Vi Khuẩn ăn Thịt Người Là Gì? Dấu Hiệu, Nguyên Nhân Và Phòng Tránh

Viêm cân mạc hoại tử (Necrotizing fasciitis) là bệnh xảy ra do nhiễm vi khuẩn dẫn đến hoại tử mô nên truyền thông hay gọi nôm na là bệnh vi khuẩn ăn thịt người để chỉ rõ hiện tượng của bệnh. Đây là một bệnh nặng khởi phát đột ngột và lây lan nhanh chóng.

Bệnh được mô tả từ rất lâu nhưng mãi đến năm 1952 thì thuật ngữ “viêm cân hoại tử” mới được sử dụng lần đầu tiên. Bệnh xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi, hiếm gặp ở trẻ em. Tại Hoa Kỳ, hàng năm ghi nhận từ 600 đến 700 trường hợp được chẩn đoán bị viêm cân mạc hoại tử, trong đó có khoảng 25% đến 30% ca tử vong. Vậy vi khuẩn ăn thịt người là gì? Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân lây nhiễm là gì? Hãy xem bài viết dưới đây về biết về nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng tránh và phương pháp điều trị vi khuẩn ăn thịt người. (1)

vi khuẩn ăn thịt người

Vi khuẩn ăn thịt người là gì?

Vi khuẩn ăn thịt người là một cụm từ được các phương tiện truyền thông trong nước mô tả hiện tượng bệnh viêm mạc cân hoại tử. Đây là một căn bệnh nặng có thể khởi phát đột ngột và lây lan nhanh chóng.

Viêm cân mạc hoại tử hình thành do một số vi khuẩn gây ra như: Liên cầu khuẩn nhóm A beta tan huyết, vi khuẩn gram âm Vibrio vulnificus, tụ cầu vàng, giống trực khuẩn gram dương Clostridium, trực khuẩn ngắn gram âm Klebsiella pneumoniae, vi khuẩn gram âm hình que Aeromonas hydrophila,…

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Các loài vi khuẩn này thực ra không ăn thịt người nhưng nó lại phóng ra chất độc làm tổn thương các mô lân cận, gây ra tình trạng hoại tử, vì vậy nhiều người gọi là  vi khuẩn ăn thịt người. Tình trạng viêm cân mạc hoại tử chỉ xảy ra khi “vi khuẩn ăn thịt người” tiếp xúc tới lớp cân mạc, một lớp mô liên kết bên dưới da.

Dù viêm cân mạc hoại tử xảy ra không thường xuyên nhưng bệnh vẫn đáng lo ngại vì tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Hội chứng sốc nhiễm độc do “vi khuẩn ăn thịt người” gây ra ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại, được nhiều chuyên gia y tế quan tâm. Bệnh viêm cân mạc hoại tử là bệnh gây nhiễm khuẩn sâu dưới da và tiến triển rất nhanh, do các độc tố của vi khuẩn gây viêm, phá hủy các mô liên kết, mô mỡ, mô cơ. Nếu có cơ hội tiếp xúc với các mô mềm và da ở các vùng bị tổn thương, vi khuẩn ăn thịt người có thể tấn công nhanh và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Bệnh viêm cân mạc hoại tử nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

Viêm cân mạc hoại tử được phân làm 2 loại: Viêm cân mạc hoại tử I và viêm cân mạc hoại tử II. Việc phân chia này dựa trên vi khuẩn gây ra tình trạng tổn thương và hoại tử mô.

Trong số các loại vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử thì liên cầu khuẩn nhóm A beta tan huyết (group A beta hemolytic streptococcal – GABHS) chiếm tỷ lệ nhiều nhất. GABHS là vi khuẩn phổ biến gây ra viêm amidan. Ngoài ra vi khuẩn GABHS còn gây ra tình trạng viêm tai giữa cấp tính, viêm phổi, nhiễm trùng tim mạch, cơ xương, bạch huyết, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não.

liên cầu khuẩn nhóm a beta tan huyết
Liên cầu khuẩn nhóm A beta tan huyết (group A beta hemolytic streptococcal – GABHS).

