Vì Sao Chết Treo Cổ Hay Bị Nghi Ngờ Là án Mạng? (tiếp Theo Và Hết)

Tương tự, trẫm mình thì đàn ông phải nổi ở trạng thái sấp, đàn bà phải ở trạng thái ngửa?!. Kinh nghiệm này là không đúng vì khoa học pháp y thế giới ngày nay đã nghiên cứu đầy đủ về bản chất của quá trình chết treo cổ mà khi trao đổi với chúng tôi, các GĐVPY dùng cụm từ là “cơ chế chết”.

Khi treo cổ con người chết bởi 3 cơ chế sau: Thứ nhất là chèn ép mạch máu vùng cổ. Khi trọng lượng cơ thể kéo xuống, dây treo ép mạnh quanh cổ làm tĩnh mạch cảnh đưa máu về tim bị nghẽn, lúc này nếu chưa chết thì tim vẫn đập và máu vẫn được đưa nên vùng đầu gây ra hiện tượng ứ thừa máu ở vùng phía trên dây treo.

Hậu quả này dẫn đến phù não, ức chế các nhân xám trung ương và các trung khu thực vật quan trọng, trong đó có trung khu chỉ huy tuần hoàn, hô hấp làm ngừng thở, ngừng tim. Một ví dụ để dễ hiểu về hậu quả này là những người cao huyết áp bị tai biến mạch máu não hay những người bị chấn thương chảy máu nội sọ bao giờ cũng bị phù não, vì thế khi vào bệnh viện việc cấp cứu đầu tiên của các bác sĩ là cho thuốc chống phù não ngay tức khắc, nếu không người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong.

Cơ chế thứ hai là chết do phản xạ thần kinh bệnh lý: Khi áp lực từ dây treo tác động vào xoang tĩnh mạch cảnh, hai dây thần kinh sọ não số X ở hai bên cổ, đặc biệt là nhánh thanh quản trên và thanh quản dưới của nó (cùng với một nhánh của dây thần kinh sọ số XI phụ trách phát âm), gây ra một phản xạ truyền về não làm ngừng hoạt động tức khắc hai trung khu chỉ huy hô hấp và tuần hoàn. Nếu cơ chế này phát tác sớm và mạnh nạn nhân sẽ chết rất nhanh trong vòng vài chục giây.

Cơ chế thứ ba là dây treo chèn ép đường thở. Cả 3 cơ chế này hòa quyện, đan xen vào nhau. Trong một số trường hợp cơ chế thứ hai phát tác sớm thì không có hiện tượng giãy giụa; vùng cổ, mặt nạn nhân không phù, tím bầm mà ngược lại trắng bệch, hoàn toàn không có chuyện lưỡi thè, mắt lồi và cũng chẳng lấy đâu ra hiện tượng bài xuất phân, nước tiểu và tinh dịch (gọi là triệu chứng rối loạn cơ tròn). Nếu cơ chế thứ hai không xuất hiện sớm, không nổi trội, nạn nhân sẽ chết chậm hơn, nhưng trung bình cũng chỉ từ 1-3 phút và người càng nặng thì càng chết nhanh vì lực đè ép từ dây treo càng mạnh.

Những trường hợp này sẽ xuất hiện những biểu hiện theo kinh nghiệm lưu truyền do nguyên nhân phù não. Đồng thời, hệ quả thiếu oxy làm não rối loạn, mất vai trò chỉ huy ngay cả với những hoạt động rất người như đại, tiểu tiện, bài xuất tinh dịch do các cơ vòng (tròn) ở cổ bàng quang, hậu môn, cổ túi tinh co thắt bất thường.

Không ít người hỏi rằng người treo cổ đến một lúc nào đó trong quá trình tiến đến cái chết, hối hận, có tự cứu mình được không? Câu trả lời là không thể, vì thời gian còn lại để họ làm việc đó quá ngắn, hơn nữa họ đâu còn đủ cơ lực để thực hiện ý định, ngay cả khi họ treo ở tư thế quỳ, ngồi, thậm chí nằm!

Người dân truyền miệng nhau kinh nghiệm không đúng này thì không thành vấn đề. Tiếc là trong vụ chị Tâm, hướng người dân đi sai đường và làm rối dư luận lại có vai trò đáng kể của vài phóng viên và luật sư thiếu hiểu biết về khoa học pháp y nhưng lại rất mạnh dạn nói... sai, tỉ như phóng viên quá ấu trĩ khi khẳng định như đinh đóng cột “biểu hiện của tiểu tiện, đại tiện (những dấu hiệu bắt buộc phải có ở những người chết vì thắt cổ)”. Họ viện dẫn ông bác sĩ nào chẳng biết hay bịa nhưng nói là “máu chảy ra sau khi chết là máu đông” hay “máu có trước khi chết vẫn có thể không đông vì nó bao gồm máu và huyết tương”.

