Vì Sao Hàng Loạt Ngành Hàng Xuất Khẩu Vào EU Giảm Mạnh?

Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng chững lại, thậm chí giảm và có tâm lý “găm hàng” chờ hưởng lợi từ EVFTA.

Trong tháng 11/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang hai thị trường Mỹ và EU đều giảm mạnh lần lượt là 60,2% và 36% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng chững lại. Tính đến tháng 11/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU đã giảm 1,26% so với cùng kỳ năm 2018.

Thống kê kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường EU cũng cho thấy sự sụt giảm. Trong đó điện thoại và linh kiện giảm 16%, cà phê giảm 16,3%, thuỷ hải sản gần 13%. Dự kiến trong năm 2019, xuất khẩu vào EU đạt khoảng 41,8 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2018.

Ông Vũ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho kim ngạch sụt giảm là do xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển nóng. Các mặt hàng nông sản như cafe, hạt tiêu, hạt điều chủ yếu là xuất khẩu thô bị tác động mạnh từ giá cả thế giới giảm mạnh do nguồn cung tăng cao.

Bên cạnh đó là hàng rào kỹ thuật với các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU..

Liên quan đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU trong năm 2019 dự kiến đạt khoảng 1,5 tỷ USD thấp hơn 500 triệu USD so với kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân là do ngành thủy sản chịu tác động của việc bị EU rút thẻ vàng do chưa tuân thủ các quy định của EC về việc đánh bắt cá trái phép.

Ngoài ra, việc sụt giảm kim ngạch mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử cũng tác động đến kết quả xuất khẩu sang châu Âu. Việc sụt giảm này được lý giải là do phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó điển hình là việc Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10 và mặt hàng máy tính bảng sang EU.

Một nguyên nhân khác nữa cũng được nhắc đến là có thể xuất hiện hiện tượng chững lại trước khi EVFTA có hiệu lực, là các doanh nghiệp có thể muốn "găm" hàng để hưởng lợi từ các cam kết trong EVFTA.

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, năng lực tham gia thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Muốn thâm nhập vào thị trường EU, các sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý để tham gia vào các yêu cầu bổ sung mà các nhà phân phối đặt ra để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần thúc đẩy hàng Việt Nam trực tiếp đến các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ châu Âu.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường kết nối chuỗi sản xuất, bám theo xu thế tiêu dùng, sáng tạo; có các giải pháp đi kèm và tương tác trực tiếp, liên tục, tức thời với khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải học hỏi pháp lý, đồng hành với Chính phủ, làm theo thay đổi của Chính phủ vì thời đại của quản trị bất định và quản trị rủi ro lên ngôi.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trên thế giới với tăng trưởng thương mại giai đoạn 2000-2015 đạt 20% và giai đoạn 2015-2018 đạt 10%.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong EU là Hà Lan, Đức, Pháp, Anh. Cơ cấu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ sung, Việt Nam xuất khẩu sang EU các sản phẩm hàng tiêu dùng gồm: máy tính, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, nông, thủy sản. Trong đó điện thoại và máy tính chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Hiện sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm 9% thị phần hàng hóa NK vào thị trường EU, chè, cà phê chiếm 14%; dệt may, máy móc thiết bị, điện thoại, thủy sản, hoa quả và các loại hạt chiếm khoảng 4%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU các sản phẩm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, kinh kiện vận tải, sắt thép...

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế cho biết, dự kiến Uỷ ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bỏ phiếu trình phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) vào tháng 1/2020. Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phê chuẩn vào tháng 2/2020.

Như vậy, có thể hy vọng rằng hiệp định EVFTA sẽ được thông qua và bước vào giai đoạn thực thi trong nửa đầu năm 2020.

EVFTA dự kiến có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm hiệp định này có hiệu lực là hơn 99%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn Enternews

Từ khóa » Eu Xuất Khẩu Sản Phẩm Chủ Yếu Nào Vào Thị Trường Việt Nam