Vè - Loại Hình Diễn Xướng Dân Gian độc đáo ở Nam Bộ - Báo Cần Thơ

Vè là một loại diễn xướng rất phổ biến trong sinh hoạt văn hóa dân gian thuở trước. Theo “Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ”: “Vè là một dạng báo nói do dân gian sáng tác và truyền tụng rất rộng rãi nhằm phản ánh kịp thời các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày trong xóm, ấp, địa phương, dân tộc. Nó cũng là những tri thức dân gian về tự nhiên, về đạo lý được bắt vần để đưa về các khuôn dạng ổn định, dễ thuộc, dễ nhớ”1. Có lẽ vì vậy, vè thường mang một sắc thái gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Mặc dù gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng không phải nói sao cũng thành vè. Để trở thành bài vè, đặc biệt là bài vè hay, thì nội dung của bài vè ngoài ý nghĩa dồi dào còn phải có vần và ngôn ngữ thích hợp. Tác giả Nguyễn Văn Hầu giải thích: “Vần của vè là thứ vần cước hoặc thứ vần yêu do tùy hứng mà biến chuyển ra một cách du di linh động; còn ngôn phong của vè là thứ ngôn phong hoàn toàn bình dân, nặng mùi địa phương, cách hẳn những cầu kỳ trau chuốt của một thứ văn hóa đài các.

Nhìn kỹ vào hình thức của vè miền Nam, ta thấy có hai lối, tạm gọi là chính thức và biến thức. Lối chính: câu từ 2, 3, 4, 5 tiếng với lời lẽ và tình ý thật mộc mạc. Lối biến: câu dài ngắn không chừng với lời lẽ tương đối văn vẻ, học thức hơn. Lối chính là lối phổ thông nhất vì nó phù hợp với lời kể có xen bình luận đầy vẻ hậm hực. Bởi vậy khi nghe đến nói vè là người ta phảng phất đâu đây những câu mở đầu quen thuộc:

Nghe vẻ nghe ve!

Nghe vè lân ấp!

Sáu Nịch ăn cắp,

Tư Mách thấp lùn.

Ông Tùng hiền hậu...”2

Có thể phân loại nội dung của vè thành năm mảng đề tài lớn như sau:

- Những bài vè ca ngợi sự phong phú của các thổ sản ở địa phương:

Nội dung của loại vè này nhằm giới thiệu những đặc sản của địa phương mình, thể hiện lòng tự hào về quê hương trù phú cũng như tình cảm của con người đối với thiên nhiên, sản vật của vùng đất mà mình đang sinh sống. Như: Vè bánh, vè trái cây, vè cầm thú, vè cá tôm, vè rắn...

Nghe vẻ nghe ve,

Nghe vè chim chóc.

Hay moi hay móc,

Vốn thiệt con dơi.

Thấy nắng thì phơi,

Là con diệt mốc.

Lặn theo mấy gốc,

Là chim thằng chài.

Lông lá thật dài,

Là con chim phướn.

Rành cả bốn hướng,

Là con bồ câu.

(Vè Chim chóc)

- Vè nói về các ngành nghề và các lễ tục ở nông thôn Nam bộ:

Nội dung của loại vè này phản ánh đầy đủ những hình thái sinh hoạt trong nhân dân với những chi tiết lịch sử cụ thể. Do đó, ngoài giá trị văn học, loại vè này còn có giá trị sử học và dân tộc học. “Đối với loại vè này, trong những chi tiết kể việc đã tồn tại một khối lượng đáng kể những đoạn kể chuyện đời và nổi bật là những nỗi khổ cực của người lao động trong xã hội cũ. Những yếu tố này đã tăng cường tính thẩm mỹ văn học, xác lập tính khuynh hướng của chúng và do đó, đã đưa vè kể việc đến gần với vè thế sự”3. Như: Vè làm ruộng, vè đánh lưới, vè chăn vịt, vè đám cưới, vè chợ tết... Sau đây là những hình ảnh cụ thể:

Nghe vẻ nghe ve,

Nghe vè làm ruộng.

Sắm trâu cùng xuồng,

Sắm ách cùng cày.

Đi vay tiền ngày,

Đi quơ tiền tháng.

Sắm một cái phảng,

Đáng giá năm quan.

Trời cho mưa xuống,

Nước nổi đầy đồng.

Bớ chú đàn ông,

Be bờ gieo mạ...

(Vè Làm ruộng)

- Vè nói về vấn đề giáo huấn và cười chê các thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội:

Nội dung của loại vè này nhằm giáo huấn con người khi đạo đức xã hội bị suy đồi và đả kích các thói hư tật xấu trong xã hội. Trước thực trạng xã hội thuộc địa đầy rẫy bất công và tệ nạn, nghiêm trọng hơn cả là tình trạng suy đồi phát triển mạnh ở các thành thị, vè như là một thứ công cụ dùng để phê phán thực trạng xã hội.

