Vì Một Việt Nam Hùng Cường - Agribank
Có thể bạn quan tâm
Đã 71 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại lán Hang Bòng (6/5/1951). Từ nơi linh thiêng giữa núi rừng Việt Bắc, Người đã đánh dấu quyết tâm thực hiện khát vọng lớn lao vì nước Việt Nam thịnh vượng bằng việc cho ra đời một ngành đặc biệt gắn với lịch sử dân tộc. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam 71 năm qua đã vượt bao khó khăn, thách thức, không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Từ đấu tranh tới khôi phục và cải tạo kinh tế
Có thể nói, sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một nhân tố quan trọng báo hiệu sự trưởng thành của nền kinh tế, chấm dứt thời kỳ phải gắn tài chính với ngân hàng, phải in tiền để chi tiêu, từng bước chuyển sang những nguyên tắc cơ bản của công tác ngân hàng và hoạt động tiền tệ, phục vụ sản xuất và lưu thông. Từ đây, chúng ta bắt đầu xây dựng nền móng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, mà đến nay chúng ta đang thừa kế, đồng thời hình thành một thể chế quản lý tiền tệ theo những quy luật của khoa học tiền tệ. Đây là một bước tiến lớn, góp phần đắc lực vào những bước tiến to lớn trong các lĩnh vực khác, đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Nhìn lại quãng đường lịch sử có thể nói, giai đoạn năm 1965-1975 là thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” chưa từng có trong lịch sử cận đại Việt Nam khi cả nước đứng trước hai thử thách của lịch sử có ý nghĩa quyết định: Độc lập và chủ nghĩa xã hội. Để cho tất cả binh chủng và các mặt trận có thể triển khai và hoạt động được, cần có tiền và luôn phải có một binh chủng quan trọng: “binh chủng tiền tệ”. Trong “binh chủng tiền tệ” ấy đã có nhiều chiến sĩ hoạt động thầm lặng cả Bắc và Nam, cả trong và ngoài nước, hoàn toàn như một đơn vị đặc nhiệm. Huyền thoại về con đường tiền tệ chi viện cho chiến trường miền Nam cũng đã ra đời trong chính những ngày chiến tranh khói lửa hào hùng ấy, với những mật danh đã đi vào huyền thoại như B29, N2683, C32. Bên cạnh chi viện về tài chính, Trung ương đã cử hàng trăm cán bộ ngân hàng để tăng cường cho chiến trường miền Nam (B68). Họ đã ngày đêm hành quân, vượt suối băng rừng vào Nam thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến năm 1975.
Đoàn công tác ngành Ngân hàng trồng cây tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng
Trước khi đất nước thống nhất, Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng và phương án để tiếp quản. Việc tiếp quản ngân hàng của chế độ cũ nhờ được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng nên đã diễn ra nhanh gọn. Ngày 6/6/1975, thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thuộc chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam chịu trách nhiệm cải tổ hệ thống ngân hàng cũ, xây dựng hệ thống mới; thực hiện chính sách tín dụng; phát hành tiền tệ... Tháng 7/1976, Việt Nam thống nhất về phương diện nhà nước, ngành Ngân hàng cũng tiến hành hợp nhất Bắc - Nam. Năm 1978, phát hành tiền mới, thu hồi cả hai loại tiền ngân hàng cũ ở cả hai miền, thống nhất tiền tệ trong cả nước.
Đổi mới và hội nhập
Tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành trong tình hình có nhiều khó khăn. Đại hội đã khẳng định việc dứt khoát xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh XHCN. Ngành Ngân hàng Việt Nam đã tiếp cận và vận hành theo tinh thần đổi mới cơ chế quản lý và mô hình tổ chức hệ thống với nhiệm vụ tổ chức kinh doanh về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, vàng bạc, thực hiện kiểm soát bằng đồng tiền các hoạt động sản xuất kinh doanh…
Bối cảnh kinh tế lúc đó thật sự là một thử thách khi lạm phát cả năm vẫn ở mức ba con số, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng, đời sống nhân dân khó khăn. Với việc ban hành Nghị định 53-HĐBT, quá trình đổi mới hoạt động ngân hàng ngày càng rõ nét hơn khi chuyển đổi thành mô hình ngân hàng hai cấp. Tại Hội nghị Giám đốc Ngân hàng toàn quốc ngày 26/5/1990, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, vai trò của tài chính - ngân hàng, nhất là ngân hàng trong chiến lược phát triển kinh tế vô cùng quan trọng, nhất là về quản lý vĩ mô nền kinh tế. Tháng 5/1990, hai Pháp lệnh về Ngân hàng đã được ban hành - là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định sự chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động ngân hàng sang cơ chế mới. Tháng 12/1997, Quốc hội đã thông qua Luật NHNN Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, điều này đã giúp cho ngành Ngân hàng tiếp tục vươn lên phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và sẵn sàng hội nhập.
Giai đoạn 2006-2010, trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, những đối sách ứng phó của Chính phủ được NHNN thực hiện trong giai đoạn này đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 ở mức 12,63% và 6 tháng đầu năm 2008 ở mức 18,44%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và chặn đà suy giảm của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam trong các năm 2008-2010 vẫn tăng trưởng dương (riêng năm 2010 tăng trưởng đạt 6,78% - vượt mục tiêu 6,5% đề ra) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm.
