mẹ như nhân vật trong truyền thuyết Phù Đổng. Thương mẹ mà không nuôi nổi mẹ, phải đi ăn trộm. Nhỡ tay đánh chết người, bỏ nhà, bỏ mẹ lên rừng. Từ khi mẹ mất, Lía bắt đầu thỏa chí tung hoành vì chính nghĩa, không chỉ cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo mà còn đánh tan cả quân chúa Nguyễn ở Quy Nhơn. Nhưng rồi, cũng như những cuộc khởi nghĩa nông dân tự phát manh động dễ khinh suất khác, Lía bị phản công và thất bại. Để rồi bài vè kết thúc bằng nỗi ngậm ngùi:

  • Chiều chiều én lượn Truông Mây
  • Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

Những diễn biến trong cuộc đời chàng Lía là sự thu nhỏ của hình ảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII. Câu chuyện kể từ cuộc đời thật phải chăng là một cuộc diễn tập quy mô cho cuộc khởi nghĩa của người anh hùng áo vải cờ đào thế kỷ sau ?

Ở một địa phương khác, “Vè vợ ba Cai Vàng” cũng lan tỏa khắp làng quê phố chợ.

  • Khen cho trí lực đàn bà
  • Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng…

Cai Vàng tên thật là Nguyễn Văn Thịnh, người làng Phượng Nhỡn, tổng Hoàng Vân (tỉnh Bắc Ninh). Ông làm cai ở tổng Vàng nên người gọi là Cai Vàng. Có ba vợ, khi gặp nguy nan, hai bà vợ lớn của Cai Vàng đều bàn lùi, chỉ có bà vợ ba (còn gọi là cô Quận) là quyết sống mái với kẻ thù. Trong bài vè, hình ảnh của bà rực rỡ đến lu mờ hình ảnh Cai Vàng. Ngồi trên ngựa gọi tiếng loa,

  • Các quan mới biết vợ ba Cai Vàng!
  • Đem tin triều biết rõ ràng:
  • “Chính ta vợ bé Cai Vàng ra đây !”

…Quan phó ngự tượng đánh lao, Quan phủ tiếp diễn kéo vào tới nơi. Cô Quận sống thác cũng chơi

Phó gươm bắt mác xem trời bằng vung.

Hình ảnh người phụ nữ anh hùng có tài thao lược này đã được lòng yêu mến và ngưỡng mộ của nhân dân lý tưởng hóa. Họ phủ lên hình tượng của bà sự hư cấu thần kỳ trong một cách diễn đạt bởi ngôn ngữ dân gian bình dị, tự nhiên mà sống động.

Một bài vè đặc sắc khác là “Vè thất thủ kinh đô”, “thông qua cuộc đấu tranh nội bộ giữa hai phái chủ hòa và chủ chiến trong triều đình Huế, nói lên tinh thần yêu nước, quyết tâm kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta” (Lê Chí Quế). Cũng giống như hình tượng vợ ba Cai Vàng, ở đây, các nhân vật lịch sử anh hùng luôn được dân gian khắc họa bằng biện pháp lý tưởng hóa đến mức thần kỳ với những nét siêu phàm. Đây là hình tượng Tôn Thất Thuyết:

  • Nước ta quan tướng anh hùng.
  • Bách quan văn võ cũng không ai tày
  • Người có ngọc vẹt cầm tay
  • Đạn vàng Tây bắn ba ngày không nao
  • Tài hay văn võ lược thao
  • Khí khái nhân địa ra vào rất thông
  • Bốn bề cự chiến giao công
  • Tây phiên nói: ” Thực anh hùng nước Nam”…

Theo tài liệu của ông Tôn Thất Bình (trường ĐH Huế), bài vè này dài đến 1850 câu. Bản ở ĐH Huế còn lưu giữ lại đến 2243 câu. Có bản sưu tầm dài đến 4900 câu. Đây là bài vè dài nhất hiện nay mà chúng ta có được. Tác giả dân gian kể lại sự việc từ năm 1885 đến khoảng các năm 1907-1908, một giai đoạn lịch sử sau năm Thuận An thất thủ trên dưới 30 năm. Đây là một giai đoạn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân mà trong đó là những bức tranh sinh động về đời sống nhân dân, về cuộc đấu tranh của nhân dân với những biến cố lịch sử và các nhân vật lịch sử quan trọng khác.

