Đó là bởi tôi rất thích lời thơ Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa trong nhạc phẩm cùng tên của Ngô Thụy Miên: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng… Áo đẹp, hay người đẹp làm thi sĩ say đắm? Có lẽ cả hai. Ôn - nhu - hương, tiêu chuẩn người con gái đẹp của người xưa có lẽ hợp nhất với cô gái mặc lụa: Mỏng mềm, mát mà vẫn gợi sự ấm áp…
Cô gái say sưa nhìn những thao tác tỉ mẩn của người dệt vải. Ảnh: Nguyễn Hưng
Khi đến với làng lụa Vạn Phúc, ngoài việc chiêm ngưỡng những tấm lụa đủ loại với nhiều chất liệu, kiểu dệt khác nhau, tôi còn nhớ đến những cô gái xe tơ, dệt lụa. Vạn Phúc, làng dệt lụa trong phố, ở Hà Đông, Hà Nội, có khoảng 100 cửa hàng bán lụa, quần áo, khăn lụa, với khoảng 400 nhà dệt lụa.Tôi ngồi bên khung cửa, trò chuyện với bà Gái, bà Hiền, hai bà đều đã trên 60 tuổi, đều học nghề dệt lụa từ lúc 6 - 7 tuổi. Hai bà ngồi mắc cửi, tức chuẩn bị cho khung dệt, công đoạn này cũng mất vài ngày. Những sợi tơ lụa được mắc và khung theo các thứ tự mà chỉ có những nghệ nhân mới biết được.Làng lụa Vạn Phúc có từ lâu đời, đã hàng trăm năm. Nay, xung quanh Vạn Phúc là những cao ốc, lấy đâu ra làm nương bãi để trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa? Lụa Vạn Phúc được dệt nên từ những sợi tơ ở nơi khác. Những người như bà Hiền chỉ nhìn, sờ là biết chất lượng sợi tơ đó như thế nào, thượng phẩm hay hạ phẩm. “Có kẻ mang sợi nilon, sơi tơ pha hay kém chất lượng là chúng tôi biết ngay” - bà Hiền nói.Cách nay mấy chục năm, từ thời bao cấp, Vạn Phúc cũng không còn trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ. Thời đó, người dệt lụa Vạn Phúc trở thành xã viên hợp tác xã do Nhà nước quản lý. Bà Hiền cho biết, hồi đó, lụa của Nhà nước thu mua về cho người Vạn Phúc dệt rất tốt, hơn cả bây giờ. Chuyện trồng dâu, nuôi tằm… có lẽ chỉ có thời xa xưa, từ thuở ruộng đồng còn bát ngát, không phố phường đông đúc như giờ. Một điều thú vị là ở Vạn Phúc, những cô gái dệt lụa có sức thu hút lạ lùng.Nhiều chàng trai ở các miền quê khác đến Vạn Phúc lấy vợ rồi… ở lại luôn không về quê nữa. Có chàng từ Lạng Sơn phiêu dạt đến Vạn Phúc gặp được người thương rồi lấy vợ. Vài năm sau anh về Lạng Sơn… dẫn theo em trai đến lấy vợ ở Vạn Phúc rồi hai anh em ở quê vợ luôn. Họ đắm say người hay say với vẻ đẹp vùng quê yên ả với lụa là? Có lẽ cả hai.Nhắc đến câu thơ của Nguyên Sa để biết lụa Vạn Phúc - Hà Đông có sức lan tỏa như thế nào. Các chị, các bà khắp nơi đều thích lụa Hà Đông. Lụa ở đây từ những năm 30 của thế kỷ trước cũng từng tham gia hội chợ thời trang Paris, Pháp. Nhưng ngày nay, làng Vạn Phúc cũng chỉ là một làng nghề, lụa Vạn Phúc chỉ quanh quẩn trong ngõ làng.Một chủ xưởng dệt, bán buôn lụa Vạn Phúc than: “Du khách chủ yếu đến chỉ nhìn, sờ… hàng lụa rồi đi mà không mua”. Khung cửi dệt ít dần đi, trong làng đã xuất hiệt xưởng dệt vải công nghiệp; người trẻ theo nghề dệt lụa vừa ít tiền vừa tỉ mẩn cũng hiếm dần. Lụa Vạn Phúc có mai một?Để làng nghề Vạn Phúc không mai một và phát triển là điều có thể thực hiện được. Bởi, nơi đây với không gian văn hóa đặc sắc gồm đình, chùa, nhà thờ tổ, những khung cửi truyền thống… cùng những nghệ nhân và sản phẩm lụa tơ tằm đặc sắc là tiền đề để giúp làng nghề này tồn tại và phát triển. Điều quan trọng là phải kết nối làng nghề này với các tour du lịch, với các sản phẩm văn hóa khác: Hội họa, điện ảnh, văn thơ và đặc biệt là âm nhạc như bài hát Áo lụa Hà Đông như đã nói ở trên.Sản phẩm của lụa Vạn Phúc cũng không nên chỉ được bày bán ở làng nghề mà nên được giới thiệu rộng rãi hơn với du khách trong và ngoài nước ở những TP lớn, được trở thành món “quà ngoại giao” ở những dịp hội nghị quốc tế lớn.