Triệu chứng nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Những người mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử do vi khuẩn ăn thịt người thường xâm nhập vào cơ thể nhất qua các vết thương hở, đồng thời nó cũng có thể xâm nhập qua: Vết cắt nhỏ, vết trầy xước, côn trùng cắn; thậm chí trong quá trình phẫu thuật (dù rất hiếm gặp). Một số trường hợp, không thể xác định người bệnh đường nhiễm vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử. Một khi đã xuất hiện, viêm cân mạc hoại tử sẽ diễn tiến rất nhanh và phá hủy mô liên kết, mô mỡ và mô cơ. (2)

 Sau 24 giờ nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau mạnh hơn bình thường ở xung quanh vết thương, vết cắt, chỗ trầy xước,…
  • Có các triệu chứng giống cảm cúm như tiêu chảy, buồn nôn, sốt, chóng mặt, khó chịu trong người.
  • Thấy khát nước liên tục.

Những triệu chứng này thường không xuất hiện riêng lẻ mà xuất hiện cùng nhau.

Sau 24 giờ có các triệu chứng bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nếu người bệnh vẫn chưa được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Kể từ sau 3 – 4 ngày nhiễm vi khuẩn ăn thịt, người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng sau:

  • Vùng da xung quanh vết thương sưng, nóng, đỏ, cảm thấy cứng khi chạm vào.
  • Hoặc chuyển sang màu tím, sau đó xuất hiện mụn nước chứa dịch sẫm màu có mùi hôi.
  • Tiêu chảy, nôn mửa.
  • Vùng da xung quanh vết thương mất màu, bong da, tuột da, hoại tử mô.

Khi có các triệu chứng như trên, cần đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu ngay. Trong trường hợp chần chừ để lâu tới 5 ngày, rất có thể sẽ xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như sau:

  • Tụt huyết áp.
  • Lơ mơ, hôn mê.
  • Sốc nhiễm độc.

Khi bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nếu không được cấp cứu kịp thời người bệnh có thể bị tổn thương trầm trọng, bị hoại tử nặng, sốc nhiễm độc,… Nếu bị hoại tử nặng ở tay hoặc chân có thể bị cắt cụt chi, ở tình trạng nặng hơn ảnh hưởng đến các cơ quan khác, bệnh nhân có thể tử vong.

Nguyên nhân bệnh vi khuẩn ăn thịt người

Vi khuẩn ăn thịt người có nhiều ở vùng nước hoặc đất bẩn, chúng còn sống trong ruột, cổ họng, trên da,… nhưng chúng không gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của chúng ta qua các vết thương hở. Khi xâm nhập được vào các mô sâu, vi khuẩn sẽ phóng ra độc gây tổn thương các mô xung quanh với tốc độ rất nhanh. Vi khuẩn ăn thịt người có thể lây từ người này qua người khác nhưng với tỷ lệ không cao.

Những vết thương có nguy cơ cao có thể bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người là:

  • Vết xước hoặc vết cắt trên da.
  • Vết côn trùng cắn.
  • Vết thương do tiêm chích ma túy.
  • Vết thương phẫu thuật.
  • Vết bỏng.
  • Vết thương bị khô da nứt nẻ.

Những người có hệ miễn dịch kém dễ bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người như: (3)

  • Người uống nhiều rượu bia.
  • Sử dụng chất gây nghiện (thuốc lá, ma túy,..)
  • Từng bị bệnh thủy đậu.
  • Bệnh xơ gan.
  • Người bệnh tiểu đường.
  • Mắc các bệnh về tim mạch ảnh hưởng đến van tim.
  • Bệnh phổi, bệnh lao.
  • Bệnh mạch máu ngoại vi.

Vi khuẩn ăn thịt người thường gây bệnh ở các vị trị như: Cánh tay, bàn tay, bàn chân và cẳng chân. Tuy nhiên, vi khuẩn ăn thịt người cũng có thể gây tổn thương ở vùng đầu, cổ, bẹn,…

Vi khuẩn ăn thịt người là gì
Vi khuẩn ăn thịt người có nhiều ở vùng nước hoặc đất bẩn.