Vè sự vật:

Vè sự vật (hay còn được gọi là vè kể vật, vè kể việc) hướng về các sự vật cụ thể trong tự nhiên và trong đời sống xã hội, phát hiện và nêu lên những đặc điểm chủ yếu (về chức năng, tác dụng, tính chất, hình dạng, màu sắc…) trong sự liệt kê, so sánh, đối chiếu hoặc cố tình nói khác, nói ngược để kích thích sự tìm hiểu thế giới của nhiều đối tượng người nghe – đặc biệt là trẻ em. Vì đặc trưng này mà vè sự vật rất gần với đồng dao và câu đố qua những thể thơ ngắn, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Đề tài của vè sự vật vì thế rất rộng bao gồm hầu hết các sự vật hiện tượng trong tự nhiên, trong xã hội. Đây chỉ giới thiệu một số hình thức độc đáo của vè sự vật. Tiêu biểu là kiểu nói xuôi và nói ngược rất thú vị và hấp dẫn:

– Cây nghễ có hoa Cây cà có trái Con gái có chồng Đàn ông có vợ

…Con cá có vây Ông thầy có sách Hàng Bạch có tàn Ông quan có lộng…

-Hay ăn thịt chết Là thằng quạ đen Tinh mắt hay ghen Là con chim gáy Vừa đi vừa nhảy Là con sáo xinh Hay nói linh tinh Là con liếu điếu

-Ve vẻ vè ve Cắm vè cắm lối Xắn quần mà lội Lội núi cheo leo Chống gậy mà trèo Trèo sông trèo bể Tôi ngồi tôi kể Cái vè của tôi Cứng như xôi Mềm như đá Thơm như cá Tanh như hương Tối như gương Sáng như mực…

-Nghe vẻ nghe ve Nghe vè nói ngược Ngựa đi dưới nước Tàu chạy trên bờ Lên núi đặt lờ Xuống sông bửa củi…

Các tiểu loại vè trong phần trình bày nêu trên chỉ là một trong rất nhiều cách phân chia. Thực tế, có nhiều cách phân chia đa dạng khác. Có người dựa vào thể thơ để chia ra vè lục bát, vè song thất lục bát, vè nói lối, vè theo thể vãn… Có người dựa vào độ dài ngắn để chia ra vè dài, vè ngắn…Có người lại dựa vào phương thức thể hiện để chia thành vè tự sự và vè trữ tình..v.v…Trong đó thì cách phân loại dựa vào đề tài theo phân trình bày cụ thể nêu trên vẫn phổ biến hơn cả.

4. Vài nét về nghệ thuật

a. Ngôn ngữ:

Do mục đích và nội dung sáng tác khá đặc biệt nên ngôn ngữ vè giản dị, mộc mạc, không cầu kỳ và quá trau chuốt, sử dụng nhiều tiếng địa phương quen thuộc, đôi khi không loại trừ cả những từ ngữ nôm na. Để sáng tác kịp thời, phản ánh cụ thể, chi tiết về người thật việc thật, các tác giả dân gian chỉ đặc biệt chú ý đến nội dung thông báo truyền đạt mà hầu như không quan tâm đến việc gọt giũa và trau chuốt về hình thức. Cho nên dù hình thức của vè có phong phú đa dạng thì cũng là sự phong phú đa dạng trong trạng thái tự nhiên, thô phác, mộc mạc. Những từ ngữ giàu hình ảnh ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng trong ca dao ít được sử dụng trong lối kể vè.

Tuy nhiên do tính chất phổ biến rộng rãi hơn, đối tượng tiếp nhận cũng phong phú đa dạng hơn, trong đó không ít người là những nghệ nhân tài hoa trong lối kể vè, sáng tác vè; ngôn ngữ vè lịch sử thường đạt yêu cầu gọt giũa tốt hơn loại vè sinh hoạt (do vè sinh hoạt đáp ứng nhu cầu thông báo tức thời).

b. Thể thơ:

Các thể thơ dân gian được sử dụng trong vè rất rộng rãi, tự do (Tùy theo tính chất của đề tài và sở trường của người sáng tác vè mà lựa chọn thể thơ thích hợp) Vì thế nói đến thể thơ trong vè là nói đến sự phong phú với các thể văn vần khác nhau. Có thể kể đến là 4 chữ (có xen 3 chữ), 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, nói lối, hỗn hợp…

c. Kết cấu:

Kết cấu của vè đi theo công thức kết cấu của một tác phẩm tự sự. Tức là có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Đa phần nội dung trong một bài vè – đặc biệt là vè lịch sử và vè thế sự- thường là một câu chuyện kể có tình tiết, có nhân vật, có mâu thuẫn, xung đột.      Kết cấu của vè là kết cấu của một tác phẩm tự sự bằng văn vần.

Phần mở đầu, có một số bài vè đi theo công thức:

  • Lẳng lặng mà nghe…
  • Nghe vẻ nghe ve…
  • Ve vẻ vè ve…
  • Ngồi buồn đặt một chuyện vè
  • Làng trên xã dưới ngồi nghe tỏ tường…

Tuy nhiên, một số bài vè trữ tình (vè than thân, trách phận , giải bày tâm trạng) có kết cấu linh hoạt hơn. Ví dụ: Vè đi ở, Vè đi phu, Vè người làm lẽ….

(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Tục ngữ là gì? Nguồn gốc, nội dung, đặc điểm thi pháp
  2. Văn học dân gian là gì? Khái quát văn học dân gian Việt Nam
  3. Truyện ngụ ngôn là gì?
  4. Ca dao – Dân ca là gì?
Văn họcVăn học dân gian

Từ khóa » Ví Dụ Về Các Bài Vè