Vì Sao Nên Chuẩn Bị Kế Hoạch Về Hưu Ngay Từ Khi Mới đi Làm?

"Thời điểm nào mới cần chuẩn bị kế hoạch về hưu?". Câu trả lời của các chuyên gia luôn là "ngay bây giờ".

Tại Mỹ, một cuộc khảo sát gần 4.500 người trưởng thành của công ty bảo hiểm New York Life cho thấy, nhóm đã về hưu hối tiếc khi trung bình đến 42 tuổi mới chuẩn bị kế hoạch hưu trí. Khoảng 46% nói rằng họ ước bản thân bắt đầu chuẩn bị ở độ tuổi trẻ hơn, khoảng 30 tuổi.

Trong khi đó, nhóm tuổi chưa nghỉ hưu đã bắt đầu quá trình lập kế hoạch từ sớm. Thế hệ Millennials (sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) bắt đầu chuẩn bị cho việc nghỉ hưu vào khoảng 29 tuổi. Nhóm Gen Z (sinh từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) bắt đầu chuẩn bị khoảng giữa độ tuổi từ 22 đến 23.

Chuyên gia Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho rằng, tận dụng sức mạnh thời gian chính là ưu thế đối với người trẻ cho kế hoạch hưu trí của bản thân. Dưới đây là một số lợi ích nhờ chuẩn bị cho việc nghỉ hưu từ sớm.

Giảm bớt áp lực tài chính

Nhiều bạn trẻ vẫn nhầm tưởng xây dựng kế hoạch hưu trí chỉ nên bắt đầu khi đã có công việc với mức lương cao theo kỳ vọng, hoặc sắp đến tuổi trung niên. Chuyên gia DCVFM cho rằng, đây là một suy nghĩ sai lầm.

Việc tận dụng sức mạnh thời gian sẽ giúp bạn tích lũy đầu tư về già một cách dễ dàng hơn. Lấy giả định, bạn muốn về hưu ở tuổi 60, đầu tư 12 triệu đồng mỗi tháng vào một loại tài sản có lợi suất 15% mỗi năm. Nếu bạn bắt đầu vào năm 30 tuổi, số tiền thu được năm 60 tuổi chi tương đương 49% số tiền nhận được nếu đầu tư ở tuổi 25. Cụ thể là bạn chỉ có hơn 70 tỷ đồng so với hơn 140 tỷ đồng khi đầu tư muộn hơn 5 năm. Ví dụ trên đã cho thấy thời gian với sức mạnh lãi kép sẽ là một lợi thế rất lớn đối với việc chuẩn bị hưu trí sớm.

Theo HSBC, càng tích lũy sớm mỗi người càng tiết kiệm dễ dàng hơn. Thông thường, bạn sẽ có thu nhập lớn hơn trong độ tuổi 20-40. Sau 40 tuổi, trách nhiệm của bạn tăng lên đáng kể, với các cam kết tài chính như chi trả cho việc học của con, thanh toán khoản vay thế chấp mua nhà... Nếu bạn chỉ bắt đầu tiết kiệm vào thời điểm trên, việc tích lũy tiền cho nghỉ hưu sẽ khó khăn hơn.

Để phòng ngừa rủi ro và an toàn vốn, bên cạnh việc duy trì đóng Bảo hiểm xã hội, người lao động còn có thêm hình thức quỹ hưu trí tự nguyện. Theo chuyên gia Dragon Capital Việt Nam, đây cũng là cách giúp người lao động khi về hưu có thể duy trì mức sống ổn định sau khi nguồn thu nhập chính bị giảm sút so với giai đoạn làm việc. Nếu muốn đa dạng kênh đầu tư, bên cạnh quỹ hưu trí tự nguyện, người lao động trẻ có thể rót tiền vào các kênh như vàng, gửi tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu... như một cách tích lũy sinh lời cho tuổi về hưu.

"Dù là hình thức đầu tư nào, việc bắt đầu kế hoạch hưu trí từ sớm sẽ giúp bạn giảm áp lực tài chính, đảm bảo việc chi tiêu tối thiểu và có cuộc sống ý nghĩa khi đủ khả năng làm điều mình muốn", chuyên gia DCVFM nói.

