Về Xứ Gỗ Sưa

Khi sưa “lấn sân” cây ăn quả

Trước đây cánh đồng đối diện chùa Giai (thôn bãi 1, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) vốn là vựa cây ăn quả với những chuối, ổi, táo, cam quýt…Nhưng đến nay, thay vào đó là một rừng sưa đỏ dày đặc. Mùa này đang vào độ sưa đâm bông, hoa sưa trắng cả một vùng. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Đào Sỹ Hà (thôn Bãi 1, xã Cao Viên) cho biết: Do đã canh tác lâu năm nên đất ở cánh đồng thôn Bãi 1 bắt đầu thoái hóa, cây ăn quả không đem lại hiệu quả kinh tế; cộng với cơn sốt gỗ sưa đỏ nổ ra, nên người dân bắt đầu đem sưa đỏ về trồng. Những gia đình có điều kiện thì mua cây to, ít tiền cũng ươm cây con từ hạt. Chả mấy chốc, cả một vùng đất trồng cây ăn quả ngày nào, giờ biến thành… rừng sưa đỏ!

Vườn sưa đỏ ở cổng chùa Giai xã Cao Viên đang mùa đâm bông
Vườn sưa đỏ ở cổng chùa Giai xã Cao Viên đang mùa đâm bông

Cạnh con đường bê tông dẫn vào chùa Giai là vườn sưa đỏ hàng chục cây có đường kính hàng chục xăng-ty-mét, thẳng tắp của gia đình ông Lộc. Phía ngoài được gia chủ rào kín bằng lưới B40, phía trong là chòi canh với camera quay tứ hướng. Trông coi vườn sưa đỏ là đàn chó chừng 10 con suốt ngày nhe răng gầm gừ mỗi khi có người lạ đi qua. Để phòng kẻ gian, sưa còn được gia chủ quây kín bằng lưới thép lên đến nửa thân cây…

Cây sưa đỏ hiện diện nhiều nơi trên địa bàn xã Cao Viên
Cây sưa đỏ hiện diện nhiều nơi trên địa bàn xã Cao Viên

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Viên Đỗ Như Quang thừa nhận: Thời gian qua, một phần diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đã được người dân tự ý chuyển sang trồng gỗ sưa đỏ. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do người dân bị cuốn vào cơn sốt gỗ sưa đỏ; mặt khác diện tích đất nói trên cũng đã cằn cỗi nên trồng cây ăn quả cũng không mang lại giá trị kinh tế. Vẫn theo ông Quang, trước khi phía Trung Quốc cấm biên, không nhiều thì ít, người dân vẫn có giao dịch mua bán. Nhưng gần đây, do phía Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid, nên việc mua bán gỗ sưa đỏ trầm lắng lắm…

Để bảo vệ cây sưa đỏ, gia đình ông Lộc ở xã Cao Viên phải nuôi thêm đàn chó hàng chục con...
Để bảo vệ cây sưa đỏ, gia đình ông Lộc ở xã Cao Viên phải nuôi thêm đàn chó hàng chục con...

Của để dành?

Thấy chúng tôi dừng xe hỏi thăm về gỗ sưa, một phụ nữ đang lựa hoa quả ven đường trục gần trụ sở UBND xã Cao Viên nhanh nhảu: "Nhà em đang có cây sưa đỏ vanh 90 cm, giá đúng 1 tỉ đồng, nếu bác ưng thì em dẫn vào". Mượn cớ còn phải đi xem xét nhiều chỗ, chúng tôi khéo léo từ chối. Đi sâu vào cánh đồng gần chùa Giai, bạt ngàn là sưa đỏ, cây to phải cả người ôm, cây nhỏ cũng lớn hơn bắp đùi. Gần như chỗ nào đất trống, người ta đều “chêm” sưa đỏ vào, thành thử những loài cây lấy gỗ đặc hữu của vùng đồng bằng như xoan đều không có “cửa” sống!