Nói “máu có (chảy - TG) trước khi chết vẫn có thể không đông” thì đúng, nhưng giải thích “là vì nó bao gồm máu và huyết tương” thì chẳng hiểu gì vì huyết tương chính là một thành phần của máu, nói máu nghĩa là đã gồm huyết tương. Bác sĩ chắc không nói thế?! Thế mà rất tự tin đưa ra “lập luận” này đến hai lần cả ở báo PNVN và báo CL, hay họ hướng dư luận theo phương pháp Gơben? Họ lý sự cơ sở nào nói ép tim ngoài lồng ngực làm gãy xương sườn? Nếu dùng tay ép mà gãy xương nhưng không để lại dấu vết ngoài da “thì có thể một động tác tương tự của người khác khi cố tình treo nạn nhân nên cũng có thể gây ra?”.

Tài liệu Y học nói rõ khi ép tim ngoài lồng ngực có thể làm gãy nhiều xương sườn, thậm chí gãy cả xương ức và thực tế thường thấy thương tích này. Dùng tay ép lên da đương nhiên không để lại các thương tích như bầm máu hay rách da, không như dùng vật cứng tác động, không lẽ họ không hiểu điều này hay cố tình vận kiểu lập lờ đánh lận con đen.

Nói gãy xương do ép tim được thì treo lên cũng gãy được thật là không đúng vì chẳng hiểu gì về chiều hướng lực tác động trên cơ thể người trong các tư thế khác nhau và đúng là nói văng mạng. Bác sĩ điều trị nào đó nói khi ép tim chỉ gãy ở chỗ tiếp giáp giữa xương và sụn cũng là nói sai.

Có vị luật sư cũng giống như bố đẻ nạn nhân “khẳng định”: “Tôi cho rằng đây không phải là một vụ treo cổ tự tử vì hiện trường không có sự giãy giụa. Nút dây thắt quay ra phía trước cổ nạn nhân thường không thể làm chết người được vì không làm ngạt thở. Nạn nhân của những vụ treo cổ có những dấu hiệu khác biệt (đại, tiểu tiện tự nhiên trước khi chết...)”, nghĩa là cũng chỉ có kinh nghiệm truyền miệng, trong khi được biết ở Trường đại học Luật người ta có dạy môn Pháp y?

Theo ông Vân mô tả (khớp với kết luận điều tra) thì dây treo cổ gồm 7 sợi dây giày loại pha nylon hai đầu buộc túm lại, khoảng cách giữa hai nút là 71cm. Như thế, khi tách ra sẽ là một vòng dây khép kín và hai nút kia chính là hai mối nối nhưng vị luật sư này đã “biến” nó thành nút buộc của thòng lọng. Căn cứ vào hình vẽ của ông Vân thì ở cổ nạn nhân có hai vòng dây, một vòng khép kín quanh cổ và một vòng hở tự do không có nút buộc thòng lọng mà chỉ là tình cờ một mối nối ở vào vùng cổ trước của nạn nhân?

Do trí tưởng tượng phong phú nên họ nghĩ ra tình huống nạn nhân bất ngờ bị đánh ngất đi rồi treo lên. Đây là một trường hợp chết người chưa rõ nguyên nhân, cần phải tiến hành đầy đủ các trình tự tố tụng để xác lập chứng cứ vật chất nhằm xác định có dấu hiệu phạm tội hay không chứ không phải viết chuyện trinh thám viễn tưởng. Còn nếu nạn nhân bị đánh, bị xiết cổ bằng dây, bóp cổ bằng tay, bịt mũi miệng... hay đầu độc rồi treo lên thì các GĐVPY ngày nay hoàn toàn có đủ khả năng để xác định những nguyên nhân chết này.

Từ năm 1248, ông quan đề hình Tống Từ, triều Nam Tống đã mô tả đầy đủ (và đúng cho đến bây giờ) các dấu hiệu của chết treo cổ và treo xác chết trong quyển sách pháp y đầu tiên của thế giới là “Tẩy oan luận”. Tuy nhiên, có lẽ còn lâu nữa nhiều trường hợp tự treo cổ vẫn bị những người không biết đầy đủ về thể loại chết này nghi ngờ là án mạng!?

Từ khóa » Siết Cổ Tự