VỀ NHỮNG CHIẾC ÁO, KHỐ VỎ CÂY CỦA NGƯỜI BRU - VÂN ...

Hai tộc người Bru -Vân Kiều và Tà Ôi cư trú ở miền tây Quảng Trị thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông là những dân tộc bản địa; trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, họ đã để lại những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, đã làm đậm đà bản sắc văn hóa của tộc người bằng những nét văn hóa rất riêng, đặc thù vốn có của mình. Những đặc trưng văn hóa vật chất và tinh thần của hai tộc người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi là một kho tàng phong phú và đa dạng, đã và đang được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà dân tộc học khai thác, khám phá, trên nhiều địa hạt, nhiều lĩnh vực khác nhau. Bài viết sau đây của tôi là đi vào một khía cạnh nhỏ trong trang phục truyền thống của 2 tộc người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi thông qua bộ sưu tập áo vỏ cây để giới thiệu về xuất xứ, quy trình sản suất… qua đó góp phần tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của hai tộc người này.

Khác với người Kinh và nhiều tộc người khác, người Bru - Vân Kiều do tính chất đặc thù của địa bàn cư trú, hoàn cảnh kinh tế xã hội, nên họ ít có quan hệ, giao lưu, trao đổi với các nhóm, tộc người khác, ít có điều kiện tiếp xúc với các thành tựu văn minh xã hội, nên trong vấn đề trang phục họ vẫn còn mang nhiều yếu tố nguyên sơ, đơn giản, vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng riêng, mang đậm tính bản địa tộc người. Theo truyền thống thì một bộ trang phục đầy đủ của đàn ông thường có một cái khố, một cái áo, một tấm choàng, còn phụ nữ gồm một cái áo và một cái váy với nịt lưng. Áo dành cho đàn ông và phụ nữ đều giống nhau đa phần là áo cổ chui có thể có tay hoặc không tay. Thông thường trang phục của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi có chất liệu bằng vải. Tuy nhiên điều đặc biệt hơn là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều trong quá trình lao động đã sáng tạo ra một chất liệu trang phục hết sức độc đáo rất cổ sơ, đồng thời mang tính đặc trưng tộc người rất cao; đó là trang phục bằng vỏ cây (A Mưng).

Hiện nay, tại Bảo tàng Quảng Trị đang trưng bày 5 hiện vật thuộc trang phục bằng chất liệu vỏ cây rất cổ sơ (4 chiếc áo, 1 chiếc khố và 1 tấm nguyên liệu) thuộc trang phục của người Bru -Vân Kiều và Tà Ôi tại gian trưng bày văn hóa người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi.

Chiếc áo vỏ cây thứ nhất là của ông Pả Chuộp, người Bru - Vân Kiều ở bản Chai, xã Tà Long, huyện Hướng Hóa; được sưu tầm về Bảo tàng tháng 12 năm 1996; mang số đăng ký: 1308/ĐM 164. Áo có kích thước: dài thân 80cm, rộng thân sau 40cm, rộng một thân trước 18cm, rộng vai 40cm.

Chiếc áo vỏ cây thứ hai là của ông Vỗ Minh, người Bru - Vân Kiều ở bản Loa, xã Pa Tầng, huyện Hướng Hóa; được sưu tầm về Bảo tàng tháng 9 năm 1997; mang số đăng ký: 1355/ĐM 179. Áo có kích thước: dài thân 70cm, rộng thân sau 60cm, rộng một thân trước 29cm, rộng vai 40cm.

Chiếc áo vỏ cây thứ ba là của ông Pả Ta Khư, người Bru - Vân Kiều ở bản A Dơi Nước, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa; được sưu tầm vào tháng 9 năm 1997; mang số đăng ký: 1383/ĐM 198. Áo có kích thước: dài thân 64cm; rộng thân sau 46,5 rộng một thân trước 19cm, rộng vai 41cm.

