Vì Sao Ta Không Thể Tự Cù Lét Mình? | Vietcetera

Billboard banner17 Thg 03, 202117 Thg 03Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ NãoVì sao ta không thể tự cù lét mình?Bị cù lét khiến ta cười một cách miễn cưỡng. Như khi nó trở thành một hành động tự nguyện thì lại… không có gì xảy ra. Vì sao chúng ta không thể tự cù lét mình?Tài ThyTài ThyVì sao ta không thể tự cù lét mình?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Cù lét, hay thọc lét, từ lâu đã luôn được xem là chiêu thức “tra tấn" khoan dung nhất của con người. Với vũ khí là đôi tay, cù lét thường hiệu quả nhất khi tập trung vào những vùng như nách, mạng sườn, hoặc chí mạng nhất là lòng bàn chân. Hiện tượng cù lét xảy ra ở mọi nơi và với mọi người.

Bị cù lét khiến ta cười một cách miễn cưỡng. Như khi nó trở thành một hành động tự nguyện thì lại… không có gì xảy ra. Vì sao chúng ta không thể tự cù lét mình?

Yếu tố bất ngờ đóng vai trò rất quan trọng

Tiểu não là bộ phận điều phối các nhóm cơ để tạo ra các chuyển động ăn ý của cơ thể, ví dụ như chạy bộ, ném bóng hoặc đạp xe. Vì luôn nhận thức được những cử động của cơ thể, tiểu não cũng có khả năng dự đoán được những cảm giác đi kèm, ví dụ như sảng khoái hay chóng mặt.

Khi bạn quyết định tự cù lét, tiểu não sẽ biết chuyển động của tay và dự đoán được phản ứng nhột trên vùng bị cù lét. Não biết điều này và ngăn cơn buồn cười của bạn. Tất nhiên, tiểu não không thể nhận thức được hành động của người khác. Vì vậy, bạn sẽ luôn cười khi bị cù lét, dù có được báo trước hay không.

tickle1
Khi bạn quyết định tự cù lét, não sẽ biết điều này và ngăn cơn buồn cười của bạn.

Thế lực nào khiến chúng ta nhột?

Khi bị ngoại lực tác động, não bộ sẽ kích hoạt vùng dưới đồi, bộ phận chịu trách nhiệm cho các phản ứng cảm xúc như hưng phấn, đau đớn, và cả cơ chế “chiến-hay-chạy". Vì vậy cảm giác nhột khi bị cù lét có thể không phải do bạn đang vui, mà chỉ đơn thuần là một phản ứng tự nhiên.

Trên lý thuyết, có hai dạng nhột là knismesis và gargalesis (tạm dịch: nhột gây ngứa và nhột gây cười):

  • Knismesis — nhột gây ngứa — là cảm giác khi một vật thể tiếp xúc nhẹ lên da khiến bạn ngứa ngáy và lập tức muốn đưa tay lên gãi. Ví dụ như bị côn trùng bò lên người, hoặc tóc mai lượn lờ trên mặt, hoặc đơn giản là mơn trớn đầu ngón tay trên da. Đây cũng là loại nhột mà chúng ta có thể tự gây ra cho mình.
  • Gargalesis — nhột gây cười — là loại nhột dữ dội hơn, khiến chúng ta phải bật cười khi liên tục bị tác động vào vùng da nhạy cảm trên cơ thể. Nhột gây cười chỉ có thể được tạo ra bởi người khác.

Vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau về việc vì sao chúng ta lại nhột. Nhiều người cho rằng nhột là sự tương tác giúp củng cố các mối quan hệ, vì ta thường bị thu hút bởi những điều tích cực, cụ thể là nụ cười.

Số khác lại cho rằng nhột là phản ứng phòng vệ, báo hiệu cho bạn khi những vị trí nhạy cảm bị “tấn công.” Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy não tiếp nhận và xử lý việc bị cù lét tương tự như khi bạn đang trải qua một cơn đau. Điều này có thể lý giải cho việc tại sao hầu hết mọi người đều không mấy hứng thú khi nhột, và thường rụt người lại khi bị cù.

tickle2
Cảm giác nhột khi bị cù lét có thể không phải do bạn đang vui, mà chỉ đơn thuần là một phản ứng tự nhiên.

Vậy có cách nào không nhột khi bị cù lét không?

Theo tiến sĩ Emily Grossman, một cách hiệu quả để giảm nhột khi bị cù lét là đặt tay bạn lên tay người cù lét. Việc này sẽ “hack” não và khiến nó tưởng rằng các cú chạm đang đến từ bạn, một nguồn cơn quen thuộc. Não sẽ dự đoán được các cử động và vùng phản ứng tốt hơn, giúp bạn không thấy buồn cười.

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ?

Tuy không thể tự cù lét mình, bạn hoàn toàn vẫn có thể tự làm mình cười bằng nhiều thứ khác nhau, ví dụ như xem hài kịch, nói đùa hoặc nhớ về những điều hài hước.

Dân gian có câu “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt, và cười cũng vậy. Cười “quá mạng” có thể gây ra nhiều rủi ro về hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong, cụ thể:

  • Đột quỵ do phình mạch não
  • Hen suyễn
  • Động kinh
  • Ngạt thở
  • Ngất phế vị

Và đương nhiên, không ít người đã ra đi vì cười quá nhiều. Thậm chí còn có trường hợp thiệt mạng vì tự cười... câu đùa của mình. Trùng hợp thay, đây còn là một triết gia về chủ nghĩa khắc kỷ. Cơ bản là ông ta “không thể kiểm soát những gì xảy đến với mình, vì đơn giản là ông ấy không thể.”

Mỗi khi cười quá nhiều, hãy nhớ rằng bạn đang “vào sinh ra tử." Vậy nên, vui thôi đừng vui quá nhé bạn mình ơi!

>> "Đường cong quên lãng" là gì? Hiểu để ghi nhớ tốt hơn>> Những gam màu kể gì về một người bác sĩ phụ khoa?>> Ái kỷ trong giao tiếp sẽ phá huỷ cuộc hội thoại như thế nào?#Tâm lý

Từ khóa » Cách Cù Lét