Làm cho thiên hạ đeo phiền,

Buồn hiu quân tử, điếng điêu anh hùng.

Làm cho lỗi thuở đạo nhà

Năm giồng ba mối chẳng hòa vì ai.

Làm cho son phấn đổi màu,

Khó nghèo nỡ phụ, sang giàu a dua.

Hư người thục nữ cũng hung,

Đành đem má phấn chôn bùn vì ai”4.

Có thể kể thêm các bài vè: Vè chửa hoang, vè làm biếng...

Vè giáo huấn lại thường mang tính chính luận nêu bật những đạo lý, những giáo huấn gia trưởng và phong kiến, những khuôn phép ứng xử kiểu mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng, chồng chúa vợ tôi đang từng bước lùi vào quá khứ trước những thay đổi của xã hội. Tiêu biểu là các bài vè: Vè dạy con, vè dạy vợ...

- Vè tố cáo thói tham lam độc ác của chế độ phong kiến, thuộc địa và vẽ lên nỗi khổ của người dân:

Nội dung của loại vè này là nói lên thân phận người dân dưới chế độ phong kiến trước khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ; Phê phán các chức việc cấp làng; đả kích thói rượu chè, cờ bạc... Như: Vè hương chức, vè Lễ Tết quan, vè hạn hán...

Nghe vẻ nghe ve,

Nghe vè hương chức.

Người mà không cực,

Giàu có bạc ngàn.

Hương chủ trong làng,

Muốn tìm vợ bé.

Bộ Mỗ cũng lẹ,

Mới chịu làm mai.

Mua rượu hai chai,

Đem về để đó.

Mới kêu thầy Có,

Mà hỏi đôi lời.

Em chịu ở đời,

Với người giàu có.

Vợ thì ta có,

Mà không có con.

Kiếm gái còn non,

Đem về nối nghiệp.

Tội nghiệp

(Vè Hương Chức Hồi Tề)

- Vè nói về lòng yêu nước, chống bọn xâm lược Pháp, Mỹ:

Nội dung của loại vè này nhằm ghi lại những sự kiện lớn của từng địa phương, ca ngợi những chiến công, những anh hùng và đả kích kẻ thù xâm lược và bọn bán nước. Vè kháng chiến không dừng lại ở việc kể lể khách quan chủ nghĩa mà dường như trong đó có sự chọn lọc phân tích nhằm vạch rõ thực chất của tình hình.

Dưới thời thực dân cai trị thì:

Lâu nay làm chẳng có ăn,

Người dân Nam Việt làm thằng cu li.

Và bây giờ, dưới quyền lực thống trị của cái gọi là chính phủ cùng một màu da, tay sai của phát xít Nhật, thì cũng chẳng khác gì hơn:

Truyền rao phú lít, mã tà,

Cho nguyên như cũ, đem ra gác đường.

Thấy người nghèo khó mà thương,

Xách chổi quét đường đói cũng như xưa.

(Vè Nhật Bổn)

Kế thừa những hình thức vần vè quen thuộc và phát huy truyền thống của vè yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỷ trước, nhưng rõ ràng là vè kháng chiến đã khác xưa. Kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta, đến thời điểm này, đây là lần thứ hai đề tài yêu nước chống xâm lược lại bộ phát mạnh mẽ trong văn học nhằm đảm đương nhiệm vụ của lịch sử. Cùng với thơ ca, hò hát dân gian, vè giờ đây được phát huy một cách tự giác vào cuộc chiếc đấu mới, với mục đích cách mạng và được sáng tác dưới ánh sáng của thế giới quan cách mạng, thế giới quan của chủ nghĩa Mác-Lênin”4 mà các bài: Vè Trương Định, Vè chống Pháp... là những ví dụ điển hình.

***

Tóm lại, vè loại hình diễn xướng dân gian có những đóng góp nhất định vào kho tàng văn học dân gian Nam bộ. Vè là tấm gương soi bóng lịch sử, là lợi khí đấu tranh của nhân dân, là bài học làm người khôn ngoan chân chính, là tiếng cười đả kích, tiếng cười sảng khoái nhưng ẩn chứa nhiều sâu cay đối với những thói hư tật xấu trong xã hội. Và đặc biệt, vè còn có khả năng định hướng dư luận, tác động mạnh mẽ vào tinh thần quần chúng để giác ngộ quần chúng đâu là điều hay lẽ phải, đâu là nẻo chính đường tà.

TRẦN QUANG DIỆU

(1) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ. NXBKHXH, Hà Nội - 1992. Tr.162.

(2) Nguyễn Văn Hầu, Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ, tập 1. NXB Trẻ - 2004. Tr.86 - 87.

(3), (4) Huỳnh Ngọc Trảng: Vè Nam Bộ. NXB TP. Hồ Chí Minh - 1988. Tr. 18.

Từ khóa » Ví Dụ Về Các Bài Vè