Chiếc áo vỏ cây thứ ba là của ông Hồ Văn Minh, người Bru - Vân Kiều ở bản Kỳ Nơi, xã A túc, huyện Hướng Hóa; được sưu tầm về Bảo tàng tháng 12 năm 2005; mang số đăng ký: 3018/ĐM 586. Áo có kích thước: dài thân 50cm, rộng thân sau 55cm, rộng một thân trước 23cm, rộng vai 35cm.

Chiếc khố vỏ cây là của ông Côn Hồ, người Tà Ôi ở bản La Lay xã A Ngo, huyện Đakrông; được sưu tầm về Bảo tàng vào tháng 10 năm 1997; mang số đăng ký: 1426/ĐM 220. Khố có kích thước dài: 1,5m, rộng: 28cm.

Khố và áo vỏ cây của người Tà Ôi (Ảnh Yến Thọ)

Ngoài ra, trong nhóm hiện vật trang phục bằng chất liệu vỏ cây còn có tấm nguyên liệu của ông Vỗ Lương, người Tà Ôi ở bản Ba Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông; được sưu tầm về Bảo tàng vào tháng 5 năm 2005; mang số đăng ký: 2962/ĐM 578. Kích thước: dài 164 cm, rộng 70cm. Đây là vỏ cây pi đã qua khâu xử lý nhưng chưa thành sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng đây là một tấm choàng hay một tấm chăn vỏ cây.

Những chiếc áo vỏ cây trong bộ sưu tập này có đặc điểm giống nhau đều được cấu tạo gồm 3 thân: 2 thân trước được nối với thân sau qua cầu vai, thân sau là 2 mảnh được khâu lại thành một tấm. Áo cổ tròn, không cài nút, tay cánh.

Khố là một tấm vỏ cây dài và hẹp dùng cho trang phục của đàn ông Bru - Vân Kiều và Tà Ôi. Khố được quấn từ 1 đến nhiều vòng quanh bụng. Sở dĩ đàn ông đóng khố vì tiện cho việc đi lại cũng như trong hoạt động săn bắt thú rừng.

Áo, khố và cả tấm choàng đựơc làm từ vỏ của một loại cây rừng tên gọi là cây pi - một loại cây thân mộc có lớp vỏ khá dày từ 4 - 5cm, mủ của loại cây này có màu trắng rất độc. Người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi thường lấy mủ cây này về làm thuốc độc tẩm vào cung tên để săn thú rừng. Loại cây này trong rừng rất hiếm, có khi cả một khu rừng rộng của một vùng mới chỉ có một cây. Để làm được một cái áo hay khố người ta phải vào rừng tìm cho được cây pi để lấy vỏ. Việc lấy được vỏ cây pi là một công đoạn rất khó khăn vì loại cây này bóc vỏ không dễ dàng gì. Trước hết người ta dự tính chiều dài của chiếc áo định may là bao nhiêu, sau đó đo ngay trên thân cây để tính khổ vỏ cây (khổ vỏ cây sẽ có chiều dài gấp đôi với chiều dài của áo định may).

Theo kích thước dự định người ta dùng rựa chặt theo vòng quanh thân cây một vòng bên dưới cho đến tận phần gỗ. Từ đó đo ngược lên trên theo kích thước dự định rồi tiếp tục dùng rựa chặt theo vòng quanh thân một vòng thứ 2 ở bên trên. Khoảng cách giữa 2 vòng là kích thước của khổ vỏ cần lấy để may một chiếc áo. Tiếp theo, muốn lấy được vỏ ra khỏi thân cây thì phải bắc giàn để đứng rồi dùng dùi đập mạnh vào thân cây pi (ở phần cần lấy vỏ) cứ thế đập cho đến khi nào vỏ cây dập nát, bong ra thì tháo lấy mang về.