Biến chứng bệnh vi khuẩn ăn thịt

Khi tình trạng viêm cân mạc hoại tử diễn ra lâu mà không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Tình trạng bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người lâu ngày có thể dẫn đến: Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc và suy yếu các cơ quan trong cơ thể. Bệnh có thể gây ra những biến chứng suốt đời như: Cắt bỏ tay chân, để lại sẹo nghiêm trọng sau phẫu thuật cắt bỏ mô bị nhiễm trùng. (4)

Theo thống kê, cứ 3 người bị viêm cân mạc hoại tử thì có 1 người tử vong do nhiễm trùng. Trong 10 người bị viêm cân mạc hoại tử có 6 người bị đồng thời cả viêm cân mạc hoại tử và hội chứng sốc nhiễm độc. Hội chứng sốc nhiễm độc là một bệnh rất nghiêm trọng, nó có thể khiến cơ thể bị sốc, huyết áp thấp, suy đa cơ quan. Hội chứng sốc nhiễm độc là do liên cầu khuẩn gây ra, khác với vi khuẩn liên cầu nhóm A.

>> Tham khảo thêm về: Bệnh Whitmore

Khi nào cần đến bệnh viện khám?

Khi thấy các triệu chứng vi khuẩn ăn thịt người cần đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Việc được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa được những biến chứng nặng như cụt chi, nhiễm khuẩn nặng, hôn mê sâu, tử vong,…

Các triệu chứng nặng của viêm cân mạc hoại tử cần được đưa đến bệnh viện ngay:

  • Xuất hiện các vết loét, mụn nước hoặc các đốm đen xung quanh vết thương.
  • Thay đổi màu sắc của da ở xung quanh vùng bị tổn thương (trở nên trắng bạch).
  • Có mủ chảy ra từ vết thương.
  • Người bệnh cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi,
  • Có thêm các triệu chứng đi kèm như tiêu chảy hoặc buồn nôn.

Điều khiến cho bệnh viêm cân mạc hoại tử trở nên nguy hiểm là do tốc độ lây lan và tiến triển rất nhanh (có thể trong vòng vài giờ). Vi khuẩn phóng độc nhanh chóng gây ra hoại tử các vùng xung quanh vết thương, ăn sâu vào các mô và phá hủy kết cấu gây ra tình trạng hoại tử nặng. Tình trạng kéo dài có thể khiến người bệnh bị sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, bị cắt cụt tứ chi, thậm chí tử vong. Vì vậy khi có những dấu hiệu bất thường ở vết thương hở, bạn cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng.

Cách chẩn đoán bệnh vi khuẩn ăn thịt

Khi bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, rất nhanh để vi khuẩn tấn công gây ra những triệu chứng cụ thể. Việc chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt cho người bệnh, tránh được những biến chứng nặng về sau.

Khi phát hiện những triệu chứng của bệnh vi khuẩn ăn thịt người, bệnh nhân cần đi khám ngay. Lúc này, bác sĩ sẽ xem vết thương và các triệu chứng trên cơ thể người bệnh. Nếu được chẩn đoán mắc phải vi khuẩn này, người bệnh có thể làm một số xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Thường được chỉ định cho trường hợp bị nhiễm khuẩn xuất hiện lượng bạch cầu cao.
  • Thiết sinh mô: Phương pháp phẫu thuật thăm dò để loại bỏ một số mô khỏi khu vực bị nhiễm trùng. Mô được gửi đến phòng thí nghiệm để xác định loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Trước khi có kết quả xét nghiệm, người bệnh sẽ được điều trị bằng một số loại thuốc kháng sinh trị nhiễm trùng.
  • Chụp cắt lớp: Còn gọi là chụp CT để bác sĩ biết vị trí tụ dịch và mủ trong cơ thể, thấy được bong bóng khí dưới da và giúp xác định chẩn đoán chính xác hơn.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, người bệnh cần nhập viện và điều trị. Những người thân và bạn bè của người bệnh nếu có tiếp xúc gần kèm theo các triệu chứng bất thường về nhiễm trùng, nên làm xét nghiệm để được chẩn đoán sớm.