Để bảo vệ cây sưa đỏ, người ta phải quây lưới sắt, dựng lều, gắn camera.
Để bảo vệ cây sưa đỏ, người ta phải quây lưới sắt, dựng lều, gắn camera.

Theo các bậc cao niên ở Thanh Oai, huyện Chương Mỹ, sưa đỏ là giống dễ trồng, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng bãi ven sông Đáy nên từ xa xưa, sưa đỏ đã hiện diện ở khắp vùng này. Ở các đình chùa, vườn ám ven sông Đáy có những “cụ” sưa đỏ hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, sưa đỏ là giống cây “đời cụ trồng – đời cháu mới được hưởng”, nên chả mấy ai để ý. Khi cơn sốt gỗ sưa đỏ bùng lên, người dân đua nhau trồng.

Cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ khi mới được đôn hạ
Cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ khi mới được đôn hạ

Cách đây 10 năm, anh Tư Văn Hoan (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) đã phá bỏ khu vườn tạp sau nhà, trồng hơn 20 cây sưa đỏ. Sau 10 năm, giờ vườn sưa nhà anh Hoan đã to hơn bắp đùi; vài năm trước cũng có người trả giá (cho cây to nhất) ở mức 25 triệu. Vì tiếc cây, anh chưa muốn bán, nhưng sau đó, chẳng còn thấy ai “buông lời”. Hoan vẫn mặc kệ đám “của quý”, anh tặc lưỡi: "Thôi cứ để đấy, biết đâu vài chục năm nữa nó lại thành món tài sản lớn. Đời mình không dùng thì để dành cho con cháu!".

Khổ vì sưa!

Khi hạ cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ), với hy vọng đấu giá thu về cả trăm tỉ. Nhưng sau nhiều lần “nâng lên, đặt xuống”, đến nay thôn này mới bán được một số cành, ngọn. Còn mấy chục mét khối gỗ sưa đỏ vẫn “yên vị” trong contene đặt trong khuôn viên nhà văn hóa thôn. Trao đổi với phóng viên, trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai cho biết: Ở lần đấu thứ nhất, mức giá đưa ra là 34 triệu đồng/1 kg; nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay sau 5 lần đấu giá, chúng tôi vẫn chưa bán xong số gỗ sưa nói trên. Của một đống tiền nên thôn phải thường xuyên cắt cử người trông coi cả ngày lẫn đêm. Đến nay chi phí cho việc trông giữ đã lên đến hàng trăm triệu; nhưng thôn lấy đâu ra tiền để chi trả. “Đành động viên nhau cứ trông coi, khi nào bán được gỗ sưa thì mới có tiền trông coi. Sống cạnh “kho” tiền, nên nơm nớp lo sợ - nhưng bao giờ “biến gỗ thành tiền”, thực sự là bài toán chưa có lời giải. Đành vẫn phải trông coi và chờ đợi thời cơ”- trưởng thôn Phụ Chính Đinh Văn Lai than thở…

Trưởng thôn Phụ Chính xã Hòa Chính Đinh Văn Lai bên contener chứa gỗ sưa đỏ 
Trưởng thôn Phụ Chính xã Hòa Chính Đinh Văn Lai bên contener chứa gỗ sưa đỏ

Quay lại chuyện vườn sưa ở xã Cao Viên, mỗi tháng chủ nhà phải chi mấy trăm ngàn tiền điện, tiền thức ăn cho đàn “cảnh khuyển”; nhưng việc bán được gỗ sưa đỏ trong thời điểm này không phải dễ. Vườn sưa đỏ thực sự đang mang đến sự vất vả cho ông Lộc, bởi ban ngày còn bỏ đấy được, nhưng đêm đến – gia chủ đều phải cắt cử con cháu ra trông coi cả gỗ sưa lẫn… đàn chó!

Từ khóa » Gỗ ổi Có Tốt Không