Tăng điều kiện sống lâu hơn

Thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, người Việt có tuổi thọ trung bình cao (gần 74 tuổi) song số năm sống khỏe lại thấp. Phần đông người cao tuổi phải đối mặt với ốm đau, bệnh tật. Phụ nữ Việt có tuổi thọ trung bình 77,1 nhưng đến 11 năm sống chung với bệnh. Tuổi thọ trung bình của nam giới là 74,4 thì có 8 năm mắc bệnh. Mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3-6 bệnh nền, hầu hết bệnh mạn tính, đòi hỏi điều trị, chăm sóc lâu dài, cần có điều kiện tài chính.

Vì thế, chúng ta cần thêm nguồn tài chính để kéo dài những "năm tháng vàng son". Với tuổi nghỉ hưu chính thức thường vào khoảng 62 tuổi, người Việt Nam cần thu nhập hưu trí để duy trì cuộc sống khỏe mạnh trong 12-15 năm. Thông thường, để duy trì cuộc sống tương đương mức trước khi nghỉ hưu, mỗi người cần 70-75% mức lương bình quân trong 5 năm gần nhất. Để tính đơn giản, bạn lấy 75% thu nhập hàng năm ở thời điểm hiện tại và nhân với 12 hoặc 15 năm, từ đó có thể hình dung quy mô tài sản cần tích lũy. Đó là chưa kể các khoản chi lớn đến từ những bất trắc thường trực về sức khỏe hay tai nạn...

Khi bắt đầu kế hoạch hưu trí sớm và tích lũy, đầu tư sớm tương ứng, ta có nhiều thời gian và nguồn tài chính hơn cho tuổi về già. Thay vì chạy đua trong 5-10 năm cuối tuổi lao động, quãng đường dài hàng chục năm có thể giúp bạn gom góp vượt số tiền mục tiêu gấp nhiều lần. Từ đó, bản thân đủ khả năng tự tin hơn khi đối mặt với các rủi ro của tuổi xế chiều.

Biết mục tiêu, tạo động lực

Kế hoạch hưu trí càng rõ ràng bao nhiêu, bạn càng có bấy nhiêu động lực để kiểm soát chi tiêu, cố gắng tăng thu nhập và sống có mục tiêu rõ ràng nhằm chuẩn bị kỳ nghỉ hưu an nhàn. Việc tạo nguồn thu nhập chủ động nhằm tích lũy để tạo nguồn thu nhập thụ động giúp bạn không chỉ có phần lương hưu bền vững mà còn sớm đạt tự do tài chính.

7 cấp độ tự do tài chính được thiết kế bởi Grant Sabatier - triệu phú tự thân từ tuổi 30, là một trong những người tiên phong cho trào lưu FIRE (độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm). Nguồn:CNBC

7 cấp độ tự do tài chính được thiết kế bởi Grant Sabatier - triệu phú tự thân từ tuổi 30, là một trong những người tiên phong cho trào lưu FIRE (độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm). Nguồn: CNBC

Theo chuyên gia, bạn có thể áp dụng quy tắc phân bổ tối thiểu 5% thu nhập hằng tháng cho kế hoạch hưu trí khi mới có công việc đầu tiên. Theo thời gian có thể gia tăng, giai đoạn sau 45 tuổi bạn nên phân bổ từ 40-50% thu nhập vào hưu trí.

Bên cạnh xác định mục tiêu tài chính, bạn nên có mục tiêu sống khi về hưu. Điều này quan trọng không kém. Phác họa trước những việc sẽ làm khi nghỉ hưu là một phương pháp tốt giúp tạo động lực để theo đuổi kế hoạch. Có thể, nghỉ hưu là giai đoạn mà bản thân có thể rũ bỏ công việc không yêu thích và theo đuổi đam mê. Một số người chọn về hưu là cách giúp cải thiện hơn sức khỏe và dành cho thời gian chăm sóc phụ huynh, quan tâm con cái, chia sẻ gánh nặng với bạn đời. Nhiều người lại chọn việc đi du lịch, học thêm những kỹ năng hay môn học mới...

Tất Đạt

Từ khóa » Tích Lũy Tiền Nghỉ Hưu Vnexpress