Điều trị bệnh vi khuẩn ăn thịt

Bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người tùy thuộc vào mức độ của bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Tổng quan sẽ có những phương pháp điều trị khi bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người như sau:

  • Tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật để loại bỏ mô bị hư hỏng hoặc chết nhằm ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn.
  • Uống thuốc tăng huyết áp  cho người bị tụt huyết áp.
  • Cắt cụt các chi nếu bị hoại tử nặng không thể sử dụng biệt pháp cắt bỏ mô.
  • Sử dụng liệu pháp oxy cao áp để điều trị bệnh: áp suất không khí được tăng lên gấp ba lần so với bình thường. Khi đấy bệnh nhân sẽ nhận được nhiều oxy hơn, máu sẽ mang oxy đi khắp cơ thể giúp chống lại vi khuẩn và kích thích giải phóng yếu tố tăng trưởng và tế bào gốc, giúp quá trình chữa bệnh nhanh hơn.
  • Theo dõi tim và máy trợ thở.
  • Truyền máu.
  • Tiêm globulin giúp hỗ trợ khả năng chống lại nhiễm trùng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị của một bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người gây ra viêm cân mạc hoại tử. Việc được cấp cứu kịp thời vẫn là yếu tố quyết định nhất đến hiệu quả điều trị, nếu tình trạng nhiễm trùng diễn ra càng lâu, kể cả vài tiếng đồng hồ cũng có thể khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Nguy cơ tử vong có tỷ lệ cao ở những trường hợp được điều trị muộn.

Phòng tránh vi khuẩn ăn thịt người

Vi khuẩn ăn thịt người xuất hiện nhiều ở các vùng nước bị ô nhiễm, chúng phát triển mạnh mẽ trong môi trường có độ ẩm cao, đặc biệt làVibrio vulnificus – nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm cân mạc hoại tử. Loài vi khuẩn này sống nhiều ở vùng nước biển ấm. Hầu hết, những người có sức khỏe tốt sẽ không bị viêm cân mạc hoại tử khi tiếp xúc với Vibrio vulnificus. Tuy nhiên, nhóm đối tượng dưới đây lại có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus khi có vết xước hoặc vết cắt nhỏ, bị suy giảm hệ miễn dịch,…

Hiện y học vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng vi khuẩn ăn thịt người hay bệnh viêm cân mạc hoại tử. Để phòng tránh bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, người dân nên áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Xử lý vết thương nhanh chóng: Khi bị thương hãy nhanh chóng xử lý vết thương bằng cách cầm máu, rửa sạch vết thương bằng vòi nước và thấm khô bằng khăn sạch.
  • Luôn giữ cho vết thương sạch và khô ráo: Khi vết thương đã được cầm máu và rửa sạch, hãy băng vết thương bằng băng vô trùng như gạc y tế, băng dán cá nhân. Thay băng nếu vết thương bị ướt hoặc bẩn.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm hoặc gel rửa tay có chứa cồn. Việc rửa tay bằng xà phòng và nước ấm vẫn là cách để giữ bàn tay sạch hiệu quả nhất.
  • Nếu bạn có tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người hãy đến ngay cơ sở y tế để làm một số xét nghiệm, có thể bán sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Hãy rửa tay và chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc vùng đất hoặc nước bẩn.
  • Hãy giữ cho làn da luôn khỏe mạnh, tránh những vấn đề gây tổn thương cho da như nấm da, chàm, khô, nứt nẻ,…
  • Nếu bạn có các vấn đề như suy giảm hệ miễn dịch, suy gan, tiểu đường thì hãy hạn chế tiếp xúc với nước ở sông, biển, hồ, ao, hay vũng nước trên đường,..
  • Nếu có vết thương hở nên tránh tiếp xúc với nước.
  • Khi làm việc phải tiếp xúc với nước và bùn đất nên mang ủng và găng tay dài để bảo vệ da.

Khi có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, người dân nên chủ động đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị hoặc liên hệ Hệ thống BVĐK Tâm Anh:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Ở vùng nông thôn nước ta, nông dân là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người do phải làm việc ở nông trại, ruộng lúa, ao hồ, bờ biển,… Những nơi có độ ẩm cao kèm theo việc phải tiếp xúc ở trong môi trường nước thường xuyên làm tăng cao nguy cơ bị viêm cân mạc hoại tử. Vì vậy, việc trang bị các dụng cụ lao động như ủng cao su, gang tay cao su, là rất cần thiết. Khi nhận thấy các vết thương có dấu hiệu bất thường và dấu hiệu bệnh vi khuẩn ăn thịt người nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Từ khóa » Vi Khuẩn ăn Thịt Người Wiki