Vì Sao Có động đất? - Tuổi Trẻ Online

Vì sao có động đất? - Ảnh 1.

Trận động đất 7,1 độ richter vừa qua ở Mexico là một trong những trận động đất lớn nhất từng xảy ra ở nước này - Ảnh: REUTERS

Theo các chuyên gia, các rung chấn xảy ra hằng ngày trên Trái đất nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại, thậm chí không thể cảm nhận được.

Tuy nhiên một khi xuất hiện với cường độ cao, động đất gây ra những đợt rung lắc mạnh làm phá hủy cấu trúc của nhiều vật chất, đồng thời có thể kéo theo nhiều hệ quả đáng sợ khác như lở đất, lở tuyết, gây sóng thần…

Ngoài ra động đất cũng thường gây ra hỏa hoạn do hệ thống điện, gas trong các tòa nhà có thể bị hư hại.

Nhiều nguyên nhân

Vì sao có động đất? - Ảnh 2.

Vành đai lửa Thái Bình Dương là một trong những khu vực thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa nhất trên Trái đất - Ảnh: National Geographic

Động đất là hiện tượng rung chuyển của mặt đất, gây ra do kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ ở lớp vỏ Trái đất.

Theo ước tính, 90% trận động đất hiện tại trên Trái đất thuộc loại động đất kiến tạo. Cụ thể, theo thuyết kiến tạo mảng, lớp vỏ Trái đất được hình thành từ các mảng kiến tạo (có 7 mảng kiến tạo chính). Các mảng này không đứng yên một chỗ mà di chuyển liên tục trên một lớp vật chất nóng quánh dẻo.

Trong quá trình dịch chuyển, các mảng có thể va phải nhau, giải phóng năng lượng dưới dạng sóng, là nguyên nhân chính gây ra động đất. Cũng chính vì vậy, động đất thường xảy ra nghiêm trọng hơn tại khu vực giao nhau giữa các mảng kiến tạo.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể làm động đất xuất hiện bao gồm thiên thạch va chạm vào Trái đất, các các vụ lở đất đá (có thể đất đá ngầm) với khối lượng lớn.

Bên cạnh đó, con người cũng có thể gây ra những rung động, ví dụ như sử dụng chất nổ trong quá trình khai thác khoáng sản hay thử hạt nhân trong lòng đất.

Thang đo richter

Động đất tự nhiên thông thường là tập hợp các rung chấn có cường độ khác nhau, kéo dài trong thời gian nhất định từ vài ngày đến vài tháng.

Với công nghệ hiện đại ngày nay, các nhà khoa học có thể xác định được điểm mà các sóng địa chấn được bắt đầu (chấn tiêu) và ước tính cường độ của các trận động đất.

Để làm điều này, các nhà khoa học đã thiết kế ra những thang đo, trong đó phổ biến nhất là thang Richter (đặt theo tên của nhà nghiên cứu địa chấn người Hoa Kỳ). Cụ thể như sau:

Cường độ

Mức độ ảnh hưởng

Động đất từ 1 - 4 richter

Thường không nhận biết được hoặc có thể nhận biết nhưng không gây thiệt hại

Động đất từ 4 - 5 richter

Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể

Động đất từ 5 - 6 richter

Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng bị nứt

Động đất từ 6 - 7 richter

Nhà cửa bị hư hại nhẹ

Động đất từ 7 - 8 richter

Cường độ mạnh, có thể phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, thường để lại vết nứt lớn hoặc gây hiện tượng sụt lún trên mặt đất.

Động đất từ 8 - 9 richter

Cường độ rất mạnh tần suất khoảng 1 lần mỗi năm, có khả năng phá hủy gần hết cả thành phố, để lại nhiều vết nứt lớn, hoặc khiến cho vài tòa nhà bị lún.

Động đất trên 9 richter

Tàn phá cực lớn. Rất hiếm khi xảy ra, khoảng 1 lần mỗi 20 năm.

Ước tính, mỗi năm trên Trái đất có chừng 500.000 đến 1 triệu vụ rung chấn địa chất mà các dụng cụ có thể ghi nhận được. Trong số đó có khoảng 100.000 vụ con người có thể cảm nhận được và tầm 1.000 vụ để lại thiệt hại.

"Cú đánh" mạnh nhất lịch sử thế giới

Vì sao có động đất? - Ảnh 3.

Cho đến nay, trận động đất Valdivia 9,5 độ richter ở Chile vẫn là trận động đất có cường độ mạnh nhất trên Trái đất - Ảnh: Pierre St. Amand

Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử có tên Valdivia xảy ra ở Chile ngày 22-5-1960, mạnh 9,5 độ richter khiến gần 5.000 người thiệt mạng và bị thương, đồng thời hơn 2 triệu người mất nhà cửa.

Kèm theo động đất, sóng thần xuất hiện và tàn phá Puerto Saavedra, một cảng biển của Chile. 38 giờ sau động đất, núi lửa Volcán Puyehue phun trào, đồng thời gây ra cột tro bụi cao khoảng 8km càng làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Kết quả, thảm họa gây thiệt hại khoảng 550 triệu USD cho đất nước hình quả ớt này.

Động đất ở Việt Nam: số lượng nhiều hơn, cường độ yếu hơn

Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất mạnh là động đất Điện Biên (năm 1935) xảy ra ở đứt gãy Sông Mã mạnh 6,75 độ richter. Trận thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983) ở đứt gãy Sơn La, với cường độ 6,8 độ richter. Tuy nhiên chúng không gây thiệt hại đáng kể.

Từ năm 2005 trở lại đây, có vẻ ngày càng xuất hiện nhiều trận động đất hơn, có năm nhiều hơn đến 10 trận. Tuy nhiên theo các chuyên gia, động đất ghi nhận được có cường độ thì yếu hơn trước đây.

Ngày nay, những vùng có nguy cơ chịu động đất nhiều nhất ở nước ta là khu vực Tây Bắc, vùng núi khu vực Thừa Thiên - Huế - Quảng Nam cũng như các tỉnh nam miền Trung.

Từ khóa » đất Là Hiện Tượng Gì