Khi đem được vỏ cây về nhà, phải dùng một nồi nước sôi trong đó có nấu sẵn các thứ như: lá mía, lá sả, củ gừng giã nhỏ (cứ một áo hay khố vỏ cây thì cần 2kg cây sả, 1kg lá mía, 2 kg củ gừng giả nhỏ). Bỏ vỏ cây pi vào trong nồi nước sôi đem ngâm trong thời gian 10 ngày để cho mủ độc từ vỏ cây pi thoát ra hết bên ngoài.

Ngâm ủ xong, đem vỏ cây ra phơi nắng, phơi sương 1 tuần (7 ngày). Sau đó cất giữ đợi cho đến ngày 14 âm lịch của tháng mới đưa ra để khâu áo. Theo quan niệm của người Bru - Vân Kiều, người làm áo cấm kỵ không khâu áo vào bất kỳ ngày nào trong tháng (trừ ngày 14 âm lịch) để tránh cho người may lẫn ngưòi mặc không bị nhiễm độc và thần cây pi quở trách.

Công việc khâu áo bắt đầu từ 6h sáng và phải làm xong trong ngày chứ không thể để qua ngày thứ hai. Người ta dùng sợi mây vót nhỏ, mảnh để làm chỉ khâu thành áo. Khâu xong, 3 ngày sau (tức là đến ngày 18 âm lịch) mới được mặc. Tuyệt đối không thể khâu xong là đem mặc ngay được.

Áo, khố thường mặc khi đi săn bắn trong rừng, đi phát nương, làm rẫy chứ không dùng đi chơi và đi dự các lễ hội.

Ngày xưa, trong điều kiện còn khó khăn về nhiều mặt thì dệt được một tấm vải là một quá trình lao động vất vả và tốn nhiều thời gian. Mặt khác, do phải thường xuyên đi rừng, làm nương rẫy, săn bắt thú rừng nên quần áo bằng vải rất dễ bị hư hỏng bởi vậy đồng bào Bru - Vân Kiều và Tà Ôi đã sáng tạo ra một chất liệu trang phục hết sức độc đáo, rất cổ sơ là áo, khố vỏ cây.

Về sau, khi tiếp xúc với người Việt, người Lào họ tiếp thu những trang phục mới của những dân tộc này, đặc biệt từ sau năm 1945 nhất là sau năm 1975 khi cuộc sống hiện đại, nền kinh tế ngày càng phát triển nên y phục của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi dần thay đổi như người Việt (ngoại trừ người phụ nữ vẫn giữ cách mặc váy truyền thống cũng như những bộ trang phục có tính lễ hội). Bên cạnh đó với việc khuyến khích người dân xây dựng cuộc sống định canh định cư của các cấp chính quyền nên việc phát rừng làm rẫy từng bước bị hạn chế do đó việc cho ra đời một trang phục bằng vỏ cây là điều khó có thể thực hiện.

Áo vỏ cây là một loại trang phục mang tính đặc thù của người Bru - ân Kiều và Tà Ôi. Nó là lưu ảnh nguyên bản của một cuộc sống tự cung, tự cấp và phản ảnh một nét văn hóa đặc trưng của người Bru - Vân Kiều và Tà Ôi. Tuy nhiên, việc gìn giữ và phát huy loại trang phục này là điều hết sức khó khăn. Trước tình hình đó vấn đề đặt ra cho những người làm công tác Bảo tàng là phải gìn giữ bảo quản bộ trang phục này để có thể kéo dài tuổi thọ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như ở Quảng Trị; bên cạnh đó cần phải lưu tâm đến việc gìn giữ quy trình kỹ thuật để cho ra đời một trang phục bằng vỏ cây bằng nhiều con đường như ghi âm lời kể, ghi chép lại các câu chuyện kể của các nghệ nhân... nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khi muốn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến các tộc người ở miền Tây Quảng Trị cũng như cho thế hệ mai sau biết về một loại trang phục cổ xưa mà cha ông ta đã từng sử dụng.

Nguyễn Thị Cẩm Lệ

Từ khóa » Bru Vân Kiều ở Tỉnh Nào