Năm 2010, việc Quốc hội khoá XII thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào ngày 16/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 đã tạo nền tảng pháp lý mới, góp phần nâng cao vị thế, trách nhiệm, quyền hạn của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD, phù hợp với các điều ước quốc tế.
Khẳng định huyết mạch nền kinh tế
Bước sang những năm đầu thập kỷ thứ hai thế kỷ 21, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn. Giai đoạn 2011-2020, ngành Ngân hàng trải qua hai giai đoạn tái cơ cấu hệ thống TCTD: 2011-2015 (Đề án 254) và 2016-2020 (Đề án 1058) đã đạt những kết quả nổi bật: thanh khoản hệ thống được cải thiện rõ rệt, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển…
Giai đoạn 2016-2020, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn gia tăng, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhiều nước, trong đó có Việt Nam song mặt bằng lãi suất duy trì ổn định và có xu hướng giảm. NHNN đã điều chỉnh giảm 2-2,5%/năm các mức lãi suất điều hành; tín dụng tăng trưởng phù hợp với mức hấp thụ của nền kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực, đưa Việt Nam trở thành một số ít các nền kinh tế đạt tăng trưởng dương năm 2020.
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin nhà đầu tư, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 cho phép thí điểm xử lý nợ xấu giúp cho công tác xử lý nợ xấu đạt nhiều kết quả; 5 năm qua, NHNN luôn đứng đầu các bộ, ngành Trung ương trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.
Năm 2021 - năm đầu tiên đất nước bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Toàn Ngành tiếp tục ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân do tác động của đại dịch Covid-19… 2021 tiếp tục là một năm mà chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã có đóng góp quan trọng, góp phần vào kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, an toàn hoạt động của các TCTD được đảm bảo, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán, đa dạng hóa dịch vụ tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhờ đó, hoạt động thanh toán có bước tiến vượt bậc về chất lượng, số lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới tiện ích, hiện đại.
Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy, 95% ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã, đang xây dựng chiến lược/thực hiện triển khai chuyển đổi số, trong đó, hơn 75% có kế hoạch số hóa toàn bộ sản phẩm, dịch vụ từ kênh giao tiếp khách hàng (front-end) đến quản trị nghiệp vụ nội bộ (back-end)… Các ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất khu vực trong năm 2021.
Trước vận hội mới mở ra, một trong những định hướng quan trọng mà Nghị quyết tại Đại hội Đảng XIII đề ra là hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Điều này đòi hỏi ngành Ngân hàng Việt Nam cần những giải pháp đáp ứng sự phát triển tình hình mới, đặc biệt trong xu thế hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0.
Với bề dày lịch sử, với niềm tin, sự đồng lòng, quyết tâm, tin tưởng rằng ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình, hoàn thành trách nhiệm mà Đảng và nhân dân trao gửi, góp phần vào sự phát triển của đất nước, hiện thực hoá mục tiêu khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2021”.
Minh Khuê - Thời Báo Ngân Hàng
Từ khóa » Sự Ra đời Của Tiền Tệ Quốc Tế
-
Hệ Thống Tiền Tệ Quốc Tế Là Gì ? Chức Năng, Quá Trình Phát Triển Hệ ...
-
Tiền Tệ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hệ Thống Tiền Tệ Quốc Tế Là Gì? Sự Hình Thành Và Chức Năng?
-
[PDF] Lịch Sử Hệ Thống Tiền Tệ Quốc Tế
-
Quốc Tế Hóa đồng Tiền Và Sự Hình Thành Trung Tâm Tài Chính Tiền Tệ ...
-
Lịch Sử Hệ Thống Tiền Tệ Thế Giới Từ Năm 1821 - VnExpress
-
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) - International Monetary Fund (IMF) | Hồ Sơ
-
Sơ Lược Quá Trình Thành Lập Và Phát Triển
-
Số 25 - Đồng EURO Ra đời Và Những Tác động Của Nó
-
Tái Cấu Trúc Hệ Thống Tài Chính Toàn Cầu Sau Khủng Hoảng - Chi Tiết Tin
-
Phần 3: LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ BẢN CHẤT CỦA TIỀN TỆ - YouTube
-
Tiền Tệ - Ngân Hàng Khu Vực Và Quốc Tế - Bộ Tài Chính
-
IMF Quyết định đưa đồng Nhân Dân Tệ Vào Giỏ Tiền Tệ Quốc Tế - MOFA
-
IMF Cảnh Báo Những Rủi Ro đe Dọa ổn định Tài Chính Toàn Cầu
-
[PDF] LỊCH SỬ HỆ THỐNG TIỀN TỆ QUỐC TẾ - Khoa Quản Trị Kinh Doanh
-
Cơ Quan Của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam
-
[PDF] NHẬN THỨC VÀ XỬ LÝ ĐÚNG ĐẮN CÁC MỐI QUAN HỆ KINH TẾ
-
Cơ Hội Từ Nền Kinh Tế Số Cho Thị Trường Tài Chính-tiền Tệ Việt Nam
-
Tương Lai Của Thị Trường Tiền Tệ Thế Giới - Tin Kinh Tế