Vi Phạm Dân Sự Là Gì? Ví Dụ Vi Phạm Dân Sự - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Vi phạm dân sự là gì?
  • Ví dụ vi phạm dân sự
  • Các hành vi vi phạm dân sự
  • Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự là gì?

Một trong những quan hệ pháp luật điển hình chúng ta thường xuyên bắt gặp đó chính là quan hệ pháp luật Dân sự. Đây là quan hệ luôn vận hành từng ngày từng giờ và được điều chỉnh bằng pháp luật Dân sự. Trong quan hệ pháp luật Dân sự không tránh khỏi những vi phạm hay còn gọi là vi phạm dân sự. Vậy vi phạm dân sự là gì? Cùng với chúng tôi tìm hiểu những thông tin liên quan tới chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Vi phạm dân sự là gì?

Vi phạm dân sự là sự xâm phạm đến các quan hệ nhân thân và tài sản được quy định chung trong bộ luật Dân sự và quan hệ pháp luật dân sự khác được pháp luật bảo vệ, như quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp,…

Khi các vi phạm dân sự xảy ra sẽ bắt buộc phải áp dụng các chế tài dân sự. Chế tài dân sự được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi không trong sự mong đợi được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự khi họ thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự.

Với các chế tài dân sự sẽ được đặt ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mang tính tư giữa các chủ thể trong xã hội với nhau, là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho cam kết giữa các bên được thực hiện.

Nếu như các chế tài hành chính và hình sự mang tính bảo vệ lợi ích công, lợi ích của Nhà nước. Dựa vào mức độ nghiêm trọng thì chế tài hành chính áp dụng đối với các hành vi ít nghiêm trọng hơn chế tài hình sự, do đó các hình thức xử phạt hành chính sẽ ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt áp dụng đối với tội phạm.

Còn đối với chế tài dân sự, nó được đặt ra để bảo vệ quyền và lợi ích mang tính tư giữa các chủ thể trong xã hội với nhau, đây là một điều kiện quan trọng đảm bảo cho giao dịch dân sự không xảy ra những tranh chấp, rủi ro không đáng có.

Ví dụ vi phạm dân sự

Ví dụ 1: Ông A có hợp đồng thuê nhà Ông B, thời hạn thanh toán là 5 ngày đầu tiên của tháng, tuy nhiên hết 5 ngày đầu tháng, Ông A không thanh toán tiền nhà cho ông B. Như vậy, Ông A đã vi phạm nghĩa vụ thành toán với Ông B

Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng với Công ty xây dựng B để xây nhà trong thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc công trình xây dựng kéo dài hơn 12 tháng chưa xong. Như vậy, Công ty B đã vi phạm nghĩa vụ về thời hạn hoàn thành công việc. Vi phạm đó gây thiệt hại là làm cho Công ty A không có nhà để ở và phải tiếp tục mướn nhà ở. Công ty A phải bồi thường số tiền phát sinh này cho bạn đó là trách nhiệm dân sự.

Các hành vi vi phạm dân sự

Các hành vi vi phạm pháp luật dân sự được quy định như sau:

– Vi phạm các nguyên tắc của bộ luật dân sự;

– Vi phạm các điều cấm của bộ luật dân sự;

– Vi phạm nghĩa vụ dân sự;

– Vi phạm hợp đồng dân sự;

– Vi phạm pháp luật dân sự ngoài hợp đồng;

– Các vi phạm khác đối với quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân dân sự

Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự là gì?

Hiểu được vi phạm dân sự là gì? chúng ta tiếp tục tìm hiểu về các chế tài hay trách nhiệm đặt ra khi vi phạm dân sự.

Khi có những vi phạm dân sự xảy ra thì trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ do vi phạm là điều dễ hiểu. Những trách nhiệm đó bao gồm:

– Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ: Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

– Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật:

Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.

Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác; nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.

Trường hợp việc vi phạm nghĩa vụ quy định trên mà gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

– Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

– Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền:

Được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm của khoản tiền vay tại thời điểm trả nợ.

– Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể:

+ Yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc

+ Tự mình thực hiện hoặc

+ Giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.

+ Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.

– Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ

Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời  điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trên đây là những thông tin mà Luật Hoàng Phi đưa ra về vấn đề Vi phạm dân sự là gì? Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Từ khóa » Ví Dụ Về Quy Phạm Của Pháp Luật Dân Sự